Tánh Biết Đại Định Thường Định

Tánh Biết - Đại Định - Thường Định !!!
Các bạn !!!
Tiếp theo câu hỏi từ chuyên mục Bạn Đọc Hỏi - Lý Tứ Trả Lời kì 07/2023 !!! Hôm nay, mình lại nhận tiếp một câu hỏi cũng của bạn đọc Tuấn Nguyễn ở Trà Vinh !!! Nội dung câu hỏi như sau:
“Xin lỗi do chưa rành về vi tính nên nó phân đoạn, xin hỏi tiếp theo:
Còn người kiến tánh do dụng công ở trên tâm (hay tánh biết) trong cuộc sống là đi đứng nằm ngồi nên nhận ra Thường Định. Xin Thầy giảng dùm giữa Đại Định và Thường Định khác nhau như thế nào, xin cảm ơn Thầy." - 18/06/2023 - 15:20:12 - Tuấn Nguyễn ở Trà Vinh.
Bạn Tuấn Nguyễn thân mến !!!
Như những gì mình đã trả lời ở kì vừa rồi (07/2023)… Trong Phật đạo, kiến tánh có đến ba giai đoạn !!! Mỗi giai đoạn kiến tánh biểu hiện cho việc người tu hành đã gọt dũa vô minh thứ lớp, từ cạn đến sâu, từ thô đến tế theo ba giai đoạn là Nhuận Chi Vô Minh, Căn Bản Vô Minh và Vô Minh Trụ Địa:
1) Kiến Tánh Biết (hay Tánh Giác): Đây là giai đoạn người tu hành đã trừ diệt phần lớn (không hoàn toàn) lậu hoặc, gồm: Khổ, phiền não, kiết sử, mê mờ…Nhờ các lậu hoặc nêu trên đã được trừ diệt phần lớn, nên tâm thức của vị ấy giảm thiểu đến mức thấp nhất việc nhiễm ô…!!! Vì thế, thấy biết tương đối không bị hoặc loạn, một chút thanh tịnh phát sinh…!!!
Thành tựu giai đoạn này, thuộc về Thế Đế (của Nhị Đế, không phải Thánh Đế)… Nên, nếu không được hộ trì, không được tiếp tục học tập, người này rất dễ phát sinh tà kiến…Tà kiến vì nhầm tưởng cái thấy đó là Tự Tánh hay Phật Tánh…Từ đó, cho rằng việc học tập đã xong, ngỡ rằng tự thân là Phật, là Thánh…Nhưng kì thật, trí tuệ của họ chỉ hơn phàm tình một chút…Và, nguy cơ thối chuyển, phiền não, khổ, kiết sử, mê mờ tái nhiễm ô trở lại là điều khó tránh khỏi…!!! Thành tựu này, hay thấy Tánh Biết, chỉ tương đương với quá trình chấm dứt Nhuận Chi Vô Minh…!!!
2) Kiến Tự Tánh: Đây là giai đoạn sau khi thấy Tánh Biết, vị tu hành này tiếp tục học tập nâng cao, được đạo sư khai thị để “Minh Tâm Kiến Tánh”…Thấy rõ Bổn Tâm (Tự Tâm), Bổn Tánh (Tự Tánh)…!!!
Giống như giai đoạn Lục Tổ Huệ Năng sau khi nghe Kim Cang, tự ngộ “tâm tự không” (bổn lai vô nhất vật), sau đó Huệ Năng phải đến Ngũ Tổ để cầu học và được Ngũ Tổ khai thị lần nữa (xem câu chuyện Lục Tổ lên thất Ngũ Tổ) trong lần trao Y Bát…!!! Sau khi nghe khai thị xong, Lục Tổ bèn giác ngộ và thốt lên: “Nào dè tự tánh vốn tự thanh tịnh, nào dè tự tánh vốn không sanh diệt…vv…” !!! Giai đoạn này, người tu hành mới được coi là bất thối chuyển, thành tựu Căn Bản Trí…Dứt hoàn toàn Căn Bản Vô Minh để sau đó thành tựu Sai Biệt Trí hay Hậu Đắc Trí… Chỉ từ giai đoạn này, tà kiến mới không thể phát sinh, giống như vàng trong quặng đã được tinh luyện thành vàng y…Không thể trở lại thành vàng quặng cho dù chúng ở đâu…!!!
3) Kiến Phật Tánh: Đây là giai đoạn tối hậu sau khi đã kiến Tánh Biết và Kiến Tự Tánh…!!! Giai đoạn này thành tựu sau khi viên mãn Nhất Thiết Trí…Ở giai đoạn này, trí tuệ không còn mê mờ nên, những gì Phật thấy vị này thấy, những gì Phật biết vị này biết, những gì Phật chứng vị này chứng… Giống như câu chuyện Phật bố cáo trước đại chúng về ngài Ca Diếp (Nhị Tổ): “Những gì ta thấy Ca Diếp thấy, những gì ta biết Ca Diếp biết, những gì ta chứng Ca Diếp chứng…” !!!
Khác hơn, thấy biết của vị đã “Kiến Phật Tánh” là thấy biết của một vị Phật, vị này tuyên thuyết như Phật, không còn một chút u tối nào, gọi là dứt Vô Minh Trụ Địa…!!! Tuy thấy biết không khác Phật, nhưng công đức và công hạnh hoàn toàn thua kém Phật, Phật đạo gọi là “tướng đệ tử”…!!! Để đủ công đức, thành Đẳng Chánh Giác (Phật 10 danh hiệu), vị này phải trải qua 1 vô số kiếp làm công hạnh của Đẳng Giác và Diệu Giác Bồ Tát…!!!
Về thắc mắc của bạn, mình xin trả lời như sau:
A- Nếu người tu hành Kiến Tánh chỉ ở giai đoạn thấy Tánh Biết (Kiến Tánh Giác) thì, tâm thức vị này chưa được coi là “Thường Định”…!!! Vì rằng, thấy biết đó chỉ là kết quả của Thế Đế, chưa phải Đệ Nhất Nghĩa Đế (Thánh Đế)…Tuy nhiên, nhờ cái thấy này nên nếu vị ấy cần cù tinh tấn, các lậu hoặc sẽ tịch diệt dần dần…Điều kiện là, vị này không bị lạc vào tà kiến và không nhầm tưởng rằng đây là Tự Tánh hay Phật Tánh…!!!
B- Người Kiến Tánh cho dù Kiến Tánh ở giai đoạn nào cũng đều không phát xuất từ việc dụng công, hay do dụng công mà thành…Vì, Kiến Tánh là hệ quả tất yếu của việc “thay đổi nhận thức” chứ không phải kết quả của việc “dụng công”…!!!
C- Thường Định là khái niệm (hay cảnh giới) của Phật đạo dùng để chỉ cho những vị đã Minh Tâm Kiến Tánh hay Kiến Tự Tánh (dứt Căn Bản và Nhuận Chi Vô Minh)…!!! Đây là giai đoạn mà tâm thức của vị ấy không bị chi phối bởi không gian và thời gian…một thứ tâm thức hoàn toàn “không sanh diệt” !!!
D- Đại Định là khái niệm (hay cảnh giới) nhằm chỉ cho vị đã Kiến Phật Tánh…Tức, thấy biết như một vị Phật…!!! Đây là cảnh giới của: Thân, khẩu, ý hành động theo trí tuệ (Thân, khẩu, ý tuỳ trí tuệ hành), một trong 18 Bất Cộng Pháp của chư Phật (xem Thập Bát Bất Cộng)…!!!
Bạn Tuấn và Bạn Đọc thân mến !!!
Kiến Tánh là cảnh giới của Phật đạo rất được người tu hành quan tâm !!! Tuy nhiên, đây là những cảnh giới thuộc về thực chứng chứ không thuộc về suy luận…!!! Cho nên, người tu hành thường nhầm lẫn, từ đó phát sinh các hiểu biết sai lệch về các giai đoạn Kiến Tánh, vì thế dễ phát sinh tà kiến, từ tà kiến này, họ nhầm tưởng đã về đến “ngôi nhà” của chư Phật, vì thế con đường học tập của họ nhất định ngưng trệ, đi vào lối rẽ, hệ quả là không thể giác ngộ chân thật…!!!
Hy vọng, những giải thích ở trên, có thể giúp Tuấn và bạn đọc của chuyên mục có cái nhìn khái quát về những giai đoạn Kiến tánh trong Phật đạo, cũng như nhận ra sự khác biệt giữa các tầng bậc tu hành…Từ đó, nhất tâm, cần cầu, tinh tấn mới không sai lệch !!!
Chúc các bạn an vui, tinh tấn !!!
Rất mong, nhận được các câu hỏi lí thú và bổ ích từ mọi người !!!
21/06/2023
LÝ TỨ
Các bạn có thể gửi câu hỏi theo đường link sau:
- Hoặc đặt câu hỏi trực tiếp từ Website LyTu.Vn !!!
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






