Lấy Tâm Làm Gốc, Thiểu Dục Tri Túc, Kiết Sử Do Đâu Mà Thành

 0
Lấy Tâm Làm Gốc, Thiểu Dục Tri Túc, Kiết Sử Do Đâu Mà Thành

✽ LẤY TÂM LÀM GỐC

Hỏi: Người mới bắt đầu tu hành trong Phật Đạo, lấy gì làm gốc?

Đáp: Người mới tu hành trong Phật Đạo lấy “tâm” làm gốc.

Hỏi: Làm thế nào để lấy “tâm” làm gốc?

Đáp: Tâm là cái gốc sản sinh ra các thứ hư vọng, tham lam, mong cầu không có điểm dừng. Mong cầu thành tựu thì thêm tham, không thành tựu thì sân hận, muốn chiếm đoạt, chìm đắm trong tham sân gọi là si mê. Tham, sân, si, Phật Giáo gọi là ba độc, ba độc này khi phát tác, sẽ khiến chúng sinh ưu bi khổ não.

Hỏi: Nếu “tâm” này là hư dối, lẽ nào lấy “cái hư dối” làm gốc?

Đáp: Vì nó hư dối, nên mới lấy nó làm gốc, để diệt trừ tận gốc cái hư dối này. Giống như một người chưa biết chữ, thì nhắm thẳng vào việc chưa biết chữ, quyết tâm học hành cho biết chữ. Giống như muốn làm sạch cỏ, thì phải nhổ tận gốc rễ của chúng... Sau đó, mới tính đến những việc khó hơn.

✽ XÂY DỰNG LỐI SỐNG THIỂU DỤC TRI TÚC ĐỂ THOÁT RA KHỎI “BA ĐỘC, THAM SÂN SI”

Hỏi: Làm sao để thoát ra khỏi ba độc “tham sân si”?

Đáp: Trước mắt, để cho ba thứ độc này không phát tác, chờ cơ hội tận diệt chúng, người tu hành phải biết khu trú, tức bao vây ba độc này để chúng nằm yên một chỗ. Giống như người bị rắn độc cắn phải làm chậm sự hấp thu của nọc độc về hệ thống tuần hoàn.

Hỏi: Đối với ba độc “tham, sân, si” làm chậm sự hấp thu đó như thế nào?

Đáp: Muốn ba độc nằm yên một chỗ, làm chậm sự phát tác của chúng, chờ sau đó điều trị, người tu hành phải xây dựng lối sống “thiểu dục tri túc”. Trong đó, “thiểu dục” được hiểu là: tâm ít ham muốn; “tri túc” được hiểu là: biết đủ trong mọi hoàn cảnh.

Hỏi: Tại sao con người ta lại không bao giờ biết đủ?

Đáp: Tâm bằng lòng với những gì đang có, ý không khởi tham vọng là cách tốt nhất ngăn chặn cơ hội “ba độc” phát tác. Sự độc hại của chúng sẽ biến tham, sân, si thành ưu bi, khổ não. Ít muốn biết đủ quan trọng trong giai đoạn đầu của người tu hành như thế nào, Kinh Di Giáo nói rõ điều này:  Nhược dục thoát chư khổ não, đương quán tri túc. Tri túc chi pháp, tức thị phú lạc, an ổn chi xứ. Tri túc chi nhơn, tuy ngọa địa thượng du vi an lạc, bất tri túc chi nhơn, tuy xứ thiên đường diệt bất xưng ý.”

Nghĩa là: Muốn thoát khỏi khổ não, ngay hiện tại phải biết quan sát để thâm nhập phép biết đủ. Biết đủ là “pháp” cho các ông tu tập trong lúc này. Biết đủ chính là nguyên nhân đưa đến tâm an ổn nơi hiện tại và giàu có trí tuệ ở vị lai. Người biết đủ, dù nằm trên đất cát vẫn an lạc. Trái lại, người không biết đủ, dù ở thiên đường cũng không vừa ý.

Hỏi: Xin nói rõ, quá trình này được diễn ra như thế nào?

Đáp: Tâm hư dối bị tác động của ba độc tham, sân, si theo nguyên tắc cung cầu. Trong đó “tâm” được ví như thị trường. Ý thức được ví như nhà sản xuất. Khi tâm biết đủ, không vọng sinh các nhu cầu, thì ý thức sẽ dừng cung cấp các sản phẩm nghĩ suy nhằm làm thỏa mãn nhu cầu tham, sân. Khi ý thức dừng cung cấp những sản phẩm độc hại phá hoại tâm này, chừng đó người tu hành mới đủ bình tĩnh và sáng suốt để tiếp nhận Giáo Pháp một cách hiệu quả, không sai lệch.

Hỏi: Thế nào để tiếp nhận Giáo Pháp không sai lệch?

Đáp: Giáo Pháp của Phật giống như thuốc chữa bệnh.

Đáng lẽ ra, “người bệnh” dùng thuốc này để giúp mình tiêu ngã, diệt trừ ba độc, chấm dứt si mê. Thế nhưng người này làm ngược lại, dùng Giáo Pháp như một món trang sức để thỏa mãn cái ngã, nuôi lớn tham vọng học tập để hơn người hoặc làm thầy.

Chìm đắm trong tham vọng này, chẳng khác dứt dòng le le, tiếp nối dòng cò”. Tiếp nhận Giáo Pháp trong tâm thế như vậy, Giáo Pháp sẽ bị người đó vô hiệu hóa, đôi khi phản tác dụng.

Tóm lại, khi nào người tu hành trong Phật Đạo chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa thiểu dục tri túc, để xây dựng cho mình bằng được “đời sống ít muốn biết đủ, buộc hư vọng tâm phải dừng lại” thì chừng ấy hư vọng tâm và ý thức sẽ là những ông chủ bà chủ độc chiếm thân tâm, bắt các “căn” làm tôi tớ, mãi miết rong ruổi nơi tiền trần tìm kiếm các pháp, để thỏa mãn tham vọng, không có hồi kết.

Phật Đạo gọi đó là: Mãi mãi trôi nổi (luân hồi) trong pháp giới (tâm thức) chúng sanh

−Không nhận thức đầy đủ để xây dựng đời sống, không biết đủ, mà cố tình cột trói tâm này ở yên một chỗ bằng các biện pháp cưỡng bức để sanh các thứ thiền, khi dây trói bị cắt đứt, ba độc lại được làm chủ và phát tác sự độc hại của nó mãnh liệt hơn.

−Suy tư để nhận thức đầy đủ một pháp rồi mới ứng dụng, chính là biện pháp phục hồi chức năng Chánh Tư Duy. Chức năng này đã bị người tu hành bỏ quên. Đây cũng là một trong những cách châm ngọn lửa trí tuệ vào cây đuốc Giáo Pháp đang ở trên tay, giúp soi sáng con đường đi đến Giác Ngộ.

−Thông thường, người tu hành chấp nhận Giáo Pháp theo lối mòn, người trước nói thế nào, người sau nghe thế ấy. Nhắm mắt làm theo, mà không sử dụng sức tư duy để phân định điều đã nghe là đúng hay sai. Không suy xét đến tận cùng vấn đề, để có một nhận thức đầy đủ việc mình đang làm, đang tu tập. Điều này dẫn đến hậu quả sau nhiều ngày tháng, khả năng tư duy sẽ bị thui chột, dẫn đến cả tin, mê tín.

−Cuối cùng là, rất khó chuyển thức thành trí để thâm nhập những ý nghĩa ẩn mật của kinh. Không thể thâm nhập ý nghĩa ẩn mật của kinh, cơ hội Giác Ngộ nhất định khó đến với những người này.

Giống như một người khi đi chỉ biết đi, khi đứng chỉ biết đứng, khi ngồi chỉ biết ngồi, khi ăn chỉ biết ăn, khi uống chỉ biết uống. mà không nhận thức đầy đủ rằng: Tôi phải đi đến đâu, vì sao tôi dừng lại, tôi ngồi xuống bởi lý do gì. ăn uống, ngủ, nghỉ, cũng đều như vậy. Nhất định những hành động trong trạng thái không nhận thức đầy đủ này khó có thể chấp nhận rằng, điều này sẽ dẫn đến trí tuệ và Giác Ngộ trong vị lai.  

Tất nhiên, trong vài bài kinh, cũng có đề cập đến chuyện người tu hành làm như vậy, nhưng đây chỉ là biện  pháp  tình  thế.  Biện  pháp bất  đắc dĩ có ý nghĩa chữa cháy đối với hạng người ham ưa chuyện thị phi, thường nghe ngóng việc người khác, thích dòm ngó ra bên ngoài, thấy gì cũng muốn, nghe gì cũng ham, không dành trọn tâm ý để nhất tâm tư duy con đường Giải Thoát. Đối với hạng này, vị Đạo Sư phải buộc lòng chỉ định họ thực hiện hạ sách này  Biện pháp như vậy, không phải là cách tốt nhất áp dụng cho tất cả mọi căn cơ tu hành.

✽ KIẾT SỬ DO ĐÂU MÀ THÀNH?

Hỏi: Sau khi đã xây dựng được đời sống ít muốn biết đủ, người tu hành cần làm gì tiếp theo, để dứt sạch tham, sân, si?

Đáp: Việc cần làm tiếp theo để dứt tận gốc tham, sân, si (kiết sử) là: phải học tập Giáo Pháp để biết rằng, kiết sử do đâu mà thành.

Hỏi: Xin cho biết, kiết sử do đâu mà thành?

Đáp: Kiết sử chỉ là hiệu ứng của tổ hợp căn, trần, thức giao nhau trong điều kiện mê muội. Có hai giai đoạn tổ hợp này khi giao nhau, sẽ sanh kiết sử, đó là:

Ý căn giao nội trần rồi vọng khởi phân biệt, đem phân biệt của quá khứ về hiện tại, lôi kéo người tu hành làm theo sự sai khiến của nó...!

Sáu căn giao ngoại trần và vọng khởi phân biệt trong hiện tại, khiến người tu hành bỏ mất bản tâm, chạy theo kiết sử, như con trâu bị con người cầm sợi dây dắt đi...!

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 1
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG