Lục Chủng Tánh Anh Lạc

Các bạn!!!
Tử xưa đến giờ, phần lớn người tu hành trong Phật Đạo thường băn khoăn, thường tự hỏi, làm thế nào để biết chắc rằng, kết quả tu học của bản thân từ ngày hôm nay, có thể bảo lưu, để kết quả đó được tiếp tục thăng tiến sau này hoặc đời vị lai... Nếu chẳng may, vì một lí do bất khả kháng, công việc tu tập của người đó bị gián đoạn trong hiện tại, hoặc không còn ở cõi đời, công sức tu tập đã qua có còn tồn tại và kế thừa trong những ngày sau???
Xét thấy những băn khoăn trên là chánh đáng, nhân dịp năm mới, mình xin chuyển đến mọi người một số kiến giải nhằm giải thích, và đưa ra những định lượng cần thiết để giúp các bạn từ những giải thích và các định lượng này, có thể tìm cho mình con đường đúng nhất cũng như có được niềm tin chắc thật không mất vào giáo pháp sau khi tu tập!!!
Các bạn!!!
Phật đạo có sáu chủng tánh, tên gọi đầy đủ là LỤC CHỦNG TÁNH ANH LẠC... Nếu người tu tập thành tựu một chủng tánh hoặc cả sáu chủng tánh ấy trong hiện đời, nhất định dù ở đâu, làm việc gì, đời này hay đời sau... Các chủng tánh này sẽ là hạt giống tốt nhất, khi đủ duyên, nó sẽ nảy mầm và tiếp tục thành tựu Bồ Đề Thọ tức Cây Giác Ngộ, cho đến khi nào viên mãn Bồ Đề Quả mới thôi!!!
Về Lục Chủng Tánh Anh Lạc!!! Nếu mình không lầm thì, trong thời gian qua, đã có ít nhất bốn lần mình trao đổi với các bạn đề tài trên... Tuy nhiên, do đương cơ, do chưa phải là thời điểm chín muồi, nên những lần trao đổi đó, mình chỉ sơ lược về đại cương, chủ yếu giới thiệu sáu chủng tánh đặc trưng của Phật Đạo hơn là triển khai chi tiết... Hy vọng bài viết lần này, chúng ta khảo sát tỉ mỉ về Lục Chủng Tánh Anh Lạc, cũng như bằng cách nào người tu hành có thể thành tựu từng chủng tánh!!!
1. Chủng Tánh ANH LẠC Là Gì???
1.1. Chủng tánh:
Chúng ta có thể hiểu nôm na, chủng tánh là hạt giống... Giống như người nông dân, muốn gieo trồng một loại cây nào đó, điều đầu tiên, phải tìm cho bằng được hạt giống đó!!!
Phật đạo có sáu chủng tánh, tức là sáu hạt giống Bồ Đề thành tựu từ tâm thức... Người tu hành muốn trồng cây Giác Ngộ để có Đạo Quả Bồ Đề, phải rèn luyện để tâm thức thành tựu các hạt giống nói trên!!! Vì nó là hạt giống xuất thế, nên khi đủ duyên, các hạt giống sẽ nảy mầm cho dù bất kì ở nơi nào cũng như thời điểm nào!!!
Sáu hạt giống của Phật đạo gồm: Tập chủng tánh, Tánh chủng tánh, Thánh chủng tánh, Đạo chủng tánh, Đẳng giác chủng tánh và Diệu giác chủng tánh!!!
1.2. ANH LẠC là gì???
Anh Lạc là tên gọi của xâu chuỗi bằng ngọc quý, người ta dùng nó để trang sức!!! Đối với Phật đạo, sáu chủng tánh Anh Lạc, giống như những viên ngọc quý, người tu hành coi các viên ngọc chủng tánh như một xâu chuỗi vô lậu dùng để trang nghiêm tự thân!!!
2. Tính Chất Của Mỗi CHỦNG TÁNH
Mọi người tu hành đều biết rằng, tu tập trong Phật đạo là đi trên con đường rất dài, trải qua nhiều giai đoạn, có thể mất nhiều đời kiếp mới đến được mục tiêu cuối cùng, cứ một số đời kiếp rèn luyện nào đó, người tu hành mới có thể thành tựu một giai đoạn, và cứ như thế, hết đời này đến đời khác, sự tu tập thăng tiến từ thấp lên cao!!!
Kết quả một giai đoạn tu tập, thành tựu một chủng tánh... Từ hạt giống ban đầu, khi đủ duyên, hạt giống kế tiếp lại thành tựu, cho đến hạt giống sau cùng... Vì thế, các hạt giống của Phật đạo vừa là nhân, cũng vừa là quả của nhau trong các giai đoạn tu tập... Hạt giống sau cùng, tức “Vô Thượng Bồ Đề Quả” mới không còn là nhân sanh, nên kinh gọi là “quả quả” hay “liễu nhân”, tức nó vĩnh viễn không còn sự tiếp nối một hạt giống nào nửa trong vị lai!!!
3. Sáu Hạt Giống ANH LẠC Là Thường Hay Vô Thường???
Khi nói đến sự tiếp nối của sáu chủng tánh, người tu hành thường nghĩ ngay đến lẽ vô thường trong mỗi chủng tánh... Vì rằng, cái gì có mất đi để một cái mới xuất hiện, theo lẽ đương nhiên nó phải chịu quy luật sanh diệt vô thường... Nếu vô thường thì, cho dù có tu tập để đạt được một chủng tánh nào đó trong sáu chủng tánh kia, cũng không thể tin cậy vào thành tựu này, làm sao bảo đảm rằng nó được tiếp nối ở vị lai trong khi bản chất vô thường đang ở trong chính nó???
Về phương diện lí luận, câu hỏi trên là chánh đáng, được coi như đủ sức thuyết phục... Tuy nhiên, lí luận trên chỉ đúng với các loại quả hữu lậu, thuộc hữu vi pháp của thế gian giới!!! Trong khi đó, sáu hạt giống Anh Lạc là nhân quả xuất thế gian, nó không bị chi phối bởi các quan niệm thế gian, nên luận thuyết trên không thể ứng hợp!!!
Nói rằng Lục Chủng Tánh Anh Lạc là sáu hạt nhân, làm nhân quả cho nhau, đây là cách nói để người tu hành hình dung ra con đường mình đang đi và các giai đoạn của nó... Kì thật, trong Phật đạo, lục chủng tánh không hoàn toàn là sáu hạt giống hay sáu giai đoạn riêng lẻ như hạt mướp, hạt xoài, hạt bí... Mà nó là sáu giai đoạn ảnh chiếu từ một hạt nhân thường trụ, hạt nhân đó là Phật tánh... Trong quá trình tu hành để thành tựu một chủng tánh nào đó, chính là quá trình gọt rửa tâm thức để những thứ nhiễm ô từ vô thuỷ mất đi, từ đó ánh sáng của Phật tánh trong mỗi chúng sanh tự chiếu... Sáu chủng tánh Anh Lạc, chính là sáu lớp ngăn che, mà người tu hành loại bỏ từng lớp một, đến lớp sau cùng, Phật tánh sẽ hiện viên mãn!!!
Vì thế, sáu chủng tánh hay sáu giai đoạn thành tựu trong quá trình tu hành đều được chiếu từ một nhân nên chúng có những đặc điểm chung... Những đặc điểm đó là, an lạc, thanh tịnh, vô lậu, căn lực bất thối, trí tuệ thăng tiến như pháp, không thể dùng phàm trí suy lường..v..v...!!! Chính những đặc điểm nêu trên, sáu chủng tánh Anh Lạc là thường với thế gian, nó chỉ vô thường với đạo xuất thế và Vô Thượng Bồ Đề... Sáu chủng tánh từ thấp lên cao chính là công việc xa rời “phần đoạn sanh tử” của một chúng sanh, để thâm nhập “bất tư nghì biến dịch sanh tử”của một vị Thánh trong Phật đạo hay khác hơn, nó là sự thăng hoa của “bảy cảnh giới trí tuệ” gồm, tâm cảnh giới, trí cảnh giới, tuệ cảnh giới, kiến cảnh giới, siêu nhị kiến cảnh giới, siêu tử địa cảnh giới và Như Lai tự đáo cảnh giới!!!
Lục chủng tánh Anh Lạc hình thành, giống như ánh sáng từ mặt trời, chiếu từ gần đến xa... Nơi xa nhất là Tập chủng tánh, nơi gần nhất là Diệu giác chủng tánh... Hay khác hơn, như một người bị lạc trong rừng đêm, bìa rừng có một điểm sáng, người đó phải mất sáu giai đoạn nhìn thấy đốm sáng và chăm chú đi theo nó để đến bìa rừng!!!
4. Tên Gọi, Cách Nhận Biết Và Phương Thức Thành Tựu Từng CHỦNG TÁNH
Đạo Phật là Đạo Giác Ngộ, là Đạo Giải Thoát và là Đạo Trí Tuệ... Cho nên, muốn tiếp cận và tu tập thành công mỗi chủng tánh, con đường duy nhất đó là phải giác ngộ... Giác là, biết cái cần biết, biết như pháp, như lí tác ý... Ngộ là, tiếp cận, bắt gặp, sở hữu cái ta đã giác... Giác chính là những thông tin hữu ích và đầy đủ về một điều gì đó, ngộ là ta bắt gặp điều đó khi ta thực hiện đầy đủ thông tin của giác!!!
Vì thế, sẽ không có một cơ hội cho dù nhỏ nhất đối với những ai muốn thành tựu chủng tánh Anh Lạc, mà chưa có những thông tin chính xác của giác, và chưa một lần dấn thân thực hiện hoàn hảo các chỉ dẫn từ những thông tin kia!!! Hay nói khác hơn, giác ngộ chính là quy trình của sự thay đổi nhận thức, nhận thức thay đổi hành vi thay đổi, hành vi thay đổi đời sống thay đổi, đời sống thay đổi như pháp gọi là thành tựu một chủng tánh!!!
4.1. TẬP chủng tánh
Tập chủng tánh là, hạt giống đầu tiên của Phật đạo... Biểu hiện của người thành tựu Tập chủng tánh là: Khổ, kiết sử, phiền nảo, lậu hoặc giảm thiểu đến mức thấp nhất hoặc dứt hẳn... Đặc biệt, ba kiết sử tiêu biểu là thân kiến, giới thủ và nghi hoàn toàn tịch diệt... Nhờ tịch diệt các món này, nên việc nghi ngờ bản thân, nghi ngờ con đường mình đang đi, nghi ngờ bậc đạo sư không còn!!!
Trong đời sống thường nhật hay trong giấc ngủ... Vị tu hành thành tựu Tập chủng tánh thường không mất chánh niệm, bất kì hoàn cảnh nào, cho dù thuận duyên hay nghịch duyên, hỉ lạc, khinh an vẫn sung mãn... Sở dĩ gọi là tánh, vì tâm tánh của vị này gần như thành thường, nếu có bất giác hay thất niệm, chính chủng tánh hình thành từ tâm thức sẽ là “người thầy” nhắc nhở vị tu hành đó như pháp mà quay trở lại!!!
Muốn thành tựu Tập chủng tánh, người tu hành phải thấu suốt và tu tập các việc sau:
1) Như pháp quan sát Tứ Niệm Xứ... Không mê mờ bốn món trên như hồi chưa tu học...
2) Thấu suốt thật nghĩa thế nào là: Pháp, trần, căn, cảnh, thức, hiểu rõ hai nghĩa ấm, uẫn và hư vọng tâm... Nhờ thế, không bị các khái niệm trên làm đảo điên như người đời...
3) Giữ gìn sáu giới vô lậu như giữ gìn con ngươi của mắt mình... Do sức hộ trì của vô lậu giới, nên không chấp thủ quy ước giới, nhờ thế thoát khỏi giới cấm thủ kiến... Hiểu rõ quy luật của thân, nên không chấp thân, nhờ thế ra khỏi thân kiến... Thấy được con đường vô lậu, nhờ thế hết nghi ngờ!!! Do lực dụng của ba món trên, huệ vô lậu bắt đầu sanh khởi, tức vị ấy biết rất rõ con đường nào dẫn đến hữu lậu, con đường nào đưa đến vô lậu...
Người thành tựu Tập chủng tánh, coi như đạt được mục tiêu của khổ đế và tập đế... Địa vị này tương đương quả vị A Na Hàm của Nhị thừa... Nếu là Bồ Tát thừa, tương đương địa vị thứ bảy của hàng Thập trụ tức Bất thối trụ!!!
4.2. THÁNH chủng tánh và TÁNH chủng tánh:
Hai quả vị Thánh chủng tánh và Tánh chủng tánh dành cho người tu hành sau khi đã hết khổ và dứt tập, tiếp tục tu tập để chứng diệt đế, người chứng diệt đế sẽ thành tựu hai chủng tánh trên... Sở dĩ, hai chủng tánh nói trên có tên gọi sai khác là vì, Thánh chủng tánh chỉ cho Nhị thừa viên mãn diệt đế... Tánh chủng tánh chỉ cho Bồ Tát thừa thấy được bổn tâm, kiến được bổn tánh!!!
─ Nhị thừa, muốn chứng viên mãn diệt đế vào Thánh chủng tánh... Sau khi thành tựu Diệt thọ tưởng định, phải tu tập Bát Bội Xả, tức xả những gì chướng với chân Niết Bàn, cho dù đó là Niết Bàn của Vô Tưởng Thiên, đây là loại Niết Bàn do dụng công tu hành tịch diệt sắc, thọ, tưởng ấm mà được... Có tu Bát Bội Xả mới hy vọng thanh tịnh hành ấm và thức ấm... Bát bội xả gồm: Xả sơ thiền, xả nhị thiền, xả tam thiền, xả tứ không định và xả diệt thọ tưởng định!!!
Nhị thừa, còn một con đường khác để đi đó là, khi vào tứ thiền (bất khổ bất lạc), nếu vị ấy được Đạo Sư khai thị, nhờ thắng căn, có thể chứng thẳng Diệt Tận Định mà không cần phải kinh qua Cửu thứ đệ định và tu Bát bội xả!!! Phần lớn, đây là hình ảnh của hàng Thiện Lai Tỳ Kheo, các vị ấy đã từng là Bồ Tát nhiều đời kiếp, trong hiện đời vì thương tưởng chúng sanh nên thị hiện hình tướng Nhị thừa để làm duyên cho Đạo Sư thuyết các nghĩa bán tự!!!
─ Nếu là Bồ Tát, điều kiện để thành tựu Tánh chủng tánh là, vị này phải thấu suốt thật nghĩa “các pháp không tánh”... Dứt sinh tâm, dứt sinh pháp, thấy bổn tâm, kiến bổn tánh... Gọi nôm na là “minh tâm kiến tánh”...
─ Thánh chủng tánh, tương đương quả vị A La Hán hồi tâm của Nhị thừa... Tánh chủng tánh, tương đương Bát Địa Bồ Tát!!!
4.3. ĐẠO chủng tánh:
Sau khi thành tựu diệt đế, chứng chân Niết Bàn... Cả Bồ Tát và Nhị thừa đồng phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, phát nguyện cầu Nhất Thiết Trí...
Phát nguyện xong, ba thừa cùng học Đạo Đế, bây giờ danh xưng ba thừa không còn nữa, gọi là đồng vào Nhất thừa!!! Giống như các con sông đã chảy vào biển lớn, mọi tính chất riêng tư, những dị biệt của các con sông không còn nữa...
Học xong các thứ huyễn trí của Nhất Thiết Trí, Nhất thừa đồng thành tựu Đạo chủng tánh... Trí này sáng như trăng 12... Địa vị này tương đương Cửu Địa Bồ Tát, gọi là Thiện Huệ Địa, tức do học tập mà biết tất cả các Tam Muội Môn và Giải Thoát Môn của Chư Phật!!!
4.4. ĐẲNG GIÁC chủng tánh:
Sau khi thành tựu Nhất thiết trí, vị này lặng lẽ quan sát mười pháp giới... Quan sát xong, mới biết rằng sở dĩ có các pháp giới sai biệt là vì, hữu tình trong thập phương thế giới do nhận thức sai biệt, nên có các pháp giới sai biệt!!!
Thấy như vậy rồi, Bồ Tát này y chỗ sai biệt của hữu tình, tuỳ tâm lượng từng hữu tình, mỗi mỗi dùng thiện xảo phương tiện khiến họ đồng được những điều cần được của Phật đạo, gọi là Đại Bồ Tát phát khởi đại từ đại bi!!!
Vị Bồ Tát thực hành công hạnh của mình, đến khi đầy đủ công đức, thấy điều Phật thấy, biết điều Phật biết, chứng điều Phật chứng gọi là Đẳng giác Bồ Tát... Giống như người học thành thục nghề kim hoàn, thiện xảo làm ra các món trang sức như dây chuyền, vòng xuyến, bông tai..v..v... Tất cả chúng sanh có nhu cầu trang sức, khi đủ duyên, đều được Bồ Tát cấp thí đúng như mong ước!!!
Đẳng giác chủng tánh, chính là người thợ điêu khắc tài ba... Mỗi mỗi lõi cây, đều có thể tạc thành những bức tượng thù thắng theo ý nguyện của khách hàng... Chính sức thiện xảo của Bồ tát này, từ đây danh xưng tốt đẹp Đại Bồ Tát ra đời!!!
4.5. DIỆU GIÁC chủng tánh
Đây là chủng tánh cuối cùng của người tu hành trước khi thành Đẳng Chánh Giác đủ mười danh hiệu...
Diệu giác chủng tánh có được là do quá trình giáo hoá chúng sanh... Chủng tánh này, chính là Pháp Vân Địa trong Thập Địa Bồ Tát!!!
Trong quá trình giáo hoá của Đẳng Giác, phút giây bất chợt nào đó, tâm thức bùng vỡ lần cuối cùng, vị Bồ Tát ấy thoát khỏi huyển trí, thành tựu thật trí... Với thật trí, vị ấy biết rõ ba đời Chư Phật và phép tắc lập nên một Liên Hoa Đài Tạng... Vị ấy thị hiện vai trò một Hậu Biên Thân, chờ ngày thành tựu Tối Hậu Thân như Chư Phật xưa!!!
Đây là hình ảnh một Di Lặc Bồ Tát thị hiện ở cõi thế trước khi thành Đẳng Chánh Giác đủ mười danh hiệu!!!
5. KẾT LUẬN
Có thể nói, tu tập trong Phật đạo để thành tựu sáu chủng tánh Anh Lạc, chính là sáu giai đoạn đào bới tâm thức để tìm Phật tánh trong mỗi chúng ta!!!
Phật dạy: “Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh”, lời dạy trên chỉ ra rằng, tu tập trong Phật đạo là công việc đi tìm cái đã có, cái thường hằng trong mỗi con người, chứ không phải làm ra cái mới!!!
Cái đã có ấy chính là Phật tánh... Phật tánh là một thứ tâm tánh nào đó mà, trong nó hội đủ những đức tính siêu việt của một đức Phật, các đức tính ấy được Phật khái quát bằng những ý vị cụ thể như: Thường, ngã, lạc, tịnh, từ, bi hỉ, xả..v.v...
Phật tánh là thường, thế nhưng hữu tình vì điên đảo, vì ham ưa dục tưởng, vì chạy theo các quan niệm hư dối, vì mê cảnh duyên, vì chẳng biết tự dừng... Cho nên tâm trí bị các thứ nói trên làm cấu nhiễm, do cấu nhiễm nên tuy Phật tánh có đó mà không thể hiện ra, vì vậy phải chịu ngu si phiền muộn!!! Giống như mặt trời thường sáng, thường chiếu soi, nhưng vì mây đen, vì mù loà, vì duyên xoay vần của vũ trụ nên mặt trời không hiện!!!
Phật ra đời, vì thương tưởng chúng sinh, để khiến chúng sinh hết ưu não, để khiến chúng sinh có trí tuệ... Phật lập bày các món phương tiện, vạch ra con đường để chúng sinh tìm lại vật quý nhất mà mỗi người tự có... Con đường đó chính là giáo pháp!!!
Lần theo con đường Phật đã dạy, từng lớp u tối được phá bỏ, nhờ sức chiếu soi từ Phật tánh, sáu lớp u tối lần lượt rực sáng bởi sức chiếu vô tận của Phật tánh, mỗi một lớp u tối bị phá bỏ để Phật tánh chiếu đến, tạm gọi là chủng tánh Anh Lạc... Cho nên, tuy có sáu lớp và sáu lần chiếu nhưng tất cả đều cùng một nhân nên những ý vị cốt lõi không hề sai khác!!!
Sáu chủng tánh Anh Lạc từ tâm thức người tu hành giống như người đào giếng.... Tâm thức u tối của hữu tình giống như trên mặt đất khô, nhưng dưới đó có mạch nước ngầm... Cứ mỗi lớp đất được đào bỏ, dấu hiệu có nước lại hiện ra, từ khô cằn, đến thấm ướt, đến đất nhão, đến nước đục rồi cuối cùng là nước trong xuất hiện... Mỗi một dấu hiệu có nước, là một động lực khiến người đào giếng không còn nghi ngờ, thêm quyết tâm và cuối cùng là sự đền đáp xứng đáng bởi những giọt nước mát lành!!!
Để có thể tìm thấy dòng nước quý giá, kiến thức, công sức, kĩ thuật, công cụ chuyên dùng là những món không thể thiếu đối với người đào giếng... Đào tìm Phật tánh cũng như thế, giác ngộ, tốc lực tâm, tốc lực trí, tốc lực công hạnh là những món nhất thiết phải có, thiếu một món trong những món kể trên, rất khó thành toàn cho những ai đi tìm Phật tánh thông qua lục chủng tánh Anh Lạc!!!
Các bạn!!!
Như vậy, những gì cần thiết trong việc thành tựu lục chủng tánh Anh Lạc đã được chúng ta điểm qua!!!
Đối với Tâm Tông, lục chủng tánh Anh Lạc là cơ sở trọng yếu mà mỗi HĐ chúng ta phải tuần tự vượt qua và sở hữu nó... Lục chủng tánh của Tâm Tông, không giống những gì của Giáo Tông mà các năm trước HĐ Lý Gia chia sẻ... Mỗi một chủng tánh, về lí thuyết phải trả qua nhiều đời kiếp tu tập miệt mài...!!!
Nhưng cũng chừng ấy chủng tánh, với sức diệu dụng của Tâm Tông có thể là một vài sát na chúng ta có thể biến nhiều đời kiếp thành một chớp mắt... Mê hay ngộ, ngu hay trí khoảng cách của những thứ ấy không thật... Giống như một hang động tăm tối cả ngàn năm, chỉ cần một cây đèn có cường độ cực mạnh được đốt lên, cái hang tối ngàn năm tức thì ngập tràn ánh sáng!!!
Tâm trí của một hữu tình cũng như thế... Nếu một cây đèn nhỏ thắp lên, vùng sáng rất nhỏ, muốn thấy toàn hang động phải thắp nhiều ngọn đèn, thắp nhiều ngọn đèn để thấy toàn hang động, Phật đạo gọi là Vô Tận Đăng dụ cho Giáo Tông... Nhưng, quả đất này, tuy lớn như vậy, nhưng chỉ cần bình minh ló dạng, những nơi nào trên địa cầu có đủ duyên đều được sáng dụ cho Tâm Tông!!!
Ha ha ha ha!!! Giác ngộ, tốc lực tâm, tốc lực trí, tốc lực hạnh nguyện chính là bốn yếu tố làm nên mặt trời trí tuệ!!!
Các bạn!!!
Hãy làm một mặt trời trí tuệ của Tâm Tông để có thể đem ánh sáng rực rỡ đến những nơi tăm tối nhất!!!
Năm mới Kỉ Hợi, năm thứ hai chúng ta xâm nhập Tâm Tông... Cái thời sống nhờ bầu sữa Giáo Tông của mười năm trước đã quan rồi!!!
Hy vọng sau bài viết này, toàn bộ HĐ chúng ta có một năm mới với những thành tựu mới!!!
Nhật quang thường chiếu!!!
Chánh pháp hiện tiền!!!
Chúc mọi người an vui, tinh tấn!!!
Mùng năm tết Kỉ Hợi (2019)
−−−••• ⁕ ⁕ ⁕ ⁕ •••−−−
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






