Tứ Bất Y

Trong kinh Đại Niết Bàn Phật có dạy Tứ Bất Y. Người tu hành thường coi đây là “kim chỉ nam” để tu học. Nhưng ý nghĩa của “tứ bất y” như thế nào, và Phật nói điều này với những ai cũng như “phạm vi ứng dụng”.
Theo mình, văn tự Phật Giáo được thể hiện ở ba cấp độ tương ứng với ba địa vị tu hành.
1. Y nghĩa bất y ngữ.
Đây là lời cảnh báo chung cho tất cả những người ở trong địa vị tu hành “cầu giải thoát”, người đời thường nói nôm na, là hạng sơ cơ.
Hạng này khi tu hành, muốn được lợi ích, muốn giác ngộ để thành tựu nguồn tâm thanh tịnh, giải thoát. Khi đọc một đoạn kinh, nghe lời thuyết pháp... không được “ôm” văn tự, không được “chấp văn tự” rồi diễn giải giống như người đời, hoặc hồi chưa tu hành. Địa vị này khi nghe, phải tìm xem văn tự, lời thuyết đó nói gì, sau đó tìm nơi vắng vẻ tư duy nghĩa lý. Đã thấy được nghĩa lý, y đó điều phục nguồn tâm, khi nào thành tựu “như ý” mới thôi.
Điều này được đề cập trong kinh Viên Giác qua ví dụ “ngón tay chỉ mặt trăng”. Người “chưa thấy mặt trăng” phải tức thì rời bỏ ngón tay để thấy mặt trăng, và mục tiêu tối thượng cho hạng này là: Bằng mọi giá phải thấy cho được mặt trăng rồi mới bàn chuyện khác...
Vì thế kinh Lăng Già Phật nói với Đại Huệ: “Ngữ chẳng phải nghĩa, này Đại Huệ”!!!
Trong ngữ có nghĩa: Khẩu hiệu này dành cho hạng người đã thấy mặt trăng. Khi đã giác ngộ, thấy mặt trăng thanh tịnh, ngôn thuyết là biểu hiện của thanh tịnh. Vì thế ngữ ngôn của người này không được “lộn xộn” như thế luận, văn tự phải gãy gọn, chuẩn mực không được thừa cũng không được thiếu, vì văn tự là “tướng của tâm”. Văn tự này được gọi là “chơn ngữ”.
Ví dụ, người thấy mặt trăng sau khi từ bỏ ngón tay, không được mô tả rằng: “Mặt trăng thiệt là tròn, nhưng hơi méo méo, có chút màu đỏ lẫn xanh...”. Khi nghe mô tả về mặt trăng như vậy, người có trí bèn biết rằng vị này chưa thấy được mặt trăng, mà chỉ nghe kể lại, nên chỉ biết nó tròn tròn. Muốn chứng minh mặt trăng theo trí tưởng tượng của mình, bèn thêm vào “nó méo méo xanh xanh gì đó...”, gọi là cái đuôi của con trâu hay cái chân của con rắn thế pháp...
Vì thế, đối với những người đã thấy cứu cánh (mặt trăng), văn tự phải lìa “tứ cú”, gọi là văn tự Bát Nhã. Cho nên Phật lại dạy thêm: “Đại Huệ! Nơi ngữ có nghĩa...”
Ngữ ấy tức nghĩa: Đây là khẩu hiệu của “các mặt trăng”. Mặt trăng nói chơi cũng là lời nói của mặt trăng, vì lâu xa, mặt trăng đã rời hý luận... Lời nói trong địa vị này gọi là “Thiệt Ngữ”. Cho nên, Phật nói với Đại Huệ một câu bất hủ “Ngữ ấy tức nghĩa ấy, này Đại Huệ”!!!
2. Y trí bất y thức.
Đây là cảnh báo đối với phàm phu. Thánh giả không còn thức để y.
Y trí: Hạng này muốn tu hành, phải y theo những hiểu biết nào có thể ứng dụng để tịch diệt nguồn tâm. Hiểu biết nào có khuynh hướng dẫn đến rốt ráo tịch diệt nguồn tâm, được gọi là trí (đối với thức).
Không y thức: Tức không y vào những hiểu biết nào chỉ nhắm đến tăng trưởng kiến thức và làm lớn tự ngã. Những hiểu biết thuộc loại này Phật Giáo gọi là thức (quanh quẩn trong nghiệp báo).
3. Y kinh liễu nghĩa, bất y kinh bất liễu nghĩa.
Đây là cảnh báo đối với ba thừa đã vào chánh vị. Cụ thể, kinh Kim Cang Phật nói với Tu Bồ Đề: “Pháp (cái Chánh pháp mà ông đang thủ đắc) còn phải bỏ, hà huống phi pháp (cái pháp cà trật cà giuộc hư vọng, đầy phiền não trói buộc của thế gian)...”
- Kinh bất liễu nghĩa (bán tự): Đưa ba thừa vào chánh vị (hóa thành), nghỉ mệt rồi đi tiếp
- Kinh liễu nghĩa (mãn tự): Giúp ba thừa ra khỏi hóa thành, nơi chỉ có vàng giả, hay tiền âm phủ, gọi là “Chánh pháp nhiếp thọ”... Để tiến về bảo sở lượm vàng thiệt hoặc kim cương. Khi lượm mấy thứ quý này chừng nào đầy đủ gọi là “nhiếp thọ Chánh pháp”, còn gọi con đường đưa đến Phật quả.
Vì thế, chư Bồ Tát khi chưa thành Phật thì còn phải học, và học không ngừng nghỉ gọi là “tinh tấn lực”.
(09-2011)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






