Ba Vị Huynh Đệ Bàn Về Ngũ Nhãn

B: Thưa SH! Trong Phật đạo, cụ thể là kinh Kim Cang có nói về ngũ nhãn!
Xin SH giải thích thế nào là ngũ nhãn theo tinh thần Phật đạo! Và tu hành như thế nào, để từng bước thành tựu những con mắt này?
A: Trong Phật đạo có nói đến ngũ nhãn hay năm con mắt, gồm: Nhục nhãn, thiên nhãn, pháp nhãn, huệ nhãn và Phật nhãn!
Thật ra, ngũ nhãn hay năm con mắt mà Phật đạo nói đến, không phải là hình ảnh người ta mọc thêm con mắt thứ ba, thứ tư, thứ năm...v..v...trong quá trình tu hành như chuyện thần thoại! Mà ngũ nhãn của Phật đạo, chính là “năm tầng nhận thức” hay “năm lớp nhãn quan”! Các thứ nhãn quan, các tầng nhận thức nêu trên có được, là do quá trình tu tập và giác ngộ như pháp mà hình thành!
Có nghĩa rằng, cùng một sự việc xảy ra, nhưng do nghiệp quả sai khác, nhận thức sai khác, văn hoá sai khác, tâm trí sai khác..v..v... nên hình thành những thấy biết sai khác, gọi là nhãn quan!
Khi một sự việc xảy ra, người đời nhìn sự việc theo quan điểm thế gian, và đánh giá, kết luận sự việc ấy theo quan điểm của họ! Còn người có giác ngộ, tuỳ theo tầng bậc, tuỳ theo cảnh giới thực chứng, họ sẽ có cách nhìn sự việc, cũng như đánh giá, kết luận sự việc tương ưng với cảnh giới đã chứng!
Mình xin đưa ra một ví dụ, để làm sáng tỏ vấn đề:
Giả sử, đứng trước một thiên tai, từ người đời cho đến người tu hành khi chứng kiến, tình cảm, tâm tư, trí tuệ, ứng xử của những người ấy rất khác nhau!
-Đối với người đời: Trước thiên tai, họ đau khổ, oán trách, người thì cho rằng đây là nghiệp quả phải cam chịu, người thì bảo rằng đây là hậu quả do con người không biết trân trọng, tàn phá thiên nhiên, có người mê tín bảo rằng do ông trời nổi giận...v..v...
Nói chung, người đời khi đối trước một sự việc, tuỳ vào nhận thức, tuỳ vào văn hoá, tuỳ vào tâm tư, tình cảm, tuỳ vào mức độ thiệt hại...v..v...mà họ nhìn nhận sự việc, rồi đánh giá theo chủ kiến của mình! Phật đạo gọi sự nhìn nhận và đánh giá theo cách như vậy là nhục nhãn!
-Đối với những người đắc thiền định: Với nhãn quan của một thiên chúng, vị ấy do sức huân tu thiền định, tác động của thiên tai lên tâm ý của họ là như thế nào, còn tuỳ thuộc vào thiền thú vị ấy đạt được! Từ đó hình thành nhãn quan, dẫn đến tâm tư, tình cảm, trí tuệ của vị ấy tương ưng với thiền thú hiện có mà an trú tâm! Thấy biết như vậy, Phật đạo gọi là người có thiên nhãn!
Đây là lí do vì sao, một số bài kinh có đề cập đến việc người được sơ thiền, hoả tai không thể bách hại! Người được nhị thiền, thuỷ tai không thể bách hại! Người được tam thiền, phong tai không thể bách hại..v..v... Không thể bách hại ở đây là, khi an trú trong thiền thú, với sức thiền định vững chắc, những thứ hoạ tai ấy không thể xâm nhập tâm trí của họ, chứ không phải thân xác họ không bị chết cháy, chết chìm hay gió cuốn!
-Đối với những vị có giác ngộ: Do sức giác ngộ, cho dù đứng trước thiên tai, hoàn cảnh hay bất cứ sự việc như thế nào, tâm trí các vị ấy cũng thanh thản, vắng lặng, bất động! Phật đạo gọi thấy biết và tâm cảnh như vậy là người đắc pháp nhãn!
Tất nhiên, tuỳ thuộc vào cảnh giới giác ngộ, mức độ thanh thản, vắng lặng, bất động sẽ sâu hay cạn! Vì rằng, từ sơ ngộ đến thành tựu viên mãn pháp nhãn, người tu hành phải trải qua nhiều cảnh giới tu chứng khác nhau từ thấp lên cao! Ta có thể hiểu, đó là quá trình thành tựu của tứ thánh quả Thanh Văn, hay sự tiếp nối các địa vị của thập trụ Bồ Tát! Tâm từ bi của pháp nhãn trong hoàn cảnh này, được thể hiện thông qua “Pháp Duyên Từ”!
-Đối với những vị có trí tuệ thì: Trước thiên tai hay hoàn cảnh bất kì! Ngoài việc vị này biết rõ ba thứ nhãn trên cảm nhận sự việc đó như thế nào, vị ấy còn thấy rõ bản chất sự việc, cũng như thật biết mức độ thành tựu của các thứ nhãn kia có được là do huân tu những pháp lành nào! Thấy biết này, Phật đạo gọi là thấy biết của huệ nhãn!
Với những thấy biết như vậy! Do nguyện lực, do từ bi lực, do phương tiện lực... Dưới ánh sáng của trí tuệ, lập tức các phương tiện thù thắng sẽ được vị có huệ nhãn dùng bốn nhiếp pháp tiếp cận, khiến các nhãn kia có những thành tựu vi diệu hơn! Từ bi tâm của huệ nhãn trong hoàn cảnh này, được khai phát từ chủng tử “Chúng Sanh Duyên Từ”!
-Đối với Phật nhãn: Phật nhãn là cái thấy của “Vô Duyên Từ” nên, ở đâu có Phật nhãn rọi đến, dữ biến thành lành, nguy biến thành an!
Điều này được thể hiện qua những câu chuyện: Năm trăm con voi say, chuyện tăng đoàn và khu rừng bị cháy, chuyện bà Vi Đề Hi chứng vô sanh, chuyện Ương Quật Ma La và người phụ nữ vượt cạn, chuyện chim cắt và bồ câu, chuyện Thế Tôn và tăng đoàn bị ngoại đạo dùng chiến thuật huỷ diệt, chuyện Phật nhiếp phục Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp cùng 1200 đồ chúng, chuyện lúa ngựa...v..v...
Tóm lại, ngũ nhãn hay năm con mắt trong Phật đạo, là năm tầng nhận thức, năm mức độ ảnh hưởng tâm trí của năm cảnh giới từ phàm phu đến Phật khi xúc đối cảnh duyên!
Để có thể cảm nhận các thứ nhãn, đoạn kinh Đại Niết Bàn sau, sẽ giúp các bạn hiểu ra nhãn lực trong Phật đạo là thấy những gì! “Phật dạy! Ta dùng Phật nhãn, quán sát hết thảy đại địa, nhật nguyệt, tinh tú, núi non, sông ngoài, hữu tình, vô tình...v..v... Tất cả không một pháp có được”! Lời kinh trên hàm ý rằng, dưới ánh sáng của Phật nhãn, từ vũ trụ cho đến nhân sinh, tự các thứ ấy chẳng phải là pháp, và bản chất của nó không từng là một pháp!
B: Thưa SH! Còn việc tu tập như thế nào để thành tựu từng loại nhãn?
A: Về việc tu tập như thế nào, để thành tựu các loại nhãn, cũng như thân chứng đến đâu mới có thể phát huy nhãn lực! Chúng ta tạm sơ lược như sau:
1)Về nhục nhãn: Nhục nhãn hay thế gian nhãn, là thấy biết của một người bình thường! Nhãn quan của thế gian tuỳ thuộc vào: Nghiệp quả, văn hoá, xã hội, giai cấp, tôn giáo, tín ngưỡng...v..v... Nhãn quan này mọi người đều có, đều biết! Vì thế, không cần thiết phải bàn luận!
2)Về thiên nhãn: Muốn có được thiên nhãn, phải là người chuyên tu “Tứ Thiền Bát Định”! Và, vị ấy phải thành tựu viên mãn ít nhất một thú, trong tám thú của bốn thiền hoặc bốn định!
3)Về pháp nhãn: Muốn thành tựu pháp nhãn, phải là người giác ngộ trong Phật đạo! Từ sơ giác khai pháp nhãn tịnh, đến viên mãn diệt đế thành tựu rốt ráo nhãn lực của pháp nhãn, vị này phải lần lượt trải qua các giai đoạn hết khổ, dứt tập và chứng diệt! Trong quá trình vượt qua ba đế trên, nhãn lực sẽ thăng tiến theo từng giai đoạn! Nếu là Nhị Thừa, nhãn lực ở giai đoạn này có tên là huệ nhãn!
4)Về huệ nhãn: Có ba cấp độ!
-Cấp độ thứ nhất: Bồ Tát đăng địa, huệ nhãn có được là do tu hành sanh, nhãn lực của cấp độ này đồng với hư không nhãn! Nếu là nhãn lực của Nhị Thừa và Bồ Tát Quyền Thừa, nhãn lực này sẽ có tên là pháp nhãn!
-Cấp độ thứ hai: Bồ Tát vào Như Lai Địa, huệ nhãn có được do trí tuệ sanh, nhãn lực của cấp độ này tương đương với Nhất Thiết Trí Lực!
-Cấp độ thứ ba: Bồ Tát vào Phật địa, huệ nhãn có được do công hạnh sanh, đồng với Phật Lực!
5)Về Phật nhãn: Có hai cấp độ!
-Cấp độ thứ nhất: Phật nhãn của Bồ Tát thị hiện hậu biên thân! Tương đương nhãn lực của Pháp Vân Địa!
-Cấp độ thứ hai! Phật nhãn của Đẳng Chánh Giác thuộc tối hậu thân! Đồng Phật nhãn của ba đời chư Phật!
B: Thưa SH! SH có thể cho biết, đối với Phật đạo, công dụng của các thứ nhãn trên dùng vào mục đích gì?
A: Như đã nói ở phần trên, ngũ nhãn là năm tầng nhận thức, tương ưng với năm cảnh giới tu tập!
Giống như người đời, khi đối trước một sự việc bất kì, nhận thức và văn hoá của một người sẽ cho ra thấy biết và nhận định của người đó về sự việc! Chỉ cần nghe quan điểm, chỉ cần nhìn cách ứng xử của họ, ta có thể biết một số nét cơ bản về con người đó!
Trong Phật đạo cũng như thế! Trước một sự việc, trước một lời kinh, trước một nạn vấn...v..v...nhận thức của mỗi cảnh giới tu chứng, sẽ cho ra những kiến giải, cũng như cung cách ứng xử tương ưng với cảnh giới người đó thành tựu!
Vì thế, ta có thể tạm coi, nhãn lực chính là tướng của tu chứng! Nhãn lực thế nào, tu chứng sẽ như thế ấy! Giống như mỗi loài chim, đều có tiếng hót riêng, mỗi loài thú có dấu chân riêng! Nhờ vào đó, người săn thú, bẫy chim biết chắc con vật ta đang đối diện thuộc chủng loại nào! Bồ Tát tiếp cận và đánh giá đối tượng sắp được giáo hoá cũng như thế, giống như người săn thú bẫy chim, từ đó sẽ có những phương tiện thù thắng và tức thì được đưa ra, gọi là đương cơ!
B: Thưa SH! Người có nhãn lực thấp, có thể biết được tâm cảnh của người có nhãn lực cao hơn hay không?
A: Tuyệt đối không! Trong Phật đạo, nhục nhãn vô lượng lần không thể biết tâm cảnh của thiên nhãn! Thiên nhãn vô lượng lần chẳng thể biết tâm cảnh pháp nhãn! Pháp nhãn vô lượng lần không thể biết tâm cảnh huệ nhãn! Huệ nhãn vô lượng lần không thể biết tâm cảnh Phật nhãn!
Ngược lại, người có nhãn lực cao hơn, sẽ biết rất rõ tâm cảnh của người có nhãn lực thấp hơn! Những điều như thế, trong kinh nói rất rõ! Về ngũ nhãn, mọi người còn thắc mắc điều gì không?
LM: Mọi thứ SH đã giải thích cặn kẽ, muội không còn gì thắc mắc!
Nghe SH giải thích, muội so sánh với tâm ý của mình! Đúng như những điều SH vừa cắt nghĩa về nhãn lực, cũng một sự việc xảy ra, trước đây muội thấy khác, sau khi giác ngộ muội thấy khác...và bây giờ, cũng sự việc đó, trong lòng muội thấy khác!
Thấy biết và tâm trí của muội đã thay đổi theo từng giai đoạn tu tập, muội nhận ra điều này rất rõ, nhưng không biết các thay đổi đó là sự thay đổi nhãn lực của người tu tập đúng chánh pháp! Nào ngờ, nhãn lực trong Phật đạo là như thế!
Hèn chi! Nhờ nhãn lực cao thâm, khi nghe một câu chuyện, đọc một bài viết, nhìn qua một lời bình...v..v...tức thì SH liền chỉ ra cái sai, cái không thấu tình đạt lí, lời nào của người thực chứng, lời nào của kẻ dùng thức suy lường, lời nào của kiến giải, lời nào tương ưng cảnh giới nào, mà SH không cần suy nghĩ! Việc này trước đây Lã Muội thắc mắc vì sao SH tài thế, nay đã được giải toả!
Điều này phù hợp với câu nói của SH lúc tiểu muội mới quen! “Người thông thuộc Phật đạo, khi đọc một đoạn văn, nghe một câu chuyện..v..v... có liên quan đến Phật pháp, giống như người ta ăn cơm, chỉ cần trong cơm lộn một hạt sạn dù nhỏ, lúc nhai người đó sẽ phát hiện ra tức thì, mà không cần suy nghĩ”! Hi hi hi hi !!! Thì ra bí mật của SH có một phần của nhãn lực! Cho nên, lời văn nào kẹt tứ cú, lời văn nào bị bốn bịnh, lời văn nào dính bốn tướng, lời văn nào của thế pháp, lời văn nào thuộc thánh pháp...v..v...tất cả đều bị nhãn lực của SH soi thấu!
Chúng đệ muội xin đê đầu cảm tạ SH đã bao lần khai nhãn lực cho chúng muội! Muội nguyện phải tu hành để có thể thành tựu nhãn lực cao thâm, nhờ đó khi nghe, đọc...có thể nhận ra lời nào là chánh kiến, lời nào là tà luận! Muội suy nghĩ, nếu không có được một nhãn lực như thế, thật khó phân biệt vàng thau lẫn lộn trong mớ hỗn độn luận giải, hay những câu chuyện có liên quan đến Phật đạo! Xin vạn lần tri ân bài pháp hôm nay !!!
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






