Sự Khác Nhau Giữa Nghĩ Suy Và Vọng Tưởng

Các bạn !!!
Trong tuần, mình nhận được bốn câu hỏi của một bạn đọc có tên là Lý Chánh Giác, không ghi địa chỉ cụ thể !!!
Bạn Lý Chánh Giác viết như sau:“Thưa thầy Lý Tứ! Tôi cũng họ Lý như thầy, nhưng chưa một lần biết đến thầy cũng như huynh đệ Lý gia.
Nhờ đọc các bài viết của thầy trên mạng cách đây một năm, lần đầu tiên tôi đã ấn tượng khi thầy kể chuyện khai thị cho đệ tử bằng câu thần chú “thuê bao quý khách vừa gọi tạm thời không liên lạc được”!
Tôi chú ý đến cách tắt nguồn và mở nguồn tâm thức trong bài viết. Sau bài đó, tôi theo dõi thường xuyên trang của thầy rồi biết đến Lý gia cũng như những lần thầy ra mắt sách. Nhờ đọc các bài viết cũng như sách của thầy rồi đem ra ứng dụng, tôi nhận thấy đời sống của mình nhẹ nhàng hơn trước, tham sân cũng giảm rất nhiều, gia đình cũng vui hơn ít cãi vã hơn!
Vừa rồi nghe thầy báo tin năm nay xuất bản thêm ba cuốn nữa. Thầy xuất bản sách mà tôi lại rất vui vì biết sách của thầy khai thông cách tu hành cho nhiều người, trong đó có tôi và các bạn bè do tôi giới thiệu. Phật pháp của thầy giảng đơn giản, dễ hiểu, dễ ứng dụng trực chỉ nhân tâm!
Tôi xin cảm ơn thầy, một năm đọc trang mạng và sách của thầy tôi đã hiểu rõ Phật pháp là một nền giáo dục khoa học, hiện đại, minh bạch, không như những gì hơn 15 năm qua tôi hiểu từ các nguồn thông tin khác. Một lần nữa xin cảm ơn thầy thật nhiều! Hiện tại tôi có vài thắc mắc, mong thầy nhín chút thì giờ trả lời giúp.
1) Tôi tập ứng dụng cách tắt nguồn, thấy rất hiệu quả, nhưng thỉnh thoảng bất giác lại hiện lên. Làm cách nào để không còn bất giác nữa?
2) Vì tính chất công việc, tôi phải vận dụng nghĩ suy để giải quyết. Trong lúc nghĩ suy tôi sợ mình bị vọng tưởng, làm sao để chấm dứt nghĩ suy?
3) Nếu một người đắc chánh định thì không nghĩ suy, không nghĩ suy làm sao sinh hoạt hằng ngày?
4) Tôi biết thầy cũng là cư sỹ, nếu không nghĩ suy, không quan tâm đến con cái, làm sao dạy chúng nó? Con của thầy hiện tại có nên người hay không? Câu hỏi này hơi tế nhị nếu thấy bất tiện thầy không cần trả lời! Khi nào thầy đi du lịch miền bắc, thầy có thể cho tôi diện kiến và được nhìn thấy con người thật bằng xương bằng thịt của thầy hay không?
Xin chào thầy, chúc thầy sức khoẻ!”.
Bạn Lý Chánh Giác thân mến !!!Mình rất vui khi đọc những gì bạn đã viết !!! Không ngờ, chỉ thông qua các bài viết trên trang và đọc sách của mình, bạn đã có thể tự giải quyết một số vấn đề của tự thân cũng như hiểu ra Phật pháp chánh thống là gì !!! Bạn đã làm được những điều như thế, Lý Tứ phải cảm ơn bạn mới phải đạo !!!
Về các câu hỏi, mình xin được trả lời như sau:
1) Tôi tập ứng dụng cách tắt nguồn, thấy rất hiệu quả, nhưng thỉnh thoảng bất giác lại hiện lên. Làm cách nào để không còn bất giác nữa?
Trả lời:Bất giác của một hữu tình gồm hai nguyên nhân chính !!!
1- Do không giác ngộ (còn mê) nên bất giác !!!2- Do tập khí quá khứ mà bất giác !!!
Để giải quyết rốt ráo hai nguyên nhân này, “giác ngộ chân thật” chính là biện pháp duy nhất !!!
“Tắt nguồn tâm thức” cũng là biện pháp giúp ta hết bất giác, tuy nhiên đây chỉ là biện pháp tạm thời, biện pháp này có thể giúp tâm thức ta bình yên trong thời gian ngắn chờ cơ hội giác ngộ chân thật !!! Muốn giác ngộ chân thật, người tu hành cần được học tập, triệt để thay đổi nhận thức, và sau đó nhờ Thiện Tri Thức trực tiếp khai ngộ khi thời cơ chín muồi !!!
Về tập khí !!! Tập khí bất giác là một trong những thói quen vô thức, hình thành từ nếp nghĩ suy trong quá khứ !!! Nếp nghĩ suy của một hữu tình trong quá khứ giống như đường mòn trên núi, con đường này tuy hiện tại không còn sử dụng, nhưng không vì thế con đường đó tức thì biến mất, mà nó phải có thời gian để trở về nguyên trạng của núi rừng !!! Đây là lí do vì sao, rất nhiều người tuy đã giác ngộ mà tập khí vẫn còn !!! Khi tập khí hiện lên, ta không để tập khí bao phủ tâm thức, mà phải lập tức thoát ra khỏi nó, rồi ngắm nhìn tập khí ấy như ngắm nhìn đám mây phiêu lãng bay qua bầu trời xanh !!! Một lúc, tập khí tự biến mất !!! Lâu dần tần suất tập khí giảm thiểu và cường độ nhẹ hơn !!!
2) Vì tính chất công việc, tôi phải vận dụng nghĩ suy để giải quyết. Trong lúc nghĩ suy tôi sợ mình bị vọng tưởng, làm sao để chấm dứt nghĩ suy?
Trả lời:Suy nghĩ là chức năng của ý căn !!! Con người có sáu căn, mỗi căn có một chức năng như: Con mắt để thấy, lỗ tai để nghe...ý để nghĩ suy !!!
Tu hành trong Phật đạo, không phải làm cho tê liệt chức năng của các căn, mà tu hành là làm cho các căn sáng suốt hơn, thông tuệ hơn !!! Nhờ sáng suốt, thông tuệ...các căn khi thực hiện chức năng của nó, không bị si ám !!! Đây là lí do vì sao Phật đạo có khai thiên nhãn, pháp nhãn, huệ nhãn...v..v...!!!
Vọng tưởng là suy tưởng những thứ không chân thật (vọng trái với chơn) !!! Do suy tưởng những thứ không chân thật, không có trong hiện tại, không thực tế...v..v...Những suy tưởng này, khiến người tu hành mê muội, không nhận ra bản chất (thiệt tướng) của tâm và pháp từ đó không thể giác ngộ bản chân của tâm và pháp !!!
Phần lớn người tu hành đánh đồng giữa suy nghĩ và vọng tưởng, từ đó họ tìm mọi biện pháp để “dập tắt nghĩ suy” !!! Đây là hành động “không thoả đáng” !!! Vì rằng, Phật đạo là “đạo trí tuệ”... Trí tuệ lấy nghĩ suy (chánh tư duy) làm căn bản !!! Nếu ta dập tắt nghĩ suy bằng mọi giá, chẳng khác nào ta tự giết chết trí tuệ của chính mình !!! Thiền tư hay giác quán chính là công cụ tối ưu để giúp nghĩ suy (tư duy) trở nên sáng suốt thông tuệ và trở thành trí tuệ !!!
Cho nên, Phật đạo không đề ra biện pháp chấm dứt nghĩ suy như bạn đã thắc mắc mà, Phật đạo giúp người nghĩ suy chân chánh, nghĩ suy thấu đáo, nghĩ suy như pháp gọi là “như lí tác ý” !!!
Trong công việc, cần giải quyết một vấn đề nào đó, dùng nghĩ suy để giải quyết là việc làm chánh đáng !!! Vấn đề đặt ra là, sau khi vận dụng nghĩ suy và giải quyết xong công việc, ta có còn bị nghĩ suy đó “cột trói” hay không !!! Nếu còn cột trói, phải lập tức xả bỏ nghĩ suy đó, không nắm giữ nó trong lòng !!! Nếu giữ nó trong lòng, bây giờ nghĩ suy trở thành “pháp trói buộc”, từ một pháp trói buộc nếu không thiện xảo xả bỏ đôi khi trở thành vọng tưởng hư nguỵ !!!
3) Nếu một người đắc chánh định thì không nghĩ suy, không nghĩ suy làm sao sinh hoạt hằng ngày?
Trả lời:Ha ha ha ha !!! Kinh nào dạy rằng: “một người đắc chánh định thì không nghĩ suy” !!! Có lẽ bạn đã hiểu sai khái niệm chánh định của Phật đạo rồi !!!
Có một đoạn kinh đại ý như sau: “Một buổi sáng, Phật đắp y, ôm bình bát ra khỏi trú xứ !!! Đứng trước ngã ba đường, Thế tôn suy nghĩ: Hôm nay gia chủ nào là người đáng được độ !!! Suy nghĩ xong, Phật ôm bình bát đến thẳng nhà gia chủ đó hoá trai !!!” Câu chuyện trên cho thấy rằng, Phật là đấng đã thành tựu đại định, nhưng Phật vẫn tư duy quán sát để chọn phương án tốt nhất, hành động hợp lí nhất !!!
4) Tôi biết thầy cũng là cư sỹ, nếu không nghĩ suy, không quan tâm đến con cái, làm sao dạy chúng nó? Con của thầy hiện tại có nên người hay không? Câu hỏi này hơi tế nhị nếu thấy bất tiện thầy không cần trả lời! Khi nào thầy đi du lịch miền bắc, thầy có thể cho tôi diện kiến và được nhìn thấy con người thật bằng xương bằng thịt của thầy hay không?
Trả lời:
- Ngày con cái mình còn nhỏ (chưa trưởng thành), mình là người rất mực quan tâm đến con cái !!! Quan tâm nhưng không ái luyến !!! Quan tâm nhưng không vọng cầu !!! Quan tâm nhưng không để con cái trở thành sợi dây vô hình cột trói !!! Nhờ thế, mình ứng xử đúng vai trò làm cha, thực hiện tốt nghĩa vụ và dạy dỗ đến nơi đến chốn (theo quan điểm của mình) !!!
- Con của mình hiện tại có nên người hay không ??? Đây là điều rất khó trả lời !!! Vì nên người theo tiêu chuẩn hoặc quan điểm nào mới được !!!??? Mình có hai người con, một trai một gái !!! Vị con trai là giảng viên đại học !!! Cô con gái là giảng viên cao đẳng !!! Hai người con của mình có nên người hay không, chắc phải nhờ xã hội đánh giá !!!
- Khi nào thầy đi du lịch miền bắc, thầy có thể cho tôi diện kiến và được nhìn thấy con người thật bằng xương bằng thịt của thầy hay không?
Rất hoan nghênh và rất hân hạnh nếu có cơ hội gặp bạn, như vậy bạn là người miền Bắc !!!??? Khi nào có dịp ra ngoài đó, nhất định mình sẽ mời bạn một chầu cà phê và một bữa cơm chay !!! Để thực hiện được điều này, bạn nên cho mình số điện thoại để liên lạc khi cần (viết trong mesenger, ngoài mình ra, sẽ không có người khác nhìn thấy số điện thoại của bạn, yên tâm nhé) !!!
Hy vọng, những trả lời vừa rồi, có thể giúp Lý Giác Chánh và bạn đọc nhận ra khác biệt giữa tư duy và vọng tưởng !!!
Rất mong, nhận được những thắc mắc lí thú và bổ ích từ các bạn !!! Chúc mọi người an vui, tinh tấn !!!
20/04/2021
LÝ TỨ
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






