Về Công Đức

 0
Về Công Đức

1. CÂU HỎI VỀ… CÔNG ĐỨC

Sáng nay, mình có trao đổi với một vài HĐ về ý nghĩa của hai chữ Công Đức. Sau đó, mình có yêu cầu các HĐ này đưa ra một khái niệm ngắn gọn, nhưng phải thật rõ ràng về “thật nghĩa của Công Đức”.

Mình xin chuyển đề tài này đến mọi người. Và, vị nào có thể đưa ra khái niệm chính xác, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ ứng dụng về nghĩa hai chữ Công Đức. Xin vui lòng chia sẻ với mọi người... (Chú ý!!! Sau khái niệm, các bạn có thể cho thí dụ minh họa).

(10-04-2013)

Các bạn!!!

Mình rất vui, khi sáng nay đọc thật nhiều emails góp ý của các bạn. Không ngờ đề tài “công đức” lại hấp dẫn như vậy!!!... Chiêm nghiệm một hồi, mình mới nhận ra: Đúng như vậy!!!... Đây mới là đề tài thật sự hấp dẫn, và cần đào sâu ý nghĩa đối với người tu hành trong Phật Đạo. Mình suy nghĩ:

Công Đức trong Phật Đạo chính là thù lao mà Vô Lậu Tâm trả cho người tu hành. Nó giống như tiền lương ông chủ trả cho nhân viên. Nhìn vào mức độ thu nhập của một người, sẽ thấy được: Năng lực, giá trị công việc, thành quả lao động và đời sống cũng như tương lai... của người đó!!!

Nếu người lao động, không hề biết thù lao của mình đích thực là gì??? Thì thiệt là chuyện vô lý!!! Giống như kẻ đi làm công, mà không biết ông chủ trả công cho mình thứ gì, sử dụng ra sao, đâu là đơn vị để tính??? Phỏng người này có còn tiếp tục công việc được không???

Trong khi đó, trên thực tế, rất nhiều vị tu hành còn mù mờ về ý nghĩa hai chữ công đức (chuyện khó tin nhưng có thật). Nó giống như người làm công mà không hề biết, hoặc chưa một lần thử đặt khái niệm về chuyện thù lao cũng như giá trị thù lao!!!

(11-04-2013)

Thầy ơi, cho con xin kính lễ Thầy 3 lạy!!!

Con vừa đọc một bài email của Thầy thôi, mà sao trong lòng con lại thấy bật khóc. Con chỉ biết khóc, khóc và phải khóc mới thỏa lòng con!!!

Và hiện giờ tâm con như rỗ̃ng tuếch, sau khi đã khóc xong một trận... Thầy ơi!!!

Ngày xưa, Ngài Tu Bồ Đề đã là một La Hán. Với danh hiệu Đệ Nhất Nghĩa không, mà cũng từng bật khóc khi nghe Phật thuyết Kinh Kim Cang. “Tu Bồ Đề thế lụy bi khấp nhi bạch Phật ngôn. Hy hữu thay Thế Tôn”.

Ngày nay, cũng biết bao nhiêu HĐTM “đã khóc” khi nhận ra chân lý. Cũng là giọt nước mắt, nhưng đó lại là “dòng nước công đức”, đưa người tu hành “xuôi về nguồn thanh tịnh”. Chúc tinh tấn!!!

(11-04-2013)

2. THẬT NGHĨA CỦA CÔNG ĐỨC

Là kết quả của một hành động, một nghĩ suy, một việc làm... Được phát ra từ nguồn tâm thanh tịnh, không mê lầm, không cấu nhiễm...

Hành động, nghĩ suy, từ một chúng sanh không sinh ra công đức. Vì, chúng sanh khi làm hay suy nghĩ một điều gì, đều phát xuất từ tâm điên đảo, so đo, phân biệt, tính toán, quan niệm... Nói chung, tâm chúng sanh không thanh tịnh và luôn mê lầm, nên chẳng có chi đáng gọi là đức, cũng chẳng có chi đáng để ghi công trong Phật đạo...

Vì thế, một chúng sanh hành động hay nghĩ suy, chỉ có kết quả là phước đức hay ác đức. Tức kết quả của ràng buộc, cột trói, phiền não và không giải thoát. Những hành động, nghĩ suy này đều nằm trong ba cõi khổ!!!

Muốn sinh công đức, vị này tâm phải thanh tịnh, phải giải thoát. Tâm thanh tịnh, không khởi mong cầu. Ý giải thoát, không bị buộc ràng bởi các quan niệm... Khi công đức đủ, vị này sẽ thành tựu đạo quả nào đó. Nhỏ như sơ ngộ, vừa vừa như Bồ Tát, to như thành Phật...!!!

Giống như người ta đi làm để kiếm tiền. Ít thì mua bánh, nhiều thì mua vàng. Nhiều nữa thì mua chức. Có chức rồi thì mua bằng để thiên hạ tưởng mình có “chí tệ” mà ghê chơi... Ha ha ha ha!!!

3. CHỈ SỐ THÀNH CÔNG… (IQ, EQ và AQ)

Ngày nay, một người được coi là thành công, người ta nhận thấy rằng: “Người đó phải thoả mãn ba chỉ số, đó là: IQ, EQ và AQ”

IQ: Chỉ số thông minh. (Cần 20%)

EQ: Chỉ số tình cảm. (Cần 60%)

AQ: Chỉ số vượt khó. (Cần 20%)

Ngày xưa, để đánh giá mức độ thành công, người ta chỉ yêu cầu chỉ số IQ cao là đủ...!!! Nhưng rồi... Thực tế đã buộc xem xét lại đánh giá này. Và, sự chú trọng hoàn toàn vào IQ để hướng đến thành công đã bị phủ nhận. Người ta nhận thấy:

Nếu chỉ số IQ (thông minh) cao, mà thiếu AQ (tình cảm) hoặc EQ (vượt khó) thấp, sẽ đưa đến những hệ quả không tốt, và thất bại lập tức xuất hiện sau đó. Lịch sử nhân loại đã chứng minh điều này.

Trường hợp hội đủ hai chỉ số kia, mà thiếu AQ thì, thành công do may mắn nhiều hơn là năng lực bản thân. Điều này, chung quanh chúng ta không thiếu!!!

Các bạn!!!

Sau ba ngày trao đổi, chúng ta đã có cả một kho tàng tư liệu vô giá về ý nghĩa hai chữ “Công Đức”. Đây là tài sản riêng của HĐ chúng ta, mà ít ra cho đến thời điểm này, khó nơi nào có được.

Kho tàng của chúng ta gồm những “thông tin vô giá”. Nhưng, để sử dụng một cách có hiệu quả những thông tin vô giá này, không phải là chuyện dễ dàng...!!!

Việc tiếp nhận, xử lý, phân loại, đánh giá, tổng kết và ứng dụng các thông tin đã có, là điều rất nên làm đối với tự thân mỗ̃i người trong HĐ chúng ta. Những thông tin bất vụ lợi này, là biểu hiện của Trí Tuệ và sẻ chia. Vì thế, bây giờ chính là lúc chúng ta cần đến EQ và AQ!!!

EQ (tình cảm), sẽ giúp chúng ta nâng niu từng góp ý, từng bài viết. Có nâng niu từng bài viết, việc nghiền ngẫm, đọc đi đọc lại sẽ không mỏi chán. Không mỏi chán, cơ hội thấu suốt sẽ rất lớn (> 60%).

AQ (vượt khó), sẽ giúp chúng ta vượt qua “hạn chế của bản thân”. Hạn chế của bản thân, có thể là: Thời gian, trình độ văn hoá, năng lực tiếp thu, khả năng phân tích, phương pháp đánh giá, thái độ tiếp nhận...

Phật Đạo là “Đạo của Trí Tuệ”. Nếu người tu hành, không thể làm nổi công việc mà người đời vẫn thường làm, đó là: Tiếp nhận, xử lý, phân tích, đánh giá và tổng hợp các thông tin có được rồi đưa vào ứng dụng, thì có được gọi là Trí Tuệ chăng???

Kinh Điển là một kênh thông tin.

Chia sẻ của HĐ là một kênh thông tin.

Nghe Pháp là một kênh thông tin.

Đàm đạo cũng là một kênh thông tin.

Nói chung, những gì thuộc về Giáo Pháp mà ta tiếp nhận được, đều là những thông tin bổ ích. Vì thế, việc yêu cầu: Tiếp nhận, xử lý, phân tích, đánh giá, tổng kết và ứng dụng, là yêu cầu quan trọng và chánh đáng để làm nên Trí Tuệ. Có thực hiện những phần việc nêu trên, mới sử dụng một cách hiệu quả kho tư liệu mà HĐ chúng ta đang có trong hiện tại.

Mong rằng các bạn hãy vận dụng EQ và AQ của mình một cách tốt nhất, để từng người có thể viết một “bài tổng kết về các góp ý công đức vừa rồi” và chia sẻ đến mọi người. Đây cũng là việc “tự đánh giá bản thân” sau một thời gian tu tập.

(11-04-2013)

4. THUỐC “CÔNG ĐỨC”

Thầy kính.!!!

Mấy hôm nay con gặp nhiều chướng duyên, thử thách quá. Con luôn nhớ lời Thầy và các HĐTM để hộ trì tâm Thanh Tịnh... Mới đây con nhận bài pháp Thầy cho, nhắc nhở đọc kỹ bài này. Con như được Thầy tiếp sức để lên dốc, con như nhẹ nhõm!!!

Con xin tri ân Công Đức Thầy, con kính tâm đảnh lễ Thầy 3 lạy!!!

Các bạn!!!

Hiểu rõ ý nghĩa công đức, mới có được công đức...

Công đức càng nhiều, thanh tịnh càng sâu...

Thanh tịnh càng sâu, an lạc càng lớn...

An lạc càng lớn, phiền não không hiện...

Phiền não không hiện, gọi là Niết Bàn...

Chúc bạn an vui, tinh tấn!!!

(19-04- 2013)

5. CÔNG ĐỨC BẢN VỊ

Hôm trước, trên đường đi từ Las Vegas về lại Houston. Ngồi trên máy bay, một HĐ có hỏi mình mấy câu. Mình nghĩ… ghi lại, có thể giúp các bạn hiểu ra điều gì đó.

Hỏi: Xin Thầy có thể cho một định nghĩa cụ thể về hai chữ “Công Đức”???

Trả lời: Công đức có thể hiểu là đơn vị tính của xuất thế gian (giống như tiền là đơn vị tính của thế gian), dùng để đổi lấy các "Vô Vi Quả Vị” trong Phật Đạo.

Hỏi: Xin hỏi, vì sao lại dùng hai chữ “đổi lấy” mà không nói là “trao đổi”???

Trả lời: Nói đổi lấy, vì rằng người hội đủ một số công đức nhất định nào đó, người này có toàn quyền đổi lấy một quả vị tương ưng với số công đức mình đã có. Và vị này cũng có quyền không đổi, nếu không thích quả vị đó. Điều này Kinh gọi là Nhập Chánh Vị và không Nhập Chánh Vị. Ví dụ như Ngài Văn Thù Sư Lợi trong vô lượng đời giáo hoá người thành Phật, số lượng công đức có thừa, nhưng không chịu đổi lấy quả Phật. Cho nên, đành phải làm “Muôn Năm Đại Bồ Tát”!!!

Nói đổi lấy mà không nói “trao đổi”. Vì rằng: Vô Vi Quả Vị thuộc “sở hữu toàn dân”. Tức là thuộc về của trời, của đất, của hư không... ai đủ công đức nấy được, không là của riêng của ai. Cho nên ở xuất thế gian không một ai có toàn quyền sở hữu để trao lại cho người khác. Vô Vi Quả Vị, không giống quả cà quả mướp của thể gian (hữu vi quả), chỉ cần ra chợ mua bán trao đổi là có liền. Nên Vô Vi Quả Vị chỉ nói đổi mà không nói trao đổi là vậy!!!

Hỏi: Có mấy cách để người tu có thể thành tựu công đức???

Trả lời: Có hai cách để người tu hành có thể thành tựu công đức. Đó là thanh tịnh tâm và trí tuệ.

Hỏi: Nếu thanh tịnh tâm và trí tuệ cùng làm ra công đức, như vậy hai thứ này bằng nhau chăng?

Trả lời: Thanh tịnh tâm và Trí tuệ nhất quyết công đức không thể bằng nhau. Giống như con kiến không thể ngang bằng con voi.

Hỏi: Thanh tịnh tâm và trí tuệ, cái nào là kiến??? Cái nào là voi???

Trả lời: Thanh tịnh tâm là kiến, trí tuệ là voi... Có thể hiểu như sau: Trong một giờ dùng thanh tịnh tâm để lao động (hoặc thân, hoặc khẩu, hoặc ý), xuất thế gian chỉ trả chừng 10 đến 12 công đức. Trong khi đó, một vị có trí tuệ dùng thân khẩu ý để lao động trong một giờ, thù lao có thể trả đến số lượng công đức bằng một hoặc nhiều hơn số lông một con voi (tương đương 351592053000 cộng lông voi)... Sai biệt ghê chưa!!!

Hỏi: Trên cõi đời này, ai là hạng người có thể dùng trí tuệ để lao động???

Trả lời: Phật và các Đại Bồ Tát là những vị ưa dùng trí tuệ để lao động. Vì thế trong Thập Bát Bất Cộng của Chư Phật (Đại Bồ Tát) có nói rằng: “Thân, khẩu, ý tùng trí tuệ hành...”. Còn Nhị Thừa và Thập Trụ Bồ Tát, chỉ dùng thanh tịnh tâm để lao động (thân, khẩu, ý) nên số lượng công đức kiếm được rất chi là...nhỏ nhoi!!!

Hỏi: Có thể cho biết công đức tối thiểu và công đức tối đa đổi được những Vô Vi Quả Vị Nào???

Trả lời: Có bốn nhóm công đức tương ưng với bốn nhóm Vô Vi Quả Vị... Cụ thể như sau:

Nhóm nghèo nhất: Tài sản công đức tích lũy bằng số lông bốn chục bầy voi, đổi được tứ quả Thanh Văn.

Nhóm trung lưu: Tài sản công đức tích lũy bằng số lượng lông 1000 bầy voi rừng, có thể đổi được Thập Trụ Bồ Tát.

Nhóm đại gia: Tài sản công đức tích lũy bằng số lượng lông mười rừng voi, có thể đổi được Thập Địa Bồ Tát.

Hạng Hy Hữu Gia: Tài sản công đức tích lũy bằng số lượng lông voi của toàn cõi Diêm Phù Đề, có thể đổi được Phật Quả.

Hỏi: Muốn có được số lượng công đức của hạng đại gia và Hy Hữu Gia, phải dùng trí tuệ nào mới có tài sản nhiều như vậy???

Trả lời: Muốn có được công đức của hai hạng này, phải là loại trí tuệ “Phi Hữu Phi Vô”, tức là lìa mê lìa giác. Nói khác hơn, đó là hạng người khi đi, bàn chân của họ cách mặt đất hai tấc tây (khoảng 8 inch), nhưng vẫn để lại dấu chân của mình rõ ràng. Bất kể vị ấy đi trên sình (bùn), đất khô, đất ướt, gạch, đá, xi măng, bê tông cốt thép hay kim loại... Dù đi trên những con đường khác nhau như vậy, nhưng dấu chân in xuống vẫn bằng nhau, không sâu cạn sai khác. Những con đường các vị này đi qua, đều gọi là “Trung Đạo”...!!!

Hỏi: Vì sao người tu hành, lìa mê thì dễ ợt, còn lìa giác khó hơn lên trời???

Trả lời: Vì cái ngã hãy chưa rốt ráo sạch!!! Và vì tổ trác...vậy!!!

Ví như người quay máy đánh bài ở Las Vegas... Năm ký hiệu nằm trên một hàng liền kề là OK!!! Nhưng khi bấm, chỉ xuất hiện có hai ký hiệu liền kề xuất hiện, đây là hai ký hiệu lìa mê, vì thế Credic Card bị trừ tiền. Bấm thêm vô số cái nữa, hết tiền ăn cháo, Credic Card trống trơn. Nếu có trúng chăng, chỉ là ba hoặc bốn ký hiệu liền kề xuất hiện. Ba hoặc bốn ký hiệu liền kề này xuất hiện, chính là bốn ký hiệu của giác. Số tiền trúng được, giỏi lắm chỉ bằng hạng trung lưu, tức ngang Thập Trụ. Ký hiệu thứ năm giống như “lìa giác”, muốn có được nó, khó hơn lên... chời!!!

Do đó, lìa mê đắc giác thì dễ, lìa mê lìa giác thiệt là khó!!!

Chính vì điều này, mà xưa nay hàng Bồ Tát Thập Trụ nhiều như lá mùa thu, còn Thập Địa Bồ Tát thì hiếm như... như... như... “Hoa Ưu Đàm Bát La”. Ngàn năm chỉ nở một... vài... lần!!! Ha ha ha ha!!!

 (02-05-2015)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 1
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG