Dùng Chánh Niệm Để Diệt Trừ Sân Hận & Giới Định Huệ Hữu Lậu Và Vô Lậu

 0
Dùng Chánh Niệm Để Diệt Trừ Sân Hận & Giới Định Huệ Hữu Lậu Và Vô Lậu

− Hỏi: “Trong lúc bị đối phương xúc phạm, thì tâm sân khởi lên (vô minh). Lúc tâm sân khởi lên thì liền chánh niệm (vô ngã) vì tâm sân này rất mạnh nên lúc nó diệt đi thì tim cũng đập rất mạnh... Nhưng tại thời điểm đó có một tâm sợ hãi khởi lên và diệt đi cũng rất nhanh chỉ còn lại sự thở vào ra... Như vậy 3 yếu tố giới định tuệ đã đúng chưa? ... Hiện tượng đó được gọi là gì? (19/01/2020 23:46:44; Lê Tới)

Đáp

26.1. Lúc tâm sân khởi lên thì liền chánh niệm?

 Theo phỏng đoán (dựa vào bạn hỏi), có lẽ bạn đang dùng phép “quán niệm hơi thở” để điều phục vọng tâm!!!

Theo mình biết, mỗi một người trong chúng ta, đều có một ngưỡng chịu đựng nhất định, có người sức chịu đựng rất cao, có người sức chịu đựng trung bình, có người sức chịu đựng kém!!! Khi gặp một tác động bất như ý, tuỳ vào ngưỡng chịu đựng của từng người mà tâm thức hư vọng của người ấy sinh khởi nhanh hay chậm!!!

Tuy nhiên, do người tu tập có được chánh kiến, có được chánh niệm và được hỗ trợ bởi một phép tu nào đó... nhờ huân tập thường xuyên, huân tập một cách liên tục, nên ngưỡng chịu đựng cũng theo đó tăng lên!!! ... Nhưng vì, đã là “một ngưỡng” thì nhất định phải có giới hạn của nó!!!

Khi nào, sức chịu đựng vượt qua ngưỡng ấy, thân tâm cùng các pháp hư vọng sẽ bùng phát, các dấu hiệu của sự bùng phát ấy là “sân hận”, “rối loạn tim mạch” cũng như “sợ hãi” như bạn nói!!!

Nhưng, nhờ có chánh kiến, chánh niệm nên các thứ ấy cho dù có hiện khởi cũng chỉ thoáng qua rồi diệt đi rất nhanh!!! Đây được coi là thắng lợi ban đầu trong việc tu học, và cũng là một trong những thắng lợi trên bước đường chế ngự vọng tâm bằng các pháp hữu lậu!!!

26.2. Bạn hỏi: “Như vậy 3 yếu tố giới định tuệ đã đúng chưa”???

 Theo mình, việc tu tập như vậy chỉ là bước khởi đầu của người thực hành “giới, định, tuệ hữu lậu”!!! ... Có nghĩa, nếu thực hành thường xuyên và liên tục phương pháp này, kết quả cuối cùng đạt đến, cũng chỉ thành tựu “học pháp hữu lậu” ... Tức, có dụng công, có để tâm, có chế ngự v.v…thì hữu lậu tâm không hiện!!! ... Khi nào thất niệm, bất giác thì, phiền não, lậu hoặc sẽ hiện trở lại!!!

26.3. Hiện tượng đó được gọi là gì”??? 

 Theo mình, đây là hiện tượng của người “dùng sức giác để tu tập” ...!!!

Việc “dùng sức giác để tu tập”, xin có một chia sẻ nhỏ như sau:

− Nếu ta tu tập như thế đến nhất tâm... Có nghĩa, mọi thời, mọi lúc, mọi nơi chỉ một tâm, không sinh các thứ tâm khác (dị tâm), không bị tán tâm do tác động cảnh duyên, người ấy sẽ thành tựu “giác lực”!!!

− Khi có được giác lực, người tu hành dùng giác lực để quán chiếu bốn niệm xứ nhằm phát hiện quy luật sanh diệt của thân, của cảm thọ, của hư vọng tâm và của hư vọng pháp (quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã)!!!

− Quán chiếu như thế, đến khi nào thấy rõ bản chất sanh diệt, không bền chắc, nhiều phiền toái, vô ngã, không chân lí, v.v... của bốn món ấy!!! ... Thấy được như thế, vị này xả bỏ, không nắm giữ bốn niệm xứ trong lòng, đồng thời cũng xả luôn phép quán!!! ... Giai đoạn này, người tu hành bắt đầu quy trình mới của việc tu tập “vô xứ, vô trụ”!!!

− Xả bỏ và trong lòng không nắm giữ bất kì một niệm xứ nào, cũng không khởi quán... Nhưng, mọi thời, mọi lúc, mọi nơi tâm thức vị ấy đều tĩnh lặng... đây là lúc tốt nhất, đây là cơ duyên lành để vị ấy “trực nhận” tính chất hư dối của tâm thức cùng vạn pháp, nhận ra con đường nào dẫn ta đến hữu lậu, con đường nào đưa ta đến vô lậu!!! ... Sự thấy biết này, giúp người tu hành thành tựu “huệ lực”!!!

− Huệ lực là cảnh giới của người sơ ngộ, bắt đầu hiểu ra thế nào là ba học pháp vô lậu!!! Nhờ biết được thế nào là ba học pháp vô lậu, vị ấy hướng tâm đến việc tu tập ba học pháp này (từ bỏ ba học pháp hữu lậu)!!! Bạn có thể tìm hiểu cách ứng dụng cụ thể về cách tu tập ba học pháp vô lậu từ bài kinh Các Căn Tu Tập!!!

− Khi có được huệ lực, người tu hành dùng huệ lực ấy phân tích (trạch pháp) sự sinh khởi cũng như sự diệt tận của một pháp cùng vạn pháp, và tìm con đường thoát ra khỏi sự sinh khởi và diệt tận ấy!!! Tìm thấy con đường này gọi là “ngộ”!!!

− Khi nào thấy con đường giải thoát khỏi sự sinh diệt cũng như trói buộc của các pháp, tâm thức người này tự dừng lặng... Tâm thức tự dừng lặng (không do dụng công) là thuộc tính tự nhiên của học pháp vô lậu!!!

− Đây là bước khởi đầu quan trọng để quy trình vận hành của Thất giác chi hình thành!!! Thất giác chi hình thành, các chi phần giác ngộ như niệm, hỉ, khinh an, tinh tấn, định và xả giác chi hình thành theo!!! Đến đây, mới được coi là viên mãn ba học pháp vô lậu là: Giới vô lậu, định vô lậu và tuệ vô lậu!!!

Bạn thân mến!!! ... Ba học pháp hữu lậu chỉ cho ra kết quả hữu lậu của thế gian pháp!!!

Muốn thành tựu đạo quả giải thoát, phải thực hành ba học pháp vô lậu!!! Khi thành tựu các học pháp vô lậu, có được vô lậu quả, cảnh giới giải thoát mới hiện!!! ... Chỉ có thực hành ba học pháp vô lậu, tính chất “ba trong một” là nhân giới có định, nhân định có tuệ mới phát huy triệt để...!!!

Điều này, không thể có được từ việc thực hành các học pháp hữu lậu, tức những người hy vọng dụng công (hữu tác, hữu sự) để tìm thấy cứu cánh xuất thế (vô tác, vô sự)!!!

Người thành tựu cảnh giới giải thoát, là người đã thoát ra khỏi sự sanh diệt cũng như trói buộc của các hữu vi pháp “nhân giác ngộ mà được”, vì thế nó thuộc về đạo quả xuất thế (một thứ đạo quả chỉ có từ việc giác ngộ)!!!

Vì nó là đạo quả xuất thế, nên các tác động bất như ý của thế gian giới mới vĩnh viễn không tác động lên tâm thức họ được... Giống như mưa bão từ tầng đối lưu không thể tác động lên tầng ngoại quyển hay vùng không gian liên hành tinh!!! ... Từ đó các thứ sân hận, tim đập nhanh, sợ hãi, hồi hộp, v.v... như bạn hỏi mới dần dần tịch diệt!!!

Sự tịch diệt này diễn ra mau hay chậm, tuỳ thuộc vào tập khí (thói quen vô thức) của từng người!!! ... Đây là lí do vì sao một số Tì Kheo như, Liên Hoa Sắc, Ngưu Tinh, Hầu Nhi, Xá Lợi Phất, v.v... tuy rằng trong hiện đời đã chứng đạo quả giải thoát của một A la hán, mà các tập khí chưa thể tịch diệt hoàn toàn trong đời sống của họ!!!

Để minh hoạ sự diệt tận các hữu vi pháp quan trọng như thế nào đối với đời sống tu hành, Kinh Đại Niết Bàn có bài kệ như sau: “Chư hành vô thường, thị sinh diệt pháp, sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc”!!! ... Câu này có nghĩa là: Tất cả những động lay (hành hoạt) của tâm thức đều vô thường (hữu vi, hữu lậu), đó là cảnh giới sinh diệt của các pháp (hư vọng), đến khi nào tâm thức cùng các pháp hư vọng chấm dứt vĩnh viễn, đây mới thật sự là cảnh giới an vui, giải thoát của Phật đạo...!!!

Hy vọng, những giải đáp trên, có thể giúp bạn tìm thấy con đường hàng phục tâm thức, thoát khỏi những hệ luỵ do tác động ngoại duyên gây nên nhờ ứng dụng thành công các học pháp vô lậu!!!

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG