Thật Ngữ 

 0
Thật Ngữ 

Các bạn!!!

Trong các kinh đại thừa, Phật thường hay tuyên thuyết: "Lời của Như Lai là chân thật ngữ, bất cuống ngữ, bất dị ngữ...". Có nghĩa lời Phật là lời chân thật, chỉ tuyên nói sự thật, sự thật này là chân lý, không nói lời hư dối, sai sự thật, và cũng không có nói nghĩa khác, như các dị thuyết của ngoại đạo.

Kinh đại thừa, Phật cũng thường hay nói đại ý: "Tuy Như Lai tuyên thuyết chân lý (một sự thật đã có và tất nhiên nó là như vậy), nhưng mỗi loài (ba thừa) do căn tánh không đồng, nhận thức sai khác, nên khi nghe lời chân thật ấy, trở thành có sai biệt" (hiểu không đúng bản chất của chân lý từ những lời thật ấy). Sự hiểu biết, nhận thức sai khác về chân lý, là nguyên nhân chính khiến ba thừa và các phương tiện quyền tiểu ra đời.

Để giúp cho ba thừa dần dần từ bỏ hiểu biết và nhận thức sai khác này, Như Lai bèn thuận theo họ mà tuyên thuyết "pháp phương tiện". Pháp này chỉ có giá trị làm công cụ đoạn dứt phàm tâm, tịch diệt phàm tình, không hiện khởi tâm hư vọng và pháp hư vọng, ra khỏi sự mê muội của cái ngã điên đảo, vị lai có thể đắc thành trí tuệ.

Nương nhờ pháp phương tiện, ba thừa chứng thánh quả. Sau khi chứng thánh quả, có nghĩa thấy biết hư vọng của một chúng sanh không còn nữa, bây giờ vị tu hành này mới có cơ may hiểu được ý nghĩa chân thật mà chư Phật đã thuyết. Tức là, sau khi ba thừa dùng phương tiện "tịch diệt hư vọng tâm, hư vọng pháp, và điên đảo ngã" rồi, mới có thể biết đâu là chân thật ngữ, đâu là phương tiện ngữ của Như Lai.

Tức họ "như cái thấy mà thấy chân lý, như cái nghe mà thấu suốt thiệt nghĩa", chứ không như cái hư vọng trước đây mà thấy mà nghe...Kinh gọi cái thấy chân thật này là "thấy thiệt tướng", nghe chân thật này là "nghe thật ngữ"...!!!

Cũng chính vì có sự sai biệt khi nghe một pháp, mà ba thừa hình thành. Sự hình thành "bất đắc dĩ" này, khiến chư Phật phải một phen "lột chiếc áo cao quý, để mặc chiếc áo hôi nhơ" gần gũi chúng sanh để thuyết pháp phương tiện, thuyết kinh bất liễu nghĩa. Việc làm này (thuyết kinh bất liễu nghĩa) cũng chỉ là biện pháp tạm thời giúp chúng sanh từ bỏ hư vọng tâm, hư vọng pháp, chấm dứt cái ngã đão điên, để thấy được chân lý.

Để xác chứng rằng, chân lý (liễu nghĩa) mới là thật pháp, mới là điều chư Phật mong muốn truyền trao. Kinh Đại Niết Bàn, Phật dạy "Tứ Y", trong đó có "Y kinh liễu nghĩa, không y kinh bất liễu nghĩa". Có nghĩa muốn thấu suốt chân lý, chỉ nên y vào lời chân thật (liễu nghĩa), không nên y cứ vào những gì còn nằm trong phạm vi phương tiện (bất liễu nghĩa).

Trước "sự trăn trở này". Kinh chép lại rằng: "Khi vừa thành Đẳng Chánh Giác, chưa rời cội Bồ Đề, Phật quán sát chân lý mà tự thân đã chứng ngộ. Ngài cảm thán rằng: Chân lý này, vượt quá khả năng nhận biết của một hữu tình, làm sao có thể tuyên nói để chúng sanh có thể thấu suốt được. Rồi Phật cũng lại quán: Như một ao sen nhiều hoa, có hoa lên khỏi mặt nước, có hoa nằm trên mặt nước, có hoa còn nằm trong nước... Chúng sanh cũng như thế, căn tánh không đồng. Rồi Phật lại quán: Chư Phật xưa dùng ba thừa để giáo hoá, nay ta cũng dùng ba thừa mà giáo hoá"...Từ trăn trở này, kinh bất liễu nghĩa (dạy ba thừa) ra đời!!!

Sau khi ba thừa đồng chứng thánh quả. Phật lại một lần nữa khẳng định mục tiêu của sự tu hành trong Phật đạo, đó là chỉ nên thể nhập Phật tri kiến, chỉ có Phật thừa và Phật tri kiến mới đưa đến thành tựu Phật quả. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, nói rằng: "Đại sự nhân duyên Phật ra đời, là để: Khai thị ngộ nhập Phật tri kiến". Có nghĩa mục tiêu của chư Phật ra đời nhằm giúp mọi chúng sanh có được thấy biết như Phật, để từ thấy biết này mà thành Phật. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa một lần nữa chỉ rõ: "Giáo pháp của chư Phật, không có hai ba thừa, mà chỉ một thừa, đó là Phật thừa". Vì thế, thấy biết và thành tựu của ba thừa chỉ là "quyền tiểu", chỉ là "hoá thành" (hoá thành dụ). Thấy biết này chưa chân thật và chưa đúng với chân lý!!!

Nghĩa không mà Phật đã tuyên thuyết, là một trong những nghĩa chân thật, nói lên sự thật mà mỗi hữu tình khi dứt mê sẽ tự chứng. Vì thế nghĩa không (rốt ráo không) chính là chân lý.

Chân lý này, chỉ có những ai thật sự thể nhập, thật sự không còn hư vọng tâm, không hiện khởi hư vọng pháp và đã vứt bỏ cái ngã đảo điên, không chạy theo danh tướng. Mới thấu suốt "cái thiệt" của nghĩa này.

Trong kinh tạng của Phật, vô lượng lời thật như thế được Thế Tôn tuyên thuyết trước ba cõi. Và những sự thật này, chân lý này, cho đến tận cùng đời vị lai, không một ai có thể "nói ngược lại được". Chính sự phát hiện và những tuyên bố độc đáo này, mà Thế Tôn của chúng ta có danh hiệu là Bậc Đại Giác Ngộ, Đấng Độc Tôn.

Trong phạm vi trao đổi hôm nay, mình xin đề cập đến một số thật ngữ, mà Thế Tôn đã tuyên nói, để các HĐ nghiền ngẫm tư duy:

Không tâm (không tự ngã), không pháp (không ngã sở), rốt ráo không, là thật ngữ.

Trí tuệ thì bất không, đây cũng là thật ngữ.

Hy vọng, sau những gợi ý này, các HĐ nghiền ngẫm nó, để vị lai thấu suốt cái gì là thật ngữ, thật nghĩa, và sự thành tựu nào mới là chân thật chứng. Có như thế, mới có thể vượt qua khỏi sự nhỏ nhoi quyền tiểu của ba thừa mà vào Nhất Thừa Đạo.          (16-07-2014)

                          −−−••• ⁕ ⁕  ۝⁕ ⁕ •••−−−        

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG