Kinh Kim Cang & Tâm Tông & Phần 1

Tôi nghe như vầy;[[1]]
Một hôm đức Phật ở thành Xá vệ, nơi vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, cùng các vị đại tỳ kheo là một ngàn hai trăm năm mươi vị.
Đến giờ thọ trai, đức Thế Tôn đắp y mang bát vào thành Xá vệ khất thực. Vào trong thành, [chư tăng] theo thứ tự khất thực rồi trở về tịnh xá. Thọ trai xong, thu dọn y bát, rửa chân tay, trải tòa ra ngồi. Lúc ấy Trưởng lão Tu Bồ Đề từ chỗ ngồi trong đại chúng đứng dậy, bày vai phải, quỳ gối phải, cung kính chắp tay bạch Phật rằng: “Thế Tôn, thật ít có! Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ Tát, khéo dặn dò các vị Bồ Tát.
−“Thế Tôn! Nếu có những kẻ nam người nữ lòng lành phát tâm cầu đạo Vô Thượng Bồ đề,[[2]] nên trụ tâm như thế nào? Hàng phục tâm như thế nào?
Phật dạy: “Lành thay! Lành thay! Tu Bồ Đề, đúng như ông vừa nói. Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ Tát, khéo dặn dò các vị Bồ Tát. Nay hãy lắng nghe, Ta sẽ vì các ông mà giảng thuyết. Nếu có kẻ nam người nữ lòng lành phát tâm Bồ đề, nên trụ tâm như thế này, nên hàng phục tâm như thế này.”
−“Bạch Thế Tôn! Con nguyện được lắng nghe.”
Phật dạy Tu Bồ Đề: “Các vị Đại Bồ Tát[[3]] nên hàng phục tâm như thế này: ‘Đối với tất cả các loài chúng sanh: Hoặc sanh từ bào thai, hoặc sanh từ trứng, hoặc sanh nơi ẩm thấp, hoặc do biến hóa sanh ra, hoặc có sắc, hoặc không có sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc chẳng phải có tưởng chẳng phải không tưởng,[[4]] Ta đều độ cho nhập vào Vô dư Niết bàn.[[5]] Như vậy diệt độ vô số chúng sanh, nhưng thật không có chúng sanh nào được diệt độ.’[[6]]
“Vì sao vậy? Tu Bồ Đề, nếu Bồ Tát có các tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả,[[7]] thì chẳng phải là Bồ Tát.
“Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát theo đúng pháp, nên lấy tâm không chỗ trụ mà làm việc bố thí. Nghĩa là chẳng nên trụ nơi hình sắc mà bố thí, chẳng nên trụ nơi âm thanh, hương thơm, mùi vị, xúc cảm, pháp tướng mà bố thí.
“Tu Bồ Đề! Bồ Tát nên bố thí như vậy đó, không trụ nơi tướng. Vì sao vậy?
“Nếu Bồ Tát bố thí với tâm không trụ tướng, phước đức[[8]] ấy chẳng thể suy lường.
“Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Hư không phương đông có thể suy lường được chăng?”
−“Bạch Thế Tôn, chẳng thể được.”
“Tu Bồ Đề! Hư không các phương nam, tây, bắc, bốn phương phụ,[[9]] phương trên, phương dưới có thể suy lường được chăng?”
−“Bạch Thế Tôn, chẳng thể được.”
“Tu Bồ Đề! Bồ Tát bố thí với tâm không trụ tướng, phước đức cũng như vậy, chẳng thể suy lường.
“Tu Bồ Đề! Bồ Tát chỉ nên trụ tâm[[10]] theo như cách đã chỉ dạy.
“Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Có thể nhìn vào thân tướng mà cho đó là Như Lai[[11]] chăng?”
−“Bạch Thế Tôn, chẳng thể được. Chẳng thể nhìn vào thân tướng mà thấy Như Lai.
“Vì sao vậy? Như Lai dạy rằng thân tướng thật chẳng phải là thân tướng.”
Phật dạy Tu Bồ Đề: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng thật chẳng phải tướng tức là thấy Như Lai.[[12]]
−Tu Bồ Đề bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Liệu có chúng sanh nào nghe lời thuyết dạy này[[13]] được sanh lòng tin chân thật[[14]] chăng?”
Phật bảo Tu Bồ Đề: “Chớ nên nói thế! Như Lai diệt độ rồi, năm trăm năm sau (thời mạt pháp) sẽ có những người giữ giới,[[15]] tu phước,[[16]] đối với lời thuyết này thường sanh lòng tin chân thật. Nên biết những người này chẳng phải chỉ ở nơi một, hai, ba, bốn, năm... đức Phật gieo trồng căn lành,[[17]] mà thật đã ở nơi vô số ngàn vạn đức Phật gieo trồng căn lành, [những người ấy] nghe lời thuyết này, dù chỉ một niệm cũng sanh lòng tin trong sạch.[[18]]
“Tu Bồ Đề! Như Lai tất sẽ thấy biết những chúng sanh ấy được vô lượng phước đức. Vì sao vậy? Những chúng sanh ấy không sanh khởi các tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, không khởi pháp tướng, cũng không khởi phi pháp tướng.[[19]]
“Vì sao vậy? Những chúng sanh ấy nếu tâm chấp giữ tướng, tức mắc vào ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Nếu giữ lấy pháp tướng tức mắc vào ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.
“Vì sao vậy? Nếu giữ lấy phi pháp tướng, tức mắc vào ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.
“Vì thế, chẳng nên chấp giữ lấy pháp, cũng chẳng nên chấp giữ lấy phi pháp.[[20]]
“Do nơi nghĩa này, Như Lai thường nói: Các vị tỳ kheo nên biết, pháp Phật thuyết như cái bè qua sông.[[21]]
Pháp (Phật) còn nên xả bỏ, hà huống những gì chẳng phải pháp (Phật)!”
“Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có được pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng? Như Lai có chỗ thuyết pháp chăng?”
−Tu Bồ Đề thưa: “Theo như chỗ con hiểu nghĩa Phật đã dạy, không có pháp gì gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác,[[22]] cũng không có một pháp Như Lai có thể thuyết.[[23]]
“Vì sao vậy? Chỗ thuyết pháp của Như Lai thảy đều chẳng thể chấp giữ lấy, chẳng thể nói ra, chẳng phải là pháp, cũng chẳng phải phi pháp.
“Vì sao vậy? Tất cả các bậc thánh hiền đều thành tựu pháp vô vi, nhưng có chỗ sai biệt.”[[24]]
“Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Nếu có người dùng bảy món báu đầy trong cõi tam thiên đại thiên thế giới mà bố thí, được phước đức nhiều chăng?”
−Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn, rất nhiều. Vì sao vậy? Phước đức ấy, chẳng có tánh phước đức, nên Như Lai nói là nhiều phước đức.”
“Nếu lại có người thọ trì chỉ bốn câu kệ trong kinh này,[[25]] vì người khác mà giảng nói, phước này hơn hẳn phước bố thí kia.
“Vì sao vậy? Hết thảy chư Phật và giáo pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của các ngài đều từ nơi kinh này mà ra.
“Tu Bồ Đề! Vì vậy mà nói rằng: Pháp Phật tức chẳng phải là pháp Phật.
“Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Vị Tu đà hoàn có nên khởi niệm: Ta được quả Tu đà hoàn chăng?”
−Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn, chẳng nên. Vì sao vậy? Tu đà hoàn gọi là nhập vào dòng thánh,[[26]] nhưng thật không có chỗ nhập. Chẳng nhập vào hình sắc, âm thanh, hương thơm, mùi vị, xúc cảm, pháp tướng, nên mới gọi là Tu đà hoàn.”
“Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Vị Tư đà hàm có nên khởi niệm: Ta được quả Tư đà hàm chăng?”
−Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn, chẳng nên. Vì sao vậy? Tư đà hàm gọi là một lần trở lại,[[27]] nhưng thật không có trở lại, nên mới gọi là Tư đà hàm.”
“Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Vị A na hàm có nên khởi niệm: Ta được quả A na hàm chăng?”
−Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn, chẳng nên. Vì sao vậy? A na hàm gọi là không trở lại,[[28]] nhưng thật chẳng phải là không trở lại, nên mới gọi là A na hàm.”
“Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Vị A la hán[[29]] có nên khởi niệm: Ta được đạo A la hán chăng?
− Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn, chẳng nên. Vì sao vậy? Thật không có pháp gọi là A la hán. Thế Tôn! Nếu vị A la hán khởi niệm rằng: Ta được đạo A la hán, tức là vướng mắc vào ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.[[30]]
−“Thế Tôn! Phật dạy rằng con được phép Tam muội Vô tránh, cao quý nhất trong loài người, là bậc A la hán cao quý nhất đã lìa bỏ tham dục. Con chẳng khởi niệm này: Ta là bậc A la hán lìa bỏ tham dục.
−“Bạch Thế Tôn! Nếu con khởi niệm: Ta được đạo A la hán, Thế Tôn tất chẳng nói: Tu Bồ Đề ưa thích hạnh A lan na.[[31]] Vì con đây thật không vướng mắc ở chỗ làm, nên mới nói rằng: Tu Bồ Đề ưa thích hạnh A lan na.”
Phật hỏi Tu Bồ Đề: “Ý ông nghĩ sao?
Như Lai trước kia ở nơi Phật Nhiên Đăng có chỗ được pháp chăng?”
−“Bạch Thế Tôn, chẳng có. Như Lai ở nơi Phật Nhiên Đăng thật không có chỗ được pháp.”
“Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Bồ Tát có trang nghiêm cõi Phật chăng?”
−“Bạch Thế Tôn, chẳng có. Vì sao vậy? Việc trang nghiêm cõi Phật đó, thật chẳng phải trang nghiêm, gọi là trang nghiêm.”[[32]]
“Tu Bồ Đề! Vì vậy mà các vị đại Bồ Tát nên sanh tâm thanh tịnh như thế này: Chẳng nên trụ nơi hình sắc mà sanh tâm, chẳng nên trụ nơi âm thanh, hương thơm, mùi vị, xúc cảm, pháp tướng mà sanh tâm. Nên ở nơi không chỗ trụ mà sanh tâm.
“Tu Bồ Đề! Như người kia có thân hình như núi chúa Tu di. Ý ông nghĩ sao? Thân ấy là lớn chăng?”
−Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn, rất lớn.
Vì sao vậy? Phật thuyết chẳng phải thân, gọi là thân lớn.”[[33]]
“Tu Bồ Đề! Như trong sông Hằng có bao nhiêu là cát, mỗi hạt lại là một sông Hằng. Ý ông nghĩ sao? Số cát trong tất cả những sông Hằng ấy là nhiều chăng?”
−Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn, rất nhiều. Chỉ với số sông Hằng như thế còn nhiều không kể xiết, huống chi là cát trong những con sông ấy!”
“Tu Bồ Đề! Đây là thật ngữ.[[34]] Như có những kẻ nam người nữ lòng lành, dùng bảy món báu đầy trong cõi tam thiên đại thiên thế giới nhiều bằng số cát của những sông Hằng ấy mang ra bố thí, được phước nhiều chăng?”
−Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn, rất nhiều.”
Phật dạy Tu Bồ Đề: “Nếu có những kẻ nam người nữ lòng lành, thọ trì dù chỉ bốn câu kệ trong kinh này, vì người khác giảng nói, phước đức này hơn cả phước đức bố thí kia.
“Lại nữa, Tu Bồ Đề! Theo như kinh này mà thuyết dạy, cho đến chỉ bốn câu kệ, nên biết là nơi ấy hết thảy thế gian, trời, người, a tu la đều nên cúng dường như tháp miếu Phật. Huống chi có người đem hết sức mà thọ trì, đọc tụng. Tu Bồ Đề! Nên biết là người này thành tựu được pháp cao quý bậc nhất ít có.
“Nếu kinh điển này ở tại nơi nào, tức như có Phật hoặc bậc đệ tử cao quý đáng tôn trọng ở đó.”
−Lúc ấy Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Kinh này gọi tên là gì? Chúng con phải vâng giữ như thế nào?”
Phật dạy Tu Bồ Đề: “Kinh này gọi tên là Kim Cang Bát nhã Ba la mật. Nên theo như tên kinh mà vâng giữ. Vì sao vậy? Tu bồ đề! Phật thuyết Bát nhã Ba la mật tức chẳng phải Bát nhã Ba la mật.[[35]]
“Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có chỗ thuyết pháp chăng?”
−Tu Bồ Đề bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, Như Lai không có chỗ thuyết pháp.”
“Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Số vi trần[[36]] trong tam thiên đại thiên thế giới có nhiều chăng?”
−Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn, rất nhiều.”
“Tu Bồ Đề! Những vi trần ấy, Như Lai thuyết chẳng phải vi trần, tạm gọi là vi trần. Như Lai thuyết thế giới chẳng phải thế giới, tạm gọi là thế giới.[[37]]
“Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Có thể dùng ba mươi hai tướng để thấy Như Lai chăng?”
− “Bạch Thế Tôn, chẳng thể được. Chẳng thể dùng ba mươi hai tướng để thấy Như Lai. Vì sao vậy? Như Lai thuyết ba mươi hai tướng tức chẳng phải tướng, tạm gọi là ba mươi hai tướng.[[38]]
“Tu Bồ Đề! Nếu có những kẻ nam người nữ lòng lành, dùng thân mạng nhiều như số cát sông Hằng để bố thí. Lại có người thọ trì kinh này, cho đến chỉ bốn câu kệ, vì người khác giảng nói, phước ấy rất nhiều.”[[39]]
−Bấy giờ, Tu Bồ Đề nghe thuyết kinh này, hiểu sâu nghĩa thú, cảm động đến rơi lệ, bạch Phật rằng: “Thật ít có thay,[[40]] Thế Tôn! Phật thuyết kinh điển này rất sâu xa, con từ trước đến nay dẫu được huệ nhãn nhưng chưa từng được nghe kinh như vậy.[[41]]
−“Bạch Thế Tôn! Nếu có người cũng được nghe kinh này, đem lòng tin tưởng trong sạch, liền khởi sanh tướng chân thật. Nên biết là người ấy thành tựu công đức[[42]] cao quý bậc nhất ít có.
−“Bạch Thế Tôn! Tướng chân thật ấy tức là chẳng phải tướng, nên Như Lai tạm gọi là tướng chân thật.[[43]]
−“Thế Tôn! Nay con được nghe kinh điển này, tin hiểu thọ trì chẳng lấy chi làm khó. Nhưng nếu năm trăm năm sau cùng (của thời mạt pháp), có chúng sanh nào được nghe kinh này, tin hiểu thọ trì, người ấy quả là bậc nhất ít có. Vì sao vậy?
Người ấy không có các tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Vì sao vậy? Tướng ngã chẳng phải là tướng; tướng nhân, chúng sanh, thọ giả cũng chẳng phải tướng. Vì sao vậy? Lìa hết thảy các tướng gọi là chư Phật.
Phật bảo Tu Bồ Đề: “Đúng vậy, đúng vậy! Nếu có người được nghe kinh này mà chẳng thấy kinh sợ hoảng hốt, nên biết người ấy rất là ít có.
“Vì sao vậy? Tu Bồ Đề! Như Lai dạy rằng bậc nhất Ba la mật, tức chẳng phải bậc nhất Ba la mật, gọi là bậc nhất Ba la mật.
“Tu Bồ Đề! Nhẫn nhục Ba la mật, Như Lai nói là chẳng phải nhẫn nhục Ba la mật.
“Vì sao vậy? Tu Bồ Đề! Như Ta xưa kia bị vua Ca lỵ cắt xẻo thân thể từng phần. Lúc bấy giờ, Ta không có các tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Vì sao vậy? Trong lúc Ta bị cắt xẻo từng phần thân thể, nếu có các tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, tất phải sanh lòng sân hận.”[[44]]
“Tu Bồ Đề! Lại nhớ đến quá khứ năm trăm đời trước, Ta làm một vị tiên nhẫn nhục. Lúc ấy Ta cũng không có các tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.
“Bởi vậy, Tu Bồ Đề, Bồ Tát nên lìa hết thảy các tướng mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.[[45]] Chẳng nên trụ nơi hình sắc sanh tâm, chẳng nên trụ nơi âm thanh, hương thơm, mùi vị, xúc cảm, pháp tướng sanh tâm. Nên sanh tâm không có chỗ trụ.
“Nếu tâm có chỗ trụ tức là chẳng trụ.[[46]]
“Vì thế, Phật dạy các vị Bồ Tát chẳng nên trụ tâm nơi hình sắc mà bố thí. Tu Bồ Đề! Bồ Tát vì lợi ích cho tất cả chúng sanh nên bố thí như vậy.
“Như Lai dạy rằng hết thảy các tướng tức chẳng phải tướng. Lại dạy rằng hết thảy chúng sanh tức chẳng phải chúng sanh.
“Tu Bồ Đề! Lời nói của đấng Như Lai là chân chánh, đúng thật, như nghĩa, không hư dối, không sai khác.
“Tu Bồ Đề! Như Lai có chỗ được pháp, pháp ấy không thật, không hư.[[47]]
“Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát trụ tâm nơi pháp làm việc bố thí, cũng như người vào chỗ tối, không thể nhìn thấy.
“Nếu Bồ Tát chẳng trụ tâm nơi pháp làm việc bố thí, như người có mắt, khi ánh sáng mặt trời chiếu soi thấy đủ các màu sắc.
“Tu Bồ Đề! Về sau nếu có những kẻ nam người nữ lòng lành, thường hay thọ trì đọc tụng kinh này, Như Lai dùng trí huệ Phật thấy biết những người này đều được thành tựu vô lượng vô biên công đức.
“Tu Bồ Đề! Nếu có những kẻ nam người nữ lòng lành, vừa lúc đầu ngày dùng thân mạng nhiều như cát sông Hằng mà bố thí, đến giữa ngày lại dùng thân mạng nhiều như cát sông Hằng mà bố thí, đến cuối ngày cũng lại dùng thân mạng nhiều như cát sông Hằng mà bố thí. Cứ như vậy trong vô lượng trăm ngàn ức kiếp, dùng thân mạng mà bố thí. Nếu có người nghe kinh điển này, trong lòng tin theo chẳng nghịch, được phước nhiều hơn cả những người dùng thân mạng mà bố thí kia. Huống chi là thọ trì, đọc tụng, vì người giảng giải!
“Tu Bồ Đề! Kinh này có vô lượng vô biên công đức như thế, chẳng thể suy lường. Như Lai vì người phát tâm Đại thừa mà thuyết dạy, vì người phát tâm Tối thượng thừa mà thuyết dạy. Nếu có người thường hay thọ trì, đọc tụng, rộng vì người khác mà thuyết giảng, Như Lai tất sẽ thấy biết những người này đều được thành tựu công đức vô lượng vô biên chẳng thể suy lường. Những người như vậy có thể đảm đương gánh vác đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của Như Lai.
“Vì sao vậy? Tu Bồ Đề! Nếu kẻ ưa pháp nhỏ,[[48]] vướng mắc vào những kiến giải: ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, tức chẳng thể thọ trì đọc tụng, vì người khác mà giảng giải kinh này.
“Tu Bồ Đề! Bất cứ nơi nào có kinh này, hết thảy thế gian, các hàng trời, người, a tu la đều nên cúng dường. Nên biết nơi ấy tức là tháp Phật, nên cung kính đi quanh lễ bái, dùng các thứ hương hoa rải lên nơi ấy.
“Lại nữa, Tu Bồ Đề! Những kẻ nam người nữ lòng lành, thọ trì đọc tụng kinh này, nếu bị người khác khinh chê, thì người trì kinh ấy dù cho đời trước đã tạo nghiệp ác lẽ ra phải đọa vào các đường dữ, nay nhân bị người khinh chê, nghiệp ác đời trước liền tiêu diệt,[[49]] được thành tựu quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
---
Phần chú giải
[[1]] Tôi nghe như vầy: Có 2 nghĩa, thế gian và xuất thế. − Nghĩa thế gian: Lời A Nan theo lịch sử… − Nghĩa xuất thế: Chỉ nghe (thấy) theo thanh tịnh tự tâm, không nghe (thấy) theo đảo điên của trần cảnh (âm thanh, sắc tướng)!
[[2]] ..“phát tâm A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề”: Thường được nói gọn là phát tâm Bồ đề. (A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề là đọc theo âm tiếng Phạn, Anuttarā saṃyak saṃbodhi; Hán dịch là Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng tức là quả vị Phật). Người phát tâm A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề là người nguyện sẽ tu học cho đến khi được quả vị Phật, quyết không thối chí giữa đường…
[[3]] Bồ Tát (Bodhisattva; Hán dịch âm là Bồ đề Tát đỏa): Được hiểu theo nghĩa rộng, là tất cả những ai phát tâm tu đạo Bồ Tát; (Hán dịch nghĩa là Giác hữu tình) Nghĩa là những người phát tâm hành đạo Bồ Tát, mang lại sự giác ngộ cho hết thảy chúng sanh.
[[4]] Đại ý của đoạn này muốn nêu lên hết thảy các loài chúng sanh trong Ba cõi, đó là Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới (Tam Giới).
Khái niệm Tam giới trong Phật đạo không nhằm chỉ cho thế giới bên ngoài, nó là hiệu ứng nội tâm của một hữu tình khi mê (Tam giới duy tâm)… Vì thế, có thể coi học thuyết Tam giới là “Thế Giới Quan Tâm Thức” của Phật giáo, nó phản ảnh thế giới nội tâm chứ chẳng phải thế giới vật chất, càng không phải “Thế Giới Vô Hình ngoài tâm này”!
- Tam Giới (Ba cõi) được hình thành từ 3 tầng mê như sau: ... −Cõi Dục: Mê ngũ dục (sắc, thanh, hương, vị, xúc), dứt được mê này ra khỏi Dục giới, sanh Thiền! ... −Cõi Sắc: Mê thân và các cảm thọ (sắc ấm và thọ ấm), dứt được mê này ra khỏi Sắc giới, đắc Sơ Thiền đến Tứ Thiền! ... −Cõi Vô Sắc: Mê các pháp và tưởng (Ý Thức và Tưởng Ấm), dứt được mê này chứng Tứ Không Định đến Diệt Thọ Tưởng Định, ra khỏi Vô Sắc giới, vào “Hữu Dư Y Niết bàn” (vì còn thừa sót lại Hành và Thức Ấm), còn gọi là Niết Bàn Vô Tưởng Thiên!
−Đối với Tâm Tông, Ba cõi chỉ do một niệm Mê… Vô Niệm, “Tam giới tức thị Niết Bàn”!
[[5]] Vô dư Niết bàn (tiếng Phạn là Nirupadhiśeṣa nirvāṇa): Có 2 nghĩa,
−Đối với Ba thừa (Tâm chứng): Viên mãn Diệt Đế, thành tựu Giải thoát Bất động, không còn thừa sót Hành và Thức (cơ sở sanh Pháp)…!
−Đối với Nhất thừa (Trí chứng): Viên mãn Đạo Đế, thành tựu Nhất Thiết Trí, không còn thừa sót 2 phần sở trí ngu của Vô Minh Trụ Địa…!
[[6]] ... diệt độ vô số chúng sanh… : Bồ Tát biết rõ chúng sanh chỉ do một niệm mê. Vì thế, Bồ Tát độ hết thảy chúng sanh vào Vô Dư Niết Bàn (hết mê) mà thiệt không có một chúng sanh nào được diệt độ. Giống như người nằm mơ thấy chữa rất nhiều Bệnh Nhân, nhưng thật ra không có Bệnh Nhân nào được chữa... Hoặc, giống như người nằm mơ thấy đưa vô số người sang sông, nhưng thật ra không có người nào được đưa sang sông…!
[[7]] Ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả: Gọi chung là Bốn tướng, bốn tướng này đều do nhận thức sai lầm mà sanh ra. −Tướng ngã: Lầm nhận rằng thật có “ta”. −Tướng nhân: Lầm nhận rằng thật có “người”. −Tướng chúng sanh: Lầm nhận rằng thật có chúng sanh. −Tướng thọ giả: Lầm nhận các tướng hư dối như đẹp, xấu, sang, hèn, …là thật!
[[8]] Phước đức: Có hai thứ, hữu lậu và vô lậu. − Phước đức Hữu lậu (của người không giác ngộ): Đầy đủ vật phẩm thế gian nhưng còn phiền não, lậu hoặc… − Phước đức Vô lậu (của người giác ngộ): Đầy đủ vật phẩm thế gian nhưng không còn phiền não, lậu hoặc…!
[[9]] Bốn phương phụ: Các phương Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc.
[[10]] ... trụ tâm: Bồ Tát lấy chỗ không trụ mà trụ!
[[11]] Như Lai: Là Trí tuệ tối thượng, vô vi, vô tướng… chứ chẳng phải hình tướng (..âm thanh) hư vọng bên ngoài...!
[[12]] ... thấy Như Lai: Phải rời lìa cái thấy (nghe) hình tướng (âm thanh) hư dối...!
[[13]] ... lời thuyết dạy này: − Cầu Phật Pháp: Cầu cái không Pháp (chứ không phải cầu có một Pháp để tu)... − Cầu Phật Đạo: Cầu cái không Đạo để thành … − Cầu Phật Quả: Cầu cái không Quả để chứng…!
[[14]] ... lòng tin chân thật (tín lực): Lòng tin của người đã giác ngộ. Đã tịch diệt các thứ tâm hư vọng…!
[[15]] ... giữ giới: − Giới Xuất Thế: Theo tổ Huệ Năng “Tâm bình là giữ Giới”… − Giới Vô Lậu: Thành tựu “Các căn tu tập”… − Giới Kim Cang: Bất ưng trụ Sắc; Thanh; Hương; Vị; Xúc; Pháp sanh Tâm...!
[[16]] ... tu phước: Bố thí cho người thành tựu Kim Cang Tâm và Kim Cang Trí… Vì thế, Phật dạy: “Nên biết những người này chẳng phải chỉ ở nơi một, hai, ba, bốn, năm... đức Phật gieo trồng căn lành, mà thật đã ở nơi vô số ngàn vạn đức Phật gieo trồng căn lành”!
[[17]] Người tu hành muốn hiện tại và các đời vị lai không quên mất Phật chủng (Phật chủng tánh, Phật tánh) phải thành tựu từ một cho đến đầy đủ sáu Chủng tánh của Phật tánh, đó là: Tập Chủng Tánh, Tánh Chủng Tánh, Thánh Chủng Tánh, Đạo Chủng Tánh, Đẳng Giác Chủng Tánh và Diệu Giác Chủng Tánh (gọi chung là Lục Chủng Tánh Anh Lạc)! ... Vì sao như vậy? Lục chủng tánh Anh Lạc đối với Phật quả giống như hạt giống (nhân) và quá trình thành tựu cây trồng (đến quả); Không có hạt giống (nhân Phật) thì không thể thành tựu quả (Phật Quả). Đây là 6 hạt giống vô gián (không có sự gián đoạn), bất thối (không thối chuyển), và là điều kiện “Ắt có và Đủ” để viên mãn Phật tánh (thành Phật đủ mười danh hiệu)!
Ta có thể hiểu, hữu tình tồn tại là nhờ có Không đại (Hư không)… Hư không phải vô gián, hô hấp phải bất thối, thiếu một trong hai điều kiện này, đời sống nhất định phải chấm dứt! ... Lại cũng có thể hiểu, Pháp giới của Chư Phật được chia thành 6 phần không bằng nhau, mỗi Chủng tánh nương nơi một phần của Pháp giới ấy mà tăng trưởng cho đến khi viên mãn hết sáu phần, mới thành tựu Đại Bồ Đề thọ (cây Chánh Đẳng Chánh Giác)! ... Viên mãn Phật tánh là viên mãn tám đức (tính chất): Từ, Bi, Hỷ, Xả và Thường, Ngã, Lạc, Tịnh… Nói rõ hơn:
- Tập Chủng Tánh, Tánh Chủng Tánh và Thánh Chủng tánh (thành tựu Bình Đẳng tâm, khai Pháp Nhãn): Cho ra các tính chất Từ, Lạc, Hỷ và một phần của Xả, Tịnh…
- Đạo Chủng Tánh, Đẳng Giác Chủng Tánh (thành tựu Đẳng Pháp và Vô Đẳng Đẳng Trí, khai Huệ Nhãn còn gọi là Bồ Tát Nhãn): Có thêm các tính chất Bi, Tịnh và một phần tính chất Thường, Xả…
- Diệu Giác Chủng Tánh (thành tựu Vô Thượng Đẳng Huệ, khai Phật Nhãn… cho đến Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác!): Có thêm tính chất Ngã, Thường và rốt ráo Xả.
(Phân tích trên dựa vào “Chiết Phát Đẳng Pháp Thần Công” của Lý Gia!)
[[18]] Vô niệm mới là niệm trong sạch nhất. Vì thế, trụ nơi Vô niệm sẽ phát sinh lòng tin trong sạch!
[[19]] ... pháp tướng, phi pháp tướng: Không khởi quan niệm đó là tướng ấy hoặc chẳng phải là tướng ấy…!
[[20]] Lời Phật thuyết như ngón tay chỉ mặt trăng… Nên từ bỏ ngón tay để thấy mặt trăng! Ngôn ngữ Kinh như dẫn dược (nước…), ý vị của Kinh mới là thuốc chữa bệnh! Vì thế, chỉ nên đạt nghĩa quên lời… Vì lời ấy chính là phi pháp!
[[21]] Giống như người nằm mơ, thấy dùng bè (Pháp Phật) qua sông… Đến giữa dòng, giật mình thức giấc (Giác Ngộ) mới biết rằng: Chẳng có bờ này (Thế gian)! Chẳng có bờ kia (Xuất thế)! Chẳng có bè (Phật Pháp)! Cũng chẳng có dòng sông (Ba Cõi)!… Thành tựu Đệ Nhất Pháp Ấn; Kinh Lăng Già gọi là “Mộng qua sông” đã tỉnh!
[[22]] Ví như Hư Không, chẳng do một pháp gì làm ra…!
[[23]] Ví như, Hư không không có Hoa đốm, nhưng người nhậm mắt (có công đức), sẽ thấy Hoa đốm hiện trong Hư không (lời Phật Thuyết)… Giống như, cái trống (Như Lai) không có tiếng kêu, nhưng có người đánh (Chúng Sanh có công đức), sẽ phát ra tiếng kêu …
Đây là hình ảnh của Bi nguyện hợp với Bi Ngưỡng tự sanh các pháp lành…!
[[24]] “Tâm” đồng nhưng “Trí” không đồng!
[[25]] “... bốn câu kệ trong kinh này,” (Kinh văn: “nãi chí tứ cú kệ đẳng”): Tứ cú kệ đẳng (Tứ cú Kim Cang): Lời giảng nói nào khiến mình và người − Không bị bốn bệnh (Tác, Nhậm, Chỉ, Diệt); − Hết bốn tướng (Ngã, Nhân, Chúng sanh, Thọ giả); − Không kẹt bốn câu (Đồng, Dị; Có, Không; Chẳng phải có, Chẳng phải không; Thường, Vô thường)!
[[26]] Tu đà hoàn (Śrotāpanna; Hán dịch là Nhập lưu hay Dự lưu): Nghĩa là “nhập vào dòng”, ở đây là dòng các vị thánh. Là quả vị thứ nhất trong bốn quả thánh của Nhị thừa, tức Sơ quả (quả đầu tiên), nên xem như mới bắt đầu được nhập vào (dự vào) dòng thánh…
[[27]] Tư đà hàm (Sakṛḍāgāmin; Hán dịch là Nhất vãng lai hay Nhất lai): Nghĩa là “một lần trở lại”. Là quả vị thứ hai. Người chứng đắc quả thánh này còn tái sanh một lần nữa trong cõi trời người…
[[28]] A na hàm (Anāgāmi; Hán dịch là Bất lai hay Bất hoàn): Nghĩa là “không trở lại”. Là quả vị thứ ba. Người chứng đắc quả này, do nghiệp lực đã hết nên không còn phải thọ thân tái sanh. Thật ra, người này cũng phải tái sanh lên một cõi trời gọi là Bất Hoàn Thiên, sống ở đó và tu tập cho đến khi hết thọ thân ấy thì thành A la hán…
[[29]] A la hán (Arhat): Là quả vị cuối cùng, cao nhất trong bốn thánh quả. Vị A la hán hoàn toàn dứt bỏ mọi triền phược, đạt đến cảnh giới giải thoát…
[[30]] Tu đà hoàn, Tư đà hàm … đến các quả vị thuộc về tâm chứng trong Phật đạo, hữu tình tự có, do chướng đạo (vô minh) che lấp nên thành chúng sanh. Nay trừ sạch chướng đạo, quả vị tự hiện, vì thế không thể nói ‘nay được quả vị’… Giống như nước trong bị nhiễm bẩn, nay làm sạch bẩn thì nước trong trở lại… Giống như người từ chỗ sáng đi vào chỗ tối nay lại trở ra chỗ sáng… Đây là cảnh giới ‘tâm chứng’ (Diệt đế), chưa phải là cảnh giới ‘trí chứng’ (Đạo đế)!
[[31]] ... hạnh A lan na (Kinh văn: “nhạo A lan na hạnh giả”): Người ưa thích hạnh A lan na. (Arañña: Hán dịch âm “A lan na”; Có chỗ trong kinh Phật dịch âm là A lan nhã, A luyện nhã…). Danh từ này dùng chỉ nơi yên tĩnh, thanh tịnh; Vị Tỳ kheo sống ở đó để chuyên tâm tu tập. Vì thế, thường được dùng với nghĩa chung chỉ cho chùa chiền, tự viện. (Hán dịch là Vô tránh thanh hay Viễn ly xứ, nghĩa là nơi không có những tiếng cãi cọ, tranh chấp, nơi xa lìa thế tục). Hạnh A lan nhã là một trong mười hai hạnh đầu đà. Người giữ hạnh này chỉ chọn sống suốt đời ở những nơi A lan nhã…
[[32]] Bồ Tát dùng thanh tịnh tâm trang nghiêm cõi Phật. Vì thế, gọi là lấy không trang nghiêm để trang nghiêm!
[[33]] Cái gì có hình tướng (hữu hạn) thì không thể gọi là lớn!
[[34]] thật ngữ: Là Ngã, là Thường, là Chân lý bất biến!
[[35]] Bát nhã Ba la mật chẳng phải là pháp…Nếu đây là pháp, thì chẳng thể gọi là Bát nhã Ba la mật!
[[36]] Vi trần: Hạt bụi rất nhỏ…
[[37]] Vi trần và Thế giới cho đến các cảnh duyên… Tự các thứ ấy chẳng phải là các pháp… Tự nó chẳng có các nghĩa của Pháp Tánh, Pháp Tướng, Pháp Danh, Pháp Vị, Pháp Giới… Chỉ khi nào ‘Ý Thức’ tiếp cận, bấy giờ, năm món trên mới xuất hiện. Vì thế, “Vi trần, phi Vi trần, Thế giới, phi Thế giới (chỉ tạm gọi)”! Nói chung, những thứ ấy chẳng phải là pháp…!
[[38]] Ba mươi hai tướng Như Lai chẳng phải là pháp!
[[39]] Trong các pháp bố thí, bố thí không pháp là bố thí tối thượng. Bố thí Kinh Kim Cang chính là bố thí không pháp!
[[41]] Tu Bồ Đề rơi lệ, vì thấy được nghĩa tối thượng không pháp!
[[42]] Công đức: Thành quả (thù lao) của Lục chủng tánh Anh lạc. Có 3 loại sai biệt:
−Công đức Thế gian và Xuất Thế gian: Do thành tựu một phần Tập đế (Tu đà hoàn, dứt 3 kiết sử: thân kiến, giới cấm thủ và nghi) cho đến viên mãn Diệt đế (A la hán, dứt toàn bộ kiết sử) mà có; Công đức này thuộc về Tập Chủng Tánh, Tánh Chủng Tánh và Thánh Chủng Tánh…(bằng số cát một phần cho đến toàn bộ một sông Hằng)!
−Công đức xuất thế gian thượng thượng: Do thành tựu Đạo đế mà có; Công đức này thuộc về Đạo Chủng Tánh, Đẳng Giác Chủng Tánh…(bằng số cát vô lượng sông Hằng)!
−Công đức của Bậc Vô tu Vô chứng (phi Thế gian, phi Xuất thế gian): Công đức này do hành công hạnh mà thành, thuộc về Diệu Giác Chủng Tánh và Phật… (bằng số cát bất khả thuyết sông Hằng)!
[[43]] Thật tướng là nhất tướng, nhất tướng là không tướng...!
[[44]] Bồ Tát lúc ấy đang tu nhẫn nhục Ba La Mật…!
[[45]] ... phát tâm Vô Thượng... : Là phát cái không phát!
[[46]] Nếu tâm có chỗ trụ tức là chẳng trụ (theo lời dạy của Như Lai)!
[[47]] Pháp của Như Lai giống như tiếng trống, tiếng trống chẳng thật chẳng hư… Pháp của Như Lai giống như tiếng vang, tiếng vang chẳng thật chẳng hư!
[[48]] Pháp nhỏ: Kiến giải bất liễu nghĩa của Ngoại đạo và Nhị thừa!
[[49]] Nghiệp quả phi hữu phi vô … Giống như giấc mơ, nói có cũng trật, nói không cũng trật! Một phen giật mình tỉnh dậy, giấc mơ tự mất!
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






