Tám Câu Hỏi Về Ba Cuốn Sách "Vô Đối Môn", "Tâm Pháp", "Phật Giáo Và Thiền" Đã Xuất Bản

Các bạn!!!
Vừa qua, có một vị khách quý gặp mình và đưa ra một số câu hỏi nội dung liên quan đến ba cuốn sách vừa phát hành!!!.. Xin chuyển đến các bạn toàn bộ cuộc trao đổi thú vị nói trên!!!
Khách:
Tâm Pháp ra đời cùng thời điểm với hai tác phẩm Vô đối môn, Phật giáo và thiền. Nhiều độc giả nói rằng Tâm Pháp là cuốn sách vượt ra khỏi những tác phẩm trước đây của ông bởi có chất văn chương cổ trang trong tác phẩm đậm màu sắc Phật đạo này. Ông có thể chia sẻ nguồn cảm hứng từ đâu để ông viết Tâm Pháp và xây dựng nên dòng Ô Giang cùng các nhân vật đậm chất cổ trang như thế? Ông từng đọc tiểu thuyết cổ trang nhiều không?
Lý Tứ :
Có thể nói, hồi còn nhỏ, mình thuộc loại “ghiền chữ”, cứ thấy ở đâu có chữ là đọc và đọc, “thượng vàng hạ cám”, mình đọc bất kể những gì bắt gặp! Hồi ấy, trẻ con không có nhiều thứ giải trí như bây giờ. Thế hệ của mình, đọc sách vừa là niềm vui, vừa là văn hoá, và mình đã đọc rất nhiều tiểu thuyết cổ trang. Có lẽ, hình ảnh cũng như văn chương từ tiểu thuyết cổ trang đã một phần nào đó ảnh hưởng đến cách viết của mình sau này!
Về cuốn Tâm Pháp, trong một lần mổ mắt, tuy thầy thuốc không cho sử dụng máy tính, nhưng yêu cầu mỗi ngày phải viết điều gì đó để “hộ trì” cho Huynh Đệ đang tu tập, thế là mình viết về chuyện hai con mắt. Dự tính chỉ viết một số bài về đề tài này, nhưng rồi mọi người yêu cầu viết tiếp, thế là mình không dừng được và viết thành một câu chuyện dài.
Trong một lần tình cờ, xem video du lịch giới thiệu về các thắng cảnh, bắt gặp video nói về thôn Lưu Khanh và dòng Ô giang, bối cảnh ở đó phù hợp với câu chuyện dự định viết. Thế là, mình tìm kiếm, tập trung tư liệu có liên quan, xây dựng nhân vật, và bắt tay vào viết Tâm Pháp.
Khách:
Viết tiểu thuyết cổ trang đã khó, viết tiểu thuyết cổ trang lại mang sứ mệnh “chở những kiến thức Phật đạo” đến với độc giả còn khó hơn. Trong Tâm Pháp, ông không chú tâm khai thác đời sống nội tâm của nhân vật. Mà đi sâu vào nhận thức của nhân vật trên con đường cầu đạo, tu tập. Sự xuất hiện của Trung Nguyên Cửu Tuyệt rồi câu chuyện của Hạng Vũ tự vẫn bên dòng Ô Giang vì nghiệp đao kiếm … ông muốn gửi gắm tới nhân vật của mình câu chuyện nhân quả của đạo Phật: Một đời phòng hộ bằng gươm đao lại chết vì gươm đao? Hay còn câu chuyện về hư danh của con người không thể buông bỏ?
Lý Tứ :
Những gì mình viết trong Tâm Pháp, chủ yếu giới thiệu đến người đọc các giá trị cao đẹp của Phật đạo. Một trong những giá trị tuyệt vời đó là, Phật đạo không coi trọng quá khứ của một con người. Dưới nhãn quan của Phật đạo, mọi người trong hiện tại đều bình đẳng, tâm thức của người chưa giác ngộ giống như một hang động, cho dù hang động ấy tăm tối cả ngàn năm, chỉ cần một ngọn đuốc được đốt lên, tức thì hang động đó bừng sáng. Cái sáng của hôm nay, xua tan tất cả tăm tối từ quá khứ và soi sáng đến tận vị lai!
Và giá trị đẹp nhất của Phật đạo theo mình, là đem đến cho mỗi con người trong hiện tại một đời sống hạnh phúc và bình yên đích thực... Hạnh phúc và yên bình đích thực là thứ mà xưa nay con người luôn ước ao và tìm kiếm... Phật đạo chỉ ra rằng, cái được gọi là hạnh phúc và bình yên đích thực không thể có được từ những thứ bên ngoài như danh vọng, tiền tài, hơn thua, được mất, v.v... vì tính nhân quả của các thứ ấy... mà nó ở ngay trong tâm thức của mỗi người! Cho nên, những ai muốn đi tìm giá trị đích thực của Phật đạo, trong tận cùng sâu thẳm của tâm thức phải biết xả bỏ những gì được coi là hư ảo theo quan điểm của Phật đạo, đây chính là tinh thần vô niệm, vô cầu trong triết lí nhà Phật.
Trung Nguyên Cửu Tuyệt từ bỏ đao kiếm, dòng Ô Giang hết đục đến trong, Hạng Vũ tự vẫn vì thua cuộc... được nêu trong Tâm Pháp chính là những nét chấm phá nổi bật, giúp người đọc tìm thấy những gì cốt lõi nhất của Phật đạo mà Tâm Pháp muốn gởi gắm.
Khách:
Từng câu chuyện với các nhân vật đều có những luận giải cặn kẽ về kiến thức Phật đạo của nhân vật Lý Tứ trong cuốn sách này giúp nhân vật nhận thức sâu sắc hơn trên con đường tu tập. Tại sao ông lại chọn những nhân vật: Trung Nguyên cửu tuyệt, Người lái đò, Thương gia để giúp ông chở niệm xứ “Tâm – Pháp” mà không phải những thân phận khác?
Lý Tứ :
Trên đời, mỗi người một hoàn cảnh, một số mệnh, không ai giống ai, tuy nhiên theo mình, tất cả đều có một mẫu số chung đó là, mỗi một nhóm người có thân phận giống nhau, thường cưu mang những trăn trở giống nhau. Cho nên, những nhân vật được chọn trong Tâm Pháp là những con người tiêu biểu mang những thân phận tiêu biểu của xã hội mà chúng ta thường thấy... Vả chăng, trong chừng mực một cuốn truyện, khó có thể đưa vào đó tất cả mọi thân phận ở đời.
Khi viết Tâm Pháp và đưa ra những luận giải khác nhau cho từng nhân vật khác nhau để giúp nhân vật ấy giác ngộ, lúc đó mình muốn giới thiệu đến các Huynh Đệ của mình một số kĩ thuật dẫn tâm và khai ngộ... Kĩ thuật dẫn tâm và khai ngộ, có thể nói là một thứ kĩ thuật đặc thù của Phật đạo mà mọi Huynh Đệ Lý Gia cần nắm bắt cho được... Nó chính là “đòn quyết định” để hạ “knock out” phàm tâm của đối tượng trước khi đưa người ấy vào cảnh giới xuất thế! Giống như thầy thuốc phải chữa lành đôi mắt của người mù bẩm sinh trước khi đưa họ đi xem vườn hoa đẹp với những sắc màu!
Khách:
Ông từng nói với cho học trò, trong tứ niệm xứ có: Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Nhưng trong cuốn sách này ông lại nhấn mạnh Tâm Pháp. Ông có thể giải thích kỹ hơn về điều này được không?
Lý Tứ :
Bốn niệm xứa Thân, thọ, tâm, pháp là bốn nơi chốn người tu hành phải gởi gắm tâm ý vào đó để tư duy, quan sát và tu tập, vì rằng phiền não khổ (hay nghiệp) tác động trực tiếp lên bốn món này.
Tuy nhiên, thân và cảm thọ sở dĩ có nhận lấy quả khổ, chỉ vì tâm và thức mê mờ, câu hữu (gắn chặt, không rời) hai món ấy... Nếu tâm không câu hữu, thức không sinh pháp thì, thân trở thành sắc giải thoát (thân không trói buộc) và cảm thọ trở thành thanh tịnh thọ (ra khỏi khổ vui)... Do đó, có thể nói tâm và pháp mới là hai đối tượng chính khiến người ta đau khổ hay an vui, nếu giải quyết được hai niệm xứ này là giải quyết tận gốc trận chiến sanh tử khổ! Giống như muốn giải quyết tận gốc chiến tranh, người ta chỉ cần bắt vị tướng chỉ huy đầu hàng, tức thì cuộc chiến kết thúc, bình yên hiện hữu!
Còn một lẽ nữa, Phật đạo là đạo giác ngộ, đạo giải thoát và là đạo trí tuệ. Nên khi giải quyết rốt ráo hai niệm xứ là tâm và pháp thì, tâm bây giờ trở thành cơ sở giác ngộ và giải thoát gọi nôm na là Niết Bàn, còn thức sẽ biến thành trí tuệ (hết mờ tối).
Khách:
Trong các chương, ông đều có trích dẫn, ví dụ: “Ai biết lý duyên khởi sẽ biết được pháp, Ai biết được pháp sẽ biết được không pháp, Ai biết được không pháp sẽ thấy được nghĩa không, Ai thấy được nghĩa không sẽ thấy được thật pháp. Ai thấy được thật pháp sẽ thấu được Phật pháp.” Tuy nhiên, để thấu được Phật pháp, với một người lần đầu bước chân vào con đường tu tập, cần phải học kiến thức từ đâu giữa vô vàn tác phẩm Phật đạo hiện nay?
Lý Tứ :
Câu trích dẫn trên, hàm chứa đầy đủ quy trình học tập từ thấp lên cao của Phật đạo. Theo quy trình này, người mới bắt đầu bước chân vào con đường tu tập phải thấu rõ lý duyên khởi để thấy đâu là nguyên nhân hình thành và cách tịch diệt những quan niệm hữu vi từ bốn món thân, thọ, tâm, pháp. Tiếp theo, người ấy tu tập để thành tựu không tâm và không pháp gọi là chứng hai vô sanh. Kế đến thấu suốt nghĩa không đích thực, chân thật chứng nhập cảnh giới vô vi. Sau đó học tập vô lậu trí để thể nhập thật pháp phi hữu phi vô. Và cuối cùng thành tựu viên mãn Phật pháp! Tất cả các tác phẩm viết về Phật đạo chân chánh, mọi kiến thức trong đó đều không rời quy trình trên. Vì thế, người tu hành tìm thấy ở bất kì nơi đâu có các kiến thức theo thứ lớp như vậy, đều có thể học tập.
Khách:
Chữ Ngã (cái Tôi) không chỉ là vật cản lớn nhất cho con người tu tập học đạo, mà còn là vật cản lớn nhất để con người có thể tìm được cảm giác bình yên trên đường đời. Ông có thể chia sẻ con đường nhanh nhất để diệt ngã cho người tu tập?
Lý Tứ :
Theo quan niệm của Phật đạo, Ngã (hay cái Tôi) là vật cản lớn nhất trong việc tu hành, và nó cũng chính là tác nhân gây ra mọi hệ luỵ khiến người ta không có được bình yên chắc thật. Tuy vậy, Phật đạo cũng chỉ ra rằng, cái ngã lại không thật có, nó giống như giấc mơ tuy không thật có, nhưng lại xuất hiện trong giấc ngủ! Mà cái gì đã không thật có thì chẳng thể tiêu diệt. Cho nên chủ trương diệt ngã là hình thức “giết người trong mộng”, là phương pháp “dùng lửa dập lửa”, hay “lấy nước làm khô nước”, nhất định những chủ trương như thế sẽ không khả thi! Vì thế, Phật đạo không chủ trương diệt ngã, mà chỉ giúp người giác ngộ tự thân vô ngã, khi giác ngộ đúng đắn điều ấy, cái ngã tự mất. Giống như thức dậy, giấc mơ tự mất! Hoặc mắt hết nhặm, quầng đèn tự diệt! Thiện Tri Thức chính là người có đầy đủ phương tiện thiện xảo đánh thức kẻ ngủ say đang chìm đắm trong mộng mị hữu ngã!
Khách:
Trong Tâm Pháp, ông đúc kết trong những thân phận nhân vật của ông rằng: Hư danh rỗng tuếch, đánh đổi mạng sống bằng những nghi kỵ, che giấu bằng trang sức hào nhoáng hư ảo, v.v… thứ bền vững trong mỗi cuộc đời chúng sinh là có Phật tánh, sống chân thật giữa người với người quan trọng hơn đầu môi chót lưỡi. Để diệt những hư danh rỗng tuếch trên, thấu hiểu Tâm và Pháp đã đủ để đưa những người còn vô minh đến bến bờ giác ngộ?
Lý Tứ :
Thấu hiểu Tâm và Pháp trong bốn món thân, thọ, tâm, pháp là hai cơ sở quan trọng giúp người ra khỏi vô minh đến bến bờ giác ngộ. Giống như người ta hiểu rõ bốn phép tính cơ bản của toán học là cộng, trừ, nhân, chia cùng mối liên hệ của những phép tính ấy, nhất định người ta sẽ giải quyết mọi bài toán trên đời!
Khách:
Ông có cho rằng, pháp môn mà ông đã truyền dạy cho học trò của mình là ưu việt nhất hay không? Theo ông, pháp môn nào mới là tối thượng?
Lý Tứ :
Tôi không theo một pháp môn (riêng biệt) nào! Và, cũng không cho rằng, những điều đã trao đổi với HĐ của mình là ưu việt nhất.
Vì rằng, tu tập trong Phật đạo là để giúp ta nhận ra “bản lai các pháp tự nó bình đẳng”! Khi nào còn thấy điều mình dạy là hay là ưu việt, điều người kia nhận thức là tầm thường, v.v... Thì phải biết rằng, sự so sánh, phân biệt cao hạ này đang là cản trở lớn nhất trên con đường tìm về chân lí! Phân biệt cao thấp là tại tâm người, chứ chẳng phải pháp có cao thấp!
Về câu hỏi pháp môn nào là tối thượng? Theo quan điểm cá nhân, tôi không thấy có một pháp môn riêng lẽ nào gọi là tối thượng... Và theo tôi, tất cả các pháp môn của Phật đều tối thượng nếu biết ứng dụng cho từng trường hợp cụ thể!
Pháp môn là những lời Phật dạy, mỗi lời dạy phù hợp với một số đối tượng nhất định, khi người ta đem lời dạy đó để thực hành trong đời sống gọi là pháp môn!
Giống như không có một thứ thuốc nào là tối thượng, mỗi loại thuốc chỉ trị được một số bịnh nhất định... Trên đời, không có thứ thuốc nào chữa tất cả các bệnh! Vì thế, cái được cho là tối thượng hay không, còn tuỳ thuộc vào thứ thuốc ấy có trị đúng bệnh của ta hay không?
Giống như không có một món ăn nào được coi là tối thượng! Món ăn nào hợp với khẩu vị của mình món ăn đó là tối thượng (với ta), nhưng không nhất định phù hợp (hay tối thượng) với người khác!
Xin nói thêm! Tuy tất cả lời dạy của Phật đều là thuốc chữa (tâm) bệnh...
Nhưng, một người không rành về y học, không biết bắt mạch kê toa, mà tự ý bốc thuốc cho mình hoặc cho người uống (hoặc tất cả các thứ bệnh đều dùng chung một loại thuốc), hành động này nhất định sẽ phải trả giá!!!
Khách: !!!…!!!…!!!…!!!…
⁕ Lý Tứ: Xin cảm ơn những câu hỏi thú vị!!!
(27-12-2019)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






