Trận Chiến… Sanh & Diệt

Các bạn!!!
Tính đến giờ này, mình đã về đến nhà (VN) được 24 giờ. Lẽ ra, mình viết email báo tin bình an cho mọi người ngay khi về đến nơi. Nhưng sau một thời gian đi vắng, công việc bề bộn cần phải giải quyết, cũng như khi hay tin mình về nhiều HĐ đến thăm hỏi, nên hầu như nguyên ngày hôm qua bận rộn. Vì thế, cho tận đến giờ này, mới viết email thăm hỏi mọi người. Rất mong, các bạn thông cảm!
Lời đầu tiên, mình xin chân thành cảm ơn tất cả HĐ phương xa đã tận tình giúp đỡ mình rất nhiều trong chuyến du lịch vừa rồi. Xin chân thành cảm ơn những tình cảm mà các bạn bên đó đã bỏ thời gian quý báu để đến với mình. Tình cảm và sự ưu ái này nhất định chúng ta phải bù đắp lại bằng những gì tốt đẹp nhất của Giáo Pháp để giúp nhau trên con đường tu tập.
Các bạn!
Trong suốt chặng đường dài về quê, sau khi từ giã mọi người, mình đã nghĩ đến các bạn thật nhiều!!! Nghĩ đến những con người mà mình đã gặp và đã có duyên làm HĐ với nhau.
Các bạn đã sống ở một đất nước với đầy đủ tiện nghi vật chất, nhưng các bạn lại không bị vật chất lôi kéo, mà trong lòng mỗ̃i người lại quyết tìm đến Giáo Pháp để nương cậy, lấy đây làm hướng đi cho bản thân. Chỉ ở một điểm này thôi, cũng đủ cho cả thế gian này khen ngợi!
Suy nghĩ đến điểm này, trong lòng mình dấy lên nhiều cảm xúc! Mình tự hỏi bản thân, đối trước những điều tốt đẹp đó của HĐ, chính mình đã làm được gì để giúp mọi người? Những ngày ở trên đất Mỹ, mình rất muốn, rất muốn truyền đạt tất cả những gì có thể về Giáo Pháp để sau khi chia tay, coi đây là món quà nhỏ cảm tạ thâm tình đối với mọi người, cũng như sau đó các bạn có thể dùng hiểu biết này làm hành trang để mỗ̃i người tự tìm đến chân trời an vui!!! Nhưng rồi, thời gian cứ trôi qua, mong muốn của mình không thể thực hiện hoàn hảo, và lại phải đến lúc chia tay... Ba tháng như một chớp mắt!
Có thể nói: Thời gian, khoảng cách địa lý, yếu tố khách quan không ủng hộ chúng ta hoàn thành ý nguyện! Để giải quyết ba điều nói trên, trong hiện tại này, có lẽ chúng ta cần phải làm điều gì đó để nhổ bỏ tận gốc những nguyên nhân vừa nêu phải không các bạn? Chẳng lẽ chúng ta cứ ngồi đó nhìn ngắm thời gian từ từ gặm nhấm tâm nguyện của mình? Kinh Quán Vô Thường, Phật có dạy:
“Thị nhật dĩ quá,
Mạng diệc tuỳ giảm,
Như thiểu thuỷ ngư,
Tư hữu hà lạc?”
Để đánh bại thời gian, rút ngắn khoảng cách địa lý, loại trừ yếu tố khách quan, nhất định HĐ chúng ta phải tuyên chiến với ba điều trên!!! Để trở thành người chiến thắng, theo mình thì, chỉ có con đường duy nhất là: Bằng mọi giá, chúng ta quyết tìm về Giáo Pháp của Thế Tôn đã để lại, Giáo Pháp này sẽ là thứ vũ khí lợi hại, hàng phục ngoại duyên và hoàn thành “tâm nguyện “!
1. PHÁT PHÁO KHAI CUỘC…
Để mở màn cho trận chiến này, mình xin nổ phát pháo khai cuộc. Và, cuộc chiến bắt đầu!!! Phát pháo đầu tiên, mình xin đặt vài câu hỏi, các câu hỏi này với hai dụng ý:
- Đối với người cũ: Giúp ôn lại Giáo Pháp.
- Đối với HĐ mới: Tạo nền móng vững chắc để mỗ̃i người sau đó có thể tự xây dựng lâu đài an vui.
Hy vọng, tất cả HĐ chúng ta vì lợi ích chung, không kể người cũ kẻ mới, không kể người bên này hay kẻ bên kia. Quyết chung tay góp sức để “trận chiến sanh diệt này, thật sự dành được thắng lợi”! Các bạn có đồng ý không nào?
CÁC CÂU HỎI
1) Muốn thành tựu những điều căn bản trong Phật Đạo. Bản thân người tu phải xây dựng cho chính mình điều gì trước nhất?
(Câu hỏi này không nhằm hỏi đến những những điều cơ bản tất yếu của Phật Đạo mà mọi người đều biết như: Quy Y, giữ giới, đọc tụng kinh điển, v.v... Mà câu hỏi được đặt ra với mong muốn tạo một định hướng, giúp mọi người tự tìm ra phương cách tốt nhất, bức phá khỏi những thói quen cột buộc tự thân từng giờ từng phút ngay trong hiện tại của đời sống này...)
2) Đạo xuất thế của Chư Phật (Phật Pháp), khác với thế gian đạo (thế pháp) ở những điều cơ bản nào?
(Câu hỏi này đặt ra, nhằm phân định rạch ròi đâu là thế pháp, đâu là Thánh Pháp. Có phân định được điều này, mới mong người tu hành đi đúng con đường của Chư Thánh trước đã đi, không bị lúng túng giữa cách tu hành của Phật Đạo và cách tư duy hay hành xử ở đời).
3) Có bao nhiêu bước quan trọng, để người tu hành chiếm lĩnh đỉnh cao trí tuệ?
Tất cả các câu trả lời, chúng ta sẽ chọn ra các câu trả lời hay nhất để cùng nhau tham cứu, coi đây như một vòng Nguyệt Quế làm quà cho nhau “ăn mừng chiến thắng”!
(19-05-2015)
2. NHỮNG BÔNG HOA NỞ MUỘN
Đọc phần trả lời mấy ngày qua của các bạn, khiến mình nhớ lại “Bài Kinh Trạm Xe”. Mình có cảm giác những gì các HĐ đã trình bày rất gần gũi và rất giống với những gì Thánh Đệ Tử của Phật đã trình bày thời Thế Tôn của chúng ta còn tại thế, được miêu tả lại trong Bài Kinh Trạm Xe. Mỗ̃i một trình bày là kết quả của chiều sâu chiêm nghiệm và tu tập bản thân của từng HĐ!
Điều này giống như nhiều bông hoa làm nên một vườn hoa. Vườn hoa Chánh Pháp có lẽ đang nở rộ từ những con người trong huynh đệ chúng ta!... Trước cảm hứng này, mình muốn viết vài điều gì đó để gởi đến các bạn, nhưng rồi lại thôi!...
Có lẽ nên chờ thêm những bông hoa nở muộn. Thêm mấy bông hoa nở muộn, chắc chắn rằng vườn hoa của chúng ta tăng sức sống, nhiều ý nghĩa hơn và nhất định khoe sắc thắm tươi hơn! Rất mong trạm xe ngày xưa của Thế Tôn trở thành hiện thực trong hôm nay!
Viết đến đây, tính gởi email này đến các bạn. Thì mình lại nhận thêm hai bông hoa nở muộn. Mình lại tự hỏi: Có còn bông hoa nào nở muộn nữa hay không?
(21-05-2015)
3. ĐỊNH HƯỚNG TƯ DUY… “BÌNH CHỌN”
Các bạn!
Mình biết, bình chọn nhiều bài viết để tìm ra một bài viết có chiều sâu, có trọng tâm, đạt yêu cầu, và đắc ý nhất đối với các câu hỏi vừa qua là điều không dễ. Bởi lẽ, mỗ̃i một bài viết của HĐ đều có nét đặc sắc riêng, nếu người đọc không hiểu hết dụng tâm người hỏi, không thấu đáo ý nghĩa câu hỏi, không có một tri kiến tốt, không có cái nhìn khách quan và một lập trường vững vàng thì, khi đọc những câu trả lời, rất khó nhận định và bình chọn. Giống như người ta lạc vào rừng hoa đẹp, chọn một bông hoa thật đẹp thì thiệt là nan giải.
Vì thế, trên mười bình chọn trong đợt này, theo mình cũng đã là một thắng lợi!
Các bạn!
Đặt câu hỏi để HĐ trả lời, khuyến khích mọi người bình chọn, lần này… mình đã phát triển nội dung tu tập theo hướng thực hiện một lô gích thông thường của Phật Đạo:
- Câu hỏi loại 1: Xây dựng thái độ tu hành.
- Câu hỏi loại 2: Thành tựu Chánh Kiến.
- Câu hỏi loại 3: Đi vào trọng tâm tu tập để đạt mục tiêu tối thượng của Phật Đạo, đó là:
- Thứ nhất: Gợi ý để người tu hành tự giác xây dựng cho mình thái độ tu hành nghiêm túc. Điều này giống như nông dân có được ruộng tốt.
- Thứ hai: Nhấn mạnh sự cần thiết, khi người tu hành biết chắc đâu là pháp trói buộc (thế gian pháp) để tránh xa, hiểu được thế nào là Đạo Xuất Thế để đeo đuổi. Điều này giống như người nông dân biết đâu là cỏ dại cần phải nhổ bỏ, biết đâu là cây trồng ta nên trưởng dưỡng.
- Thứ ba: Khái quát nhằm giúp người tu hành hình dung ra một số hệ thống dây chuyền tu tập liên thông đến trí tuệ và mỗ̃i hệ thống có bao nhiêu bước, để từ đó có thể lần lượt chiếm lĩnh đỉnh cao trí tuệ. Điều này giống như người trồng cây biết được kỹ thuật canh tác và các bước phát triển của cây trồng, có được điều này, nhất định sẽ cho ra kết quả như ý.
Về câu hỏi loại 1, nếu chưa xây dựng cho mình một thái độ tu tập nghiêm túc (kể cả trong học tập và làm việc ở đời), thì rất khó thành công. Đi kèm theo thái độ này, còn phải có mấy điều không thể thiếu, đó là lòng quyết tâm (tinh tấn), phương pháp làm việc và sự ham thích. Chỉ cần thiếu một điều trong bốn điều vừa nêu, không riêng gì tu hành, kể cả việc đời cũng khó thành tựu.
Trong phần trả lời của các HĐ, một số HĐ cho rằng cần phải xây dựng Chánh Kiến, xây dựng Tâm Thanh Tịnh trước, v.v... Theo mình thì, các kiến giải này chưa hợp lý... Bởi lẽ, Chánh Kiến hay Thanh Tịnh Tâm là hệ quả của một nỗ̃ lực nào đó, nói khác hơn nó là quả chứ chẳng phải nhân. Nếu người tu hành, ngay từ đầu có thể tự xây dựng cho mình những điều đó thì, cần gì Phật hay Thiện Tri Thức? Trong Phật Đạo có năm thứ Chánh Kiến cơ bản, năm thứ Chánh Kiến này luôn song hành với Thanh Tịnh Tâm, bởi nó được hình thành do quá trình nhận thức như pháp, do quá trình nỗ̃ lực như pháp (tinh tấn), do quá trình ứng dụng như pháp, do quá trình Giác Ngộ như pháp, và do viên mãn công hạnh lẫn trí tuệ mà được.
Về câu hỏi loại 2, sau khi đã có được một thái độ tu hành tốt nhất. Bây giờ vị tu hành này mới bắt đầu học tập như pháp nhằm thay đổi nhận thức, để rồi sau đó mới có thể Giác Ngộ.
Năm thứ Chánh Kiến cơ bản đó là: Chánh Kiến từ nhục nhãn, Chánh Kiến từ Thiên nhãn, Chánh Kiến từ Pháp nhãn, Chánh Kiến từ Huệ nhãn và sau cùng là Phật Tri Kiến. Năm tầng Chánh Kiến này người tu hành không thể tự xây dựng ngay từ đầu mà phải do học tập và rèn luyện mới có thể thành tựu.
- Phật Đạo nói chung hay đạo xuất thế nói riêng, là quá trình thay đổi nhận thức từ thấp lên cao của một hữu tình. Chính nhờ thay đổi nhận thức liên tục nên nhãn kiến cũng thay đổi liên tục, thay đổi nhận thức để nhãn kiến thay đổi, Phật Đạo gọi việc làm đó là “tu hành”. Thay đổi nhãn kiến đến một chừng mực nào đó, vị tu hành này sẽ nhận ra đâu là thế pháp, đâu là xuất thế pháp. Tại sao lại có thấy biết này? Chính Chánh Kiến hay nhãn kiến thanh tịnh cho phép vị này thấy được pháp nào là pháp cấu, pháp nào là pháp tịnh, pháp nào là xuất thế, pháp nào là thế gian. Nhờ có thấy biết này, nên vị ấy không còn mơ hồ, không còn lẫn lộn giữa đạo thế gian và đạo xuất thế.
- Người tu hành trong hiện tại, có thể biết rõ pháp nào là pháp thế gian, pháp nào là đạo xuất thế, theo mình thì cái biết này chính là một thắng lợi lớn trong kiếp đời tu hành. Biết được thế nào là thế pháp, thế nào là thánh pháp, cái biết này chính là một trong những Chánh Kiến quan trọng của Phật Đạo!
Về câu hỏi loại 3, mình rất hoan nghênh tất cả những câu trả lời của HĐ. Hầu như mọi người đều nói được “những bước tu hành để có thể chiếm lĩnh đỉnh cao trí tuệ”. Tuy nhiên, nó giống như tất cả những trạm xe, một số trạm xe nào đó chưa phải là trạm cuối cùng, cũng chưa phải là tất cả.
Khi đặt các câu hỏi, mình cũng rất muốn nhân cơ hội này, giúp cho các HĐ cũ nhờ đó có thể thành tựu một số điều trong Bồ Tát Đạo, để sau này rộng phương tiện trong lúc làm công hạnh. Mong muốn đó là:
1) Về câu Hỏi:
- Tập phân tích để thấy được cái gì là trọng tâm của câu hỏi. Có thấy được trọng tâm câu hỏi, mới giải quyết vấn đề không chệch hướng, trả lời không lạc đề.
- Nhìn thấu dụng ý “người Hỏi”: Có nhìn thấu dụng người hỏi, mới có thể giải quyết chỗ̃ kẹt mắc của người. Nếu không, sẽ không đáp ứng được tâm tư từ người hỏi.
- Nắm được lô gích “các câu Hỏi”: Có nắm được lô gích các câu hỏi, sau này mới có thể từng bước định hướng tu hành cho từng chủng tánh.
2) Về các “câu Trả lời”: Mình muốn các HĐ cũ nhân cơ hội này:
- Khi tiếp nhận một kiến giải: Thấy được trọng tâm của kiến giải. Có thấy được trọng tâm của kiến giải, vị lai mới có thể vì người mà xây dựng Chánh Kiến tiếp theo cho họ. Bởi lẽ, trong đời người tu hành, có rất nhiều lần thay đổi Chánh Kiến.
- Biết đánh giá một kiến giải: Có biết nhận định, đánh giá đúng mức một kiến giải. Vị lai mới có thể giúp người tinh tấn như pháp, tinh tấn không sai lệch. Không đánh giá đúng mức kiến giải, “mê mờ trong cái ù cạc cạc của thấy nghe”, sẽ là nguyên nhân tai hại khiến người tu hành mất phương hướng dẫn đến thối bộ, hoặc đề ra mục tiêu quá xa làm cho người tu hành bị cảm giác không thể với tới. Rơi vào hai trường hợp này, nhất định khi tuyên thuyết sẽ khiến người nghe ngán ngẫm, từ đó dẫn đến không hân hoan và cuối cùng họ sẽ thối chuyển.
