Bốn Đế Và Ba Thừa – Khổ Đế

 0
Bốn Đế Và Ba Thừa – Khổ Đế

Bốn đế là: Khổ đế, tập đế, diệt đế, đạo đế. Tại sao không gọi tên bốn món là khổ tập diệt đạo, mà phải thêm ĐẾ vào?

Câu hỏi này chính là những khái niệm đầu tiên cần thấu suốt để làm cơ sở đi sâu vào bốn đế. Bởi lẽ, nếu chỉ nói có bốn danh tự khổ, tập, diệt, đạo mà không nói đến ĐẾ, thì bốn danh tự kia chỉ có tên gọi mà không có thực thể.

Tiếng khổ là “sự cọ xát của môi lưỡi răng họng… Và hơi phóng ra…,” tự thân danh tự này không khổ và cũng không có tính chất của khổ. Nếu chỉ nói riêng danh tự khổ, như tử khổ chẳng hạn, thì hằng ngày biết bao nhiêu người chết, tuy vậy không phải mọi người đều khổ vì danh tự chết kia. Thực tế chỉ những cá nhân nào liên quan đến cái chết nói trên, mới cảm nhận có khổ. Những người không khổ hay không thấy khổ chỉ vì không có mối liên hệ nào hoặc chưa dự phần vào tử sự. Sự ‘không liên hệ’ này Phật giáo gọi là ‘không có ĐẾ’.

Từ nơi một pháp, chúng sanh không thấy khổ vì pháp này không có ĐẾ, tức nơi thân tâm không có mối liên hệ đến pháp kia (như con nít không biết hiểm nguy của cọp dữ, trẻ nhỏ vui đùa trong nhà lửa).

Sở dĩ chúng sanh có khổ bởi thân tâm có chủng tử sinh khổ, chủng tử sinh khổ này là những món như: Tham, dục, ái, vô minh. Ví dụ: Ái biệt ly khổ, bản chất biệt ly chưa phải là nguyên nhân sinh khổ, bao giờ biệt ly này có ÁI, thì ái mới là nguyên nhân làm cho biệt ly sinh khổ. Sự ‘liên hệ’ này Phật giáo gọi là ‘ĐẾ’.

Do đó, ĐẾ  là mối liên hệ, chỗ y cứ, là chỗ dựa, là nhân tố  quyết định chúng sanh đau khổ hay an vui. Nếu tự thân hoặc quyến thuộc chết thấy có khổ, là bởi vì khổ này có ĐẾ, tức trong tâm còn mối liên hệ của ái, dục, tham luyến.

Như vậy có thể khái niệm ĐẾ là chỗ y cứ, chỗ dựa nương để KHỔ và TẬP phát triển, giống như đất là nơi chốn để hữu tình vô tình nương cậy phát sinh. Nếu hữu tình vô tình không nương nơi đất để sinh tồn thì hữu tình vô tình tự diệt.

Thì cũng vậy, KHỔ và TẬP đều nương nơi ĐẾ để phát triển, ví như phiền não sanh tử nương nơi kiết sử mà hiện, kiết sử nương nơi thân tâm mà trú, nếu không có Thân Thọ Tâm Pháp thì kiết sử y vào đâu để KIẾT và SỬ; hoặc ví dụ như ma quỷ và nỗi sợ hãi nương nơi bóng tối mà hình thành, nếu bóng tối trở thành ánh sáng thì ma quỷ và nỗi sợ hãi ma quỷ không xuất hiện.

Như vậy có thể kết luận sanh tử phiền não là KHỔ, mê lầm, kiết sử là TẬP, ‘thân thọ tâm pháp’ là ĐẾ. Nếu tu tập yểm ly thân thọ tâm pháp đến rốt ráo thì tập khởi sẽ không còn, tập khởi không còn thì khổ đau chấm dứt.

Thân tâm thoát ly khỏi khổ đau và mọi nguyên nhân sanh khởi chấm dứt gọi là giải thoát. Đây là phương tiện tu hành và cách nhìn nhận vấn đề cốt tuỷ của Thanh Văn thừa gọi là tứ thánh đế.

Nhu cầu của Thanh Văn là giải thoát, cho nên việc yểm ly để giải thoát theo đúng quy trình bốn đế được Thanh Văn thực hiện nghiêm ngặt.

  • Cắt ái ly gia để yểm ly ái cộng nghiệp ta quen gọi là xuất thế tục gia.
  • Thọ nhận giới cụ túc để viên mãn yểm ly năm ấm gọi là xuất ngũ ấm gia.
  • Tìm nơi thanh vắng tu hành hộ trì các căn thoát ly khỏi trói buộc năm dục đối với năm căn để ra khỏi dục giới, thăng tiến vượt qua cảm thọ và giác quán gọi là xuất ly sắc giới.
  • Phân chia ý thức đến tột bờ mé vượt qua các tưởng ra khỏi vô sắc giới gọi là xuất tam giới gia.
  • Nhất tâm thiền định diệt trừ cảm thọ và giác tưởng cuối cùng, rốt ráo giải thoát vào Diệt Thọ Tưởng định hoàn thành sứ mạng tu hành.

Ở đây có người cho rằng giai đoạn thứ hai là xuất phiền não gia; điều này không hợp lý, bởi lẽ phiền não chỉ là hiệu ứng của vô minh. Vô minh chưa dứt nên vọng sinh phiền não, giống như con mắt bệnh phát sinh hoa đốm, không ai đi diệt hoa đốm. Người trí chỉ nên chữa lành con mắt thì hoa đốm tự diệt. Vì thế yểm ly ngũ ấm là việc làm cần thiết để vô minh tiêu trừ, vô minh tiêu trừ phiền não tự diệt.

Cũng là những căn bản này nhưng Bồ Tát có cách nhìn nhận vấn đề khác hơn. ‘Thân thọ tâm pháp’ sở dĩ là nền tảng để ‘tham sân’ hiện khởi chỉ vì tâm mê bốn món này.

Vì bởi một khi đã mê muội thì người ta sẽ lầm tính chất và giá trị của nó, giống như trẻ con chơi trò chiến tranh. Những chiến binh và vũ khí của đám trẻ chưa từng là chiến binh và vũ khí. Cũng chẳng có sự chết chóc do vũ khí gây nên, cũng như chẳng có sự hơn thua trong cuộc chiến tưởng tượng này, nhưng khi đã lao vào cuộc chơi thì buồn vui đau khổ được thể hiện như thật. Hoặc ví như ảo sư chặt đầu ảo nhân, ở đây không hề có các giá trị đích thực, chỉ vì mê muội trong các sự việc trên mà lầm nhận in tuồng có tích chứa các giá trị không thực kia rồi phát sanh phiền não.

Bồ Tát nhìn nhận giá trị thực của bốn niệm xứ bổn lai thanh tịnh’ nên hết mê. Hết mê ‘thân thọ tâm pháp’ thì vọng tưởng không phát sanh, vọng tưởng không phát sanh ngay đấy chân giá trị của bốn niệm xứ’ xuất hiện đó là sự ‘tự tịnh của bốn món’. Thấy được ý nghĩa này Bồ Tát không vọng cầu, không mê muội, bây giờ các ĐẾ trở về bổn chơn gọi là chơn đế. Một khi bốn đế đã chơn thì khổ và tập tự chơn, ngay đây là Niết Bàn an tịnh.

Như vậy, ta đã xét KHỔ và chỗ dựa nương của khổ là ĐẾ, nếu khổ không có đế thì khổ không thể là khổ, khổ bây giờ chỉ còn là văn tự, kinh dạy: Tiếng khổ chỉ là âm thanh cộng hưởng giữa môi lưỡi răng họng cằm nướu và hơi phát ra, không có thực thể.

(còn nữa)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 1
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG