Phát Nguyện Trong Bồ Tát Đạo

 0
Phát Nguyện Trong Bồ Tát Đạo

Hỏi: Phát Nguyện quan trọng như thế nào trong Bồ Tát Đạo?

Trả lời: Để suốt thấu sự quan trọng của “Phát Nguyện” trong đời sống tu hành, mọi hành giả nên quán chiếu những điều sau đây:

1. Phát nguyện có ba phương thức.

1) Tự hứa với lòng mình: Đối trước tự tâm phát nguyện, đây là nền tảng làm thay đổi hành vi.

2) Hứa trước ba cõi: Đối trước muôn cảnh, muôn pháp phát nguyện, đây là nền tảng để nảy nở từ bi.

3) Hứa với Chư Phật: Đối trước thanh tịnh tâm phát nguyện, đây là nền tảng để lời nguyện thành Ba La Mật, một trong những ý nghĩa của pháp Hồi Hướng.

- Muốn thành tựu những điều này, Bồ Tát phải phát nguyện thường xuyên. Mục đích của “phát nguyện thường xuyên” là biến lời hứa này trở thành hiện thực.

- Người tu tập một khi phàm tâm chưa sạch thì lời hứa khi nhớ khi quên. Để tránh nhớ quên vô thường, người tu hành phải luôn luôn phát nguyện. Phát nguyện đến bao giờ nguyện này, lời hứa này, trở thành “lẽ sống”, là “sinh mạng”, không còn thay đổi vì nhớ hay quên nữa.

- Một khi lời nguyện thành thường nguyện, thì dù nhớ hay không, lời nguyện này cũng không mất. Có nghĩa người đó nếu có “tồn tại trên cõi đời này” và “làm bất kỳ điều gì” cũng chỉ do nguyện chi phối và dẫn dắt.

Giống như người mẹ dù làm gì với những đứa con của mình, cũng chỉ vì đó là hành động của “người mẹ với những đứa con”.  Như vậy, ở đây đã hoàn toàn mất đi sự so đo toan tính, chỉ còn “tâm nguyện” muốn thành toàn điều gì đó với các con của mình mà thôi.

- Phát nguyện thường xuyên là hành động “biến nghiệp lực thành nguyện lực”. Một khi “nguyện trở thành lẽ sống” hay “sinh mạng”, người này nếu có đời sau, thì đời sau của vị này sẽ do nguyện dắt dẫn mà không do bởi nghiệp. Như vậy, dù có thân sau cũng chỉ là “Bất tư nghì biến dịch sanh tử” để tiến dần về quả Vô Thượng Bồ Đề. Các thân này gọi là “sắc giải thoát”, tức có thân mà không phải thân do nghiệp báo trôi lăn.

Nói rõ hơn, các thân sau này, Bồ Tát dùng nó để làm công hạnh và tăng trưởng trí tuệ. Thí dụ như người sắm chiếc đò để đưa người qua sông, khi đưa người qua đến bờ kia, vị này chở trí tuệ và công đức về cho tự thân. Khi tích lũy đầy đủ công đức, vị này thị hiện tùy ý. Đến đây viên mãn ba ý sanh thân. Do đó, những thân Bồ Tát thị hiện dù hữu vi hay vô vi đều được gọi là “sắc chân như”. Sắc này là sức ảnh chiếu của bốn tâm vô lượng làm nên. Bồ Tát Di Lặc là một điển hình.

- Đến thời kỳ Chánh pháp, châu kỷ Phật pháp mới bắt đầu. Vị này từ cung trời Đâu Suất đản sanh thị hiện thành Đẳng Chánh Giác, tuyên bố giáo pháp của mình. Khi thị hiện, Đức Phật này thị hiện thân tướng đầy đủ với 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, 64 phạm âm. Thân rốt sau này (tối hậu thân) gọi là “Sắc Thường Trụ”, có nghĩa sắc này không thay đổi vì đã tích lũy đầy đủ công đức.

Khi Phật ra đời, đây là lúc “trí huệ” và “thân tướng” đồng viên mãn gọi là “phước huệ đồng viên”. Sự viên mãn này là hình ảnh của “hạt bảo châu vô giá đựng trong bình làm bằng gỗ chiên đàn”.

Tất cả những chúng sanh được Bồ Tát này giáo hóa trong quá khứ cũng đồng thị hiện để làm nên một Liên Hoa Đài Tạng nhằm tôn vinh Đẳng Chánh Giác ra đời và trang nghiêm Phật quốc. Các Bồ Tát như Văn Thù, Phổ Hiền v.v... Chư Thanh Văn như Đại Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Mục kiền Liên, A Nan...v.v… Các Cư Sĩ như Cấp Cô Độc, Ba Tư Nặc, Thuần Đà...v.v… và toàn thể gia quyến của họ cũng đều quy y đức Phật này... Hình ảnh tiêu biểu là châu kỷ của Thích Ca Mâu Ni. Vì thế, trong kinh Phật thường nói: “Các Thanh Văn như Xá Lợi Phất… của ta đều là Bồ Tát mật hạnh thị hiện làm Thanh Văn…”

2. Điển hình về “nguyện”.

Có một chuyện Tiền Thân của Bồ Tát Thích Ca Mâu Ni như sau:

Lúc ấy có một chàng trai trẻ ham ưa theo nghiệp cha ra biển tìm châu báu. Mẹ chàng không muốn con đi vì quá nguy hiểm. Chàng trai cãi lời mẹ thậm chí còn xô ngã mẹ để dứt áo ra đi. Mẹ chàng do đó mà chết. Vì nghiệp bất hiếu này mà khi chết chàng trai bị đọa ngay vào địa ngục vô gián.

Khi những vòng lửa liên tu bất tận đến thiêu đốt thân tâm, chàng trai chợt hối hận về ác hạnh của mình. Chàng cũng hiểu đây là quả báo cho những ai tạo tác các ác nghiệp tương tự. Trong cơn đau đớn kinh hoàng khủng khiếp, lòng từ bi dấy sanh. Chàng nghĩ đến tất cả chúng sanh nếu lầm lỡ sa vào ác nghiệp như mình thì sẽ chịu quả báo khủng khiếp này, thiệt không thể nào chịu nổi, nên liền phát đại nguyện:

Nguyện gánh hết tất cả tội chướng báo chướng vô gián này cho bất cứ ai lỡ tạo tội! Tôi nguyện chỉ một mình tôi chịu khổ cho mọi chúng sanh được vui!

Vi diệu thay! Khi lòng đại bi phát khởi, khi những lời nguyện chân thật tự đáy lòng phát ra vì “thương chúng sanh như con một” thì những vòng lửa vô gián liền biến thành hoa sen thơm diệu quấn quanh thân Bồ Tát; âm thanh địa ngục vô gián biến thành diệu âm tuyên thuyết thường, ngã, lạc, tịnh và Từ, Bi, Hỷ, Xả; địa ngục vụt biến thành trời tam thiền. Bồ Tát lúc ấy an nhiên tự tại “du hý thần thông”, dạo khắp các cõi độ thoát chúng sanh.

- Một nguyện chân thật còn có năng lực bất khả tư nghì như vậy, hà huống vô lượng nguyện tận đáy lòng được phát ra liên tục (thường nguyện) thì quả Vô Thượng Bồ Đề nào quá tầm tay!

- Nếu ai đã thành tâm phát đại nguyện thì mới cảm nhận được cái “lạc bất khả tư nghì” mà các ngài Quán Âm, hay Địa Tạng thường nguyện, nhờ đó mà độ sanh không nhàm mỏi dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Quán Âm cùng Địa Tạng thì như thế, còn mình thì sao?

- Tóm lại, phát nguyện thường xuyên là điều cần thiết trong Bồ Tát đạo, là Bồ Tát tâm, là năng lực dẫn đến quả Vô Thượng Bồ Đề. Pháp Bảo Đàn Kinh, Tổ Huệ Năng dạy, “Siêng nghĩ đến việc tu hành là năng lực của thệ nguyện”, nghĩa là “thường nguyện mới đủ năng lực tu hành thành Phật”.

(08-2010)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 1
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG