Pháp Giới Trong Phật Đạo

“Pháp Giới” trong Phật đạo, là thuật ngữ để chỉ những gì nằm trong phạm vi của quan niệm, của nghĩ tưởng, của suy lường, của thấy biết từ tâm, thức, ý hay trí...
Có mười pháp giới, đó là: Pháp giới Phật (tạm gọi), pháp giới Bồ tát, pháp giới Duyên giác, pháp giới Thanh văn, pháp giới trời, pháp giới A Tu La, pháp giới người, pháp giới súc sanh, pháp giới ngạ quỷ, pháp giới địa ngục...
Để dễ hiểu, ta có thể tạm chia mười pháp giới kể trên thành ba nhóm, gồm: Pháp giới điên đảo, pháp giới thanh tịnh, pháp giới hư không (tạm gọi)...
1. Pháp giới điên đảo.
Pháp giới của nhóm này, là sản phẩm của tâm thức điên đảo, gồm các dạng chúng sanh: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, A tu la, trời... Đây là nhóm những chúng sanh không giác ngộ, pháp giới của nhóm này do nghiệp tưởng và ý nghiệp làm nên. Vì thế, gọi là pháp giới điên đảo...
Ví dụ, nơi hư không thấy thành địa ngục, thấy thành uống máu, thấy thành u tối, thấy thành ba cõi, thấy thành chiến trường, thấy thành thiên đường!!! Giống như những người đau mắt, mang các cặp kính màu sắc khác nhau... Kính màu đen sẽ thấy trước mặt là màu đen, kính màu đỏ sẽ thấy trước mặt là màu đỏ, kính màu vàng sẽ thấy trước mặt là màu vàng...
2. Pháp giới thanh tịnh.
Gồm Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát quyền thừa. Đây là nhóm có giác, có ngộ, thành tựu Pháp nhãn thanh tịnh. Pháp giới của nhóm này do giác tánh làm nên...
Gọi là pháp giới thanh tịnh vì, giác tánh là nguồn để thanh tịnh nhãn soi chiếu... Thanh tịnh nhãn chiếu đến đâu, nơi đó thanh tịnh!!!
3. Pháp giới hư không (tạm gọi).
Gồm: Phật và các Đại bồ tát. Đây là nhóm những vị đã thành tựu Trí tuệ Vô tướng. Trí tuệ chiếu đến đâu, nơi ấy đồng hư không!!!
Vì sao chiếu đến đâu nơi đó đồng hư không??? Thiệt tướng của các pháp là vô tướng. Huệ nhãn và
Phật nhãn là cái thấy của chứng ngộ thiệt tướng. Với cái thấy này, thiệt tướng là nguồn, nguồn này đi vào huệ nhãn và Phật nhãn, hai nhãn này chiếu đến đâu, thiệt tướng sẽ hiện ở đó, gọi là pháp giới hư không!!!
Vì thế, Phật thường hay nói “pháp giới chúng sanh không cùng tận”. Có nghĩa, chúng sanh trong pháp giới, nghĩ tưởng không cùng tận. Nghe nói địa ngục, liền nghĩ đến địa ngục với những tướng như vậy... Nghe nói thiên đường, liền nghĩ tưởng đến thiên đường với những cảnh như vậy... Nghe nói đến ba cõi, liền nghĩ tưởng ba cõi với những đời sống như vậy... Nói chung, sức nghĩ và tưởng không thể nghĩ bàn...
Ba thừa, tâm ý đến đâu, thanh tịnh đến đó. Nhất thừa, tâm ý đến đâu, thiệt tướng đến đó...
Tóm lại, pháp là đối tượng của tâm ý thức, giới là phạm vi, giới hạn của tâm ý thức. Pháp giới là phạm vi của tâm ý thức đến được...
Ra khỏi pháp giới (tạm gọi là về pháp giới hư không), là những cảnh giới nằm ngoài nghĩ tưởng, tư duy, suy lường. Ví dụ: Niết bàn, vô vi, xuất thế!!!
(07-2012)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






