Nhất Thiết Trí, Bát Nhã Trí

 0
Nhất Thiết Trí, Bát Nhã Trí

Các bạn!!!

Có vị HĐ hỏi mình về Nhứt thiết trí, Bát nhã trí, cùng các vấn đề liên quan... Mình xin vắn tắt trả lời như sau:

Bát Nhã Trí Trí, Nhất Thiết Trí Trí, Nhất Thiết Chủng Trí Trí, Tự Nhiên Trí, Vô Sư Trí, Diệu Trí, Như Lai Trí... Là cách nói khác của một thứ trí, đó là Phật trí. 

Sở dĩ có nhiều tên gọi là vì, tuỳ vào chức năng, tuỳ vào mức độ thành tựu, và tuỳ vào công dụng mà đặt tên cho phù hợp... Ví dụ như, vàng và các món đồ trang sức, tuy thấy khác nhau về hình tướng và tên gọi, nhưng tất cả cùng một bản chất. 

1. Điều kiện để học.

1) Phải thành tựu hai vô ngã;   2) Phải ra khỏi Bất Động;   3) Phải phát tâm Vô Thượng Bồ Đề;  4) Phải dám bán thân cầu đạo;  5) Phải thường xuyên thân cận Thiện Tri Thức;   6) Phải không làm trái lời Thiện Tri Thức dù trong suy nghĩ;   7) Phải thành tâm cầu học...

2. Điều kiện thành tựu.

Phải là con người có tố chất đặc biệt... Một trong những tố chất đó là: Luôn phát xu đại đạo, và vị ấy chính là đại đạo, đại đạo là vị ấy. Vì rằng, học Nhất thiết trí, hay học Bát nhã trí là loại hình "vừa học vừa làm" của Bồ Tát, cho nên công hạnh sâu dày góp một phần quan trọng để thành tựu trí này...

Học Nhất thiết trí, không giống như học văn chương thế tục, không giống học các môn khoa học công nghệ... Đây là loại hình đào tạo đặc biệt cho những con người đặc biệt, cái học được không ở văn tự ngữ ngôn, văn tự ngữ ngôn chỉ là dẫn dược để đưa Đạo vào Trí và biến Trí thành đời sống!!!

Cách dạy và học, không ở phương pháp truyền thụ như cách truyền thụ kiến thức thông thường. Vì thế, trong cái cứ ngỡ là thông thường nhất của đời sống, đòi hỏi người học phải tìm thấy đầu mối để tiếp thu, giống như con ong hút mật hoa... Ví dụ, Thiện Tài chỉ nghe các vị Thiện Tri Thức kể tên các loại Tam muội mà họ có được, không giảng giải nội dung nhưng Thiện Tài thầm hội và thấu suốt. Hoặc tiền thân Phật vào nhà vị Tiên ngũ thông làm chuyện lặt vặt, nhưng lại học được pháp đại thừa. Phương pháp dạy và học này, ra khỏi mọi cách thế thông thường!!!

3. Về cách ứng dụng.

Người thành tựu, và trí ấy không hai, có nghĩa vị ấy là trí ấy, trí ấy là vị ấy, như hơi thở là đời sống và đời sống là hơi thở... Nhất thiết trí không phải vật có thể sở hữu bởi một chủ thể sở hữu...

Thành tựu Nhất thiết trí, không giống như người ta sở hữu cái máy tính, rồi ứng dụng các tiện ích trong đó... Các thứ học được, cũng không phải thứ thuật toán dùng làm cơ sở chỉ thị trong một phần mềm... Mà, người thành tựu Nhất thiết trí hay Bát nhã trí giống như mặt trời, ánh sáng và sức nóng, cái này có, cái kia lập tức có, không phải cái này là công dụng của cái kia, có nghĩa mặt trời, sức nóng, và ánh sáng chẳng phải ba... Vì thế, hai chữ ứng dụng không thể thành lập trong trường hợp này... 

4. Về cách học.

Các thứ trí này, không học theo thứ lớp, cũng không do bởi kế thừa, nó chỉ là sự thầm hội tức thì, nên mới có tên là Tự Nhiên Trí. Tự nhiên vì, nó không phải là thứ của nghĩ suy, hay học hỏi từ một thứ gì đó có tính chất suy luận thông qua kiến thức và kinh nghiệm... Mà, nó là sự trực nhận tức thì của trí tuệ thông qua hoạt động của người dạy, người học khai thác triệt để năng lực thấu thị của chính bản thân dưới hình ảnh người Thầy trong đời sống, trong sinh hoạt hay lúc thuyết pháp... Các hình ảnh này, không nằm trong khuôn mẫu, vì thế không có công thức chung!!!

