Cảnh Giới Bất Tư Nghì

Các bạn!!!
Hôm trước có HĐ gởi cho mình đoạn kinh ví dụ:
“... Bồ tát Văn Thù Sư Lợi đáp:
Ðại đức nên biết, đây là trí huệ thiện xảo của Bồ tát. Nay tôi sẽ nói cho ngài một ví dụ. Những người có trí tuệ, nhờ ví dụ mà được hiểu rõ.
- Này Đại đức! Như có người bắn cung, kỹ nghệ siêu tuyệt. Anh ta chỉ có một người con trai mà anh rất yêu mến. Ðồng thời anh có một người hết sức oán thù, đến nỗi tai anh không muốn nghe tên người ấy, mắt anh không muốn thấy người ấy. Có lúc người con anh ra khỏi nhà rong chơi, đang đứng một bên đường ở một chỗ xa, người cha từ xa trông thấy, cho rằng đó là kẻ thù, mới lấy cung, bỏ tên vào nhắm bắn. Khi mũi tên phóng đi, anh mới hay đó là con mình. Anh liền khóc lóc, chạy thật nhanh để bắt mũi tên lại. Mũi tên chưa đến nơi, anh chụp lại được.
Nói người bắn tên là dụ cho Bồ tát vậy. Người con là dụ cho chúng sanh. Oan gia là dụ cho phiền não. Nói mũi tên là dụ cho trí huệ của thánh. Ðại đức nên biết, Bồ tát ma ha tát dùng Bát nhã Ba La Mật quán tất cả pháp là vô sanh, chánh vị, đại bi, thiện xảo, nên không tác chứng đối với thật tế, chẳng trụ địa vị Thanh văn, Bích Chi Phật, thệ nguyện dẫn dắt, hóa độ tất cả chúng sanh đi đến Phật địa...”
Nghiền ngẫm từng chữ, từng câu trong đoạn kinh này, mình thấy ở đó có nhiều điều thú vị và đáng được nêu lên để đại chúng mổ xẻ. Xin chuyển đến các bạn những điều thú vị này, mong các bạn mổ xẻ “đến nơi đến chốn” để giúp nhau sáng tỏ ý nghĩa đoạn kinh ví dụ.
1. CÁC CÂU HỎI VỀ…CẢNH GIỚI…BẤT TƯ NGHÌ
Câu 1. “Người cha nhầm lẫn con của mình là kẻ thù (con dụ cho chúng sanh, oan gia dụ cho phiền não), định dùng cung tên giết chết kẻ thù”. Xin Hỏi: theo đoạn ví dụ thì:
1.1. Người con (chúng sanh) và kẻ thù (phiền não) là hai hay một??? Vì sao thấy là hai??? Vì sao lại là một??? Xin HĐ giải thích rõ ràng kiến giải của mình (hai hoặc một).
1.2. Vì sao người cha (Bồ Tát) lại có sự nhầm lẫn đáng tiếc này (nhầm đứa con trở thành kẻ thù)??? Khi trả lời, xin HĐ đừng đổ thừa vì “đường xa mắt mờ”, nên nhìn không rõ!!!
Câu 2. “...Khi mũi tên phóng đi, anh mới hay đó là con mình. Anh liền khóc lóc, chạy thật nhanh để bắt mũi tên lại. Mũi tên chưa đến nơi, anh chụp lại được. Nói người bắn tên là dụ cho Bồ tát vậy. Người con là dụ cho chúng sanh. Oan gia là dụ cho phiền não. Nói mũi tên là dụ cho trí huệ của thánh...” Xin Hỏi:
2.1. Điều gì khiến cho người cha (Bồ Tát) phát hiện ra sự nhầm lẫn đáng tiếc này???
Người cha (Bồ Tát) kịp thời thâu hồi mũi tên, sau khi thâu hồi mũi tên.
2.2. Theo các bạn, người cha (Bồ Tát) có còn muốn tìm kẻ thù (phiền não) để giết nữa hay không???
2.3. Nếu cần phải tìm để giết, vì sao cần phải giết??? Nếu từ đây, người cha thôi không tìm kẻ thù phiền não để giết nữa, vì sao người cha lại không cần tìm kẻ thù (phiền não) để giết nữa??? Xin các bạn giải thích cụ thể chọn lựa của mình (hoặc giết hoặc không giết).
2.4. Mũi tên dụ cho trí huệ của Bậc Thánh. Vì sao đó là trí tuệ Bậc Thánh mà không nói đó là trí tuệ Bồ Tát???
2.5. Sau khi mũi tên đã dừng (phát hiện ra nhầm lẫn đáng tiếc kia), người bắn (Bồ Tát) với sự thấu suốt này, sẽ tự nói với mình điều gì??? (Chú ý: Đây là câu hỏi khó!!!)
Câu 3.Theo bạn thì, toàn bộ thí dụ này. Thực tế Ngài Văn Thù Sư Lợi muốn nói lên điều gì với Ngài Tu Bồ Đề???
Rất mong nhận được những giải thích thoả đáng từ HĐ!!!
(14-05-2015)
2. HAI BÀI VIẾT “TRẢ LỜI TIÊU BIỂU” (THAM KHẢO)
Các bạn!!!
Đọc các câu trả lời của HĐ gởi về, mình có nhận xét sau:
- Hai câu trả lời của Tâm và Tịnh Hiền xuất sắc, đáp ứng phần lớn yêu cầu người hỏi.
- Lời ít mà nghĩa nhiều. Đây là điều “thú vị nhất”!!!
- Trả lời có trọng tâm, và cho thấy hai vị này “hiểu rõ và nắm vững câu hỏi”...
- Xin tán thán Tâm và Tịnh Hiền!!!
Sau đây phần trả lời, xin chuyển đến các bạn tham khảo.
(1) Bài viết trả lời câu hỏi củ̉a Tâm. Kính gởi Thầy!!!
Con xin được phép trả lời các câu hỏi.
Trả lời câu hỏi 1.1: Theo tinh thần của đoạn ví dụ trên, thì chúng sanh và phiền não người này còn thấy là hai. Vì thế, vị này (Bồ tát quyền thừa, Thanh văn, Duyên giác) dùng pháp 3 thừa để diệt phiền não của một chúng sanh.
Trả lời câu hỏi 1.2: Vì do không thấy rằng phiền não và chúng sanh kỳ thực là một, nên mới có sự nhầm lẫn đáng tiếc này.
Trả lời câu hỏi 2.1: Khi vào Nhất thừa, với “trí bén” của mình, người cha (Bồ Tát) bây giờ hết mê hết lầm, cho nên trực nhận ra sự nhầm lẫn đáng tiếc trước đây.
Trả lời câu hỏi 2.2: Sau khi thâu hồi mũi tên, Người cha (Bồ Tát) sẽ không còn tìm kẻ thù (phiền não) để giết nữa. Vì Bồ Tát bây giờ đã biết rằng: Chúng sanh và phiền não không phải hai. Có nghĩa không thể có một chúng sanh mà không phiền não, vì khi một hữu tình do mê có phiền có não, bây giờ mới gọi hữu tình đó là chúng sanh.
Điều này được nói rõ trong phần Ngũ Trược của kinh Thủ Lăng Nghiêm, đây là “tính nhân quả của pháp trược”.
Ngũ trược gồm:
- Kiếp trược: Mê và giác còn làm ô nhiễm nhau.
- Kiến trược: Cái thấy không tinh sạch, của nhiễm ô, lấy “tri làm giác”.
- Phiền não trược: Hệ quả tất yếu của hai thứ trược trước.
- Chúng sanh trược: Hậu quả của mê và phiền não.
- Mạng trược: Kết quả tất yếu của bốn thứ trược ở trên.
Trả lời câu hỏi 2.3: Vì người cha biết rằng: Phiền não và chúng sanh vốn không thiệt, nên người cha không tìm giết (cái không thật) nữa.
Trả lời câu hỏi 2.4: Vì còn thấy có hai pháp (phiền não và chúng sanh), trí thấy có hai pháp chính là trí ba thừa. Trí ba thừa gọi là trí bậc Thánh.
Ba thừa trong kinh thường gọi là Bậc Thánh, những vị này chứng Thánh Đế, đắc Thánh Trí, thành Thánh Quả...
Còn nếu là Bồ Tát Nhất Thừa, sẽ gọi là Đại Thánh, Đại Sĩ, Ma Ha Tát, đây là những vị thấu suốt Chân Đế, không chứng thiệt tế.
Trả lời câu hỏi 2.5: Thiệt đúng là: ĐỒ ĐIÊN…!!! ha ha ha!!!
Trả lời câu hỏi 3: Quá trình tu tập của vị này có thể phân tích như sau theo đoạn ví dụ;
- Này đại đức! Như có người bắn cung: Người này thực hành Bồ Tát đạo, đang trong giai đoạn “tập giáo hóa chúng sanh”. Chưa thành Bồ Tát chuyên nghiệp!!!
- Anh ta chỉ có một người con trai mà anh rất yêu mến. Ðồng thời anh có một người hết sức oán thù: Tuy có tâm giáo hoá chúng sanh, nhưng hãy còn dùng trí của ba thừa, nên mới thấy có chúng sanh (người con) và phiền não (kẻ oán thù).
- Khi mũi tên phóng đi, anh mới hay đó là con mình. Anh liền khóc lóc: Đây chính là biểu hiện “Giác Ngộ Chân Đế”, vị này trở thành “Hồi Tâm A La Hán”.
- Mũi tên chưa đến nơi: Do chúng sanh, phiền não không thật, nên không thể có đối tượng thực để bắn, và chắc chắn mũi tên không thể đến được một mục tiêu mà mục tiêu này không thật, mục tiêu hư vọng.
- Anh ta chụp lại được: Tịch diệt trí ba thừa, để tiến vào Nhất Thừa Đạo.
Trên đây là những gì con biết được. Xin Thầy và HĐTM chỉ dạy thêm!!! Con.
(2) Bài viết trả lời câu hỏi của Tịnh Hiền.
Thưa Thầy!!!
Thưa HĐTM!!!
Con xin trả lời câu hỏi:
Trả lời câu hỏi 1.1: Theo tinh thần đoạn kinh thì, người cha (Bồ Tát) thương chúng sanh (như con), nhưng lại ghét phiền não (như kẻ thù). Vì muốn bảo vệ cho con mình khỏi phiền não khổ, nên bèn lấy cung tên (trí tuệ quyền thừa) để diệt phiền não (cho chúng sanh). Theo tinh thần này thì, Bồ Tát lúc bấy giờ vẫn còn thấy chúng sanh và phiền não là hai.
Trả lời câu hỏi 1.2: Vì người cha (Bồ Tát) này còn mang trong mình “Dòng Máu Quyền Thừa”!!! Hu hu hu hu!!!
Nếu muốn vào Đạo Nhất Thừa, điều kiện tiên quyết là “phải đi thay máu”. Nếu không chịu thay máu mà muốn vào Đạo Nhất Thừa thì cũng giống như câu chuyện ngụ ngôn “Con Ếch Muốn To Bằng Con Bò”!!!
Trả lời câu hỏi 2.1: Sau khi phóng mũi tên quyền thừa để giết kẻ thù phiền não. Bất chợt vị Bồ Tát này hoát nhiên hiểu ra rằng: “Chúng sanh (con) và phiền não (kẻ thù) chẳng phải hai. Chúng sanh chính là phiền não, phiền não chính là chúng sanh. Giết phiền não (kẻ thù) chính là giết chúng sanh (con). Có nghĩa không thể có một chúng sanh mà không phiền não, cũng không thể có một phiền não ở ngoài chúng sanh, theo nguyên lý: Cái này có nên cái kia có, cái này sanh nên cái kia sanh, cái này diệt nên cái kia diệt...”
Do thấy được “nguyên lý” này, nên người cha (Bồ Tát) nhanh chóng dừng mũi tên lại.
Trả lời câu hỏi 2.2 và 2.3: Sau khi thâu hồi mũi tên (tịch diệt quyền thừa pháp). Người cha (Bồ Tát) lại một lần nữa trực nhận ra rằng: Chúng sanh và phiền não chỉ là bóng dáng của mê lầm. Như người nhặm mắt thấy hư không có hoa đốm. Chúng sanh và phiền não cũng như hoa đốm, tự nó không thật, chỉ do mắt nhặm mà thấy. Đã không thật, thì đâu cần phải diệt, chỉ cần chữa hết nhặm mắt là xong.
Biết được bản chất của hai thứ này (chúng sanh và phiền não) như vậy, người cha (Bồ Tát) bây giờ thôi không đi tìm diệt (giết) tên oan gia phiền não nữa, mà chỉ chuyên lo chữa con mắt nhặm của mình. Chữa con mắt nhặm chính là chữa “Tâm mê” này!!!
Trả lời câu hỏi 2.4: Mũi tên đã bắn ra chính là trí huệ Bậc Thánh, tức Bồ Tát Quyền Thừa.
Mũi tên này không phải là Trí Tuệ Bồ Tát Ma Ha Tát (Nhất thừa), vì rằng Bồ Tát Nhất Thừa quyết sẽ không có sự nhầm lẫn đáng tiếc như vậy. Vì chư Đại Bồ Tát vĩnh viễn không còn nhầm lẫn (lầm), nên mới gọi là Ma Ha (đại).
Trả lời câu hỏi 2.5: Vị ấy sẽ tự nói với mình rằng: “Hết chấp còn ngu, không chấp không ngu. Lý Lão Sư Chín Mươi Muôn Năm”!!!
Trả lời câu hỏi 3: Theo con thì có lẽ Ngài Văn Thù muốn nói với Ngài Tu Bồ Đề rằng: “Trên đời này, không có gì có thể làm cho tôi phiền não. Ngoại trừ việc nghe Trưởng Lão thuyết pháp...”
Câu này con sao chép của Thầy, con mạn phép sửa hai chữ “các bạn” thành hai chữ Trưởng Lão!!!
Kính mong Thầy và HĐTM chỉ dạy!!!
Con.
(20-05-2014)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






