Vô Niệm, Vô Tâm

− Hỏi: “Thưa thầy, con có một câu hỏi rất mong được thầy giải đáp, đó là: Nhiều người hiểu rằng một người tu tập sống “thiểu dục tri túc”, đối với chuyện trên đời không còn ham thích? “Vô niệm” hay không chấp một niệm nào thì dần dần sẽ trở thành “vô tâm”? ... Con hiểu rằng, không phải vô tâm mà khi tâm lặng, dừng phiền não sinh diệt, nhất định từ bi sẽ hiện thì sao lại thành người vô tâm ... Mong Thầy từ bi chỉ dạy cho con ạ!”. (14/01/2020 11:19:46; Phạm Thuỳ; TP Hồ Chí Minh)
Đáp: Mình xin chia câu hỏi thành ba phần để trả lời!!!
25.1. Nhiều người hiểu rằng một người tu tập sống “thiểu dục tri túc”, đối với chuyện trên đời không còn ham thích?
Bản thân cụm từ “thiểu dục tri túc” có nghĩa là, ít ham muốn và luôn biết đủ!!! ... Đây là điều kiện cơ bản để người tu hành hết phiền não, tìm đến an vui chân thật!!!
An vui chân thật theo tinh thần Phật đạo, là thứ an vui do “ham muốn đã được chế ngự” và “bằng lòng với những gì đang có” ... Có nghĩa là, vị ấy thản nhiên trong đời sống, không tham vọng khi chưa có, không thất vọng khi chưa đạt, và không hi vọng khi hành động!!!
Có năm thứ ham muốn thuộc về cõi dục người ấy phải chế ngự, đó là: Chế ngự khi mắt thấy sắc, chế ngự khi tai nghe âm thanh, chế ngự khi mũi ngửi mùi hương, chế ngự khi lưỡi nếm các vị, chế ngự khi thân xúc chạm!!!
Bằng lòng với những gì đang có là: Giàu hay nghèo, nhiều hay ít, thắng hay thua, được hay mất, v.v... Cũng không vì thế sinh tâm muộn phiền, luôn tự biết rằng “nhân duyên nó như vậy”!!! ... Chính cách sống này, sẽ giúp người tu hành an bình trước mọi cảnh duyên... Nhờ thế, tâm thức không dao động, an tâm tu tập, có được niềm vui không do được, mất, hơn, thua làm nên, Phật đạo gọi niềm vui này là tự vui hay niềm vui chân thật!!! ... Chân thật vì bởi an vui đó không do cái gì làm ra, nên nó sẽ không bị mất đi!!!
Kinh cũng dạy: “Tri túc chi nhơn, tuy ngọa địa thượng du vi an lạc, bất chi túc chi nhơn, tuy xứ thiên đường diệt bất xưng ý”. Nghĩa là: Người biết đủ, dù nằm trên đất cát vẫn an lạc, trái lại, người không biết đủ, dù ở cung trời cũng không vừa ý.
Theo những gì trao đổi ở trên, cái câu: “Nhiều người hiểu rằng một người tu tập sống thiểu dục tri túc, đối với chuyện trên đời không còn ham thích”!!! ... Theo mình thì, câu nói này rất đúng với một người đang bước chân vào con đường tu hành!!!
25.2. “Vô niệm hay không chấp... niệm nào thì dần... trở thành vô tâm”?
Để trả lời câu hỏi này, đầu tiên chúng ta phải thống nhất thuật ngữ!!! ... Vì rằng, khi chưa thống nhất thuật ngữ, mọi kết luận giữa người nói và người nghe khi đưa ra sẽ không thống nhất!!! ... Đây là lí do vì sao, hai người tu hành hay hai người không cùng cảnh giới, khi trao đổi Phật pháp thường xảy ra bất đồng ý kiến!!! ... Giống như chuyện, “ông nói gà, bà hiểu vịt”!!! Một vật thể đặt trước mặt, khi chưa thống nhất quan điểm còn xảy ra tranh luận, huống gì cảnh giới tâm thức!!!????
Trong câu hỏi, có hai thuật ngữ chúng ta cần làm sáng tỏ để thống nhất ý nghĩa của nó: đó là: “Vô niệm” và “vô tâm”!!!
a) Vô niệm: Đồng thời là chữ vô niệm, nhưng người nói và người nghe hiểu như thế nào về thuật ngữ này, cả hai đã đạt được cảnh giới đó hay chưa???
Theo mình thì, nếu một trong hai người (hoặc cả hai) chưa hiểu ý nghĩa, chưa chứng thật cảnh giới “vô niệm” thì bàn sao đây!!!??? ... Để rõ “vô niệm” là gì, xin trích một bình luận về vô niệm đầy đủ ý nghĩa và dễ ứng dụng như sau:
“Vô niệm: Không khởi trong lòng một quan niệm nào hết (đúng, sai, thiện, ác...) về sự việc đã diễn ra... Không phán xét, không đem sự việc ấy vào trong lòng!!!... Lục Tổ dạy: Lấy vô niệm làm tông, vô tướng làm thể, vô trụ làm gốc!!!”
b) Vô tâm: được cả “thế gian” và “xuất thế” sử dụng...
- Thế gian: “vô tâm” được hiểu như một tính từ, vô tâm có nghĩa rằng: Không hay để ý, cả đến những điều người khác thường chú ý... “vô tâm nên nói trước quên sau”, “người vô tâm”, “đàn ông vô tâm”, v.v...!!!
- Xuất thế gian: Trong Phật đạo, “vô tâm” (hay không tâm), là thuật ngữ để chỉ cảnh giới của người giác ngộ đã chứng diệt đế... Nó hoàn toàn không giống ý nghĩa chữ “vô tâm ở đời”!!! ... Vô tâm của cảnh giới của người đã giác ngộ là, khi đối cảnh, vị ấy không sinh khởi các thứ tâm hư vọng như những gì kinh Kim Cang đã dạy: “Bất ưng trụ sắc sinh tâm... Bất ưng trụ thinh, hương, vị, xúc, pháp sinh tâm... Ưng vô sở trụ nhi sinh kì tâm”!!!
Theo những gì đã trình bày trên, ta có thế thấy “vô tâm” và “vô niệm” trong Phật đạo chỉ là hai mặt của một vấn đề!!! ... Cái này thành tựu, tức thì cái kia thành tựu!!! ... Cái này sanh diệt, tức thì cái kia sanh diệt!!! ... “Nhất chơn, nhất thiết chơn”!!!
Cho nên, câu nói: “Vô niệm hay không chấp một niệm nào thì dần dần sẽ trở thành vô tâm”!!! ... Câu nói này nhất định có vấn đề (theo quan điểm Phật đạo), và người nói chắc chắn không phải là người am tường Phật đạo!!! ... Vì rằng, người thật sự giác ngộ cảnh giới vô niệm chẳng bao giờ nói như thế, do họ biết rõ niệm và tâm tuy hai mà một, hai thứ ấy như bóng với hình... Cái này là thể, thì cái kia là dụng... Làm gì có chuyện “dần dần”!!!
25.3. Con hiểu... không phải vô tâm mà khi tâm lặng, dừng phiền não sinh diệt, nhất định từ bi sẽ hiện thì sao lại thành người vô tâm...?
Kết luận của bạn..., theo mình là “có thể chấp nhận” đối với cảnh giới tu tập của bạn hiện nay!!! ... Cứ như kết luận (tạm thời) ấy mà tu tập!!! ... Cứ như hiểu biết đó mà ứng dụng vào đời sống, nhất định phiền não sinh diệt sẽ tịch diệt và từ bi sẽ nảy nở!!! ... Đây là con đường đúng!!! ... Ha ha ha ha!!! ... Lúc này, vô tâm hay hữu tâm chưa quan trọng, mà ưu tiên một là, làm thế nào để phiền não sinh diệt chấm dứt, từ bi tâm phát khởi!!!
֎ Một vài góp ý!!! ... Đối trước phát biểu của ai đó về đạo pháp, không nên vội kết luận phát biểu ấy là đúng hay sai, cũng không nên tranh biện, mà phải “lặng lẽ quan sát” và sau đó, ta thực hiện những bước sau:
− Đánh giá mức độ tu tập của người nói: Ở đời, có rất nhiều người chưa từng tu tập, không hiểu gì về Phật đạo, hoặc hiểu rất mơ hồ nhưng thích phê phán (bình luận) người tu hành!!!
− Để ý xem, người nói có hiểu đúng điều mình đã nói hay chưa: Ở đời, có rất nhiều người học thuộc văn tự mà không hiểu hoặc hiểu sai ý nghĩa... Vì thế, khi người ấy nói hay viết, văn tự cùng ý nghĩa không chính xác (lộn lạo giữa thế gian và xuất thế) ... Nói, viết để thoả mãn nhu cầu được nói (hay viết), hơn là nói có trọng tâm và đúng ý nghĩa để lợi mình, lợi người!!!
Xem xét từng đối tượng cụ thể, sau đó ta có những ứng xử thích hợp!!! ... Ví dụ:
- Với người nói sai nhưng biết lắng nghe, ham thích tu tập... Xét thấy hợp thời, ta ôn tồn điều chỉnh tri kiến của họ, có những giải thích phù hơp tâm cơ hiện tại của người đó, và giúp họ đi đúng hướng!!!
- Với người hiểu sai, không biết lắng nghe, tâm tình cố chấp, bụng dạ hẹp hòi, chỉ muốn đấu tranh, đầy rẫy tà kiến, ham nói hơn nghe... Ta nên im lặng, tìm cơ hội “chuồn” cho lẹ để khỏi phiền phức!!!
- Với người không hề biết Phật pháp là gì, chẳng thích tu hành, không ưa đạo pháp... Nhưng gặp người tu hành là chỉ trích, bắt bẻ... Đối với hạng người này, nên dấu kín chuyện tu tập... Giả lả cho qua chuyện, nếu cần, nói vài câu cho họ mát dạ... (để mai mốt còn được ăn, uống cà phê miễn phí!!!)
- Cuối cùng!!! ... Mỗi một thuật ngữ của Phật đạo, đều là những từ ngữ chỉ cảnh giới tu hành... Không cùng cảnh giới, không đồng thuận ý nghĩa, rất khó bàn luận!!! ... Hy vọng, những gì đã trao đổi, bạn... sẽ có đủ tự tin trong tu học, cũng như có những hành xử phù hợp trong giao tiếp!!! ... Chúc bạn... an vui, tinh tấn!!!
Xin giới thiệu đến các bạn môn “Thám Phúc Công” (Trích Tâm Pháp; NXB Hội Nhà Văn; Lý Tứ)
“Lão Huynh ơi! Lão Huynh chuyên nghề mua bán, để tránh lầm đồ dỏm đồ giả, tôi có môn công phu gọi là Thám Phúc Công, môn công phu này có cái hay riêng của nó, đó là sờ cái bụng mà biết cái tâm. Vì thế mới có tên là Thám Phúc. Luyện thành công phu này, cái miệng người đời dù nói nhiều hay ít cũng không gạt được Lão Huynh, bán buôn nhất định thắng lợi...!!!
Để tôi nói sơ lược công phu này cho Lão Huynh nghe, vui thì luyện, buồn thì thôi thành hay không chẳng hại gì...!!!
Khi gặp người tu hành, muốn biết thiệt giả, chỉ cần Lão Huynh lấy năm ngón của bàn tay phải của mình, lật ngược gõ gõ vào bụng của họ... Nếu nghe tiếng bịch bịch như trái mít chín cây, Lão Huynh lại chú tâm định thần, thoảng nghe có mùi khai khai thì biết hạng này trong bụng chỉ chứa toàn xôi chuối, mau mau cúng dường một ít rồi đảnh lễ mà lui...!!!
Nếu Lão Huynh gõ gõ bàn tay vào bụng mà nghe lộc cộc như cua ốc bò trong thau đồng, lại có mùi hôi mốc thì Lão Huynh biết người này tạp văn chứa đầy trong bụng, tà kiến toàn thân, mau mau cúng dường một liều thuốc xổ, để lâu có hại cho người...!!!
Còn nếu đó là tiếng cạch cạch như gõ vào gỗ quý, lại có mùi thơm giáng hương, thì biết người này đầy bụng Kinh Điển nhưng chưa tiêu hoá được, phải cấp tốc cúng dường vài hộp thuốc tiêu...!!!
Cuối cùng nếu Lão Huynh gõ vào mà nghe như tiếng thùng rỗng, kêu dậy trời lại có mùi chiên đàn thì mau mau sụp gối lễ lạy để nghe đạo lý. Bằng không được thì phải đấm lưng, cạo chân để tìm chút phước, họa may nghe đặng pháp âm...!!!
Môn này tôi đã luyện thành, chưa sai một ly, chưa trật một lần. Vì thế từ ngày ra giang hồ đến nay chỉ bị gạt ngân lượng, chứ chưa từng bị gạt về đạo lý. Lão Huynh thử xem, học thần công này, may ra làm ăn có lãi” ... (Trích TÂM PHÁP; Lý Tứ)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






