Vì Sao Tứ Niệm Xứ Là Cội Nguồn Của Đạo Pháp

 0
Vì Sao Tứ Niệm Xứ Là Cội Nguồn Của Đạo Pháp

Hỏi: Dựa trên cơ sở nào để người tu hành thành tựu các đạo quả trong Phật Đạo. Cụ thể, đó là Thiền Định, Tứ Diệu Đế và các loại Niết Bàn?

Đáp: Thông thường, người đời chạy ra bên ngoài để tìm kiếm thành công. Người tu hành trong Phật Đạo thì ngược lại, muốn thành công trong Đạo Pháp, phải quay trở về cội nguồn của Đạo. Đó là Tứ Niệm Xứ để tìm thấy Thiền Định, thành tựu Tứ Diệu Đế và chứng thực các loại Niết Bàn.

Hỏi: Vì sao Tứ Niệm Xứ là cội nguồn của Đạo Pháp?

Đáp: Đạo Phật là Đạo Diệt Khổ, là Đạo Giác Ngộ, là Đạo Giải Thoát và là Đạo Trí Tuệ.

− Tứ Niệm Xứ chính là Khổ Đế. 

− Tứ Niệm Xứ chính là Thiền Xứ.

− Tứ Niệm Xứ chính là Tập Đế và Dứt Tập Đế. 

− Tứ Niệm Xứ chính là Khổ Diệt Đế và Dứt Khổ Diệt Đế. 

− Tứ Niệm Xứ chính là Khổ Đạo Đế và Tứ Trí Đế. 

− Tứ Niệm Xứ chính là Trung Đạo để Chư Phật mở Từ Bi Tâm khai phát Chân Giáo. 

Vì thế, muốn thành tựu Thiền Định, Tứ Đế, các quả vị của Phật Đạo cho đến các thứ Niết Bàn cùng Thật Trí, “người tu hành không thể tìm kiếm những thứ này ngoài Tứ Niệm Xứ”.

Hỏi: Xin nói rõ, như thế nào gọi là lấy Tứ Niệm Xứ để thành tựu các món nói trên?

Đáp: Có năm giai đoạn, người tu hành phải dựa trên Tứ Niệm Xứ, để lần lượt thành tựu viên mãn các thứ nói trên.

֎Muốn diệt khổ: Người tu hành phải biết rằng, do xưa nay ta mê lầm Thân, mê lầm Thọ, mê lầm Tâm, mê lầm Pháp nên mới có sự khổ xảy ra đối với chính ta. Nếu không mê lầm bốn món trên, thì sự khổ sẽ không xuất hiện.

Giống như trong bóng tối, người ta lầm sợi dây thành con rắn, nên chịu khổ não. Nếu người này thấy hoặc biết rõ con rắn đó chỉ là sợi dây thì mọi nỗi khổ và sợ hãi sẽ tức thì chấm dứt. Thấy được như vậy, tâm vị này an vui, thân vị này nhẹ nhàng. Mọi thứ khổ não sẽ tịch diệt, nhường chỗ cho an vui chân thật của Thiền Định xuất sinh.

Từ đây mới biết rằng, mỗi chúng sanh tự sẵn đủ Thiền Định chỉ do ngộ nhận Bốn Niệm Xứ mà Thiền Định bị khổ não che lấp. Phật Đạo gọi việc làm này là người thấy Khổ”.

֎Muốn Giác Ngộ: Người tu hành phải thấy cho được nhân duyên thành tựu Thân này, nhân duyên hình thành các cảm Thọ, nhân duyên phát sinh hư vọng Tâm, nguyên nhân sinh khởi cấu pháp và bất tịnh Pháp.

Thấy được những nguyên nhân như vậy, sẽ không bị bốn món trên mê hoặc. Một khi không còn bị mê hoặc, người này tức thì có được sự an lạc, có được thảnh thơi khi cộng trú với bốn món này. Có nghĩa rằng, cộng trú chứ không cộng sinh. Do không cộng sinh với bốn Niệm Xứ nên ngã không sanh, ngã không sanh Kiết Sử không sanh. 

Giống như trong đêm tối, trước một con rắn dữ, người này thắp lên ngọn đèn thật sáng. Dưới ánh sáng của ngọn đèn, con rắn bây giờ hiện nguyên hình là sợi dây. Mọi hoài nghi, mọi hãi sợ về con rắn hoàn toàn biến mất, nhường chỗ cho an lạc, thảnh thơi và vĩnh viễn sự nhầm lẫn từ sợi dây thành con rắn không thể hiện khởi. Thấy được như vậy, mọi trói buộc và sai sử từ Tứ Niệm Xứ không còn nữa. Một khi bốn món trên không còn trói buộc và sai sử. Có nghĩa rằng, thân phận của kẻ làm nô lệ cho các Niệm Xứ được giải thoát thì các Kiết Sử cũng tự giải phóng ra khỏi chính họ.

Trong sự giải phóng hoàn toàn Kiết Sử này, Phật Đạo gọi đó là “Người Dứt Tập”.

֎Muốn Giải Thoát rốt ráo: Người tu hành phải thấy cho được bản chất của bốn món Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Khi thấy đúng bản chất của bốn món trên, bây giờ người tu hành mới vỡ lẽ ra. Xưa nay, bản chất của Thân không cột không mở (không phược không thoát). Bản chất của Thọ chẳng khổ chẳng vui (bất khổ bất lạc). Bản chất của Tâm chẳng thường chẳng vô thường. Bản chất của Pháp chỉ do quan niệm mà thành, tự nó không chân lý nên chẳng thể trở thành thiện ác.

Giống như người ta thấy được bản chất của sợi dây, tự nó không cột không mở, tự nó không là hiểm họa của khủng bố hay bình an (nên được vô bố úy), tự nó không có những tính chất của sợ hãi hay an vui, tự nó không có ngã cùng vô ngã (nên chẳng thiện chẳng ác). 

Thấy được như vậy, người này sẽ thành tựu “cứu cánh rốt ráo không”, tức là không thấy tánh, không thấy tướng, không thấy hữu vi, không thấy vô vi. Thân chứng Tất Cánh Không của Diệt Đế”.

֎Muốn có Trí Tuệ: Người tu hành sau khi dùng Chánh Tư Duy để biết rõ bản chất của Thân, Thọ, Tâm, Pháp mới lặng lẽ quan sát bốn Niệm Xứ.

Lặng lẽ quan sát Thân, Thọ, Tâm, Pháp đến một lúc nào đó, vị tu hành trực nhận ra bản lai của bốn món này”. Chừng ấy, trong sự trực nhận, vị tu hành mới thấy biết đích thực “Thiệt Tướng” của bốn món này lìa giả lìa chân. Tức là, nơi Thiệt Tướng không có sự dự phần của khái niệm giả hay chân. Chỉ khi nào, hai phạm trù giả chân không còn một mảy may bóng dáng thừa sót trong tâm thức này, chừng ấy vị tu hành mới biết rằng, thế nào là Đạo Đế của Phật Đạo. Thấy như vậy, Phật Đạo gọi đó là “vị có Trí Tuệ” !

֎Thành tựu Đạo Đế rồi, để phát khởi Thật Trí: Vị này quan sát hết thảy chúng sanh, thấy rằng các hữu tình kia cũng đồng nguồn đạo như ta, chỉ vì họ lầm nhận bốn Niệm Xứ, nên bị bốn món này làm cho điên đảo.

Thấy như thế, vị tu hành này phát khởi Đại Bi Tâm, tìm học các món phương tiện, lúc dùng quyền, lúc dùng thiệt, lúc nói Ấm, lúc nói Uẩn, lúc nói Xứ, lúc nói Giới, lúc nói Giác, lúc nói Quán.

Để khiến hết thảy chúng sanh cũng được thấy biết như mình, gọi là “thể nhập Thật Trí”. Thể nhập Thật Trí chính là Trung Đạo.

 “Trung Đạo chính là con đường Chư Phật, Chư Bồ Tát đã đi, đang đi và sẽ đi”.

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 1
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 1
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG