Bát Nhã Tâm Kinh

 0
Bát Nhã Tâm Kinh

Các bạn !!!

Tuần này, mình được một người bạn ở Đà Lạt gởi cho một đoạn văn chữ Hán, với lời chú thích: “Hôm nào Lão sư diễn giải cặn kẽ nhé!”

Đoạn văn chữ Hán như sau:

觀自在菩薩。行深般若波羅蜜多時。照見五蘊皆空。度一切苦厄。舍利子。色不異空。空不異色。色即是空。空即是色。受想行識。亦復如是。舍利子。是諸法空相。 不生不滅。不垢不淨。不增不減。是故空中無色。無受想行識。無眼耳鼻舌身意。無色聲香味觸法。無眼界。乃至無意識界。無無明。亦無無明盡。乃至無老死。亦無老死盡。無苦集滅道。無智亦無得。以無所得故。菩提薩埵。依般若波羅蜜多故。心無罣礙。無罣礙故。無有恐怖。遠離一切顛倒夢想。究竟涅槃。三世諸佛。依般若波羅蜜多故。得阿耨多羅三藐三菩提。故知般若波羅蜜多。是大神咒。是大明咒。是無上咒。是無等等咒。能除一切苦。真實不虛。故說般若波羅蜜多咒。即說咒曰。揭諦揭諦。波羅揭諦。波羅僧揭諦。菩提薩婆訶。

Sau khi xem đoạn văn, mình nhận ra đây là bài Bát Nhã Tâm Kinh được Đường Tam Tạng Pháp Sư Trần Huyền Trang chuyển ngữ từ tiếng Phạn sang tiếng Hán !!!

Bát Nhã Tâm Kinh là bài kinh rất phổ biến trong giới tu hành, thậm chí nhiều người thuộc làu làu. Bài kinh đã trở thành đề tài nghiên cứu, thảo luận, thuyết giảng từ xưa đến nay !!!

Hơn 10 năm qua, HĐ chúng ta cũng thường xuyên đề nghị mình giảng giải bài kinh này, nhưng thời gian qua mình chỉ giải thích một số phần quan trọng để HĐ ứng dụng, còn giảng giải toàn bộ bài kinh thì chưa !!!

Lý do: Tuy chỉ là bài kinh ngắn, nhưng trong đó bao hàm những gì sâu thẳm thuộc về cảnh giới trí tuệ của Phật đạo !!! Nếu chưa thấm nhuần giáo pháp, chưa thể nhập cảnh giới trí tuệ (bát nhã) thì, khi nghe giảng giải chỉ hiểu phần văn tự, còn những gì được gọi là tinh tuý thuộc cảnh giới tâm chứng (cốt lõi) của bài kinh lại không thể nhập được. Đây là lí do vì sao, hàng ngày rất nhiều người đọc bài kinh trên (được đưa vào kinh nhật tụng), nhiều người nghiên cứu mà chẳng ứng dụng được, thậm chí hiểu sai lệch tinh thần bài kinh !!!

Hôm nay nhờ nhân duyên từ người bạn, cũng như đáp ứng yêu cầu của HĐ chúng ta, mình xin giảng giải bài Bát Nhã Tâm Kinh như sau:

Các bạn !!!

Để có thể hiểu, thể nhập đúng tinh thần bài Bát Nhã Tâm Kinh !!! Chúng ta cần làm rõ những vấn đề sau:

1) Vì sao gọi là tâm kinh: Gọi là tâm kinh, vì đây là bài kinh chủ yếu dùng để “ấn tâm” !!! Có nghĩa đến bao giờ, người tu hành khi đọc bài kinh lên và nhận ra rằng “tâm cảnh giới” của mình và “ý nghĩa bài kinh” không còn sai khác, lập tức biết rằng con đường tu tập (quả chứng hiện tại) của ta “đã đúng” !!!

Nói nôm na, tâm kinh là thứ kinh dùng để “đối chứng” giữa “cảnh giới của tâm” và “cảnh giới được ghi trong kinh” !!! Tức, tâm là kinh, kinh là tâm, tâm và kinh không hai !!! Khi nào thấy giữa kinh và tâm chưa tương ưng (có sai khác), biết rằng việc tu tập của ta chưa đạt hoặc đang có vấn đề, cần xem lại !!!

2) Cách ứng dụng: Đây là bài kinh thuộc “hệ Bát nhã”, tức là loại kinh “dùng trí tuệ vô tướng, vô lậu” để thâm nhập nhằm “sạch hoá nguồn tâm” của một số thánh quả. Giống như nước, sau khi đã được lóng phèn (giác) hết chất bẩn (tinh sạch của thánh vị), sau đó phải dùng nhiệt (tuệ bát nhã) để xử lí mầm bệnh (tinh khiết), mới được gọi là nước tinh khiết !!!

Cho nên, muốn ứng dụng bài kinh một cách hoàn hảo, người tu hành phải từng “kinh qua các đạo quả vô lậu” (đã xử lí bằng giác) rồi mới đun nấu bằng nhiệt (tâm kinh) !!! Nếu dùng tri thức thế gian để hiểu hoặc ứng dụng, hiệu quả “tâm kinh” sẽ không có tác dụng như ý, đôi khi phản tác dụng vì hiểu sai. Giống như người ta đun nấu nước bẩn, nược bị nhiễm ô, chưa qua lắng lọc để sử dụng, nhất định sẽ sinh nhiều hệ luỵ đáng tiếc !!!

3) Giải thích một số khái niệm cùng văn tự của bài kinh:

– Bát nhã Ba la mật đa (trí tuệ đáo bỉ ngạn): Trí tuệ vô tướng, vô lậu của Phật đạo !!! Trí tuệ này thuộc về cảnh giới tâm và trí chứng (xuất thế gian và xuất thế gian thượng thượng), không giống trí tuệ (hiểu biết) hữu tướng, hữu lậu của thế gian !!! Bồ tát Quán tự tại đã dùng “trí tuệ này” (bát nhã) để quán chiếu các “uẩn pháp” từ thân, tâm, trí (ngũ uẩn) và thấy rằng “các uẩn pháp đó” đều không !!!

– Ngũ uẩn: Thân, tâm, và trí (thức) của một hữu tình, cụ thể là con người được cấu tạo bởi năm thành tố là: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức !!! Năm thành tố này bản chất tự không (không phải uẩn hay ấm). Nhưng khi tâm bị mê, hoặc ý thức mờ tối, hữu tình bèn khởi lên quan niệm rằng, mỗi thành tố có một giá trị nào đó (một hình thức sinh pháp). Ví như thân (sắc) có giá trị A, thọ có giá trị B, tưởng có giá trị C..v..v…Từ đó, “sắc” trở thành “sắc uẩn”, “thọ” trở thành “thọ uẩn”, “tưởng” trở thành “tưởng uẩn”…v..v…!!!

Và như thế, năm món sắc, thọ, tưởng, hành, thức bỗng dưng trở thành ngũ uẩn (sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, và thức uẩn)… Đây là đầu mối tích chứa khổ, phiền não, kiết sử, lậu hoặc !!!

– Ngũ uẩn giai không: Năm món sắc, thọ, tưởng, hành, thức bản chất không phải là năm uẩn (năm món này tự không, không là nguyên nhân phát sinh phiền não) !!! Nhưng khi mê, người mê cho rằng năm món trên có những giá trị nào đó (gọi là sinh pháp hay pháp uẩn)… Kết quả là sắc, thọ, tưởng, hành, thức trở thành năm uẩn, vì thế phiền não lập tức được tích chứa từ các quan niệm (uẩn) ấy !!!

Muốn chấm dứt phiền não, người tu hành phải dùng “huệ bát nhã” quán sát bản chất của năm món nói trên, để thấy cho được tự nó không phải là năm uẩn… Có nghĩa, dùng huệ bát nhã quán chiếu để trả sắc cho đến tưởng trở về bản chất tự không của nó… Khi năm món sắc, thọ, tưởng…về đúng bản chất “không uẩn” (không phải là một pháp), gọi là “ngũ uẩn giai không” !!!

– Độ nhất thiết khổ ách: Khi trả năm món sắc, thọ, tưởng, hành, thức trở về bản chất tự không (không uẩn, không uẩn pháp). Nhờ trí tuệ sáng suốt quán chiếu, từ đó hết mê năm món này… Vì thế, mọi nguyên nhân phát sinh khổ phiền não chấm dứt, kinh gọi là “độ nhất thiết khổ ách” !!!

– Sắc bất dị không, không bất dị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị (sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy):

Sau khi năm món sắc, thọ, tưởng, hành, thức đã được trí tuệ vô tướng, vô lậu soi chiếu đúng bản chất tự không của nó, lập tức sẽ thấy năm món đó chẳng khác không !!! Ta có thể hiểu từ ví dụ minh hoạ sau: Giá trị của các con số 1,2,3,4,5 không khác 0 (sắc, thọ, tưởng, hành, thức “khi vô uẩn” chắc chắn bằng giá trị của không). Nhưng giá trị của các đại lượng 1A, 2B, 3C, 4D, 5E không thể là 0 (giá trị của năm uẩn thì chắc chắn sẽ khác không) !!!

– Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị (sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy) !!!

Với sức soi chiếu của huệ bát nhã, khi năm món sắc, thọ, tưởng, hành, thức không còn bị chi phối bởi “các giá trị hư ảo” từ các uẩn pháp thì, sắc đúng là không, không đúng là sắc…v..v…vì các món ấy “có giá trị như nhau”, Phật đạo gọi là “bình đẳng pháp” !!! Giống như giữa vàng và đá, nếu ta trả hai món ấy trở về tự nhiên, đúng bản chất của nó thì, “đá chẳng khác vàng, vàng chẳng khác đá” !!!

– Thị chư pháp không tướng, bất sinh, bất diệt…thị cố không trung vô sắc…(Bản chất của các pháp không tướng, không sinh diệt…v..v… Các pháp ấy cũng chỉ là quan niệm từ ý thức, nên các pháp ấy tự nó không có tướng trạng, tính chất hay sự sanh diệt như một cảnh duyên trong tự nhiên, cho đến trong chính bản thân của các quan niệm ấy cũng không hề có sắc, thọ, hành, tưởng thức):

Giống như khi ta quan niệm quả núi to, hòn sỏi nhỏ… Trong hai quan niệm này không có tánh tướng của lớn nhỏ, tăng giảm, sạch dơ…v..v… hay sự sanh diệt của quả núi và hòn sỏi (như quả núi hay hòn sỏi ngoài cảnh duyên) !!!

– Vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới (trong các pháp cũng không có căn, trần, thức): Hiểu câu trên sẽ hiểu câu này !!!

– Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận (trong một pháp, tự nó không có vô minh, không có làm cho hết vô minh, cho đến không có già chết, cũng không có làm cho hết già chết): Bản chất của các pháp (quan điểm, quan niệm) không có các việc ấy !!!

– Vô khổ, tập, diệt, đạo, vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố (không có khổ, tập, diệt, đạo, không có trí cũng không có chứng đắc, vì bản chất của các pháp không có sự chứng đắc trong chính nó):

Sự thật của một pháp là như vậy !!! Chứng đắc là ở tâm trí chứ chẳng ở trong quan niệm (pháp) !!!

– Bồ đề tát đoả y Bát nhã ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly nhất thiết điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn (Bồ tát y vào trí tuệ vô tướng, vô lậu mà quán các pháp, nên tâm không còn ngăn ngại các bởi các pháp, hay sợ hãi vì các pháp do thức mê sinh khởi rồi gieo rắc kinh hoàng. Từ đó xa rời mọi suy nghĩ đảo điên, xa rời mọi đảo tưởng của tưởng tri, được cứu cánh Niết bàn yên vui):

Giá trị thực của trí tuệ khi dùng nó quán chiếu thân tâm sẽ thấy được bản chất các pháp là như thế !!!

– Tam thế chư Phật, y Bát nhã ba la mật đa cố, đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề (Ba đời chư Phật cũng nhờ vào trí tuệ vô tướng, vô lậu để quán sát bản chất các pháp mà thành Phật): Câu này khỏi giải thích !!!

– Cố tri Bát nhã Ba la mật đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thực bất hư (Cho nên người tu hành phải biết, sự thấu suốt từ trí tuệ vô tướng, vô lậu chính là thần chú vô địch, giá trị vô song, siêu quá mọi thần chú hữu vi, không có một thứ thần chú nào trên đời sánh bằng… Vì rằng, “thần chú trí tuệ” là thần dược trừ tất cả bệnh khổ của thiên hạ, “danh bất hư truyền”): Khi nào thành tựu trí tuệ vô tướng, vô lậu…sẽ tự chứng thực điều này !!!

– Cố thuyết Bát nhã Ba la mật đa chú. Tức thuyết chú viết: Yết đế, yết đế, Ba la yết đế. Ba la tăng yết đế Bồ đề tát bà ha”: Cho nên dân ta ca ngợi “Thần Chú Trí Tuệ” bằng câu ca dao bất hủ sau: “Tu như qua biển Thần Phù, có trí thì nổi kẻ…ngu…thì…chìm”) !!!

PHẦN HỎI ĐÁP NGOÀI LỀ !!!

– Hỏi: Đã bảo là Tâm Kinh, tại sao có người còn đem vật chất ra cắt nghĩa, phân tích, chia chẻ để giải thích hay giảng nói ý nghĩa bài kinh???

– Trả lời, vì những người ấy hiểu lộn “Tâm Kinh” thành “Vật Kinh” !!!

– Hỏi: Chưa thành tựu Bát Nhã Trí có ứng dụng bài kinh được không ???

– Trả lời: Chưa có Bát Nhã Trí cũng ứng dụng được một phần ý vị của bài kinh… Giống như có tiền thì uống nước mía, không tiền thì lấy bả mía về làm củi nấu nướng khỏi tốn tiền ga hay điện !!!

– Hỏi: Chỉ cần câu mở đầu của bài kinh: “Quán-tự-tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ-uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách” là đủ để kẻ trí thấy vấn đề !!! Hà cớ gì phải giải thích dài dòng rằng sắc không là thế này hay thế kia !!! Thậm chí còn nói chú nữa ???

– Trả lời: Vì cắc cớ !!! Vì muốn thiên hạ bình loạn “sắc không” cho đời bớt tẻ nhạt !!! Còn, lại nói chú trong bài kinh thiên về trí tuệ, là để cho thiên hạ…ớn…chơi !!!

– Hỏi: Người tu hành thành tựu đúng tinh thần bài Bát Nhã Tâm Kinh đã hoàn tất việc tu tập trong Phật đạo hay chưa ???

– Trả lời: Nếu chỉ thành tựu phần, “chiếu kiến ngũ uẩn giai không” thì coi như hết khổ “độ nhất thiết khổ ách” !!! Muốn hoàn tất việc tu hành, phải thành tựu viên mãn Bát Nhã Trí, cho nên kinh mới nói: “Tam thế chư Phật, y Bát nhã ba la mật đa cố, đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề” !!!

Tóm lại, tu hành chẳng khác người ta ướp muối cho cá khỏi ươn, ướp đến khi nào cá và muối bão hoà coi như thành tựu như ý… Vì thế, để khỏi phóng dật, thối chuyển..v..v…HĐ Lý Gia phải thường xuyên tụng đọc ”Thần Chú Bất Thối” sau: “Cá tức thị muối, muối tức thị cá, đêm cho đến ngày cũng đều như vậy (diệc phục như thị)” !!! Ha ha ha ha người ngoài thì không dám !!!

Các bạn !!!

Hy vọng những gì đã giải thích, có thể giúp các bạn phần nào đó hiểu đúng và thâm nhập thực nghĩa bài Bát Nhã Tâm Kinh, một trong những bài kinh vô giá của Phật đạo !!!!

Cảm ơn ông bạn từ Đà Lạt đã tạo cơ duyên để có bài viết hôm nay !!!

BQT rất mong, nhận được những câu hỏi lí thú và bổ ích từ các bạn !!!

Chúc mọi người an vui, tinh tấn, “ngũ uẩn giai không” !!!

02/11/2020

LÝ TỨ

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG