Kinh Thắng Man & Phần 2

Đức Thế Tôn nghe Thắng Man phu nhơn nói về Nhiếp Thọ Chánh Pháp có đại oai lực thì khen rằng: “Đúng như vậy, đúng như vậy, lành thay! Nầy Thắng Man đúng như lời ngươi nói, Nhiếp Thọ Chánh Pháp có oai lực lớn.
Như đại lực sĩ khẽ chạm, chà bóp ai, thì người ấy đau đớn khổ lắm, còn thêm bệnh nặng. Cũng vậy, chỉ cần một phần nhỏ ‘Nhiếp Thọ Chánh Pháp’, cũng làm cho ma Ba Tuần[[1]] đau đớn sầu não, khóc rên, than thở.
Nầy Thắng Man! Ta thường chẳng thấy một thiện pháp nào làm cho ma Ba Tuần sầu não bằng Nhiếp Thọ Chánh Pháp một ít phần.
Nầy Thắng Man! Ví như Ngưu vương hình sắc đoan chánh, thân lượng đặc biệt, lạ hơn hẳn các loài ngưu khác. Cũng vậy, người tu Đại thừa nếu thành tựu ít phần Nhiếp Thọ Chánh Pháp thì hơn hẳn tất cả pháp lành của hàng Thanh Văn, Duyên Giác.
Lại như núi Tu Di cao rộng trang nghiêm xinh đẹp hơn các núi khác, cũng vậy, người mới đến Đại thừa dùng lòng lợi ích chẳng tiếc thân mạng mà Nhiếp Thọ Chánh Pháp, thì có thể vượt hơn tất cả thiện căn của người ở lâu nơi Đại thừa mà tiếc thân mạng.
Nầy Thắng Man! Thế nên phải dùng Nhiếp Thọ Chánh Pháp mà khai hóa tất cả hữu tình. Nhiếp Thọ Chánh Pháp được phước lợi lớn và đại quả báo.
Nầy Thắng Man! Trong vô số a tăng kỳ kiếp, Ta ca ngợi Nhiếp Thọ Chánh Pháp như vậy, được công đức vô lượng vô biên. Nhiếp Thọ Chánh Pháp thì thành tựu vô lượng công đức như vậy.”
Đức Phật bảo Thắng Man phu nhơn: “Nay ngươi lại nên diễn tả Nhiếp Thọ Chánh Pháp đã được Ta nói mà tất cả chư Phật đồng ưa thích”.
−Thắng Man phu nhơn bạch rằng: “Lành thay, bạch đức Thế Tôn! Nhiếp Thọ Chánh Pháp thì gọi là Đại Thừa. Tại sao? Vì Đại thừa xuất sanh bao nhiêu pháp lành của tất cả Thanh Văn, Duyên giác thế gian và xuất thế gian. [[2]]
Như ao A Nậu Đạt phát xuất tám sông lớn. Cũng vậy, Đại thừa xuất sanh bao nhiêu pháp lành của tất cả Thanh Văn, Duyên Giác. Lại như tất cả cây cỏ lùm rừng đều nương đại địa mà được sanh trưởng. Cũng vậy, tất cả pháp lành của Thanh Văn, Duyên Giác đều nương Đại thừa mà được sanh trưởng. Vì thế nên an trụ Đại thừa, nhiếp thọ Đại thừa, tức là trụ và nhiếp bao nhiêu pháp lành của tất cả Thanh Văn, Duyên Giác thế gian và xuất thế gian.
Như đức Phật Thế Tôn đã nói sáu xứ, đó là: Chánh pháp trụ; Chánh pháp diệt; Biệt giải thoát; Tỳ nại gia; Chánh xuất gia; Thọ cụ túc.[[3]]
Vì Đại thừa mà đức Phật nói sáu xứ ấy. Tại sao? Vì chánh pháp trụ là vì Đại thừa mà nói. Đại thừa trụ thì chánh pháp trụ. Chánh pháp diệt là vì Đại thừa mà nói. Đại thừa diệt thì chánh pháp diệt.[[4]] Biệt giải thoát và Tỳ Nại gia, hai pháp nầy tên khác mà nghĩa một. Tỳ nại gia là Đại thừa; Tại sao? vì Phật mà xuất gia, mà thọ cụ túc, thế nên khối giới Đại thừa là Tỳ nại gia, là chánh xuất gia, là thọ cụ túc.
Bạch Thế Tôn! A La Hán không có xuất gia không thọ cụ túc. Tại sao? Vì A La Hán chẳng vì Như Lai mà xuất gia thọ cụ túc, A La Hán có ý tưởng bố úy mà quy y Như Lai; Tại sao? Vì đối với tất cả hành, A La Hán có tưởng bố úy, coi như người cầm kiếm muốn đến hại mình, do vậy nên A La Hán chẳng chứng được giải thoát an lạc cứu cánh. [[5]]
Bạch đức Thế Tôn! Quy y nơi chẳng cầu quy y, như các chúng sanh không chỗ quy y, chúng nó sợ hãi nên tìm nơi quy y để được an ổn. Cũng vậy, vì có bố úy mà A La Hán quy y nơi Như Lai. [[6]]
Vì thế nên hàng A La Hán, Bích Chi Phật còn có sanh pháp,[[7]] chưa lập phạm hạnh, chỗ làm chưa xong, sẽ còn có chỗ dứt diệt vì chưa cứu cánh vậy. Họ còn cách xa Niết bàn. Tại sao? Vì chỉ có Như Lai Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác chứng được Niết Bàn, thành tựu vô lượng vô biên công đức chẳng thể nghĩ bàn, chỗ đáng dứt đã dứt hết, cứu cánh thanh tịnh, được các loài hữu tình chiêm ngưỡng, vượt quá cảnh giới của Nhị thừa và Bồ Tát (Quyền thừa).
Còn hàng A La Hán thì chẳng phải như vậy. “Nói rằng A La Hán được Niết bàn đó, chỉ là phương tiện của Phật thôi. Thế nên, A La Hán cách Niết bàn rất xa”.
Đức Thế Tôn nói A La Hán và Bích Chi Phật quán sát giải thoát bốn trí cứu cánh được rồi; Song, đó đều là lời tùy tha ý và thuyết bất liễu nghĩa của Như Lai.[[8]]
Tại sao vậy? Có hai thứ sanh tử: Một là “Phần đoạn sanh tử”, hai là “Bất tư nghị biến dịch sanh tử”. Phần đoạn sanh tử là hữu tình tương tục, biến dịch sanh tử là A La Hán và Bích Chi Phật cùng bực Tự Tại Bồ Tát được ý sanh thân nhẫn đến Bồ Đề.[[9]]
Trong hai thứ tử ấy, phần đoạn tử nói về A La Hán và Bích Chi Phật là y nơi ngã sanh đã hết. Vì đã chứng được quả Hữu Dư Y, nên tạm gọi là phạm hạnh đã lập. Vì tất cả ngu phu [[10]] chẳng làm được, bảy hàng học nhơn chưa làm xong.[[11]] Nhị thừa tương tục phiền não đã dứt rốt ráo, nên mới nói việc làm đã xong.
−Bạch đức Thế Tôn! Nói rằng sanh chẳng thọ lấy thân sau, người trí bảo là Nhị thừa chẳng dứt được tất cả phiền não, trí họ chẳng biết rõ tất cả thọ sanh. Tại sao? Vì Nhị thừa còn thừa phiền não, chẳng dứt hết nên chẳng biết rõ được tất cả thọ sanh vậy.
Phiền não có hai loại, đó là: ‘Trụ địa phiền não’ và ‘Khởi phiền não’.
Trụ địa phiền não có bốn thứ,[[12]] đó là:
−Kiến Nhứt Thiết Xứ trụ địa phiền não;
−Dục Ái trụ địa phiền não;
−Sắc Ái trụ địa phiền não[[13]] và
−Vô Minh Ái trụ địa phiền não.
Bạch đức Thế Tôn! Bốn thứ trụ địa ấy hay sanh tất cả biến khởi phiền não. Khởi phiền não ấy, niệm niệm cùng tương ưng với tâm.[[14]]
−Bạch đức Thế Tôn! Vô Minh Trụ Địa từ vô thỉ đến nay chẳng tương ưng với tâm.[[15]]
−Bạch đức Thế Tôn! Sức lực của bốn trụ địa phiền não làm sở y cho biến khởi phiền não, sánh với Vô Minh Trụ Địa thì toán số thí dụ chẳng bằng được.
Đúng vậy, đối với Vô Minh Ái Trụ Địa phiền não thì sức lực của Vô Minh Trụ Địa rất lớn.
Ví như Ma Vương và chúng quyến thuộc sắc lực oai đức hơn hẳn bốn trụ địa, hơn hẳn chư thiên Tha Hóa Tự Tại. Cũng vậy, Vô Minh Trụ Địa hơn hẳn bốn trụ địa gấp Hằng sa số lần, nó làm sở y cho phiền não và cũng làm cho ‘bốn thứ phiền não’ còn mãi [[16]].
Trí của Nhị thừa chẳng dứt được Vô Minh Trụ Địa, chỉ có trí của Như Lai là dứt hết được nó.
−Bạch đức Thế Tôn! Đúng vậy, đúng vậy! Sức lực của Vô Minh Trụ Địa rất lớn. Như ‘thủ’ chi [[17]] làm duyên hữu lậu, đây là nghiệp nhân để sanh ra ba cõi (Dục, Sắc và Vô Sắc). Cũng vậy, Vô Minh Trụ Địa làm duyên vô lậu, đây là nghiệp nhân hay sanh Nhị thừa và Đại Lực Bồ Tát tùy ý sanh thân. Tất cả vô lậu nghiệp đều lấy Vô Minh Trụ Địa làm chỗ sở y, dầu là ‘sở duyên’ mà cũng hay làm ‘duyên’. Thế nên, tùy ý sanh thân và Vô Lậu nghiệp đều dùng Vô Minh Trụ Địa làm duyên (để tịch diệt) đồng như Vô Minh Ái trụ địa phiền não.[[18]]
−Bạch đức Thế Tôn! Vô Minh Ái trụ địa chẳng đồng nghiệp với Vô Minh Trụ Địa.[[19]] Vô Minh Trụ Địa khác bốn trụ địa. Khác bốn trụ địa đây chỉ có Phật dứt được hết.
Tại sao? Vì Nhị thừa dứt bốn trụ địa mà đối với lậu tận lực chẳng được tự tại, chẳng hiện chứng được.[[20]] Thế nên Nhị thừa nhẫn đến chư Bồ Tát tối hậu thân, vì còn Vô Minh Trụ Địa che lấp, nên ở nơi các pháp của chư Phật, chẳng biết, chẳng thấy. Nên chỗ đáng dứt chẳng dứt, chỗ đáng hết chẳng hết. Vì ở nơi các pháp ấy chẳng dứt chẳng hết, nên chỉ được Hữu Dư Giải thoát (Hữu Dư Trí), mà chẳng phải Nhứt Thiết Giải Thoát (Nhứt Thiết Trí), được Hữu Dưu Thanh Tịnh mà chẳng phải Nhứt Thiết
Thanh Tịnh, được Hữu Dư Công Đức mà chẳng phải Nhứt Thiết Công Đức.[[21]]
−Bạch đức Thế Tôn! Vì được Hữu Dư nên ở nơi Thánh đế, các bực ấy biết khổ Hữu Dư, dứt Tập Hữu Dư, chứng Diệt Hữu Dư và tu Đạo Hữu Dư.
Nếu còn biết Hữu Dư Khổ dứt, Hữu Dư Tập chứng, Hữu Dư Diệt diệt và tu Hữu Dư Đạo, thành tựu này chỉ có được chút phần diệt độ chúng (4 đế Hữu Dư), chút phần Niết Bàn giới.[[22]]
Nếu biết tất cả Khổ dứt, tất cả Tập chứng, tất cả Diệt diệt và tu tất cả Đạo, bực nầy ở nơi thế gian vô thường bại hoại, chứng được Niết Bàn Thường Tịch Thanh Tịnh; Bực nầy ở nơi thế gian lấy chỗ không giúp, không nương làm chỗ giúp, chỗ nương.[[23]]
Tại sao? Vì người ở nơi các pháp mà thấy có cao thấp thì chẳng chứng được Niết Bàn. Người trí bình đẳng, giải thoát bình đẳng, thanh tịnh bình đẳng mới chứng được Niết bàn.
Vì thế, nên Niết bàn gọi là Bình Đẳng Nhứt Vị, đó là vị giải thoát vậy.[[24]]
−Bạch đức Thế Tôn! Nếu Vô Minh Trụ Địa chẳng dứt chẳng hết, thì chẳng chứng được Niết bàn Nhứt Vị Bình Đẳng.[[25]] Tại sao?
Vì Vô Minh Trụ Địa chẳng dứt chẳng hết thì, những pháp sai lầm đáng dứt chẳng dứt, đáng hết chẳng hết nhiều hơn Hằng sa. Vì còn hơn Hằng sa những pháp sai lầm đáng dứt chẳng dứt, đáng hết chẳng hết nên quá vô lượng các pháp công đức (của Phật) trọn chẳng chứng được. Thế nên, Vô Minh Trụ Địa là nơi sanh ra các tùy phiền não, tất cả pháp lỗi lầm từ Vô Minh Trụ Địa đều đáng dứt đáng hết. Nếu không, người tu hành sẽ bị phiền não chướng tâm, phiền não chướng chỉ, phiền não chướng quán, phiền não chướng tĩnh lự, nhẫn đến chướng tam ma đề, không thể đắc Gia hạnh trí nhẫn đến chứng Thập lực, Tứ Vô Sở Úy.[[26]]
Các khởi phiền não mà “Kim Cang Trí Đẳng Chánh Giác” của Như Lai hay dứt diệt nhiều hơn cả cát sông Hằng, tất cả đều nương nơi Vô Minh Trụ Địa, vì Vô Minh Trụ Địa làm nhơn duyên vậy.
−Bạch đức Thế Tôn! Khởi phiền não đây niệm niệm cùng tương ưng với tâm. Từ vô thỉ đến nay Vô Minh Trụ Địa chẳng tương ưng với tâm.
−Bạch đức Thế Tôn! Ví như tất cả giống của cây cỏ đều nương nơi đại địa mà sanh trưởng, nếu đại địa hoại hư thì chúng nó cũng hoại hư.
Cũng vậy, hơn số Hằng sa các pháp đáng được dứt diệt bởi “Kim Cang Trí Đẳng Chánh Giác” của Như Lai đều nương nơi Vô Minh Trụ Địa mà sanh trưởng, nếu Vô Minh Trụ Địa dứt hết thì các pháp phiền não ấy cũng dứt hết. Vì hơn số Hằng sa các pháp đáng dứt diệt cùng tất cả phiền não và khởi phiền não đã dứt diệt hết, nên chứng được quá số Hằng sa các pháp chư Phật bất khả tư nghị, ở nơi các pháp chứng được vô ngại thần thông, được các tri kiến, rời lìa tất cả sai lầm, được tất cả công đức, làm Đại Pháp Vương tự tại nơi tất cả pháp, chứng bực Nhứt Thiết Pháp Tự Tại, Chánh Sư Tử Hống rằng: Nay Sanh đã hết; Phạm hạnh đã lập; Việc làm đã xong; Chẳng còn thọ thân sau.
Do đó, đức Thế Tôn dùng Sư Tử Hống, y nơi liễu nghĩa, một mực tuyên thuyết như vậy.[[27]]
---
Phần chú giải
[[1]] ma Ba Tuần: Những kẻ chuyên phá hoại Chánh Pháp!
[[2]] Không có Đại thừa thì không có Phật Pháp… Giống như không có Địa đại thì không có Hữu tình, núi non, cây cối, biển cả…!
[[3]] Có Đại thừa thì có sáu xứ này!
[[4]] Nói mạt pháp là vì ít người thành thục nghĩa Đại Thừa!
[[5]] Đây là thật nghĩa của “Xuất Gia”!
[[6]] Đây là thật nghĩa của “Quy Y”!
[[7]] sanh pháp: Tuy “Tâm dứt” nhưng “Thức” chưa dứt!
[[8]] Nói La Hán đã xong: Là “Phương Tiện thuyết” chứ chẳng phải “Quyết Định thuyết”. Phương Tiện thuyết khiến Nhị thừa thành tựu “Hữu tác Tứ Thánh Đế (Trí)”; Quyết Định thuyết khiến Nhất thừa thành tựu “Vô Tác Tứ Chân Trí”… Đây là lý do vì sao cùng một Phật Pháp mà lại xuất sanh “kinh Liễu Nghĩa và kinh Bất Liễu Nghĩa”!
[[9]] −Phần đoạn sanh tử: Sanh tử theo “Nghiệp”... −Bất tư nghị Biến Dịch sanh tử: Sanh tử theo “Nguyện”!
[[10]] Ngu phu: Người chưa Giác Ngộ!
[[11]] bảy hàng học nhơn, hàng Hữu học trong Tứ quả Thánh gồm: Hướng Tu Đà Hoàn, Tu Đà Hoàn quả; Hướng Tư Đà Hàm, Tư Đà Hàm quả; Hướng A Na Hàm, A Na Hàm quả và Hướng A La Hán!
[[12]] Bốn thứ Trụ Địa phiền não:
− Kiến Nhứt Thiết Xứ Trụ Địa phiền não: Thấy nghe điên đảo mà sinh phiền não...