- Biết phân tích một thông tin: Khi tiếp nhận một thông tin (một kiến giải). Người biết phân tích thông tin sẽ không bị các thông tin hư nguỵ gây nhiễu loạn. Trong Bồ Tát Đạo, một khi bị nhiễu loạn thông tin, sẽ không thể đập tan tà kiến hoặc dẫn người thoát ra khỏi các kiến giải hư nguỵ. Trong thời đại “bùng nổ thông tin” này, vàng thau lẫn lộn. Bồ Tát khi nghe người trình bày, mà không thể phân tích lời nào là chân, lời nào là giả thì... thì... thì Bồ Tát đó nhất định sẽ trở thành... Tát...Bồ!
Chỉ cần nắm vững những điều nói trên, cơ hội các bạn thành tựu Tam Minh (Ba điều của Ngũ Minh) là rất lớn. Tức là nhờ có Nội Minh (biết rõ tâm mình), nhân lắng nghe (Thanh Minh) mà biết rõ tâm người (Ngoại Minh).
Có được Tam Minh, cơ hội thành tựu Ngũ Minh không xa. Thành tựu Ngũ Minh, các bạn mới có thể biết rõ tâm cảnh của từng đối tượng và điều chỉnh riêng từng đối tượng theo hướng tu hành tích cực nhất!
Còn nhiều, rất nhiều điều... mình muốn nhân “phát pháo khai hoả” này, tạo điều kiện để các bạn từ cũ đến mới lần lượt thành tựu những điều vừa nêu. Hy vọng, những phát pháo tiếp theo, chúng ta sẽ có thêm những bước đi vững vàng hơn trong việc tu tập tự thân, cũng như trong công hạnh!
(25-05-2015)
4. NHỮNG CÂU TRẢ LỜI TIÊU BIỂU
Thưa Thầy,
Ôn lại những điều con được nghe từ lời Thầy dạy, nay con xin trả lời các câu hỏi Thầy nêu ra. Kính mong Thầy chỉ dạy thêm cho con.
4.1. Muốn thành tựu những điều căn bản trong Phật Đạo. Bản thân người tu hành phải xây dựng cho chính mình điều gì trước nhất?
Trả lời: Muốn thành tựu những điều cơ bản trong Phật đạo, người tu hành cần phải tự thân xây dựng Ba điều cơ bản sau. Đó là: Thái độ tu hành, Quyết tâm tu hành và Phương pháp tu hành.
4.2. Thái độ tu hành như thế nào?
Trả lời: Thái độ tu hành phải nghiêm túc, miên mật, cần cầu Thiện Tri Thức và tôn trọng đồng môn Huynh đệ.
- Nếu không nghiêm túc thì không đặt việc tu hành lên hàng đầu, tâm ý chểnh mảng, không cần cầu tập trung nghe pháp, không tuân thủ thời khóa tu hành. Thì kết quả rất hạn chế dẫn đến thối chuyển.
- Nếu không miên mật thì sinh giải đãi, chây lười, tốc lực tâm ngày càng yếu kém không thể thành tựu những gì cần thành tựu.
- Nếu không cần cầu Thiện Tri Thức thì không được trưởng dưỡng trong pháp lành, và không thể mở cửa đạo.
- Nếu không tôn trọng bạn tu thì sẽ dẫn đến nguyên nhân làm lớn tự ngã, đơn độc tu hành dễ bị gió cảnh xô ngả.
Người xưa có cảnh báo điều này bằng câu nói: “Hổ ly sơn hổ bại, tăng ly chúng tăng tàn”. Có nghĩa rằng:
Đệ tử xa Thầy đệ tử thất bại, người tu hành xa đồng môn người tu hành đó sẽ trở thành người thế tục. Vì thế dưới thời Phật, người tu hành phải ở trong chúng (ít nhất bốn người) để hỗ̃ trợ cho nhau tu tập.
4.3. Quyết tâm như thế nào?
Trả lời: Quyết tâm là nhứt tâm làm một vấn đề nào đó cho chí đến thành công mới thôi. Dù gặp khó khăn trắc trở, quyết không bỏ cuộc nửa chừng.
Trong Phật đạo, đây là yếu tố then chốt thứ hai không thể thiếu. Vì sao? Vì có vô số cột mốc tuần tự phải đạt được trên con đường rất dài tiến về Vô Thượng Trí huệ. Nếu không quyết tâm đạt được từng mục tiêu thì kết quả không thành.
Thí dụ: Một người leo núi, vị này “Phải Quyết Tâm” chiếm lĩnh từng cột mốc một. Như vậy ngày A phải quyết tâm vượt hết cung đường nào đến điểm nào. Tương tự,… những quyết tâm sau đó phải thể hiện cho đến khi nào hoàn thành mục tiêu lên đến đỉnh mới thôi.
4.4. Phương pháp tu hành như thế nào?
Trả lời: Đây cũng là yếu tố then chốt thứ ba không thể thiếu. Làm việc gì không có phương pháp thì kết quả rất hạn chế. Người tu hành cần có phương pháp đúng, yếu tố này lại được “quyết định” bởi “Thiện Tri Thức”. Người tu cần tuân thủ nghiêm chỉnh phương pháp đã được hướng dẫn.
Thí dụ: Dầu học sinh chuyên cần nghiêm túc học hành đến mấy đi nữa mà không có Thầy giáo chỉ bày cách học thì cũng vô phương.
4.5. Đạo xuất thế củ̉a Chư Phật (Phật Pháp), khác với thế gian đạo (thế pháp) ở những điều cơ bản nào???
Trả lời: Thế gian pháp hoàn toàn khác với Phật Pháp.
Thế nào là Thế Gian pháp?
Là tất cả các pháp có khuynh hướng làm lớn tự ngã, có sở đắc và kết quả là một hữu lậu tâm tồn tại. Thế pháp đồng nghĩa Hữu Lậu Pháp, kể cả những pháp của Phật, nhưng được tuyên thuyết hay tu hành dẫn đến kết quả như những ý nghĩa nêu trên đều được gọi là “pháp thế gian”. Đại kinh Thí Dụ Lõi Cây, Phật dạy: “Ở đây nếu có một người tinh cần xuất gia, đầy đủ giới đức, tu đắc thiền định, có được tri kiến tốt, mà vị ấy nghĩ rằng tôi đầy đủ giới đức, đắc thiền định, có được tri kiến tốt, còn những người khác thì không đủ giới đức, không đắc thiền định, không thành tựu tri kiến... Như Lai nói rằng người này đi tìm lõi cây mà chỉ lấy vỏ cây đem về, người này không đạt được mục đích tu hành trong Phật đạo” (kết luận về bản thân của người này cho thấy rằng tự ngã thêm lớn, chỗ̃ đạt được là hữu sở đắc, hữu lậu tâm vẫn chưa dứt)
Thế nào là Phật Pháp?
Trả lời: Là những pháp nào có khuynh hướng làm tiêu thất tự ngã, đưa đến vô sở đắc, hữu lậu tâm tịch diệt hoàn toàn, cứu cánh thanh tịnh an vui... Những pháp đó được gọi là xuất thế pháp (Phật pháp). Chính vì điểm đặc thù này, mà Phật dạy: “Phật pháp là không pháp”, và Phật cũng dạy rằng: “Nhất thiết pháp giai thị Phật Pháp”.
Thí dụ: Lúc Phật tại thế, Ngoại đạo dạy người tu Tứ Thiền Bát Định, nhưng chỉ đạt đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, không thể thoát ly khỏi ba cõi. Đến khi Phật ra đời, cũng dạy người tu hành những pháp đó (Tứ Thiền Bát Định). Khi tu xong, Thánh Đệ Tử chứng quả Vô Sanh A La Hán. Điều gì khác ở đây? Chính Chư Phật khi tuyên thuyết, đã thổi vào các pháp đó hương vị giải thoát, hương vị vô ngã, giúp người thành tựu vô lậu tâm, vô sở đắc vậy.
Như vậy có thể kết luận, cũng đồng một pháp, mà kết quả của nó sẽ cho ra pháp xuất thế hay pháp thế gian. Tất cả những điều này đều tuỳ thuộc vào định hướng tu hành và ý nghĩa có được khi Bậc Đạo Sư tuyên thuyết, dạy người về pháp ấy. Vì thế cho nên Lục Tổ Huệ Năng đã dạy: “Phật Pháp bất ly thế gian pháp”.
4.6. Có bao nhiêu bước quan trọng, để người tu hành chiếm lĩnh đỉnh cao trí tuệ???
Trả lời: Tuỳ vào chủng tánh mà Phật Đạo lập bày những bước cơ bản quan trọng trong cùng một hệ thống dành cho mỗ̃i chủng tánh, để người tu hành, mỗ̃i chủng tánh lấy đây làm cơ sở tuần tự chiếm lĩnh đỉnh cao trí tuệ. Vì thế các Kinh Giáo Bồ Tát, Phật tuyên nói vô lượng cảnh giới, tức vô lượng bước trong Phật Đạo. Và cũng chính vì sự sai biệt của các chủng tánh này, mà hầu như các Kinh Giáo Bồ Tát không có sự thống nhất trong hệ thống tu hành. Điều này cho thấy độ sâu và chiều rộng của Phật Đạo là vô tận và đó cũng là nguyên nhân vì sao Phật Đạo có vô lượng pháp môn.
Có thể đơn cử một số cảnh giới trong Phật Đạo được sắp xếp theo trình tự như một hệ thống dây chuyền tu tập liên thông đến Vô Thượng Trí như sau:
- Thành tựu vô thượng trí bằng cách khai Tứ Diệu Đế trước, khai Phật Tri Kiến sau.
- Thành tựu vô thượng trí theo trình tự 55 quả vị.
- Thành tựu vô thượng trí lần lượt qua 11 loại trí.
- Thành tựu vô thượng trí theo thứ lớp năm Bồ Đề.
- Thành tựu vô thượng trí bằng con đường Tam Pháp Luân.
- Thành tựu vô thượng trí dưới dạng tu 10 Ba La Mật.
- Thành tựu vô thượng trí thông qua những Tự Môn cơ bản.
Nói chung, có vô lượng hệ thống mang tính dây chuyền, liên thông đến Vô Thượng Trí như vậy đã được Phật chỉ dạy trong các Kinh Giáo Bồ Tát. Tất cả các dây chuyền này, được định hình bởi những lần tuyên thuyết, khai thị của Bậc Đạo Sư mà ta thường gọi là Pháp Môn. Đây cũng là lý do vì sao Kinh Giáo Bồ Tát có khối lượng nhiều hơn các bộ loại kinh khác và rất khó hiểu!!!
Cứ mỗ̃i lần tuyên thuyết khai thị như vậy, là mỗ̃i lần Bậc Đạo Sư điều chỉnh hệ thống tu tập và mở cánh cửa kế tiếp (pháp môn) để người đệ tử tiến sâu, tiến đúng vào Đạo Chủng Trí để sau cùng có thể thành tựu rốt ráo Vô Thượng Trí (Nhất Thiết Chủng Trí).
Trong mỗ̃i hệ thống dây chuyền liên thông như vậy, sẽ có một số khái niệm về cảnh giới đồng và một số khái niệm, cảnh giới không đồng giữa những hệ thống với nhau. Sở dĩ có những khái niệm đồng dị trong các hệ thống dây chuyền như vậy, là vì “các cảnh giới đệ nhất nghĩa Phật Tâm” được người tu hành ứng dụng không đồng nhất bởi những chủng tánh không đồng nhất, cho nên hệ quả tất yếu sẽ là: Sai biệt trí thành tựu trước, nhất thiết chủng trí thành tựu sau!!!
Trên đây chỉ là những gì con có thể ghi nhận được khi nghe Thầy giáo dạy. Chắc chắn những điều ghi lại ở trên, chưa thể chuyển tải hết ý nghĩa Thầy muốn truyền đạt vì độ sâu của Giáo Pháp và Giáo Bồ Tát Pháp là vô cùng tận.
Có gì thiếu sót, xin Thầy chỉ dạy.
(30-05-2015)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






