Chuyện Bướm Và Tằm

 0
Chuyện Bướm Và Tằm

Sáng hôm qua, sau khi giải quyết xong công chuyện, bèn xách xe đi rửa, vì mấy hôm nay ngày nào cũng mưa, chiếc xe toàn là bùn đất, nhìn không khác gì con trâu !!!

Trong lúc chờ đến lượt xe được làm đẹp, mình bèn tạt qua tiệm cà phê đối diện để làm một li xây chừng (cà phê đen nóng của miền Nam)... Cái thú buổi sáng nhâm nhi li xây chừng nóng hổi, kèm bình trà quạu (trà đặc)... Một mình một cõi ở quán cà phê vỉa hè, nhìn thiên hạ ngược xuôi, rồi ngẫm nghĩ cái sự đời cái sự đạo là thứ thú vui của bọn mình hồi mấy chục năm về trước !!!

Quán cà phê là căn nhà cấp bốn thấp lè tè, nhưng được một cái nằm ở góc hai con đường của một khu dân cư, một bên là con đường lớn, một bên là con đường vừa vừa vì thế tầm nhìn không bị che khuất, thoả sức ngắm thiên hạ lại qua... Mình chọn một cái bàn trống sát vách nhìn ra con đường lớn, bên kia là tiệm rửa xe... Trong quán, một vài bàn cờ tướng bày ở mái hiên bên phải, chừng chục người tụm lại hò hét ăn con xe, con pháo... Kế bàn của mình là một nhóm những người già cùng vài người bán vé số dạo đang bàn nhau chiều nay xổ con gì...!!!

Mình lặng lẽ nhâm nhi li cà phê nóng, dạo này buổi sáng bận quá nên cái thú cà phê vỉa hè một mình không thường xuyên !!! Hồi xưa, HĐ Lý Gia chưa có, lúc ấy Lão Trương còn sống, hai anh em ngày nào cũng ngồi vỉa hè đàm đạo...!!! Ha ha ha ha !!! Cái đạo thâm u của thánh hiền, những góc khuất triết lí...phần lớn được mình khám phá “ở vỉa hè” bên những li cà phê đen rẻ tiền khét mùi bắp rang chứ chẳng phải dưới gốc Bồ Đề linh thiêng như các cụ ngày xưa..!!!

Bây giờ, hồi ức lại cái thời được bọn mình mệnh danh “đạo xây chừng” lại hoá ra đắc dụng... Thế mới biết, đạo giác ngộ và chuyện giác ngộ chẳng luận nơi chốn sang hèn, vấn đề là “ở cái đầu” và xuất phát điểm “anh đi con đường nào”...!!!

Cũng những ngày ấy, cũng bên li xây chừng, cũng tụm năm tụm ba để luận bàn đạo pháp, nhưng nhìn lại, bây giờ mình và những con người ngày ấy nay tóc đã bạc phơ... Và cũng vì những cái đầu khác nhau, xuất phát điểm khác nhau nên đến hôm nay, bấy nhiêu con người ngày ấy gặt hái thành quả từ đạo pháp cũng rất khác nhau...!!!

Đang trầm tư những chuyện đã qua, bàn tay của ai đó đặt trên vai !!! Mình ngước lên, bắt gặp một khuôn mặt quen thân trong nhóm “đạo xây chừng” ngày ấy...!!!

- Chào anh Ba !!! Anh khoẻ không ??? Lâu quá không gặp !!!???

- Lâu lắm mới thấy chú !!! Sao hôm nay lại ngồi một mình ở đây ???

- Anh uống cà phê đi !!! Thế là ông bạn già kéo ghế ngồi đối diện với mình !!!

- Sao ??? Lúc này chú làm gì ??? Ông bạn già hỏi mình !!!

- Hết đát sử dụng, nhà nước cho nghỉ ngơi, ngày ngày làm nhà báo !!!

- Thế chú được mấy sui ???

- Một sui (thông gia) và hai đứa cháu nội !!! Còn anh ???

- Tôi không được cái thong dong như chú !!! Không may mắn làm nhà báo như chú, mà bị con cháu nó báo !!!

- Ủa !!! Con anh lớn hơn con tôi !!! Ngày trước nghe nói mấy đứa có việc làm ổn định !!! Sao lại báo anh ???

- Lớn thì lớn chớ !!! Nhưng mình không theo sát, không chỉ bảo, không hoà giải, không giữ con cho tụi nó, không viện trợ...v..v...tụi nó sống sao đây !!!??? Hồi tụi nó còn nhỏ, mình phải làm gà bươi hết chỗ nọ đến chỗ kia kiếm tiền cho nó ăn học !!! Tụi nó lớn khôn, ngoài chuyện dựng vợ gả chồng, có công ăn việc làm, hai ông bà già như tụi tui phải chia phe làm hai con cún giữ nhà, ngoài việc làm cún, còn kiêm nhiệm thêm nghề tài xế chở mấy đứa cháu nội ngoại đi học, thậm chí tuần nào tui và bà xã cũng thêm cái nghề tư pháp hoà giải xung đột gia đình, ô xin ô xiết đủ hết... Nói chung, già cũng không yên, khổ vẫn hoàn khổ, lỡ sinh ra mấy cái huân chương đặng ngày sau có người nối dõi tông đường, bây giờ phải đeo lủng lẳng trên cỗ cho vinh quang với bà con, không có bọn mình tụi nó rách việc, thiên hạ lại cười...!!! Như bắt đúng tần số, ông bạn già kể khổ đến nỗi quên uống cà phê !!!

- Thế anh định chừng nào mới vứt mấy tấm huy chương để được thảnh thơi ???

- Chắc đợi ngày đóng nắp quan tài !!!

- Thế lâu nay anh có tụng đọc kinh điển ngồi thiền gì không ???

- Thì con đường mình đã chọn đâu có bỏ được !!!

- Anh bận như thế, thì giờ đâu mà tụng đọc, ngồi thiền ???

- Đọc thì bây giờ mắt kém, thỉnh thoảng năm ba tháng tui và bà xã đi chùa lễ bái... Còn bữa nào khoẻ, ngồi thiền mươi lăm phút chớ ngồi lâu cũng không nổi, nhưng đạo tâm nhất định không bỏ !!!

Mình nói đùa:

- Anh không bỏ đạo tâm, nhưng cái đạo tâm nó có chịu chung sống với anh hay không ???

Nghe thế, ông bạn già có vẻ không hài lòng... Ông ta nói:

- Giọng của chú xưa nay không khác, câu nào cũng móc họng thiên hạ !!!

- Tui hỏi thiệt chứ đâu có móc họng, mà họng anh tui móc để làm gì ??? Xâm phạm thân thể người khác là vi phạm luật pháp !!! Anh đừng có chụp mũ à nghe !!!

- Tui nói móc họng ở đây là cách nói ngược bản họng, khiến người khác đau đầu chớ không phải lấy ngón tay mà móc vào họng người ta !!!

- Thôi mình nói chuyện nghiêm chỉnh đi !!! Lâu ngày gặp nhau, sao chỉ nghe anh kể khổ, có chuyện gì vui nói cho tôi nghe với !!! Chuyện thiên hạ khổ tui nghe đầy lỗ tai rồi !!! Khổ có gì hay mà gặp ai tui cũng nghe họ tự nhận mình là “người khổ nhất” !!!

- Có gì vui chú ơi !!! Sinh làm kiếp con tằm phải nhã tơ !!! Hết tơ con tằm chết !!!

- Ủa !!! Mà anh đâu phải con tằm !!!???

- Tui ngẫm nghĩ, đời người chẳng khác chi con tằm !!!

- Ha ha ha ha !!! Con tằm làm hết việc của con tằm thì con tằm phải hãnh diện và vui sướng chớ !!! Khi nào con tằm mà bị buộc làm chuyện con sâu mới đáng oán trách !!! Anh đã làm đúng chức trách của một con tằm, sao lại thở than !!!

- Nữa !!! Cũng cái giọng móc họng nữa !!! Bộ chú không biết nói lời nào cho người khác mát dạ hay sao ???

- Có chớ !!! Gặp anh tui cũng muốn nói điều gì đó cho anh mát dạ chớ !!! Nhưng anh tự nhận mình là con tằm thì tôi biết nói cái gì đây, ngoài chuyện tằm...và...tơ !!!??? Xe rửa xong rồi !!! Tôi xin kiếu !!! Hẹn anh dịp khác mình nói chuyện bướm cho vui !!!

Thế đấy các bạn !!!

Ông bạn già trong câu chuyện trên, ngày xưa thường uống xây chừng đàm đạo với bọn mình !!!

Ngày ấy, gặp nhau là anh ta hô hào kiến tánh !!! Mở miệng là đốn ngộ !!! Buông bỏ là khẩu hiệu đầu môi !!!

Nhóm người của anh ấy thường chê mình và Lão Trương là Thần Tú, chỉ biết nhai kinh thay cơm !!! Nhưng rồi đến hôm nay, theo thời gian, “kiến tánh” và “đốn ngộ” của anh ta đã “cao chạy xa bay”, có còn lại chăng là một mớ khổ do “đạo chẳng thông”, “đời chẳng khéo”, lại tự nhận làm “kiếp con tằm” buông cũng không xong, bỏ cũng không đành !!! Còn thứ kinh mình nhai thay cơm và bị chê bai thời ấy, sau khi tiêu hoá xong, lại trở thành Lý Tứ của hôm nay đấy các bạn ạ !!!

Viết đến đây, mình không thể không tri ân lời khuyên của Lão Trương ngày mình còn trẻ: “Bây giờ, mắt chú còn sáng, không tận dụng sức lực của tuổi trẻ để tụng đọc kinh điển, không tận dụng tinh anh của bản thân để tư duy nghĩa lí đặng soi sáng tâm trí... Mà ngày ngày chỉ biết chạy theo những hô hào hư ảo nhưng thực tế rỗng tuếch như mấy người kia... Ngày sau lớn tuổi, mắt mờ tai điếc có muốn đọc cũng không được, có muốn tư duy cũng không xong...Rốt cuộc, đạo chẳng thông, đời chẳng thấu, cuối cùng trở thành kẻ tôi mọi cho áo cơm” !!! Nhờ những lời khuyên ấy, mình đã nhai không biết bao nhiêu bộ kinh, đã nghiền ngẫm nghĩa lí bằng không biết bao nhiêu ngàn li xây chừng ở vỉa hè... Nhờ thế, mình đã hiểu ra nhiều điều không dễ hiểu từ kim khẩu Thế Tôn !!!

Và những gì của đạo pháp mà HĐ Lý Gia thừa hưởng hôm nay, chính là kết tinh của việc nhai kinh thâu đêm trong căn nhà lá rách tả tơi nhìn thấu trăng sao, và mỗi sáng nhâm nhi li xây chừng vỉa hè ở quán cóc ven đường...khét...mùi...bắp...cháy !!!

27/06/2020

LÝ TỨ

 

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG