Ba Đời Sống Của Năm Thừa

 0
Ba Đời Sống Của Năm Thừa

Các bạn!!!

Hôm qua, mình có trao đổi với một vài bằng hữu về ba đời sống của năm thừa trong Phật đạo. Bây giờ xin chia sẻ lại với các bạn.

1. Đời sống dành cho Nhân, Thiên thừa.

- Là đời sống được xây dựng trên nền tảng của mười tập nhân. Từ mười tập nhân này, khi đủ duyên sẽ làm thành kiết sử, kiết sử lôi kéo trói buộc, khiến chúng sanh chịu nhiều phiền não, trôi lăn trong sáu đường. Sáu đường là kết quả của sự giao thoa giữa tập nhân và thấy nghe hay biết, kinh gọi là giao báo.

- Tập nhân không thật có, chỉ do huân tập lâu đời. Nếu không tu hành để giác ngộ, ôm giữ nó trong lòng, khi đủ duyên trở thành kiết sử, nhất định bất hạnh xảy ra đối với chúng sanh này là điều không tránh khỏi.

- Cho nên có thể nói, chúng sanh là những hữu tình lấy tập nhân làm đời sống, hay khác hơn, đời sống của họ là sự nối tiếp của những tập nhân (xin xem mười tập nhân và sáu giao báo trong kinh Thủ Lăng Nghiêm).

- Vì thế Nhân, Thiên thừa phải luôn cảnh giác, không tạo cơ hội để tập nhân của quá khứ kết thành quả kiết sử trong hiện tại. Phải biết ngăn chặn, quở trách các thứ duyên có liên hệ đến tập nhân và kiết sử, lâu dần tập nhân tịch diệt. Giống như người ta lỡ gieo phải hạt đắng, đã lỡ gieo hạt đắng, phải ngăn chặn quả đắng hình thành từ cây đắng, ngăn chặn bằng cách dừng các duyên chăm bón, hoặc đốn bỏ cái cây. Có bốn thứ duyên để từ nhân duyên hình thành quả báo, đó là: Nhân duyên, thứ đệ duyên, tăng thượng duyên và sở duyên duyên... Có một duyên để cây đắng vĩnh viễn khô héo là đẳng vô gián duyên...

- Đối với tập nhân trong lòng cũng như vậy, chỉ cần cảnh giác, ở yên không vọng tưởng, hộ trì thấy nghe. Nơi thấy nghe không chấp thủ để sanh ngã, giác ngộ sự huyễn hóa của vạn pháp... lâu dần tập nhân sẽ mất. Kiết sử không còn hiện khởi, nguy cơ bất hạnh trong đời sống sẽ giảm thiểu đến mức thấp nhất.

2. Đời sống Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát sơ phát tâm.

- Những thừa này xây dựng đời sống trên nền tảng Thánh hạnh. Thánh hạnh là một đời sống bao gồm Thánh kiến, Thánh trí, Thánh giới, Thánh oai nghi... 

- Đây là loại đời sống được Phật “lập trình” sẵn, “cài đặt” vào người tu hành gồm cả lý và sự.

+: Gồm những kiến giải về căn thân, thế giới, sự nguy hại của những tiếp xúc không cần thiết, giá trị của hộ trì... 

+ Sự: Gồm có, như thế nào là đời sống bậc Thánh, sự cần thiết phải giác ngộ, làm thế nào để giải thoát, cũng như phép tắc ứng dụng những nguyên lý cơ bản của hai pháp này..

- Ba thừa chỉ cần “khởi động và chạy theo hệ điều hành” này, mọi bất hạnh nhất định không có cơ hội hiện khởi, vì tất cả nguyên nhân dẫn đến khổ đau, sanh diệt đều đã bị triệt tiêu. Giống như một máy tính (computer) được cài đặt bởi hệ điều hành tốt và hỗ trợ bằng một chương trình diệt vi rút hiệu quả, máy này sẽ hoạt động bình thường, không trở ngại...

- Đời sống này, phần lớn thành tựu từ những kiến giải bán tự. Có nghĩa, mọi sự việc, mọi hiện tượng được cắt nghĩa thông qua biện chứng pháp, phép biện chứng này giải quyết thoả đáng những hoài nghi về phiền não sanh tử, học tập và ứng dụng triệt để những kiến thức đó, giúp người tu hành xa lìa thế gian đa sự, tịch diệt vĩnh viễn mọi nguyên nhân sanh khổ. 

- Bán tự chỉ nhằm giải thích hiện tượng và chủ yếu triệt tiêu hiện tượng hơn là đề cập đến bản chất vấn đề. Nói chung đây là loại văn hóa yểm ly, được xây dựng trên một y báo hoàn hảo, từ y báo này giúp chánh báo giải thoát, chứng thanh tịnh bất động.

3. Đời sống của Bồ Tát nhất thừa và Phật.

- Đây là đời sống được xây dựng trên nền tảng Trí tuệ và Tứ vô lượng tâm. Trí tuệ là sự thấu triệt chân lý tuyệt đối, Tứ vô lượng tâm là sự diệu dụng của chân lý tuyệt đối này.

- Đây là văn hóa liễu nghĩa, văn hóa này ra khỏi nghĩ bàn của ba thừa. Nó là sự hoạt dụng từ chân lý tuyệt đối nên, đời sống, ngữ ngôn, hành động... không theo một lô gich thông thường!!!

Giống như người mẹ và đứa con. Khi đứa con khóc, người mẹ ru bằng câu ca dao hoặc tiếng à ơi!!! Lời ru bất kể mang ý nghĩa như thế nào, kết quả đứa bé sẽ ngủ ngon...

- Người mẹ không lý giải cho đứa con biết ý nghĩa của phiền não khi khóc, không phân tích lợi hại của thức hoặc ngủ, cũng không cắt nghĩa thấu tình đạt lý về câu ca dao hay tiếng à ơi... Nhưng lời ru đã làm cho đứa bé yên lòng nín khóc!!!

- Câu ca dao được người mẹ hát lên trong hoàn cảnh này, nếu đem phân tích trên bình diện ngữ ngôn thì, ý nghĩa câu ca dao hoặc lời ru à ơi không ăn nhập gì đến chuyện khóc hay nín, chuyện thức hay ngủ của đứa bé, thế nhưng khi đứa bé nghe được lời ru sẽ an vui!!! Đây mới là giá trị đích thực của người mẹ, nó chính là giá trị cao nhất của chân lý tuyệt đối, chỉ có người mẹ mới thấu triệt chân lý này, và chỉ có đứa con mới đủ sức cảm thụ hết ý nghĩa ẩn chứa trong đó!!! Điều gì đã làm cho đứa bé yên lòng, ý nghĩa lời ru hay ngôn âm của người mẹ??? Đây là điều khó hiểu của văn hoá liễu nghĩa!!!

- Nếu có một chuyên gia ngôn ngữ nào đó, khi nghe người mẹ ru con và phân tích ý nghĩa của lời ru, thì sự phân tích này chỉ đúng về ý nghĩa ngữ ngôn, giới hạn trong bình diện bán tự. Giá trị của những phân tích này nếu được ứng dụng, nhất định không cho ra kết quả thực tế như tiếng mẹ ru con. Và chuyên gia này nhất định thất bại trong việc làm mẹ, nếu chỉ nhờ vào sự thông tuệ mang nặng lý trí và những phân tích hàn lâm của mình!!!

- Vì thế, trong Thiền môn có thuật ngữ “dĩ tâm truyền tâm” có nghĩa lấy lời ru làm dứt phiền não của đứa trẻ. Cho nên "từ tâm" là một thành tố quan trọng của mãn tự. Khi có được tâm này, mọi ngữ ngôn, hành động đều có thể trở thành mãn tự!!!

Giống như Phật tuyên chú, những ngôn âm vô nghĩa, nhưng lại làm cho những học trò "thiểu năng trí tuệ", hay "chúng sanh dị biệt", có thể đạt thẳng cảnh giới thanh tịnh, phát sinh công đức. Công đức phát sinh không phải từ ý nghĩa câu thần chú, mà nó là hệ quả tâm lãnh nào đó của lời ru “yết đế ba la”!!!

- Không phải vô cớ mà mọi người tu hành đều gọi Thế Tôn là “Đấng Từ Phụ”, họ không gọi Phật là “Đấng Sư Phụ” tất nhiên là có nguyên nhân của nó... Danh hiệu Thiên Nhân Sư đối với Phật tử mà nói, danh xưng này mang tính đối ngoại hơn là tình cảm trong lòng.

- Nghe Phật pháp bằng Tâm, hiểu Phật pháp bằng Tâm là nghệ thuật cảm thụ, từ nghệ thuật này mới đưa đến Giác Ngộ chơn thiệt.

- Còn nếu, chỉ thuần túy phân tích ý nghĩa đúng sai cao thấp của một pháp bằng lý trí, đây chỉ là hành động thụ hưởng một nền giáo dục thế gian qua văn tự Phật Giáo. Điều này chỉ có thể hoàn hảo về mặt bán tự, cho dù ý nghĩa đó có cao tột đến đâu kể cả phân tích thế nào là mãn tự.

Tu Bồ Đề thế lụy bi khấp...!!!". Cái khóc của một La Hán hôm nào, là pháp lành làm nên cơ duyên để Bát Nhã ra đời. Cái khóc này, mới là cảm thụ đặc biệt của đứa con trước lời ru của người mẹ, nhờ những lời ru đầu đời, đứa con trưởng thành theo năm tháng, vượt ra khỏi trói buộc của bán tự. Để rồi, một vị Thánh như Tu Bồ Đề phải thốt lên: “Hy hữu thay Thế Tôn!!! Thế Tôn thiện hộ niệm chư Bồ Tát, thiện phó chúc chư Bồ Tát...”!!!

- Hy vọng phân tích nhỏ ở trên, có thể giúp mọi người có cái nhìn tổng thể bức tranh Phật Giáo. Một khi có cái nhìn này, sẽ tự điều chỉnh công việc tu tập của mình, loại khỏi tâm tưởng những gì cần loại bỏ, nuôi dưỡng trong lòng những gì cần nuôi dưỡng, để tìm thấy chân lý tuyệt đối qua những lời ru mãn tự của Đấng Từ Phụ...

- Mãn tự chỉ có từ chân lý tuyệt đối, và một đời sống xây dựng trên sức hoạt dụng của nó, gọi là bốn tâm vô lượng, vì thế kinh Đại Niết Bàn Phật dạy: “Phật pháp lấy Từ Bi làm căn bản”. 

Khi tâm Từ hiện khởi, thì mọi ý nghĩa, mọi ngôn thuyết đều là mãn tự. Thấu suốt “mãn tự” mới có thể giúp mình, giúp người hiệu quả.

Cũng trong kinh Đại Niết Bàn Phật dạy: “Bồ Tát... thấy Phật tánh, thành Đẳng Chánh Giác...” Điều này có ý nghĩa quyết định khi người Phật Tử biết xây dựng cho mình “một đời sống tu hành như pháp". Tu hành như pháp là tu hành có định hướng, có hành trình. Tu hành có định hướng, có hành trình và phù hợp với hoàn cảnh thực tế là cực kỳ quan trọng để tiến tới thành công!!!      

(05-2011)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG