Giác Ngộ Như Lý Tác Ý

Bạn đọc có nickname Tiếng Trống đã viết:
“Con đường duy nhất đó là phải giác ngộ... Giác là, biết cái cần biết, biết như pháp, như lí tác ý... Ngộ là, tiếp cận, bắt gặp, sở hữu cái ta đã giác... Giác chính là những thông tin hữu ích và đầy đủ về một điều gì đó, ngộ là ta bắt gặp điều đó khi ta thực hiện đầy đủ thông tin của giác !!!”. Tình cờ con có đọc được đoạn viết này xin phép được hỏi thầy?
- Pháp như lí tác ý nghĩa là như thế nào ạ?
- Trí tuệ từ đâu mà có? Có rèn luyện được trí tuệ không?
- Có phương pháp nào biết được cái mà mình biết nó có thực sự là chính hay là tà không ạ?
Con tình cờ nghe được thầy giải thích 1 số từ trong Phật đạo mà cảm nhận câu trả lời có hiểu đôi chút, nên mạnh dạn hỏi thầy mấy câu hỏi trên.
Chúc thầy mạnh khoẻ - 28/04/2022 0:33:24 - Tiếng Trống
Về các câu hỏi của bạn Tiếng Trống, mình xin được trả lời như sau:
Hỏi:
- Pháp như lí tác ý nghĩa là như thế nào ạ?
Trả lời:
Như lí tác ý (Yoniso manasikàra) là thuật ngữ của Phật đạo nhằm hướng dẫn người tu hành chỉ nên như (y cứ vào) giáo lí đã học để tư duy một vấn đề !!! Đây là hình thức thiền tư (tư) của ba pháp văn, tư, tu…!!!
Như lí tác ý là cách nói khác của Chánh tư duy !!! Khi người tu hành đối trước một vấn đề hay một pháp bất kì, nếu như lí tác ý (tư duy như pháp, Chánh tư duy)…sẽ ngăn chặn các ác bất thiện pháp và tăng trưởng thiện pháp !!!
Về như lí tác ý, Kinh Sabbàsava (Trung bộ) dạy như sau:
“Và này các Tỳ-kheo, thế nào là các pháp không cần phải tác ý và vị này không tác ý? Này các Tỳ-kheo, những pháp nào do tác ý mà dục lậu chưa sanh được sinh khởi, hay dục lậu đã sinh được tăng trưởng; hay hữu lậu… Hay vô minh lậu chưa sinh được khởi, hay vô minh lậu đã sinh được tăng trưởng. Đó là những pháp không nên tác ý và vị ấy không tác ý.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là các pháp cần phải tác ý và vị ấy tác ý? Này các Tỷ-kheo, những pháp nào do tác ý mà dục lậu chưa sinh không sinh khởi, hay dục lậu đã sinh được trừ diệt, hay hữu lậu… Hay vô minh lậu chưa sinh không sinh khởi, hay vô minh lậu đã sinh được trừ diệt, đó là những pháp cần phải tác ý và vị ấy tác ý.
Nhờ vị ấy không tác ý các pháp không cần phải tác ý, tác ý các pháp cần phải tác ý nên các lậu hoặc chưa sinh không sinh khởi và các lậu hoặc đã sinh được trừ diệt. Vị ấy như lý tác ý: ‘Đây là khổ,’ như lý tác ý: ‘Đây là khổ tập,’ như lý tác ý: ‘Đây là khổ diệt,’ như lý tác ý: ‘Đây là con đường đưa đến khổ diệt. ‘Nhờ vị ấy tác ý như vậy, ba kiết sử được trừ diệt: Thân kiến, nghi, giới cấm thủ…”
- Trí tuệ từ đâu mà có? Có rèn luyện được trí tuệ không?
Trả lời:
Trí tuệ trong Phật đạo được chia thành hai loại là Hữu sư trí và Vô sư trí !!!
- Hữu sư trí (còn có tên Sai biệt trí, Nhất thiết trí, Tương tợ Bát nhã…): Là loại trí tuệ do học tập, rèn luyện mà thành !!!
Để viên mãn Hữu sư trí, người học phải học tập và rèn luyện 10 thứ trí sau: 1) Khổ trí, 2) Tập trí, 3) Diệt trí, 4) Đạo trí, 5) Loại trí, 6) Pháp trí, 7) Tận trí, 8)Vô sanh trí, 9) Nhất thiết trí, 10) Đạo tướng trí !!!
Điều kiện để có thể học tập Hữu sư trí, người này phải phát tâm học trí tuệ và phát nguyện giáo hoá chúng sanh sau khi chứng Diệt đế !!!
- Vô sư trí (còn có tên Nhất thiết chủng trí, Tự nhiên trí, Phật trí, Bát Nhã trí…): Là loại trí tuệ được hình thành từ sự “bùng vỡ tâm thức lần cuối cùng” trước khi thành Đẳng chánh giác !!!
Điều kiện để tâm thức bùng vỡ lần cuối, người này phải trải qua quá trình làm công hạnh dài lâu để hội tụ đủ công đức sau khi đã thành tựu Nhất thiết trí !!!
- Có phương pháp nào biết được cái mà mình biết nó có thực sự là chính hay là tà không ạ?
Trả lời:
Để biết cái mà mình đã và đang biết là chánh hay tà, phải xem những hiểu biết đó có đáp ứng cũng như phục vụ mục tiêu trước mắt mà mình đã đặt ra hay không !!!
Ví dụ: Mục tiêu trước mắt của ta là tu tập để chấm dứt 8 món khổ nhân sinh !!! Hiểu biết nào đáp ứng đầy đủ và phục vụ tốt mục tiêu này (giúp ta chấm dứt 8 món khổ nhân sinh) thì hiểu biết đó có thể coi là chân chánh !!! Còn những hiểu biết nào đưa ta đi sai đường, không phục vụ cho mục tiêu đã đề ra (không giúp ta chấm dứt 8 món khổ nhân sinh) thì hiểu biết đó được coi là tà !!!
Hy vọng, những trả lời ở trên, có thể giúp Tiếng Trống và bạn đọc luôn như lí tác ý khi đối trước các pháp và nhận ra hiểu biết nào là chánh, hiểu biết nào là tà trong đời sống tu hành !!!
Chúc Tiếng Trống và bạn đọc an vui, tinh tấn !!!
Rất mong, nhận được những câu hỏi lí thú và bổ ích từ các bạn !!!
Các bạn có thể gửi câu hỏi theo đường link [http://bit.ly/2K0aWfn] hoặc trực tiếp tại website Lytu.vn
02/05/2022
LÝ TỨ
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