− Dục Ái Trụ Địa phiền não: Tham mê Ngũ Dục mà sanh phiền não…
− Sắc Ái Trụ Địa phiền não: Chấp Thân và Cảm Thọ mà sanh phiền não…
− Vô Minh Ái Trụ Địa phiền não: Tham ưa các Pháp và Tưởng không dứt mà sinh phiên não…
[[13]] Dị bản (bản dịch khác) còn dịch “Sắc Ái...” là “Hữu Ái Trụ Địa phiền não”
[[14]] “Phiền não” tương ưng với “tâm”: Phiền não dứt, tâm thanh tịnh; Tâm không, phiền não không!
[[15]] “Vô Minh Trụ Địa” chẳng tương ưng với “tâm”: Tâm Thanh tịnh (không phiền não) vẫn chưa dứt Vô Minh Trụ Địa… Vì thế, tuy Nhị thừa chứng được Niết Bàn, nhưng chưa ra khỏi Vô Minh Trụ Địa!
[[16]] Chỉ khi nào không còn Vô Minh Trụ Địa thì Phiền Não Trụ Địa mới rốt ráo tịch diệt… Vì sao như vậy? Khi dứt Vô Minh Trụ Địa mới thành tựu Thật Trí, nơi Thật Trí mới biết rằng phiền não cùng Bồ Đề chẳng hai, vì đồng một tự tánh Thanh Tịnh!
[[17]] “thủ” chi: Chi thứ 9 (sau Ái, trước Hữu) trong 12 chi nhân duyên, chi này cuối nhóm Trung Tế, đầu nhóm Hậu Tế… Vì thế, thủ chi là nghiệp nhân của Hậu Hữu Thân… Nếu thủ chi diệt, “Sơ Tướng Vô Minh” diệt; Sơ Tướng Vô Minh diệt, ba thời đồng tịch diệt; Ba thời đồng tịch diệt, Hậu Hữu Thân diệt; Hậu Hữu Thân diệt, ba cõi tự Niết Bàn!
[[18]] Giống như Hoa Sen thường mọc trên bùn, bùn (hôi tanh) là Sở duyên mà cũng hay làm Duyên (để Sen có mùi thơm)… Vô Minh Ái Trụ Địa cũng như thế, hay phát khởi các món phiền não… Tuy nhiên, chính Vô Minh Trụ Địa làm chỗ Sở Y cho các Thánh quả… Chỉ trừ, Như Lai Vô Thượng Trí mới thật biết rằng Vô Minh Trụ Địa và Vô Lậu Quả đồng một Tự Tánh!
[[19]] Vô Minh Ái trụ địa: Thuộc Mê… ; Vô Minh Trụ Địa: Thuộc Lầm!
[[20]] Nhị thừa, ra khỏi Ba cõi, mà chẳng biết Thiệt tướng Ba cõi… Vì thế, chỗ Vô Lậu chẳng được Tự tại!
[[21]] A La Hán, Bích Chi Phật, Bất Động Địa, Thiện Huệ Địa nhẫn đến Pháp Vân Địa… trên con đường tiến về Vô Thượng Trí, mỗi địa dứt một phần Vô Minh Trụ Địa, cho đến khi thành Đẳng Chánh giác mới dứt sạch Vô Minh này… Từ đó hết lầm, thấy biết các Pháp hoàn toàn đúng bản chơn của nó, không còn thừa sót sai lầm, gọi là Đấng biết rõ, thấy rõ, viên mãn chỗ đáng dứt, chỗ đáng hết, thành tựu Nhất Thiết Công Đức!
[[23]] Từ Cửu Địa đến Thập Địa!
[[24]] Cảnh Giới của Đẳng Giác Bồ Tát (Cửu Địa)!
[[25]] Vì dứt Vô Minh Trụ Địa nên gọi là Chánh Đẳng Giác: Thấy cái Phật xưa thấy, biết cái Phật xưa biết, chứng cái Phật xưa chứng… Gọi là Niết Bàn Nhất Vị Bình Đẳng!
[[26]] Vô Minh Trụ Địa chính là cái gốc che mờ chân trí… Vì thế, hay sanh các tùy phiền não, bởi chưa dứt hết lỗi lầm từ các Pháp, do đó chẳng thể đắc các Pháp của chư Như Lai!
[[27]] Chánh Sư Tử Hống “Chư Lậu Dĩ Tận, Phạm hạnh Dĩ Lập, Sở tác Dĩ Biện, Bất thọ Hậu Hữu”: Cả Nhị Thừa và Phật đều tuyên bố Tứ Thành Tựu này, chỉ khác nhau ở Bất Liễu Nghĩa và Liễu Nghĩa nên Phật được gọi là Đại A La Hán!
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






