Tam Ma Đề

Loại thiền thứ hai khảo sát đến đó là phép tu Tam Ma Đề. Phép tu này gồm các pháp được thuyết chủ yếu trong kinh Thủ Lăng Nghiêm và rải rác trong các kinh đại thừa.
A. Tam Ma Đề còn gọi là như huyễn Tam Ma Đề.
Đây là phương tiện hiệu quả thanh lọc nguồn tâm. Thật khó xác định pháp tu này là chỉ hay quán vì nó gồm đủ cả hai. Bước đầu nương huyễn pháp rồi lập huyễn phương tiện, quán huyễn pháp này để dừng huyễn tâm. Khi huyễn tâm dứt thì huyễn phương tiện và huyễn pháp cũng tự mất. Vì thế nói rằng Tam Ma Đề là chỉ hay quán đều đúng.
Cũng giống Tứ Thiền, pháp Tam Ma Đề chỉ là công cụ dừng huyễn tâm, sau đó mới thấy chân tánh, kinh gọi là tánh thấy tánh nghe. Khi thấy nghe từ chân tánh, hành giả dùng thấy nghe này một lần nữa ngộ bổn tâm thanh tịnh, kinh gọi tiếp dòng nước pháp.
B. Quả Càn Tuệ Địa.
Chỗ chứng cao nhất của Tam Ma Đề là quả Càn Tuệ Địa, trong kinh định nghĩa quả này như sau:
“A Nan, thiện nam tử ấy, dòng dục ái mới vừa khô cạn, căn và cảnh không ngẫu hợp, thân tàn hiện tiền, không còn tiếp tục sinh nữa, nắm cái tâm rỗng sáng, thuần là trí tuệ; tính trí tuệ sáng suốt cùng khắp, soi thấu thập phương thế giới; chỉ có cái tuệ khô khan ấy, nên gọi là Càn Tuệ Địa, tập khí ngũ dục mới khô cạn, chưa tiếp giáp với dòng nước Pháp của các đức Như Lai.”[[1]]
Nếu Tứ Thiền y thánh giáo lập phương tiện, thì Tam Ma Đề giác ngộ trước lập phương tiện sau, nên thiên về chân giáo. Tức giác ngộ bản chân rồi dùng phương tiện làm cho bản chân hiện rõ, thuật ngữ trong kinh gọi là Diệu Minh Chơn Tâm hay nói gọn là chân tâm. Giống như người lạc giữa rừng sâu trong đêm tối, muốn thoát khỏi hiểm nguy phải thấy được ánh lửa từ xa. Khi thấy ánh lửa, người này lần hồi hướng theo ánh sáng đến nơi an toàn.
Vì thế trong kinh Thủ Lăng Nghiêm Phật gạn hỏi A Nan nhiều lần về tâm. Đây là phương pháp loại suy để xác định cái đúng. Vọng tâm như rừng rậm, vô minh như bóng đêm, chân tâm như ánh sáng, nếu không phân rõ chân vọng thì không thể nào thấy phương hướng đúng đắn. Các thứ tâm A Nan trình bày là tâm hư dối chẳng phải tâm. Phật dùng nhiều hình thức để chỉ tâm, khi thật sự giác ngộ A Nan mới xin Phật nói rõ phương tiện tu hành.
Đặc điểm của phép tu này phá vỡ sự mê lầm của ý thức. Lý luận chủ yếu nâng tri kiến hàng Thanh Văn lên một chuẩn mới để bắt kịp tri kiến Bồ Tát, từ đây tuyên nói nguyên lý: “Vạn pháp duy tâm.”
Đặc điểm của thiền này xử lý rốt ráo thấy nghe.
Khi thấy nghe được xử lý rốt ráo sẽ không bị thức chi phối mà y vào tánh thanh tịnh để thấy biết gọi là tánh thấy tánh nghe. Từ tánh thấy nghe, hành giả mới đủ sáng suốt thấy được chân tâm. Thiền này giác ngộ bổn tâm tự vắng lặng.
Một phen mê lầm vọng sinh muôn pháp. Pháp đã sanh ra lại lầm nơi pháp tưởng pháp thật có. Lầm pháp là thật nên có khổ vui. Như trong bóng tối lầm sợi dây thành con rắn, rồi sợ con rắn. Giác được bản tâm như biết trong tối kia không phải con rắn, lần hồi đi đến mới thấy đấy chỉ là sợi dây. Thấy sợi dây gọi là ngộ bản tâm. Vì thế từ giác đến ngộ phải trải qua tu hành, phép Tam Ma Đề là làm phần việc này.
Muốn ứng dụng thành tựu pháp Tam Ma Đề điều kiện tiên quyết phải giác ngộ bản chân, sau đó làm sạch những gì che chướng. Vì thế, người tu hành ứng dụng phép Tam Ma Đề là làm sạch pháp chướng.
Khảo sát kinh Thủ Lăng Nghiêm và Viên Giác để có sự so sánh từ đâu sinh ra các thứ chướng này. Kinh Thủ Lăng Nghiêm phân tích rất cụ thể về các nguyên nhân phát sinh mê lầm và dạy cách tu để dứt mê.
Phật chỉ ra rằng sở dĩ có mê vì lầm nhận tiền trần hư dối cho là tâm nên không thấy bổn tâm. Giống như người ngủ mê nghe tiếng giã gạo lầm tưởng tiếng chuông, hoặc thùng nước bị ván dầu nổi trên mặt che lấp nước trong lầm tưởng thùng dầu.
Kinh Viên Giác Phật dạy do chúng sinh điên đảo nên mờ tính giác, tính giác bị mờ vọng sinh các pháp. Như người nhặm mắt thấy trong hư không có hoa đốm, lại lầm rằng hư không thiệt có hoa đốm. Diệu Minh Chơn Tâm và Viên Giác là hai tên gọi khác của một tâm. Theo kinh mô tả thì đặc tính của tâm này là thuần tịnh, trong sáng, không lầm.
- Giác là biết rõ vạn pháp đều do mê sanh, từ mê cho rằng pháp thiệt có rồi chạy theo đánh mất bản tâm.
- Ngộ là thấy được bản tâm vốn tự thanh tịnh.
Kinh Viên Giác: “Nầy Thiện nam tử, tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay, bị nhiều món điên đảo làm mê mờ tánh "Viên Giác," như người lạc đường, lầm lộn bốn phương. Điên đảo vọng hiện ra thân và tâm, rồi lầm nhận thân tứ đại giả hợp nầy làm thân mình, chấp cái vọng niệm sanh diệt duyên theo bóng dáng của sáu trần cho là thật tâm mình. − Như người nhặm con mắt, thấy trong hư không có các hoa đốm, hoặc mặt trăng thứ hai. Thật ra trong hư không chẳng có hoa đốm hay mặt trăng thứ hai, nhưng vì người nhặm mắt vọng chấp. Bởi vọng chấp, nên chẳng những không biết được hư không, mà lại thêm mê lầm, chấp thật có hoa đốm sanh. Vì mê lầm mà có sanh tử luân hồi, nên gọi là "Vô minh."[[2]]
Kinh Thủ Lăng Nghiêm: “Nhưng Như Lai Tạng bản tính diệu viên, không phải là tâm, là không, là địa, là thủy, là phong, là hỏa; không phải là nhãn, là nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; không phải là sắc, là thanh, hương, vị, xúc, pháp; không phải là nhãn thức giới, cho đến không phải là ý thức giới; không phải là minh, là vô minh, là hết minh, là hết vô minh, cho đến không phải là lão, là tử, là hết lão tử; không phải là khổ, là tập, là diệt, là đạo; không phải là trí, là đắc; không phải là bố thí, là trì giới, là tinh tiến, là nhẫn nhục, là thiền định, là trí tuệ, là Ba La Mật Đa, cho đến cũng không phải là Như Lai, là Ứng Cúng, là Chánh Biến Tri; không phải là Đại Niết Bàn, là đức Thường, đức Lạc, đức Ngã, đức Tịnh, vì cái đó, đều không là các pháp thế gian và xuất thế gian vậy.”[[3]]
Kinh Viên Giác nói: Do điên đảo nên chúng sinh không thấy giác tánh. Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: Bản tính diệu viên không phải là tâm hay nhận thức từ tâm mà bổn tâm vốn tự diệu minh.
Mê lầm có bản minh làm mất tính diệu nên hư không thành sắc: “Do mê vọng mà có hư không, nương hư không, lập thành thế giới, tư tưởng chăm chú, thành cõi nước.”
Cách đặt vấn đề, cách dùng từ ngữ và các thí dụ khác nhau, nhưng xét ý nghĩa hai kinh tương đồng. Theo lý của hai kinh, chúng sanh không biết bản tâm thanh tịnh nên sinh các món sanh tử.
Hoặc ngược lại, chúng sinh chỉ nhận thức theo sinh diệt nên không biết bản tâm. Căn cứ vào ý nghĩa này ta thấy dường như một chúng sinh có đến hai thứ tâm, một tâm nào đó cực tịnh, cực sáng, và một tâm nào đó đen tối vô minh.
Theo nguyên lý Phật giáo, bổn tâm giống như mặt trời, luôn sáng, luôn chiếu, luôn đầy đủ các món tự tại. Tâm này chúng sinh sẵn có. Sở dĩ hiện tại chúng sinh không thấy do vô minh che đậy, như đám mây che khuất mặt trời, khi nào mây hết che thì mặt trời tự hiện. Theo lý luận này thì :
C. Bổn tâm và tâm mê không phải hai tâm.
Vì có vật cản nên bản tâm không hiện, không hiện chúng sinh lầm lấy vật che làm tâm tạm gọi tâm mê. Vì thế muốn thấy bổn tâm phải phá bỏ vật che chướng, tức là tâm mê, giống như muốn thấy được vật bên kia bức tường phải phá bỏ bức tường.
Kinh Viên Giác: “Này Thiện nam tử! Tất cả các cảnh vật huyễn hóa (thế giới, chúng sanh) của chúng sanh, đều sanh trong tâm Viên Giác mầu nhiệm của Như Lai. Các pháp hư huyễn có diệt, mà tánh Viên Giác vẫn không diệt. Cũng như hoa đốm sanh trong hư không, các hoa đốm hư huyễn kia có hoại diệt, mà tánh hư không chẳng hề hoại diệt.”[[4]]
Kinh Thủ Lăng Nghiêm: “Tôi lấy tính diệu minh, không diệt không sinh, hợp với Như Lai Tạng, thì Như Lai Tạng chỉ là tính giác diệu minh, soi khắp pháp giới; vậy nên trong ấy, một là vô lượng, vô lượng là một, trong nhỏ hiện ra lớn, trong lớn hiện ra nhỏ, đạo trường bất động cùng khắp thế giới mười phương, thân trùm cả hư không vô tận mười phương, nơi đầu một mãy lông, hiện ra cõi Bảo Vương, ngồi trong vi trần, chuyển bánh xe pháp lớn; diệt trần tướng, hợp giác tính, nên phát ra tính giác chân như nhiệm mầu sáng suốt.”[[5]]
Hai kinh đồng khẳng định: Viên Giác hay Diệu Minh không sanh không diệt, sanh diệt là tâm mê. Giác ngộ tu hành dứt mê, không ảnh hưởng gì đến bổn tâm. Ví như người nhặm mắt thấy hoa đốm, chữa lành bệnh mắt, hoa đốm tự diệt không ảnh hưởng gì đến hư không, cũng như con mắt.
Hư không không sinh hoa đốm, cũng không diệt hoa đốm. Hoa đốm ngay trong hư không mà hiện một lúc nhiều hoa đốm, hay một hoa đốm hiện các hoa đốm khác, cũng không tranh chấp nhau, và cũng không tranh chấp với hư không hoặc ngược lại.
Tu hành cũng giống như cung thủ. Muốn bắn trúng mục tiêu, điều đầu tiên phải thấy mục tiêu. Càng thấy rõ mục tiêu bắn càng dễ trúng. Gần mục tiêu chừng nào tỷ lệ bắn trúng lớn chừng đó. Nếu đứng sát mục tiêu nhất định không thể nào bắn trật. Muốn dứt mê người tu hành phải thấy được những gì là mê. Hiểu cặn kẽ bao nhiêu điều phục dễ dàng bấy nhiêu.
a. Vậy tâm mê là gì?
Chúng sanh sinh tử không có thủy chung, nên mê lầm cũng không thủy chung. Sanh tử không có đầu mối, nên mê lầm không có nhân sinh. Một phen ‘khởi minh’ thì ‘mê’ liền hiện.
Như người soi gương, gương chưa từng có bóng, trong gương cũng không có nhân sinh bóng. Vì nếu có nhân bóng thì gương đã tự sinh bóng, không đợi có cảnh. Biết gương không bóng, nhưng khi nhìn vào thì thấy bóng hiện trong gương.
Hoặc như đến để chứng minh gương không bóng, thì bóng tức thì hiện trong gương. Như chàng Diễn Nhã Đạt Đa thành Thất La Phiệt, buổi sáng soi gương, ham thích mặt người trong gương, giận mình sao không tự thấy, giận quá tưởng mình là quỷ tâm phát điên cuồng.
Hoặc như người nhà giàu đêm nằm ngủ mê, mơ thấy mình nghèo đói khóc than oán trách đói nghèo, giật mình tỉnh giấc biết thiệt không nghèo. Giả sử nhà giàu kia không thức giấc thì cả cuộc đời trong mê phải chịu đói nghèo.
Cứ như thế gương và cảnh đắp đổi lẫn nhau không dứt, không dứt này tạm gọi tâm mê, nên tâm mê không có nhân sanh. Từ diệu minh mê thành minh giác, bởi mong thấy được chỗ minh. Thấy được chỗ minh, chấp minh sanh giác, năng sở lập bày. Từ đây bỏ diệu lấy minh, minh này mê vọng lầm thấy ba đời.
“Nếu không có sở minh là không có minh giác, thì có sở không phải là giác, mà không sở, lại không phải là minh; và không minh, thì lại không phải là giác tính trạm minh. Vậy tính giác chắc là minh, do vọng tưởng mà làm ra có minh giác. Giác không có gì là sở minh, nhân có minh mà lập ra thành sở; đã giả dối lập ra có sở, mới sinh ra cái năng hư vọng của các ông.
Tính diệu giác viên mãn sáng suốt, bản lai là diệu minh cùng khắp; đã gọi là vọng, thì làm sao có nhân, nếu có nguyên nhân, thì sao gọi là vọng? Chỉ tự các vọng tưởng xoay vần làm nhân cho nhau, theo cái mê, chứa cái mê, trải qua kiếp số như vi trần; tuy Phật phát minh, còn không biết trở về. Nguyên nhân cái mê như vậy, là nhân mê tự có, biết cái mê không có nhân, thì cái vọng không chỗ nương tựa, còn không có sinh, thì muốn đem cái gì mà làm cái diệt.
Người được đạo Bồ Đề như người tỉnh giấc kể chuyện trong chiêm bao; tâm dầu rõ ràng, nhưng không thể có nhân duyên gì lấy được những vật trong chiêm bao; huống nữa, cái mê lại không có nhân, vốn không có gì cả. Như anh Diễn Nhã Đạt Đa trong thành kia, đâu có nhân duyên, mà tự sợ đầu mình bỏ chạy, bỗng nhiên hết điên, thì cái đầu đâu phải từ ngoài đưa tới; dầu chưa hết điên, cái đầu cũng không hề mất. Phú Lâu Na, tính của cái vọng là như vậy, làm sao còn có nguyên nhân được.”[[6]]
Từ không nhân lâu dần tưởng thiệt có nhân, chấp có nhân sanh lầm có nhân chịu, mà thật “không thọ giả không tác giả.”
Từ không năng sở bỗng thành có y báo, chánh báo, nhân quả lập bày, thiện ác sanh ra, ba đời luân chuyển.
Từ Như Lai tàng huân thành tàng thức, y theo nghiệp báo bốn đại thành thân. Thức nhập vô thân sanh ra sáu món.
Chỗ trạm nhiên nay thành lộn lạo như mắt nhặm vọng sanh hoa đốm, tưởng thiệt có hoa đốm thế giới lập bày. Cứ như thế căn thân thế giới, y báo chánh báo xoay vần lẫn nhau tình tưởng phát sanh. Tình tưởng phát sanh ái sanh, ái sanh nghiệp sanh, nghiệp sanh dục sanh, dục sanh duyên sanh, duyên sanh sanh diệt sanh, sanh diệt thứ lớp nên sanh tử lập bày. Sanh tử lập bày luân hồi xoay chuyển, lại tiếp tục vô minh thêm dày vô minh. Hoa đốm ban đầu cô kết thành sắc, cứ thế phát triển. Tiến trình này từ mê đến lầm dần không tự biết, chỗ lầm thành thiệt, tưởng pháp là thiệt dường như có tâm, tưởng nơi không thiệt tạm gọi là tâm mê.
Nơi Như Lai tàng huân thành tàng thức theo nghiệp, nhập thai thành thức, từ đồng sanh dị.
“Lại nữa Đại Huệ! Kẻ ngu có ba thứ tương tục. Nghĩa là: Tham, sân, si, và ái vị lai có hỷ chung.
Do tương tục này nên có thú tương tục. Tương tục ấy là tiếp nối trong ngũ thú.
Đại Huệ! Tương tục dứt thì không có tướng tương tục cùng chẳng tương tục.
Lại nữa, Đại Huệ! Ba hòa hợp duyên tạo phương tiện chấp trước nên thức tương tục vô gián sanh. Phương tiện chấp trước thì có tương tục.
Ba hòa hợp duyên thức dứt thì thấy ba giải thoát, tất cả tương tục chẳng sanh.”[[7]]
Theo như những gì kinh dạy thì tâm chúng sanh chỉ là sự nhận biết một pháp nào đó của thức. Có thể pháp quá khứ có thể pháp vị lai mà thật quá khứ hay vị lai chỉ là niệm hiện tiền mê muội.
Lấy hiện tiền mê muội làm tâm, không có gì thiệt là tâm. Chính không có gì thiệt là tâm mà tâm chỉ là bóng dáng của nhận thức, nên người tu hành dừng mọi nhận thức bằng cách không phân biệt.
Tức không cho thức làm chủ ý căn, khi ý căn không bị thức nhiễu loạn thì vấn đề sáng tỏ. Thức không theo dòng lưu chuyển của nghiệp quả quay trở về chỗ trạm nhiên vắng lặng ban đầu lúc chưa bị sinh diệt chi phối (tính trạm). Từ đây hướng tâm đến cứu cánh sẽ thấy bản nguyên thanh tịnh.
Một số đoạn trích sau đây trong kinh minh họa vấn đề: “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thinh hương vị xúc pháp sanh tâm,” hoặc “Ông hãy đình chỉ mọi duyên, chớ sinh một niệm, không nghĩ thiện không nghĩ ác, ngay lúc ấy cái gì là bản lai diện mục của Thượng toạ Huệ Minh,” hoặc “Năm ấm ấy vốn trùng điệp sinh khởi; sinh, nhân Thức ấm mà có, diệt, từ Sắc ấm mà trừ; lý, thì ngộ liền, nhân cái ngộ đều tiêu; sự, không phải trừ liền, theo thứ lớp mà diệt hết,” hoặc “Này Thiện nam tử! Nếu các Bồ Tát ngộ được Viên Giác thanh tịnh rồi, thì y theo tâm Viên Giác thanh tịnh này mà giữ cái hạnh yên lặng và lóng các vọng niệm,” hoặc “Vô lượng tất cả pháp như nghĩa đã nói chấp trước tương tục. Nghĩa là tướng kế trước tương tục, như tằm nhã tơ làm kén…tướng có không có tương tục chấp trước…ba hòa hợp duyên thức dứt thì thấy giải thoát.”
Các đoạn trích tiêu biểu này đều nói đến việc làm quan trọng đầu tiên của người tu thiền là phải dừng các nhận thức sai lầm hay nói khác dừng mê tâm. Thứ tâm do các duyên hòa hợp, thứ tâm do vọng mà thấy. Cách dừng thức tương tục hoặc dừng mê tâm về lý mà nói, đầu tiên phải giác ngộ các duyên hòa hợp bị thức làm chủ nên sinh mê.
b. Muốn dứt mê phải loại thức ra khỏi ba duyên.
Hay nói khác đi là rút thức ra khỏi thân căn, để căn và cảnh không còn hệ phược lẫn nhau. Sự không hệ phược này cực kỳ quan trọng, bởi lẽ căn và cảnh tự nó thanh tịnh vì căn chỉ là bốn đại. Cảnh chỉ là các duyên. Hai món này tự nó giải thoát. Khi thức phân biệt dự phần vào thì pháp sẽ sanh.
Pháp đã sanh tâm mê nơi pháp nhận pháp làm tâm thành ra trói buộc. Nếu dứt phân biệt quả vị đầu tiên ra đời đó là Càn Tuệ Địa.
Càn Tuệ là khô cằn vọng tưởng, kinh định nghĩa như sau: “A Nan, thiện nam tử ấy, lòng dục ái mới vừa khô cạn, căn và cảnh không ngẫu hợp, thân tàn hiện tiền, không còn tiếp tục sinh nữa, nắm cái tâm rỗng sáng, thuần là trí tuệ; tính trí tuệ sáng suốt cùng khắp, soi thấu thập phương thế giới; chỉ có cái tuệ khô khan ấy, nên gọi là Càn Tuệ Địa, tập khí ngũ dục mới khô cạn, chưa tiếp giáp với dòng nước Pháp của các đức Như Lai.”[[8]]
Đối với người tu Tam Ma Đề, quả Càn Tuệ Địa hay những quả vị của thiền tương đương quả vị này rất quan trọng.
Như đệ Tứ Thiền thì: (Bất khổ bất lạc) “Định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản.”
Còn Càn Tuệ Địa: “Thân tàn hiện tiền, căn cảnh không phối ngẫu, dòng nước dục ái mới vừa khô cạn, thuần là trí tuệ, chưa tiếp dòng nước pháp... .”
Ta thấy ở hai cảnh giới này tuy từ hai cách tu khác nhau, một bên giản trạch tâm từ thô đến tế (thiền) nên tâm nhu nhuyến. Một bên do giác ngộ bản tâm dừng các thứ thức nên vọng tâm khô cằn.
Hai cảnh giới có khác nhưng hai chỗ chứng đồng một tính chất. Quan trọng ở đây khi thành tựu phép tu gần như không còn bóng dáng hay sự nhận biết của thức. Một bên bất khổ bất lạc, một bên các căn không còn thọ dụng hiện hành.
Giống như người ngủ mê mới thức, chưa kịp định thần có chút gì đó của giác, có chút gì đó của mê. Vừa chớm thoát mê nhưng chưa sờ đến giác, bảo hết thức thì chưa phải, bảo được trí thì cũng chưa đúng. Trí vừa chớm thoát ra khỏi giam nhốt của thức, lại cũng chưa vào dòng nước pháp, chưa phải thánh chẳng còn phàm.
Chính tâm này là giềng mối của thánh trí. Tâm này chưa phải thánh (tạm coi như chuẩn thánh), và nếu không hướng tâm đến cứu cánh để giác ngộ triệt để, thì sẽ phải vào lục đạo trở lại. Vì tương tục chưa dứt, nhân sinh tử chưa dứt.
Ở cảnh giới này: Thức chỉ tạm dừng như người lấy cát chặn dòng nước chảy, chất liệu này không đủ vững chắc để ngăn dòng, nếu không được gia cố bởi chất liệu khác vững bền hơn thì dòng chảy ngày kia sẽ cuốn trôi cát.
Vì thế, ở địa vị này mới có thuật ngữ “chưa tiếp dòng nước pháp,” hoặc “vị ấy hướng tâm đến....”
Nếu tiếp tục tu hành thì đây là “Phật nhân.”
Nói Phật nhân bởi từ chất liệu này, nhân này mới sinh quả Phật. Từ đây mới chớm vào thánh vị, được coi là nấc thang đầu tiên của con đường giác ngộ.
“Như Lai ngược dòng trở lại, vị Bồ Tát đó thuận dòng đi tới, giác ngộ vào chỗ giao tiếp với nhau, gọi là Đẳng Giác.
A Nan, từ tâm Càn Tuệ đến Đẳng Giác rồi, giác đó mới bắt đầu được Sơ Càn Tuệ Địa trong tâm Kim Cương; như vậy lớp lớp tu đơn, tu kép 12 vị mới cùng tột Diệu Giác, thành đạo Vô Thượng.
Các thứ địa ấy, đều lấy trí Kim Cương quán sát mười thứ ví dụ như huyễn sâu xa, trong Xa Ma Tha, dùng phép Tỳ Bà Xá Na của các đức Như Lai mà thanh tịnh tu chứng, lần lượt đi sâu vào.
A Nan, như thế, đều dùng ba tiệm thứ tăng tiến, nên khéo thành tựu 55 địa vị trong đường Bồ Đề chân thật. Làm cái quán như vậy, gọi là chánh quán; nếu quán cách khác, gọi là tà quán.”[[9]]
Đoạn kinh trên cho thấy tầm mức quan trọng của Càn Tuệ Địa, đây là nơi xuất phát của Bồ Tát thuận dòng tiến về Phật quả, Như Lai từ quả Phật ngược dòng hướng về chúng sanh, chỗ gặp nhau gọi là Đẳng Giác. Từ Đẳng Giác Bồ Tát cần khổ tu hành, dùng tâm Kim Cương tức trí tuệ thanh tịnh trải qua mười hai quả vị (11 thứ trí) mới vào Diệu Giác.
Thật ra từ Càn Tuệ Địa đến Phật địa phải trải qua 55 quả vị. Suốt đoạn đường này Bồ Tát dùng trí Kim Cương quán sát các thứ huyễn, bao giờ hai pháp Xa Ma Tha và Tỳ Bà Xá Na bình đẳng, bây giờ tâm Bồ Tát ở yên nơi nghĩa Thiền Na.
Phật dạy đây mới là chánh quán còn mọi thứ quán khác đều tà. Cho nên nói Càn Tuệ Địa là ‘nhân Phật’, vì không lấy nhân này tu hành thì không thể có ‘quả Phật’. Như người đào giếng được nước, không còn nghi ngờ, tín căn phát sinh nên các hạnh như thập tín, thập trụ được kinh qua, khai mở con đường Bồ Tát đạo.
- Nếu ‘Tứ Thiền Thanh Văn’ y nơi thân ngũ ấm, giác ngộ các dục là đầu mối của mọi khổ não, giới luật làm khiên giáp, kiên cố trong tường thành yểm ly, lấy bốn niệm xứ làm chánh niệm, chọn ly lìa đoạn dứt làm chỗ tu hành, các dục không gây tổn hại, hết khổ gọi là Niết Bàn. Đây được coi là quy phạm của Thanh Văn chứng bốn thiền, thì pháp ‘Tam Ma Đề’ cũng có những nguyên tắc nhất định của nó.
Đã là nguyên tắc phải bất di bất dịch. Người tu hành muốn chọn pháp tu này để tiến tới an vui, nhất định phải giữ nguyên tắc không thể sai lệch, không có miễn trừ.
Như người leo lên đỉnh núi cao, vách núi dựng đứng trơn trượt, ngoài việc am tường địa hình, phương hướng, thời tiết, kỹ thuật leo núi, không sơ suất trong thao tác, có các trang bị chuyên môn cần thiết và đầy đủ lương thực nước uống, điều tối cần để không mất mạng đó là phải buộc giây an toàn.
Trong bất kỳ pháp tu nào của Phật giáo cũng đều có nguyên tắc riêng của nó. Đây là sợi dây an toàn để người tu hành không đánh mất thiện căn. Rất nhiều người tu hành khinh xuất không tôn trọng nguyên tắc nên dẫn đến thất bại.
Chính những khinh xuất này, trong mỗi kinh Phật đều nói lên sự nguy hại của phóng dật, coi thường giới luật, không am tường nguyên lý, và chưa thật sự giác ngộ như pháp.
Phật giáo là đạo giác ngộ không thể viện dẫn lý do để được chế giảm hoặc miễn trừ. Nhất là pháp Tam Ma Đề, vì đây là pháp dành cho những căn cơ lớn trong Phật giáo. Dành cho hàng Bồ Tát hiện đời tu hành, có thể các Bồ Tát này không tự biết mình là Bồ Tát lúc còn địa vị tu hành, nhưng làm sao đoan chắc mình là gì? Cho nên điều khôn ngoan nhất là thực hiện những nguyên tắc đã được chế định, và nuôi dưỡng bi tâm.
Khi chưa thành tựu quả vị, thân tâm nhất định tạo tác các pháp hữu vi, đây là nguyên nhân phát sinh phiền não. Thì giới luật và nguyên tắc là chiếc nôi an toàn của người tu hành, và từ bi là chất liệu tốt nhất dưỡng nuôi thánh quả. Đến khi thành tựu, giới luật và lòng từ là hai món làm nên một Bồ Tát đúng nghĩa.
Phật giáo có hai điều cấm kỵ đó là tự tôn và tự ti. Cả hai thứ này đều phá hoại Bồ Tát tâm.
Phật dạy: “Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh,” hãy gắng công nhất định sẽ được những gì cần được, vì pháp Phật là pháp dành cho hết thảy chúng sanh. Kinh Đại Niết Bàn Phật nói rõ: “Trước khi thọ thực, thân Bồ Tát là nhục thân, thọ thực xong Bồ Tát dùng Kim Cang tam muội tiêu hóa thức ăn biến nhục thân thành Kim Cang thân.”
Vì vậy, ‘tự tôn’ hay ‘tự ti’ đồng nghĩa với ác pháp. Hai tâm này là lực cản rất lớn đối với người tu hành nói chung và pháp Tam Ma Đề nói riêng.
- Pháp Tam Ma Đề đòi hỏi giác ngộ rộng sâu hơn thiền Thanh Văn. Chẳng những giác ngộ triệt để căn thân, giác ngộ thế giới, còn phải hiểu biết tường tận căn nguyên xuất sinh thân tâm và thế giới. Pháp này yêu cầu người tu hành phát huy hết thảy trí huệ có được, như pháp mà rộng hiểu và tư duy. Rộng hiểu để không nhầm lẫn, tư duy để đạt được chiều sâu cần thiết.
Nếu Tứ Thiền lấy ‘thân niệm xứ’ làm chánh niệm, thì Tam Ma Đề lấy ‘thanh tịnh tâm’ làm chánh niệm. Những tâm nào không phù hợp với thanh tịnh giới luật và từ bi đều phải dùng sức giác ngộ mà quở trách.
Đây là biện pháp hỗ trợ người tu hành trong tán tâm, nhất là đối với cư sĩ tại gia đời sống còn nhiều hệ lụy. Ngoài những giờ chuyên tu không thể không tiếp xúc đời sống thế tục, nếu không biết quở trách ‘tán tâm’ chạy theo các pháp hư vọng thì không thể thành tựu pháp Tam Ma Đề.
Giống như người tát nước, ban đêm tát nước ra ngoài, ngày tháo cho nước chảy vào mà mong rằng khô cằn dục ái, thì đó là chuyện không tưởng. Nói lấy thanh tịnh tâm làm chánh niệm là cảnh giác cao độ với vọng tâm.
Để phát hiện ‘tâm vọng’, người tu lấy ý làm chỗ nhận biết, để kiềm giữ ý phải ‘dừng thức phân biệt’.
Ý thức như cửa ngõ của tâm, trước khi vào nhà phải đi qua cửa. Tất cả nhận biết phân biệt đều là kinh nghiệm. Kinh nghiệm này có được bởi A Lại Gia huân từ vô thủy.
Nay ý thức theo hiện nghiệp diễn giải các pháp đúng như lăng kính nghiệp, và kết luận mọi vấn đề theo lăng kính đó, nên mới có các pháp đối đãi. Khi đối đãi hình thành cũng là lúc tâm tòng theo mê.
Người tu Tam Ma Đề, mọi ý thức (thức phân biệt) phải được kiểm soát và thường xuyên quở trách, tự giáo dạy mình.
Chỉ trừ ‘ý thức’ rằng chính nó (ý thức) tự sai lầm, cái biết sai lầm này không sai.
Thường xuyên giáo dạy và quở trách phân biệt là liệu pháp tốt nhất để pháp Tam Ma Đề đắc dụng.
Như chống giặc có thành vững hào sâu, cửa nẻo đóng chặt. Giới giúp tâm thuận theo chánh nghiệp. Mọi tạo tác của thân tâm luôn rõ biết do mê tâm hiện khởi.
Cần cảnh giác với mọi hoạt động của tâm ý thông qua căn thân. Nơi thân nghiệp này, biết được nghiệp thức đã nhiều đời kiếp dẫn ta đi trong lục đạo với vô số thân nghiệp khác nhau.
Khi quán về thân phải biết thân này cũng là sản phẩm của mê. Từ không thân nghiệp quả cô kết thành thân, thân bị thức làm chủ trở thành công cụ giam nhốt trí tuệ. Biến trí thành thức quay lại làm tay sai cho nghiệp quả. Khi xúc trần các cảm thọ nổi lên, phải biết đây là tướng của mê lầm, cảm nhận của dục ái.
Quán về tâm phải biết tâm này vô thường, huyễn hóa, không phải cái đáng giữ gìn trông cậy, cần phải dừng lại. Khi tâm vọng ra thế giới, phải biết thế giới là hoa đốm trong hư không.
- Lúc vọng ra là lúc tâm đang tìm đến vô minh.
Nói chung đối với thân căn thế giới phải quyết chắc chỉ do mê tâm mà hiện. Đây là đầu mối của mọi nguy hại. Những hiểu biết này là chánh kiến đưa người từ mê lầm ra ánh sáng.
Đó là lý do tại sao Phật nhọc công phân tích cho A Nan và đại chúng, đợi họ giác ngộ rồi mới dạy pháp tu.
Tức là phải thông hiểu, từ thông hiểu mới giác ngộ, giác ngộ tức là biết rõ con đường mình sẽ qua và đích phải đến. Từ hiểu biết này mới chọn phương tiện hợp lý cho mỗi cung đường.
Tất cả các pháp tu của Phật giáo không ra ngoài thông lệ này. Pháp Tam Ma Đề cũng vậy, muốn thành tựu phải thật sự giác ngộ, nếu không giác ngộ mà lập phương tiện tu hành thì giống như người mù không có kẻ dẫn đường thì không tự đến đích.
D. Có bảy điều cần tuân thủ.
Bảy điều (hỗ trợ pháp tu này) trong kinh Thủ Lăng Nghiêm Phật đã dạy gồm: Bốn quyết định đoạn và ba tiệm thứ tu hành.
Bốn quyết định đoạn là đoạn ‘nhân’ sanh ‘ba cõi’. Ba tiệm thứ tu hành là làm cho các duyên trưởng dưỡng nhân kia không hội hiệp. Giống như đốt cháy hạt giống, hoặc không tạo điều kiện cho hạt giống ba cõi nảy mầm.
Bốn quyết định đoạn là lấy hạt giống Phật ra khỏi nơi giam nhốt của phàm tình. Ba tiệm thứ tu hành là tẩm ướt hạt giống Bồ Đề chóng thành đạo quả thanh tịnh.
a. Bốn quyết định đoạn: Dâm, sát, đạo, vọng.
Vì sao phải quyết định đoạn bốn điều này? Như đã nói ở phần trước về tầm quan trọng của quả Càn Tuệ Địa. Quả này là nhân Phật, có nhân Phật mới có quả Phật. Bốn quyết định đoạn thuộc về nhân chúng sanh. Nếu không đoạn nhân chúng sanh, đem tâm tu hành cầu thành Phật quả thì không có lẽ. Chính vì quan trọng như vậy mới có tên “bốn quyết định đoạn.” Tóm lại không ra tay đoạn dứt thì khó thành tựu Tam Ma Đề pháp.
b. Ba tiệm thứ tu hành là...
○ Tu tập, trừ các trợ nhân;
○ Chân tu, nạo sạch chánh tính;
○ Tăng tiến, làm trái hiện nghiệp.
b.1. Tu tập, trừ các trợ nhân:
Sao gọi là trừ các trợ nhân? Trợ nhân còn gọi là duyên nhân tức những pháp nào hỗ trợ làm nhân cho hạt giống nảy mầm. Trong đó có ăn uống làm tâm đắm nhiễm, Phật dạy không ăn năm món hành, hẹ, tỏi, nén, và hưng cừ (có tài liệu ghi một loại dầu mè lên men, có tài liệu nói thứ củ dùng làm gia vị).
Nói chung các món làm tăng sự ưa thích của vị giác, pháp Tam Ma Đề là dừng các cảm nhận phân biệt sai lầm từ thức, và ngăn không cho thức đắm nhiễm thêm. Trọng tâm ở đây là vì ăn mà sinh ra các nghiệp sai khác, cho nên tu hành là để tiến tới dứt ăn và chỉ ăn như pháp.
Ví như lọc nước, nước bẩn muốn sử dụng được phải lắng trong. Trong quá trình này quan trọng giữ không cho chất bẩn thêm vào. Lọc là loại chất bẩn ra ngoài. Lắng là để yên cho các thứ bẩn tự lắng. Giữ không cho cáu bẩn bay vào thì nước sẽ sạch. Trừ các trợ nhân như không thêm cáu bẩn vào nước.
b.2. Chân tu, nạo sạch chánh tính:
Chánh tính là tính chất chính của chúng sanh, như tính lửa thì nóng. Chúng sanh có ba tính chất chính: ‘Dâm, sát, đạo’.
- Tính chất ‘dâm’ làm nên sinh tử, trừ dâm để thoát sanh tử.
- Tính chất ‘sát’ là gốc của vô thường, trừ sát để cầu không yểu tử, được thân bền lâu như bản nguyện.
- Tính chất của ‘đạo’ là lấy của không cho, gốc không chơn thiệt, trừ thâu đạo để được đạo chơn thiệt.
Ví như thợ kim hoàn, nấu quặng vàng ở nhiệt độ cao, nhiệt độ cao sẽ loại các tạp chất không đồng tính chất với vàng, phần còn lại sau khi đã loại là vàng với đầy đủ tính chất tự nhiên. Nạo sạch chánh tính giống như nấu quặng vàng ở nhiệt độ cao.
b.3. Tăng tiến, làm trái hiện nghiệp:
Hiện nghiệp là nghiệp hiện tiền của chúng sanh. Hiện tiền chúng sanh theo nghiệp mượn căn giong ruổi nơi tiền trần khiến thức sanh các thứ phân biệt.
Muốn dứt mê lầm, phải câu thúc các căn kể cả ý căn, làm ngược lại những điều các căn cảm nhận theo thói quen. Thói quen và kinh nghiệm là sản phẩm của nghiệp thức. Nếu dừng hai thứ này, thì thức giảm dần thói quen phân biệt, cho đến thức sẽ thôi không phân biệt. Khi hết phân biệt thì vọng tình tự dứt, vọng tình dứt thì hiện nghiệp trong sạch.
Ví như người bịnh phong hàn, phải ở nơi kín đáo, ăn uống kiêng cữ. Thuốc men chỉ làm hết bệnh khi nào bệnh nhân ở yên nơi kín đáo và ăn uống theo chỉ định. Làm trái hiện nghiệp như người bệnh nằm trong nhà đắp chăn, không ăn thức ăn có hại.
- Bốn quyết định đoạn và trừ ba trợ nhân có ý nghĩa gì trong Tam Ma Đề pháp?
Pháp Tam Ma Đề là đoạn nhân chúng sanh, lấy nhân Phật để tu thành Phật. Đoạn bảy món này góp phần triệt tiêu chúng sanh tánh. Như người bơi qua biển lớn, bảy món này giống như: cọc nhọn, đá ngầm, qủy La Sát, giông bão, sương mù, nước xoáy, không lương thực nước uống, bảy mối nguy hiểm này luôn chực chờ cơ hội để dìm chết kẻ kia trên biển. Vì vậy, bảy thứ cần trừ thuộc về nguyên tắc phòng hộ để người tu Tam Ma Đề không bị nhận chìm trong biển dục.
Nguyên lý của Tam Ma Đề là dùng một pháp từ căn thân hoặc thế giới để nhiếp tâm, dừng mọi hoạt động của ý thức thông qua sự nhiếp tâm này.
Ví dụ khi dùng nhĩ căn để tu, hành giả nhiếp tâm vào nhĩ căn, ban đầu do chưa thuần thục, thinh trần vẫn tiếp tục vọng đến nhĩ căn và có phân biệt. Từ có phân biệt, hành giả ý thức rằng phân biệt này vốn luống dối, cần phải đoạn trừ.
Do gìn giữ và đoạn trừ đến thuần thục, cho dù âm thanh có đến hay không đến, thức cũng đều không phân biệt. Khi phân biệt không còn, nhĩ căn không tiếp nhận thinh trần, hay dù có thinh trần hay không có thinh trần, căn và thức bây giờ tuy có nhưng hầu như vô dụng. Vô dụng với thế pháp nhưng sẽ là căn bản của thánh dụng. Từ đây sẽ làm một cuộc chuyển đổi lớn đó là tiếp nhận thánh pháp.
Khuynh hướng của ý thức là phân biệt các pháp theo nghiệp, để ba nghiệp tạo tác.
Ví dụ thấy tướng nữ phát sinh ham muốn, từ ham muốn này cho ra các tạo tác khác, chính ham muốn huân lớn dục ái và tác thành những nghiệp quả mới. Chạy theo ham muốn là thuận dòng sanh diệt, thuận dòng sanh diệt nên sanh các thứ tâm.
Pháp Tam Ma Đề khởi đầu giác ngộ sự thấy biết và ham muốn này chỉ là mê tâm. Tướng nữ kia chỉ là tướng nghiệp, do nghiệp biến hiện nên thấy có tướng nữ nam. Nơi không có tướng bỗng nhiên hiện tướng sai khác, biết đây là huyễn cảnh.
- Do hiện nghiệp sai sử, nên ngoài chấp trần trong sinh thức.
Pháp chỉ do thức biến hiện, chấp các pháp biến hiện này nhầm tưởng đây là tâm, đem tâm chấp thủ thành có phiền não. Cho nên tâm và các pháp cả hai không thật, chỉ là bóng dáng của tiền trần.
- Bổn tâm chưa từng có các nghiệp thấy biết hư dối này.
Do giác ngộ như vậy, người tu Tam Ma Đề dùng một căn như đã nói trên, nhiếp tâm vào đó để dừng các phân biệt. Một căn hết phân biệt, năm căn còn lại dừng theo. Sở dĩ một căn dừng, năm căn dừng theo là vì ban sơ chỉ một thức đồng. Nương nội lục nhập, thức duyên vào sáu căn, ý căn bị thức làm chủ. Khi tiếp trần, ý thức chủ động phân biệt cho ra thứ hiểu biết như nghiệp.
Ví dụ như người đánh cờ, chăm chú vào bàn cờ, các căn khác có tiếp trần nhưng người đó không cảm nhận, hoặc cảm nhận không rõ rệt. Vì thế chỉ cần dùng một căn để nhiếp tâm dừng mọi phân biệt, hết phân biệt ‘trần’ không thành ‘pháp’.
Giác pháp thanh tịnh các căn thanh tịnh, các căn thanh tịnh trí tuệ hiện hành, kinh gọi “pháp nhãn thanh tịnh.”
Kinh Hoa Nghiêm Phật dạy: “Người trụ nơi phân biệt, làm hư thanh tịnh nhãn, lại thêm lớn si mê, người này không thấy Phật.”
- Khi thức lặng yên, căn không có động cơ tiếp trần, căn không tiếp trần thì căn và trần không đủ duyên xúc đối. Xúc đối không sanh thì thọ không sanh, cái này diệt nên cái kia diệt.
- Ngược lại, căn thôi duyên trần, thức cũng tự huân lắng, hai thứ này làm nhân cho nhau sinh thức. Khi nhân không còn duyên đã tận, thì thức và căn rời nhau. Sự tách rời nhau này là yếu tố cho thức tự diệt.
- Hay nói khác hơn phân biệt là thức ăn nuôi thức tồn tại, dừng phân biệt là cách bỏ đói để thức tự chết. Khi thức đã chết các căn đồng trở về bản nguyên đó là tánh chơn.
Nội pháp ngoại pháp có hiện, thức cũng không còn tồn tại để phân biệt, nên kinh gọi là “thân tàn hiện tiền.” Thân tàn hiện tiền là tàn phàm tình, phàm tình đã tàn bản minh tự hiện, vì thế không rơi vào đoạn diệt. Ví như lau hết bụi, gương thêm tỏ.
Đến lúc thức phân biệt hầu như đã lặng, muôn pháp không làm ảnh hưởng, căn không còn chịu sai sử của thức, thức không còn nương nhờ căn, mọi giong ruổi hư vọng theo trần chấm dứt.
Kinh gọi là “các căn thọ dụng không còn hiện hành.” Đến đây mọi hoạt động của thân căn đều không chuyển theo hư vọng.
Thân căn có tác là do tập khí chuyển. Đây là kết quả của bi tâm và giới luật, chuyển này có khuynh hướng thiên về vô lậu. Ví như đến ngọ đứng dậy trì bình, hết giờ trì bình thọ trai, thọ trai xong trải toạ cụ vào thiền định. Tập khí chuyển là tập khí vô lậu không phải dục chuyển, nên kinh gọi “dòng nước dục ái mới vừa khô cạn.”
Thức không duyên vào căn, ý trở về chỗ trạm nhiên ban sơ, phân biệt thô trọng đã dứt, ý nhận biết các pháp gọi là trí, kinh nói “chỉ còn thuần trí tuệ.”
Thật ra đây chưa phải là chân trí tuệ, chỉ thứ trí tuệ mới gạn lọc phàm tình nên còn phải đợi “tiếp dòng nước pháp.” Trước khi chờ tiếp dòng nước pháp, tâm này tạm có tên là Càn Tuệ Địa. Tiếp dòng nước pháp là giác ngộ thật sự bản nhiên thanh tịnh, từ đây mới dứt hẳn mê, như người qua biển lớn đã đến được bờ kia.
Người đời sau khi giác ngộ sở dĩ tiệm tu vì tập khí ái dục nhiều đời nay phải từ từ đoạn dứt. Nếu là căn cơ lớn, khi nghe đến Diệu Minh Chơn Tâm hay Viên Giác Thuần Tịnh, và những tánh chất tốt đẹp của nó, với công đức thắng trí, người tu có thể vào thẳng không phải qua giai đoạn tu hành.
- Khi giác ngộ mọi sản phẩm của vô minh rơi rụng, năng sở đều không.
Như hang động tăm tối ngàn năm, nay được soi sáng, liền được sáng không chờ bóng tối lui đi, nghĩa phi sát na liền hiện. Bởi thiệt tướng của bóng tối kia và ánh sáng hiện tại không phải hai thứ. Không có thứ lớp từ tối chuyển sang sáng, không phải bóng tối lui đi ánh sáng mới đến, hay ánh sáng tranh chấp với bóng tối, mà hễ thắp đèn là sáng. Giống như con rắn trở lại sợi dây, không thể có chỗ lại vì xưa nay dây chưa thành rắn, nay rắn cũng không trở lại dây.
Vì thế nghĩa sát na ‘rắn’ thành ‘dây’ không thể lập bày, cũng không có phương tiện gì làm cho thành hay hết thành. Bài kệ tán Phật của Bồ Tát Đại Huệ trong kinh Lăng Già nói lên điều này:
“Thế gian ly sanh diệt
Do như hư không hoa
Trí bất đắc hữu vô
Nhi hưng đại bi tâm
Nhứt thiết pháp như huyễn
Viễn ly ư tâm thức
Trí bất đắc hữu vô
Nhi hưng đại bi tâm
Viễn ly ư đoạn thường
Thế gian hằng như mộng
Trí bất đắc hữu vô
Nhi hưng đại bi tâm
Tri nhơn pháp vô ngã
Phiền não cập nhĩ diệm
Thường thanh tịnh vô tướng
Nhi hưng đại bi tâm
Nhứt thiết vô Niết Bàn
Vô hữu Niết Bàn Phật
Vô hữu Phật Niết Bàn
Viễn ly giác, sở giác
Nhược hữu, nhược vô hữu
Thị nhị tất cu ly
Mưu ni tịch tịnh quán
Thị tắc viễn ly sanh
Thị danh vi bất thủ
Kim thế hậu thế tịnh.”
[[1]] Trích kinh Thủ Lăng Nghiêm - Tâm Minh dịch.
[[2]] Trích kinh Viên Giác –HT. Thích Thiện Hoa dịch.
[[3]] Trích kinh Thủ Lăng Nghiêm -Tâm Minh dịch.
[[4]] Trích kinh Viên Giác –HT. Thích Thiện Hoa dịch.
[[5]] Trích kinh Thủ Lăng Nghiêm -Tâm Minh dịch.
[[6]] Trích kinh Thủ Lăng Nghiêm -Tâm Minh dịch.
[[7]] Trích kinh Lăng Già –HT. Thích Thanh Từ dịch.
[[8]] Trích kinh Thủ Lăng Nghiêm -Tâm Minh dịch.
[[9]] Trích kinh Thủ Lăng Nghiêm -Tâm Minh dịch
(còn nữa)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






