Luận Về Thiền Và Thiền Định

 0
Luận Về Thiền Và Thiền Định

Các bạn!!!

Mọi người luận về Thiền rất hay, nhưng mình có vài ý kiến không biết đúng không, nếu không đúng xin đừng cười chê.

1. “THIỀN”

- Thứ nhất: Ở đời có những chuyện không hiểu nổi, bình thường con người không thể nhảy qua cái hàng rào cao chừng 1,7 mét trở lên. Nhưng nếu có người đuổi mình để giết, trong lúc nguy cấp, chạy trối chết, có thể nhảy qua cái hàng rào cao 2 mét.

Mình nhớ trong chiến tranh, khi chiến sự xảy ra ban đêm, có người vì sợ quá bèn chui vào bụi gai mây mà trốn. Đến sáng mọi thứ yên bình, người này la làng cho hàng xóm đến chặt gai để chun ra vì không thể nào tự ra khỏi bụi gai mây.

Đây là câu chuyện có thật trăm phần trăm (100%). Khi bình tâm, mọi người hỏi làm sao lúc đó ông có thể chun vào bụi gai mây um tùm được, người này chỉ biết lắc đầu không hiểu nổi.

Sự đời như vậy đó, sự đạo có khi không khác. Ngồi trong quán cà phê, giả sử nghĩ đến chuyện sanh tử hoặc nghe kể chuyện người xưa vượt qua khó khăn về thân, đâm ra ngán ngẫm. Thậm chí không biết mình có làm như vậy được không, và thề quyết là làm không được. Tự nhiên bắt người ta làm những cớ sự éo le đáng sợ kia, nhất định như tôi đây cũng phải rụt đầu thè lưỡi. Nhưng biết đâu sanh tử hoặc một việc gì ghê gớm đến bất kỳ, vận may chợt đến, tự thân làm được rồi sao. Nếu có làm được trong hoàn cảnh này cũng đâu có gì hay ho!!!

Đạo pháp cũng như vậy, tu hành, thiền định, trí tuệ gì gì đó... không phải để ngồi tưởng tượng có người chém mình rồi mình có đau không, cái này hình như Phật Giáo gọi là vọng tưởng, tức cái chưa có, cái chưa đến mà tưởng tượng ra để làm khó mình khó người. Mà thiền định, trí tuệ… trong Phật đạo là tu hành, tư duy tích lũy công đức để đến khi sự việc thật xảy ra đối với tự thân thì “cái hên” nó đến, nhảy vào bụi gai mây trốn cho khỏi chết đặng sáng mai la làng, hàng xóm đến cứu cho nó quê chơi.

Huệ Năng nói tài “định huệ quân bình, không hai, trong ngoài giống nhau gì gì đó…” Nhưng khi Trần Đạo Minh rượt để giựt y bát, thì chạy vắt giò lên cần cổ, định huệ trốn biệt ngàn. Đến núi Đại Dũ, thốn quá hết đường chạy (nếu còn đường chắc còn chạy tiếp, chớ dừng lại chẳng những bị chúng đánh chết lại mất cái y thì sao). Chạy hết đường, Huệ Năng bèn ngồi xuống, đúng tác phong của một vị Tổ, lim dim hai con mắt (hình như ông ta niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương) chờ chúng đến giựt y bát. Nhưng cái may lại đến, quá hên Trần Đạo Minh nhấc chiếc y và cái bát không lên, có lẽ lão này chạy quá hết xíu quách, Đạo Minh lầm tưởng Huệ Năng có thần thông, sợ quá lão bèn sụp lạy nhờ khai thị. Lão này thiệt tráo trở, mới rượt người ta giựt đồ, giựt không được quay lại xin làm học trò. Cái chuyện lạ đời!!! Không biết anh em mình có ai đã gặp tình cảnh này hay chưa, chứ tôi đây thì chưa. Bất nhơn như Đạo Minh vẫn được Huệ Năng từ bi khai thị… Thiền của Phật Giáo hình như là thế!!!

Thế đấy! Phật Giáo là như thế, vọng tưởng chạy vắt giò như Ngài Huệ Năng là cùng, nhưng đụng chuyện biết đâu định tuệ lại quân bình. Thoát cơn hiểm nguy, về nhà kể lại cho vợ con nghe, thêm mắm dặm muối cho mấy chị em ghê chơi, chắc là oai lắm. Nhớ chỉ kể chuyện thần thông quảng đại, “phàm phu như Đạo Minh làm gì giở nổi cái y của tôi”, còn chuyện chạy vắt giò lên cần cổ thì nên dấu kín, như chưa từng xảy ra mới đáng là người trí!!!

- Thứ hai: Người đời thường nói: “Phật làm cái gì thì tôi làm cái đó, bắt chước y hệt Phật nhất định trăm phần thành Phật”; câu này nghe cũng lọt lỗ tai, nhưng lọt vô rồi thì nó kêu o... o… bèn móc trở ra.

Làm như mình là bạn của ông Phật hoặc đồng môn với ông Phật không bằng, chú mi làm được cái gì thì tớ đây cũng làm được cái đó chớ bộ… Xin thưa còn lâu!!! Có vô số điều Phật làm được mà mình thì chẳng thể nào làm được. Nếu cố làm giống hệt như vậy mà chẳng hiểu “mô tê” gì ráo, thì có người sẽ nói mình ba trợn, hình như cái đầu có vấn đề!!!

Cho nên, khôn ngoan nhất phải nói như thế này: “Phật dạy làm gì, thì tôi cố gắng làm như vậy. Giả sử làm chưa được, tôi sám hối để vị lai có thể thực hiện trọn vẹn lời dạy này”. Câu này có vẻ lọt lỗ tai và trí tuệ hơn!!!

- Thứ ba: Tỳ Kheo Hải Tràng gì đó ngồi nhịn thở 6, 7 tháng là tại ổng muốn nhịn thở chơi cho vui, Phật đâu có dạy mình, hoặc biểu Thiện Tài Đồng Tử phải học nhịn thở. Biết đâu (nói biết đâu là chưa chắc đúng), Thiện Tài gặp lão nhịn thở này, để học cái khác chớ không phải học cái phép nhịn thở, coi chừng lầm, bắt chước nhịn thở là bỏ mạng đó!!!

- Thứ tư: Mình bàn thiền của Phật Giáo hay Tứ thiền? Hình như hai hệ này khác nhau thì phải. Nếu huỡn[[1]] quý vị gẫm lại xem, bạn nào luận ra được điều này, khác hay giống, lời luận phải có tính thuyết phục cao mới được, thì hay đấy!!! (10-2010)

2. “THIỀN ĐỊNH”

Các bạn!!!

- Đây là bài viết căn bản, giúp các bạn tham khảo, dùng làm cơ sở để chiêm nghiệm khi tu thiền định, và có thêm hiểu biết về thiền chi.

3. Có thể tóm tắt về thiền định như sau.

Cho dù là thiền của thừa nào, cũng dựa trên nền tảng giúp điều phục thân và tâm. Vì thế, tất cả người tu hành đều phải có thiền định, tức là phải giải quyết hai vấn đề mấu chốt của đạo, đó là thân và tâm. Sở dĩ các thừa phương tiện vào thiền sai khác là do nhìn nhận vấn đề sai khác, nhưng đồng giải quyết hai vấn nạn này.

4. Tổng quát về thiền và định.

- Quá trình điều phục thân và căn được gọi là thiền. Cho nên bốn thiền ra đời để giải quyết dục giới, sắc giới. Tức giải quyết nhiễm ô của căn và thân.

- Quá trình điều phục tâm ý gọi là định. Nên tứ không định là quá trình điều phục tâm, ý thức, gọi là vô sắc.

-  Một chúng sanh, thân tâm luôn luôn câu sanh với nhau trên cơ sở nghiệp, thuật ngữ Phật Giáo gọi là “câu sanh lưỡng chấp”. Vì câu sanh, nên tâm sẽ vui khi thân mạnh khoẻ, và sẽ buồn khi thân bệnh hoạn, hoặc ngược lại khi tâm hưng phấn thân sẽ rạng rỡ, tâm phiền não thân sẽ tiều tuỵ!!!

- Khi nhiếp tâm, rời xa nghiệp câu sanh, người tu hành có thể cảm nhận những món dị thường từ thân và tâm… Ví dụ như cảm giác mất trọng lượng, không bị giới hạn không gian… người đời gọi là thần thông. Vì thế, khi ngoại đạo luyện tập nhiếp tâm nơi một sở pháp đến triệt để, thì xuất hiện dị pháp.

- Trong tu hành, khi tâm ý bị nhiếp bởi sở giác. Lúc đó, tâm tạm thời không nhiếp thân, nghiệp câu sanh chuyển biến. Chính chuyển biến này, thân và tâm trở về tính chất đồng hư không của nó. Cho nên, người nhiếp tâm cảm thấy thân nhẹ nhàng, tâm an lạc...

- Hỷ lạc, khinh an là cảm nhận đầu tiên khi thân và tâm không nhiếp nhau, nhưng vẫn còn ý thức, tức tầm và tứ. Đến khi tầm tứ tịch diệt, cảm nhận hỷ lạc khinh an cũng lặn mất, trạng thái này chỉ mất đi sự nhận biết của ý thức, chứ không phải tính chất hỷ lạc khinh an diệt mất. Các thiền chi xuất hiện rồi tịch diệt, chính là kết quả của nỗ lực "tách rời tâm, ý, ý thức ra khỏi thân" của người tu thiền.

 (10-2010)

[[1]] huỡn: rảnh rỗi (tiếng địa phương Nam Bộ VN.)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG