Về Tâm, Pháp, Tri và Giác

Các bạn! ... Mấy hôm nay, mình nhận được rất nhiều thắc mắc của HĐ xoay quanh ý nghĩa của “tâm, pháp, tri và giác”. Khi trả lời thắc mắc, mình nhận ra, phần lớn HĐ chúng ta vẫn còn "mù mờ" về ý nghĩa của bốn món này. Để giúp các bạn có cái nhìn cụ thể về từng món, cũng như thấu suốt mối liên hệ hữu cơ giữa tâm, pháp, tri, giác và thứ lớp tu hành đối với bốn món nói trên. Bài viết sau đây, sẽ giúp các bạn giải quyết phần nào những thắc mắc xung quanh bốn khái niệm này.
I. TÂM VÀ PHÁP
I.1. TÂM (phàm Tâm): Là hiệu ứng, là vùng tối khi tánh giác chiếu ra bị che khuất bởi một pháp nào đó trong lúc hữu tình đang mê pháp ấy. Ta có thể hiểu: Tánh giác như ánh sáng, pháp như hình, tâm như bóng. Ví dụ: Tánh giác như mặt trời (thường chiếu sáng), bị một đám mây (pháp) che khuất, trên đất hiện ra một vùng tối có hình dáng giống đám mây (hay hình bóng một cái cây), vùng tối này chính là hư vọng tâm (phiền não tâm, si ám tâm). Kinh gọi vùng tối này là "bóng dáng của tiền trần".
I.2. PHÁP: Là sản phẩm được thức sản sinh khi sáu căn xúc đối sáu trần. Vì là sản phẩm của nhận thức, nên pháp có thể là: Nhận thức, quan niệm, tri thức (tri), nghĩ suy, nhãn quan. Ví dụ: Cái bình này đẹp, người kia cao sang, thân này phải thế này, cảm thọ phải thế kia
II. TRI và GIÁC
Phật đạo cho rằng, loài nào gồm đủ hai tính chất đặc trưng là Tri và Giác, loài đó được coi là một hữu tình. Ngược lại, loài nào không có hai tính chất đặc trưng này, thuộc về vô tình. Ngũ Tổ nói: "Hữu tình lai hạ chủng. Vô tình diệc vô chủng" có nghĩa: Loài hữu tình mới có thể gieo giống giác. Vô tình thì "pó tay"!
II.1. TRI (hay Tri Thức): Thuộc về thức ấm, là sự hiểu biết do học tập, do huân tập, do tập nhiễm từ trước cho đến hiện tại. Khi hữu tình mê tri thức (thức ấm), tri thức trở thành pháp, pháp hiện hữu làm vật che khuất sức chiếu sáng của tánh giác tạo ra vùng tối tâm thức, bị vùng tối tâm thức che đậy, hữu tình đó không thấy chân tướng của đối tượng bị thấy, gọi là vô minh. Vô minh chính là "phản xạ có điều kiện" trong lúc "hữu tình mê". "Hữu tình giác (Bồ Đề Tát Đoả)" là thuật ngữ phản nghĩa của "hữu tình mê"! Ví dụ: Gặp một người, tri thức nhận biết đó là kẻ thù, lập tức ý thức cho ra phản xạ giận dữ hoặc tư thế sẵn sàng đối kháng (phương thức giải quyết trong mê của hữu tình mê).
II.2. GIÁC (Tánh biết, Tánh giác): Chính là cái biết bản nhiên mà mọi hữu tình đều có. Khi tánh giác chiếu vào con mắt sẽ cho ra cái thấy, khi tánh giác chiếu vào lỗ tai sẽ cho ra cái nghe, v.v... Thấy nghe này là thường, vì nó không bị đoạn dứt. Ví dụ: Khi có âm thanh liền nghe, khi có hình ảnh liền thấy. Không có âm thanh thì nghe cái không nghe, không có ánh sáng thì thấy bóng tối.
II.3. Mối Liên Hệ giữa TRI và GIÁC: Hữu tình sống trong đời, huân tập tất cả những gì xảy ra xung quanh mình, hình thành tri thức (Tri). Để đối phó với đời, hữu tình lấy tri thức trộn lẫn với giác làm cho tánh giác bị nhiễm ô khi thấy nghe, vì thế thấy nghe bị sai lệch. Thấy nghe sai lệch, hữu tình đó không thấy bản chất (thiệt tướng) của sự việc, vì thế phiền não khổ phát sinh. Khi phiền não khổ phát sinh Phật đạo tạm gọi kẻ đó là chúng sanh. Kinh dạy: "Chúng sanh chúng sanh giả, Như Lai thuyết phi chúng sanh, thị danh chúng sanh". Lời kinh này có đại ý rằng, chúng sanh đó chẳng phải thật là chúng sanh (như người ngủ mê) Phật chỉ tạm gọi là chúng sanh (thức giấc hết mê, hết chúng sanh).
III. PHƯƠNG THỨC GIẢI QUYẾT:
Để giúp hữu tình ra khỏi mê muội, trả Tri và Giác về đúng với bản chất của nó, cũng như biến Tri trở thành Trí, biến Giác trở thành Đại Giác. Phật đạo chia quá trình này thành bốn giai đoạn:
III.1. Tịch TRI: • Đối với người chưa giác ngộ, còn trong Khổ Đế. Muốn hết khổ, người này phải "tịch tri", tức dùng năng tri để tịch diệt sở tri. Giống như người ta dùng phèn lóng trong nước. Khi tri không còn lẫn lộn trong giác, thấy nghe không bị nhiễm ô, phiền não khổ không hiện khởi. Đây là cách đối trị bằng các pháp Tam Ma Đề, Thiền Định, Giác Quán. • Cách tu này là hình ảnh của những người lên tận non cao, để tránh lũ...
III.2. Tịnh NĂNG SỞ GIÁC: • Đối với người đã hết khổ nhưng còn bị trói buộc bởi tập nhân của Tập Đế. Sau khi tánh giác không bị nhiễm ô bởi tri, người này dùng tánh giác soi chiếu vào ngũ ấm, thấy rõ bản chất của năm món này không tánh, tức “không có tánh trói buộc hay giải thoát”, “người này không nắm giữ ngũ ấm” (trong đó có thức ấm tức là tri thức) ...
Nói khác hơn, đây là công đoạn thanh tịnh năng giác và sở giác, kinh gọi là "không lấy sắc làm ta, làm ngã của ta và tự ngã của ta. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy...". Tức không cho rằng ngũ ấm là của ta, không cho rằng ngũ uẩn (không phải ấm) là ngã của ta, không mong cầu nơi ngũ ấm này có sự vững bền. Thấu suốt được như thế, người này “không nắm giữ” nên thoát ra khỏi mọi trói buộc của ngũ ấm, tuy ở chung với ngũ ấm (trong đó có tri thức) nhưng không bị trói buộc, kinh gọi là "sắc giải thoát, thọ tưởng hành thức giải thoát!" • Đây là hình ảnh của người chỉ biết "sống chung với lũ", nhưng chưa biết trong dòng lũ tri thức (Tri) ẩn chứa tài nguyên vô giá!...
III. 3. Tịch NĂNG SỞ: • Đã chứng giải thoát nhưng chưa vào Niết Bàn Diệt Đế. Sau khi thoát khỏi trói buộc của năm ấm, người này "dùng tánh giác lặng lẽ quan sát" bản chất của thân tâm, thấy rõ thân tâm này bản lai tự Niết Bàn, không có người được cũng như cái để được (vô sở đắc), xưa nay nó tự như vậy. Thấy được như thế, vị này “tịch diệt năng giác cùng sở giác”, chứng Bất Động, thành tựu Niết Bàn Diệt Đế. • Đây là hình ảnh của con cá sống trong dòng lũ, mà không bị lũ nhấn chìm!
IV. CẢNH GIỚI TỰ CHƠN:
· Đã vào Diệt Đế nhưng chưa được trí tuệ của Đạo Đế. Sau khi vào Diệt Đế, giống như người chạy khỏi nhà lửa, một chân vào thành an ổn, người này sực nhớ quyến thuộc của mình còn ở trong nhà lửa. Bèn phát đại tâm tìm học các thứ phương tiện để cứu quyến thuộc đang còn kẹt mắc. Vị này lên rừng, xuống biển, lên bờ, xuống ruộng. quyết tìm cho được Thiện Tri Thức để học Đạo Nhất Thừa. Với trí tuệ của Đạo Nhất Thừa học được (Nhất Thiết Trí), vị này chợt nhận ra thiệt tướng của ngũ ấm là"chơn thường, chơn ngã", kinh gọi là"sắc thường trụ, thọ tưởng hành thức thường trụ" ứng hợp với câu: "Kiều Trần Như! Diệt sắc vô thường, sẽ được sắc giải thoát, sắc thường trụ."!
Từ đây, vị này biết chắc rằng: "Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp". Dòng lũ (Tri) kia, cũng chính là dòng Trí tuệ. Tri và Giác chẳng phải hai pháp. Kinh gọi là "hoặc loạn tức thường". Vì thế, ngày xưa Thế Tôn ngay nơi cội Bồ Đề bên dòng sông Ni Liên Thuyền của cõi Diêm Phù (chứ không phải đâu khác), một đêm trăng sáng chứng Đại Giác!
Bài viết không thể nói hết cái thâm u của Đạo Pháp. Buổi sinh hoạt tới, nếu HĐ nào có thắc mắc về những vấn đề nêu trên, xin có câu hỏi, mình sẽ giải đáp cụ thể. (19-03-2017)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