Có thể nói, nó là thứ cảm thụ tinh tế siêu việt, là không gian riêng giữa Thầy và trò, hình ảnh này ta có thể bắt gặp khi Thiện Tài Đồng Tử đối trước các Thiện Tri Thức, Tát Đà Ba Luân trực nhận ra Bát nhã trí là gì từ Đại Sư Đàm Vô Kiệt, hoặc tiền thân Phật học Đại thừa từ vị Tiên ngũ thông... Trong ba trường hợp tiêu biểu kể trên, ta không thấy đề cập đến việc các đạo sư truyền dạy cụ thể điều gì, cũng không thấy người đệ tử bắt đầu học từ đâu... Nhưng, các học trò đặc biệt của các vị Thầy đặc biệt, có mối liên hệ "tương thông tâm ý" nào đó, từ tương thông này, vị kia chợt nhận ra điều gì đó để có những thành tựu nhất định... Đây chính là nét đặt thù của dạy và học Nhất thiết trí, mà không có thứ sách giáo khoa nào đủ sức tái hiện bằng văn tự!!!

5. Về thời gian học tập.

Có thể một vô số kiếp, có thể một đời, có thể nhiều năm tháng, có thể một tuần, có thể một sát na... Yếu tố thời gian không mang tính quyết định cho môn học này... 

Cũng cần nói thêm rằng, kiến thức Phật đạo chỉ là một điều kiện trong vô số điều kiện căn bản để làm cơ sở học tập, kiến thức không quyết định tất cả, nhưng không có kiến thức cũng không thể học... Ví dụ như, khi nghe đến Tam muội vương tam muội, Nhất thiết chúng sanh hỷ kiến Bồ tát sắc thân tam muội, Tồi tà tam muội... người học chưa có khái niệm, chưa hiểu được văn tự của nó nhằm chỉ điều gì thì, làm sao mà thấu thị... Giống như người mù, không thể cảm thụ vẻ đẹp của màu sắc, người điếc không thể cảm thụ cái hay của âm nhạc!!! Tất nhiên, vị thầy có thể cắt nghĩa văn tự của những tam muội ấy, nhưng làm thế lại vuột mất đương cơ... Giống như con ong sắp đậu lên cánh hoa, gió thổi hoa rơi, con ong đành chịu!!!

Cho nên, việc tự trang bị một số kiến thức Phật học nhất định và chuẩn, rất quan trọng về mặt trí tuệ, trang bị này Phật đạo gọi là nội minh...

  • Tóm lại.
  • Được gọi là Vô Sư Trí vì nó chẳng thể dạy và học như học vấn thế gian.
  • Được gọi là Nhất Thiết Trí vì nó thầm hội các môn giải thoát của Chư Phật.
  • Được gọi là Nhất Thiết Chủng Trí vì nó biết đưa người đến Phật quả.
  • Được gọi là Bát Nhã Trí vì nó thường cởi trói cho người.
  • Được gọi là Phật Trí vì nó đầy đủ tứ vô lượng tâm.
  • Được gọi là Như Lai Trí vì nó chính là hành trạng của chư Phật ba đời.
  • Được gọi là Hy Hữu Trí vì nó rất là đặc dị.
  • Được gọi là Ma Ha Trí vì nó nhiếp thọ tất cả.
  • Được gọi là Sanh Mẫu Trí vì nó hay sanh chư Phật và các Thánh quả.
  • Được gọi là Hư Không Trí vì nó thường vào khắp pháp giới.
  • Được gọi là Vô Thượng Trí vì chẳng có trí nào cao hơn.
  • Được gọi là Tam Ma Địa Trí vì nó thường dừng lặng.
  • Được gọi là Kim Cang Trí vì không thể phá hoại.
  • Được gọi là Tận Tam Muội Trí vì nó hay tiêu thất vô lượng tam muội.
  • Được gọi là Vô Biên Trí vì nó không ngằn mé.
  • Được gọi là Bất Thành Hoại Trí vì nó ra ngoài thịnh suy.
  • Được gọi là Vô Cấu Trí vì nó chẳng nhiễm ô.
  • Được gọi là Vô Tận Trí vì thấy biết chẳng cùng tận.
  • Được gọi là Vô Thượng Thần Cảnh Trí vì nó biến hóa khôn lường.
  • Được gọi là Thần Thông Du Hí Trí vì nó có thể dạo chơi các cõi Phật.
  • Được gọi là Thường Bất Khinh Trí vì thấy rõ tất cả chúng sanh đều là Phật... Nếu kể ra thì có vô lượng công dụng và vô lượng tên gọi như thế...

Tiền thân Phật, Thiện Tài Đồng Tử, Tát Đà Ba Luân cũng như vô lượng Bồ Tát đời sau, muốn thành tựu Phật Trí, đều phải trải qua môn học này!!!                 (19-10-2012)

−−−••• ⁕ ⁕  ۝⁕ ⁕ •••−−−

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG