Về Ngã Và Vô Ngã

 0
Về Ngã Và Vô Ngã

Các bạn! ... Hôm nay, mình muốn chia sẻ với các bạn một vấn đề mà người tu hành nào cũng quan tâm, đó là chữ “ngã” trong Phật đạo!

Nói đến chữ ngã, không một người tu hành nào trong đời lại chưa một lần để ý, không ưu tư hay đề cập đến, thậm chí ngã và vô ngã còn là đề tài dẫn đến tranh luận! ... 

Và “vô ngã” là cảnh giới mà hầu hết người tu hành đều ước mong bản thân đạt đến! Tuy nhiên, muốn hay không muốn nói ra, dù rất nỗ lực, nhưng phần lớn đều tự cảm thấy: “bản thân ta vẫn còn cái ngã”! ... Vì thế, cái ngã luôn là một trong những “vật cản” rất lớn trên con đường tiến tu!

Để giải quyết vấn nạn này, chúng ta cần xem xét chữ “ngã” và “vô ngã” trong Phật đạo nhằm chỉ cho điều gì! ... Và, làm thế nào để có thể chạm vào cảnh giới vô ngã!

✽Thấu đáo hai khái niệm trên, chuyện “có ngã” hay “không ngã”, không còn là vấn đề!

✽Khi người tu hành luận về chữ “ngã” trong Phật đạo, hầu hết đều mặc nhiên hiểu chữ “ngã của Phật đạo” theo khái niệm “ngã hay bản ngã của Triết học hoặc Phân tâm học”!

✽Người tu hành thường hiểu chữ ngã nằm trong các nghĩa: Cái tôi, cái ta, chủ thể đón nhận những gì xảy ra trong chính mình (bản ngã), hoặc hành vi hay sự nhận biết khi các căn xúc đối với ngoại trần, trong đó nó hàm chứa những “đặc tính” để phân biệt, ứng phó với những “cái tôi” khác, v.v...!

Theo nhận xét chủ quan của mình, khi người tu hành hiểu về khái niệm ngã như những gì đề cập ở trên, cái hiểu này không sai, nhưng nó không phải là khái niệm “ngã” mà Phật đạo muốn nói đến!

Nếu chúng ta cứ mặc định “ngã trong Phật đạo” có những ý nghĩa như Triết học hoặc Phân tâm học, sự mặc định này vô hình trung “chúng ta tự làm khó chúng ta”! ... Chính sự “tự làm khó” này, chẳng thể nào giúp chúng ta “giác ngộ thật nghĩa vô ngã của Phật đạo”!

Để làm sáng tỏ vấn đề, mình cùng các bạn thử khảo sát ba khái niệm “ngã” theo ba quan điểm sau:

●Trong triết học, “ngã hay cái tôi” được hiểu là cái tôi ý thức hay đơn giản là tôi, bao hàm trong đó những đặc tính để phân biệt tôi với những cá nhân khác.

●Trong phân tâm học, “cái tôi” (ego) là phần cốt lõi của tính cách liên quan tới thực tại và chịu ảnh hưởng của tác động xã hội. Theo Sigmund Freud, "cái tôi" cùng với "nó" (id) và "cái siêu tôi" (superego) là ba miền của tâm thức.

"Cái tôi" được hình thành ngay từ khi con người sinh ra và qua tiếp xúc với thế giới bên ngoài, "cái tôi" học cách cư xử sao cho kiểm soát được những ham muốn vô thức không được xã hội chấp nhận. "Cái tôi" có vai trò trung gian hòa giải giữa những ham muốn vô thức và những tiêu chuẩn nhân cách và xã hội.

✽Trong triết lý Phật giáo, "cái tôi", thường gọi là “ngã”, là "cái tôi" được thiết thuyết với một thể tính trường tồn, không bị ảnh hưởng của tụ tán, sinh tử. (nguồn Wikipedia)

✽ Theo Lý Tứ, chữ ngã trong Phật đạo, nếu dịch thành “cái tôi” như thế này (đoạn văn dẫn), rất dễ dẫn đến hiểu nhầm thành cái tôi của Triết học. Có thể! ... Cứ giữ nguyên từ Hán-Việt là “ngã” như các bản dịch của kinh, việc giữ nguyên (chữ ngã) như thế, hy vọng người tu dễ cảm nhận hơn!

Các bạn! ... Theo những giải thích trên, chúng ta thấy rất rõ một điều, phần lớn người tu hành đang hiểu nhầm chữ “ngã của Phật đạo” trở thành khái niệm “ngã hay bản ngã” của Triết học hoặc Phân tâm học!

Chính sự hiểu nhầm nói trên, đã đưa chúng ta đi quá xa khái niệm “ngã và vô ngã” của Phật đạo! Cũng chính sự đi quá xa về khái niệm, nó đã không giúp chúng ta giác ngộ (hiểu rõ và thấy đúng) bản chất đích thực của cảnh giới vô ngã trong Phật đạo!

Hỏi: Như vậy, trong Phật đạo có những khái niệm nào tương đối giống “khái niệm ngã của Triết học Phân tâm học”?

Đáp: Theo mình thì có, ... có nhiều! Chữ ngã mà người tu hành đã hiểu theo nghĩa Triết học, thực chất nó gần giống với chữ “mạn” của Phật giáo!

Cũng có khi, người tu hành đánh đồng khái niệm bản ngã của Phân tâm học thành khái niệm “cái biết” hay “tánh giác” trong Phật đạo! ... Mình xin tạm giải thích các điều trên như sau:

●Khi nào người tu hành hiểu chữ ngã của Triết học, thành chữ “mạn” trong Phật đạo? ... Đó là khi, người tu hành hiểu chữ ngã của Phật đạo có các nghĩa như: Cái tôi, cái ta, sự phân biệt, sự chấp chặt, một hình thức đối kháng hay đồng tình trước một đối tượng hay các quan điểm trái ngược, v.v... Những nghĩa kể trên, chính là các nghĩa mang trong nó những tính chất thuộc về “thất chủng mạn [[1]] của Phật đạo!

Mạn: Chủ thể mê lầm (có hình thái) đại diện, là căn bản phát sinh sáu thứ mạn kia, khi chủ thể này bị chấp chặt, người tu hành không thể thoát khỏi những định kiến mà bản thân huân tập trước đó!

Mạn là một trong mười kiết sử! ... Mười kiết sử, gồm: Năm độn sử: Tham, sân, si, mạn, nghi. Năm độn sử thuộc về lỗi hành vi, những hành vi nói trên không tự có, mà nó xuất phát từ nhận thức sai lệch, nhận thức không như pháp (tức nhận thức phi pháp)! ... Có năm thứ nhận thức sai lệch, năm kiến chấp phi chân lí (phi pháp), trở thành nhân tố làm nên các lỗi hành vi, gọi là năm lợi sử, gồm: Thân kiến, biên kiến, kiến thủ kiến, giới cấm thủ kiếntà kiến!

Nói chung, chữ ngã của Triết học, theo mình thì, có “một số nét tương đồng” với chữ mạn của Phật đạo!

Hỏi:  Xin cho biết, khi nào người tu hành tịch diệt mười kiết sử, trong đó có “mạn kiết sử”, mà người tu hành hiểu thành chữ ngã?

Đáp: Như đã trình bày ở trên, mạn (bao gồm thất chủng) thuộc lỗi hành vi (độn sử)! Mà độn sử (các lỗi bị ngu mê sai sử) sở dĩ xuất hiện, là do nhận thức sai lầm. Khi nào người tu hành có được một số kiến thức cơ bản chuẩn và đúng đắn (gọi là giác), cũng như áp dụng triệt để những kiến thức này vào đời sống, áp dụng đến thuần thục, các kiết sử sẽ tự dừng, trong đó “thất mạn cũng dừng theo”! ... Phần tu tập này thuộc về Tập đế của Tứ đế!

Vì thế, người tu hành thành tựu quả vị đầu tiên của Phật đạo là Tu Đà Hoàn, người này chỉ dứt được ba kiết sử, đó là: Thân kiến, giới cấm thủ kiến và nghi! Trong ba kiết sử trên, có đến hai kiết sử thuộc về nhận thức (lợi sử) là thân kiến và giới cấm thủ kiến, chỉ một thuộc về độn sử là nghi! ... Nói khác đi, tu tập để dứt phiền não kiết sử, chính là quá trình thay đổi nhận thức! ... Do nhận thức thay đổi, hành vi sẽ thay đổi! ... Mạn (hay cái ngã theo quan điểm của Triết học) sẽ tự chấm dứt khi, người đó thật sự giác ngộ đúng như chánh pháp!

Hỏi: Xin hỏi! Còn khái niệm bản ngã được hiểu theo Phân tâm học là những gì? Và nó sẽ tịch diệt khi nào?

Đáp: Chữ ngã (hay bản ngã) được hiểu theo Phân tâm học, gồm các khái niệm như: Tôi cảm nhận, tôi biết, tôi nhận thức, v.v... Các đặc tính này, chính là tánh biết, hay tánh giác trong Phật đạo! ... Phân tâm học hình thành khái niệm này, trong quá trình tánh giác đã bị tri thức (xã hội, luân lí, nhận thức) làm nhiễm ô!

✽Khi tánh giác (cái biết) không còn nhiễm ô! ... Cái được người tu hành gọi là “bản ngã” theo quan niệm của Phân tâm học, sẽ trở về nguyên trạng của nó là tánh giác! ... Tánh giác là một trong những tính chất cơ bản của “tự tánh” (tánh bản nhiên). Nó chính là “nhân Phật”!

✽Tánh giác hay “thỉ giác” (cái biết bản nhiên) là cơ sở tốt nhất, là “điều kiện ắt có” để người tu hành dùng nó như một công cụ không thể thiếu để tiếp thu “bản giác” (cội nguồn giáo pháp) do chư Phật chiếu ra! ... Vì thế kinh dạy: “Chư Phật từ bản giác (chiếu) đi ra, người tu hành từ thỉ giác (thể nhập, học tập) đi vào, chỗ gặp nhau gọi là đẳng (nhận thức, thấy biết không sai khác)!”

Hỏi: Xin hỏi! Như vậy, khái niệm ngã và vô ngã đích thực của Phật đạo nhằm nói lên điều gì?

Đáp: Chữ ngã (hay khái niệm ngã) của Phật đạo, hoàn toàn không giống khái niệm ngã hay bản ngã của Triết học và Phân tâm học!

✽Khái niệm ngã của Phật đạo, nhằm chỉ cho cái gì đó, hay một nền tảng nào đó, mà trong ấy gồm đủ tính chất thường hằng, tức không bị chi phối bởi thời gian, không gian hay các pháp (quan niệm)! ... Nói khác đi, chữ ngã của Phật đạo, là thuật ngữ nhằm chỉ cho: Đại Niết Bàn, Phật tánh, Phật trí, hay Phật pháp, tức thứ chân lý tuyệt đối mà chư Phật đã giác ngộ!

Trong kinh Phật cũng thường dạy: “Phật tánh là ngã, ngã là Phật tánh”, hoặc “Đại Niết Bàn là thường”, hay “Phật trí là thường, Phật trí là ngã”!

⚜Nói chung, hai đức tính “ngãthường” của Phật đạo, chính là hai mặt của một vấn đề, ta có thể hiểu ngã và thường là hai tính chất thuộc về chân lí, tức cái này có nên cái kia có, nếu cái này không cái kia cũng sẽ không! ... Có nghĩa rằng, cái gì có tính chất thường hằng, cái đó luôn là ngã! ... Cái gì thuộc về ngã, cái đó luôn thường hằng! ... Hai thứ thuộc về chân lí nêu trên, vĩnh viễn không chịu sự chi phối hay tác động bởi bất kì một nguyên nhân nào!

Về vô ngã: Ngày xưa (có thể cả hôm nay), có rất nhiều trường phái tu hành!

− Có trường phái chủ trương tu luyện để thân này (tức sắc ấm) trở thành thường hằng (ngã)!

− Có trường phái chủ trương tu luyện để thọ ấm trở thành thường hằng! 

− Có trường phái chủ trương tu luyện để tưởng ấm trở thành thường hằng! 

− Có trường phái tu luyện để hành hoặc thức ấm trở thành thường hằng! 

Họ hy vọng rằng, với sự tôi luyện này, ngũ ấm sẽ trở thành nơi nương cậy vĩnh cữu gọi là ngã hay thần ngã!

Phật, sau khi tự thân chứng ngộ, bèn tuyên thuyết chân lí do mình tìm thấy, đó là: “Cái gì vô thường, cái ấy không bền chắc! Cái gì vô thường, cái ấy tự không thể là ngã (sự bền chắc, thường hằng)!”

Phật cũng chỉ ra rằng: “Ngũ ấm và trong ngũ ấm tự nó không có ngã! Không có ngã vì nó vô thường!”

Phật cũng lại chỉ ra rằng: “Cái gì thuộc về tạo tác, do tạo tác mà thành, cái đó không thể là ngã, và nó chịu quy luật của sanh, trụ, dị, diệt!

Phật cũng dạy: “Các quan niệm (pháp), không thể trở thành ngã, không thể trở thành trú xứ vĩnh cữu cho một hữu tình, vì các quan niệm sẽ đổi thay theo năm tháng!” Cho nên Phật dạy: “Quán pháp vô ngã”!

✽Nói tóm lại, khi Phật tuyên thuyết “vô ngã” là tuyên nói một sự thật! ... Người biết sự thật này, sẽ không phải mất công đi tìm chân lí từ những thứ hư vọng nêu trên! ... Nói khác hơn! ... Vô ngã là một sự thật, người tu hành giác ngộ được sự thật này, cơ hội tìm thấy chân lí đích thực, cơ hội tìm thấy an lạc vĩnh hằng, sẽ trở thành hiện thực ngay trong hiện tại này khi nhận thức sai lầm về ngã đã bị cởi bỏ!

Tóm lại, Phật tuyên thuyết ngã hay vô ngã, ý nghĩa của nó không giống như hai khái niệm ngã hay bản ngã của Triết học và Phân tâm học mà người tu hành hiện nay đang hiểu! ... Nếu chúng ta không biết thật nghĩa của ngã và vô ngã của Phật đạo, lấy những khái niệm của Triết học hay Phân tâm học làm cơ sở lí luận, coi như đây là quan điểm chính thống của Phật đạo, hoặc dùng nó để tiến tu, nhất định sẽ không thể nào thấu suốt cảnh giới vô ngã của Phật đạo!

Hỏi: Xin hỏi! Như vậy, người tu hành hiểu sai thật nghĩa chữ ngã và vô ngã trong Phật đạo, hậu quả của nó là gì?

Đáp: Phật đạo là một nền giáo dục! Vì thế, nó luôn có những từ ngữ chuyên môn! Trong giáo dục, hiểu sai từ ngữ, sẽ không thể thành tựu các mục tiêu do nền giáo dục đó đề ra!

Phật đạo cũng như thế! Nếu hiểu đúng hai chữ ngã và vô ngã, các bạn đã thâm nhập cảnh giới vô ngã từ lâu rồi, đâu nhất thiết phải đợi đến hôm nay! 

Một khi, dù đã rất cố gắng mà ta không thể nhập được, xin hãy coi lại hiểu biết của mình đã thật sự đúng hay chưa! ... Giống như một cung thủ, miệt mài nhắm bắn, mà không có phát nào trúng mục tiêu, thì phải xem lại, mục tiêu mà ta định bắn có phải là cái mà ta đang thấy hay không!

Kết luận! Phật tuyên thuyết ngã hay vô ngã, không nhằm để chỉ đến cái tôi hay cái ta như mọi người đã hiểu mà, nhằm chỉ ra rằng: Anh không thể dùng thân tâm (ngũ ấm) hư vọng này, hay các quan niệm hư vọng kia để tu luyện, mong nó trở thành chỗ nương cậy vĩnh hằng!

✽Lời dạy này, cũng chính là cảnh báo, nhằm điều chỉnh những hiểu biết sai lầm về ngã hay thần ngã, xuất phát từ những định kiến sai lầm mà thế gian thường biết đến!

✽Có một điều rất khó là, khi người ta đã hiểu sai một điều gì đó, mà điều đó lại được số đông đồng tình, thậm chí cái sai trở thành văn hoá. 

Sự hiểu sai này rất khó sửa chữa! Khi đó, cái đúng chẳng những không được chấp nhận, đôi lúc còn bị cái sai chỉ trích, thậm chí ném gạch đá lung tung!

  (28-07-2019)

Nguồn: LÝ TƯ; CHUYỆN TRÊN MÂY Tập 1 (trích Bài 72); NXB Hà Nội 2020


[[1]] Thất chủng mạn gồm: Mạn (nói sai với cái mình có) là căn bản (gốc rễ) phát sinh sáu thứ mạn kia; quá mạn (nói quá cái mình có), mạn quá mạn (người khác hơn mình mà nói mình hơn người); tăng thượng mạn (chưa chứng mà nói mình chứng); ti liệt mạn (nói kém hơn cái mình có, tự ti, thấy mình kém, thua mọi người); ngã mạn (thấy mình là cao nhất, hay nhất, không ai bằng mình); tà mạn (mang trong lòng những quan niệm, chủ trương  không chân chánh, phi lý)!

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 4
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG