Khái Niệm Ngã Và Tâm

Trong phạm vi bài viết, khi đề cập đến tâm là nói đến hư vọng tâm hay phàm tâm, là loại tâm hay sanh phiền não và che chướng tâm thanh tịnh.
Tâm này và ngã chỉ hai mặt của một vấn đề, cái này dứt cái kia dứt hoặc ngược lại. Chữ tâm trong Phật pháp rất trừu tượng và khó nhận dạng, biến hóa khôn lường.
⁕Khi phiền não thì phiền não là tâm, khi vui thì vui là tâm! ...
⁕Khi thủ giữ hoặc trở thành chủ thể so sánh với khách thể thì tâm bây giờ là ngã.
✽Cho nên tùy lúc, tùy tính chất, tùy chức năng mà có tên là tâm hay ngã! ... Khi đề cập đến khái niệm ba duyên hòa hợp có thể thấy tâm không thực có, nó chỉ là ảnh tượng của các duyên! ... ✽Tâm đã như vậy thì ngã cũng không khác! ... Chính ảnh tượng không thật này mà có tên gọi là tâm hư dối, tâm này thường hay sinh phiền não và gồm đủ các món kiết sử tham sân nên còn có tên phàm tâm.
✽Gọi “phàm tâm” để không nhầm lẫn một loại tâm khác đã dứt sạch các thứ kiết sử là “thánh tâm” hay “thanh tịnh tâm”.
Người tu hành rất muốn dứt tâm và ngã, ai cũng biết nó là thứ cần phải loại trừ mới mong thành tựu điều gì đó trong Phật đạo. Và thực tế đã không ít công trình tìm hiểu bản chất thật sự của tâm và ngã hầu giải quyết tận gốc rễ hai thứ này... Tuy nhiên kết quả không đáng kể, vì tâm hay ngã không phải đối tượng dùng ý thức hoặc hành động có thể tiêu diệt được. Nó như kẻ thù dấu mặt luôn ở bên cạnh và nó chính là ta, tức ý thức hoặc hành động.
Chỉ vì tâm và ngã là hai món không thật, nó chỉ là kết quả mê muội của ý thức. Mọi hoạt động của ý thức chính là sự mê muội này nên không thể dùng mê diệt mê, giống như dùng nước làm khô nước, hay dùng lửa dập tắt lửa.
✽Nếu đề ra phương tiện nào đó để diệt ngã thì phương tiện đó chính là ngã, nếu thấy rằng ngã đã diệt thì “thấy đã diệt” lại chính là ngã, vì thế không thể dùng phương tiện diệt hai món này.
✽Nói như vậy không có nghĩa ngã và tâm không thể diệt, bởi vì nếu ngã và tâm không thể diệt thì sao thánh quả ra đời, chính vì thế Phật giáo tuyên nói vô ngã để chỉ ra một trạng thái nào đó không có mặt của ngã.
Như trên đã đề cập, tâm hay ngã giống như bóng cây,
đã là bóng cây thì không thể nhắm vào bóng mà dứt hay diệt, không thể đem chổi quét sạch bóng, càng cố quét thì bóng cây lại có thêm bóng người, quét đã không sạch, bóng lại tăng lên.
Vì thế trong kinh chưa thấy bài kinh nào đề ra phương tiện diệt ngã. Nếu có nói thì chỉ đề cập đến chúng sanh không ngã, tức là nói bản lai chúng sanh không ngã chứ không phải nói vô ngã để người tu hành dùng biện pháp làm cho vô ngã. Thành ra mọi thứ được gọi biện pháp diệt ngã hay tâm là không khả thi. Chuyện diệt ngã giống như người nhìn mặt mình trong gương, biết rằng gương không mặt nhưng hễ nhìn vào để cầu không thấy thì mặt mình lại hiện.
✽Ngã cũng như vậy, quyết tâm diệt thì ngã biến tướng thành chủ thể diệt, vì thế muốn diệt ngã phải giác ngộ rằng “bản lai không tâm không ngã”! ... ✽Khi mê thì tâm, ngã hiện, dứt mê thì tâm, ngã hoàn không.
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






