Lợi Ích Của Phép Tu

Hỏi: Như vậy, các phép tu hành người ta hay dùng ở đời như, Tu Thiền, Tu Tịnh, Tu Mật. Có thể nào trở thành Pháp môn giúp người vào Chánh Đạo hay không?
Đáp: Tất nhiên là được, vì hết thảy pháp đều là Phật pháp. Ngày xưa, ngoại đạo cất công tu phép tu của ngoại đạo, đến khi gặp Phật, Phật cũng nương nơi những gì người đó tu tập trong quá khứ để mở cửa Chánh Đạo cho họ, giúp họ Giác Ngộ. Ví dụ như: Tu Bạt Đa La[1] là một ngoại đạo, chứng đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định. Phật y nơi chỗ sở đắc của ông này, giúp ông ta Giác Ngộ, chứng quả Vô Sanh.
Hỏi: Nếu những người tu như vậy, cặm cụi với phép tu, không gặp Thiện Tri Thức khai mở tâm trí thì có thể tự mình Giác Ngộ để đi vào Chánh Đạo hay không?
Đáp: Tất cả các pháp tu, đều là thế pháp, kể cả các phép như: Tam Ma Đề, Xa Ma Tha, Thiền Định... đều khó có thể đưa người đến Giác Ngộ trong Phật Đạo.
Vì Đạo Giác Ngộ giúp con người ta tìm ra Chánh Đạo, thế nên không do tu mà thành, không do chấp nhất mà được, không do thiếu trí mà biết. Tuy nhiên, nếu có người thực hành những phép tu đó, siêng năng nhất quyết mài mòn phàm tâm, thực hiện đời sống thiểu dục tri túc, thường quở trách cái ngã, hay ngăn chặn chướng đạo, tinh tấn đọc tụng kinh điển, thường thấy được lỗi họa ba cõi, không chấp nhất pháp mình đang tu, nhất tâm tinh cần quan sát tư duy những lời Phật dạy, mong cầu được Giác Ngộ như Chánh Đạo. Nhờ những điều như vậy, khi hội đủ công đức, trí tuệ sáng suốt, trong bất chợt nào đó, vị này có thể Giác Ngộ thế nào là Chánh Đạo. Tuy nhiên trường hợp này rất hiếm trong đời. Những người như vậy thuộc hạng “kỳ lân trong loài người”, như Hoa Ưu Đàm Bát La ngàn năm mới nở một lần, khó có được. Còn kẻ nào chấp nhất, coi cái mình đang dụng công là tối thượng, quyết cặm cụi nơi đây tin rằng trong đó có cứu cánh, thì rất khó...! ... Rất khó...!
Hỏi: Vì sao cặm cụi tu những phép như vậy khó mà Giác Ngộ được Chánh Đạo?
Đáp: Như đã nói ở trên, tất cả các phép tu đều là phép làm ra, là hữu vi pháp, nên khó có thể Giác Ngộ Chánh Đạo, không thể thành tựu cứu cánh vô vi! ... Vì rằng, Chánh Đạo không phải đạo làm ra, “nhân hữu vi” thì chẳng thể “chứng quả vô vi”, đường thế gian không thể đến ngõ xuất thế, chìa khoá phàm tục không thể mở chốt khoá Giải Thoát! ... Có vô số lý do mà một người nhất quyết nắm giữ phép tu không thể Giác Ngộ. Nó giống như một người không thể nắm tóc của mình để nhắc thân này rời khỏi mặt đất; ngồi trong thau, lại mong muốn bưng cái thau lên. Những chuyện như vậy, hầu như không thể thực hiện được.
Hỏi: Nếu cặm cụi tu hành trong các phép tu, không gặp bậc Đạo Sư khai mở tâm trí, cũng không tự mình giác ngộ Chánh Đạo thì có được lợi ích gì không?
Đáp: Có.
Hỏi: Vậy lợi ích cụ thể của nó là gì?
Đáp: Lợi ích đó là... Có thời gian tu hành, ít làm việc ác hơn người không tu...! ... Nếu nói lợi ích thì nhiều.
Nguồn: LÝ TỨ; VÔ ĐỐI MÔN (trích Bài 03); NXB Dân Trí 2019
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






