Ngũ Ấm

 0
Ngũ Ấm

Dưới nhãn quan của Phật Giáo, một hữu tình mà cụ thể là con người, được hình thành do năm thành tố. Năm thành tố đó là: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức có thể chia thành ba nhóm chính:

− Nhóm hay sinh thân: Thuộc về sắc.

Nhóm hay sinh tâm: Thuộc về thọ, tưởng, hành.

− Nhóm hay sinh pháp: Thuộc về thức.

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, tự nó không tánh. Bản chất của các món ấy tự thanh tịnh, tự giải thoát. Tự thanh tịnh, tự giải thoát chính là "bản chân" của thân tâm và trí. Có nghĩa rằng, bản lai của một hữu tình tự nó không có tính chất trói buộc hay phiền não, không trí cũng không ngu, không mê cũng không giác. Không có tính chất, Phật đạo gọi là: Không tánh, không tướng... Không tánh, không tướng, chính là Niết Bàn bất sanh bất diệt của một hữu tình mà Phật đã phát hiện ra và tuyên thuyết về nó.

Khi một hữu tình mê, chấp thủ các thành tố nói trên, sẽ cho ra những hiểu biết không đúng với bản chất của năm món này. Hiểu biết nào không đúng như bản chất, Phật đạo gọi hiểu biết đó là điên đảo, vọng tưởng.

Sự thấy biết sai lệch, ngược với bản chất, đã cho ra những quan niệm hư dối, không bền vững về thân, tâm. Những nhận thức sai lệch này Phật đạo gọi chung là pháp.

Vì thế, kinh dạy: "Chư hành vô thường, thị sinh diệt pháp, sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc...".

Bài thuyết pháp đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như ở vườn Lộc Uyển. Phật chỉ ra nhận thức sai lầm của chúng sinh, và tuyên thuyết thế nào là chân lý để điều chỉnh thấy biết. Nhờ thấy biết này, chúng sanh có được thấy biết chơn thật. Ý nghĩa những điều này, có thể diễn giải qua nội dung đoạn văn sau:

"Này Kiều Trần Như!!! Tất cả các quan niệm về thân mà hiện tại ông đang hiểu là vô thường. Nếu từ bỏ những quan niệm hư vọng, không chắc thật, không đúng bản chất phát sanh từ thân này (diệt sắc vô thường). Nhất định các ông sẽ không còn một trói buộc nào hết về thân nữa (thành tựu sắc giải thoát). Và hiểu biết như thế (điều tôi vừa nói), chính là hiểu biết bền vững về thân (sắc thường trụ). Bốn món kia (thọ, tưởng, hành, thức) cũng đều phải thấu đáo ý nghĩa của nó là như vậy.

Này Kiều Trần Như!!! Không nên y cứ trên những quan điểm sai lầm về thân mà cho rằng thân này chính là vật sở hữu của ta (không lấy sắc làm ta). Không nên y cứ trên những quan niệm sai lầm về thân mà cho rằng quan niệm này là đệ nhất (không lấy sắc làm ngã của ta). Không nên nương tựa vào bất kỳ một quan niệm sai lầm nào về thân, mà cho rằng quan niệm này là vĩnh cữu (không lấy sắc làm tự ngã của ta). Bốn món còn lại (thọ, tưởng, hành, thức) cũng phải rốt ráo nhận thức nó là như vậy..."

Phân tích đoạn kinh trên, ta mới thấy rằng, bài thuyết pháp đầu tiên của Phật, chính là tuyên ngôn trước ba cõi về sự thật hiển nhiên của một hữu tình. Đồng thời cũng chỉ ra rằng chính nhận thức sai lầm, không như chân lý về sắc thọ tưởng hành thức là nguyên nhân chính làm cho chúng sanh tự đánh mất chính mình, chạy theo những quan niệm hư dối mà sanh tâm sầu khổ và trói buộc. Sự đánh mất này, đã khiến các vị hữu tình này bỗng dưng trở thành một chúng sanh. Như người giàu ngủ mê, chiêm bao thấy mình nghèo cùng...!!!

Căn cứ vào chân lý, Phật đã tuyên thuyết những bài pháp sau này gọi là giáo pháp. Và những bài pháp ấy là công cụ trợ giúp cho những ai đã từng lầm nhận về ngũ ấm, họ sẽ có một cách nhìn đúng hơn về tự thân. Và từ đó chính họ chứ không phải là ai khác, tự điều chỉnh nhận thức đúng với sự chân thật hằng hữu của sắc thọ tưởng hành thức.

Một khi nhận thức đúng với bản chất, sẽ cho ra kết quả an lạc, gọi là Niết Bàn. Sẽ cho ra kết quả không còn bị trói buộc gọi là Giải Thoát. Sẽ cho ra một thấy biết đúng với chân lý (sự thật hiển nhiên), gọi là Trí Tuệ.

Năm thành tố nói trên khi người ta chấp thủ, giữ gìn không dám xả bỏ, thì đây sẽ là đầu mối sinh ngã. Vì thế, sinh ngã là hệ quả của một thứ nhận thức sai trái về thân tâm và pháp đối trước chân lý. Và rồi từ đây, ngã chính là chủ thể hư vọng phát sinh sự chấp nhất nguy hiểm đầy khổ đau. Chấp nhất nhận thức sai trái, không thật và có tính chấp thủ này, Phật đạo gọi là ngã chấp. Ngã chấp là sự chấp thủ vô cớ vào những quan niệm hư vọng trên một chủ thể hư vọng.

Từ cái ngã hư dối, ngã này mê say thân tâm, bị thân tâm cột trói, tâm thức nô lệ vào nó và không thể thoát khỏi. Bây giờ, năm món này là đầu mối của mọi cột trói. Vì là đầu mối của mọi cột trói, nên năm món có tên là ngũ ấm, tức sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm và thức ấm.

Nếu ngã lầm nhận thân tâm, sinh các giá trị không thật về sắc thọ tưởng hành thức, từ đó phát sanh các thứ phiền não. Một khi giữ chặt nhận thức sai lệch này, thì sự giữ chặt đó Phật đạo gọi là "ngũ thủ uẩn". Năm uẩn gồm: Sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn.

Ngã, ấm, uẩn... các thứ sanh diệt nếu có sanh khởi, tất cả đều xuất phát từ một niệm mê. Từ một niệm mê mà có nên nó hoàn toàn không thật, không thật gọi là hư vọng.

Giống như người ngủ mê thấy chiêm bao, chiêm bao có dài ngắn, có lành dữ, có đây kia. Một phen giật mình thức giấc, mọi thứ đều không!!! Ngã, ấm, uẩn và các món sanh diệt hư vọng cũng đều như thế.

Kinh dạy: "ngũ uẩn giai không"!!!

Chân lý là như vậy, sự thật là như vậy!!! Nhưng để thể nhập chân lý, thấy được sự thật này một cách viên mãn thì không dễ. Vì sao sự tình này lại xảy ra đối với một hữu tình???

Một hữu tình có mặt trên cõi đời này gồm đủ năm món nói trên. Vì thế, không phải hữu tình chỉ mê có một món, mà mê đến năm món. Chính sự mê muội năm món này, lâu dần tạo thành năm lớp vỏ kiên cố che đậy chân tâm, Phật đạo gọi đó là vô minh. Muốn phá bỏ năm lớp vỏ kiên cố này, thông thường người ta phải phá bỏ dần dần theo thứ tự: Từ ngoài vào trong, từ gần đến xa, từ thô đến tế, từ dễ đến khó. Điều này, kinh Thủ Lăng Nghiêm gọi chung là "phá ngũ ấm".

Quy trình phá vỡ nhận thức sai lệch từ sắc đến thức, Phật chia làm bốn giai đoạn, mỗi giai đoạn tịch diệt một vài nhận thức sai lầm từ một vài thành tố nào đó, toàn bộ quá trình này, Phật đạo gọi là Tứ Diệu Đế. Do đó, Tứ Diệu Đế là quy trình làm thay đổi nhận thức của một hữu tình từ ngu si trở thành trí tuệ, từ khổ đau trở thành an lạc, từ cột trói trở thành giải thoát và từ phàm phu trở thành bậc thánh. Để trả sắc thọ tưởng hành thức trở về đúng với bản nguyên của nó, người xưa gọi cái thấy đúng với bản nguyên này là "bản lai diện mục".

Tứ Diệu Đế gồm bốn giai đoạn, mỗi giai đoạn là một chuẩn mực, là một chân lý, là một sự hoá kiếp nhằm thay đổi, thăng hoa nhận thức cho đến vô thượng. Sự hoá kiếp này, Phật đạo gọi là "diệu". Sự nương cậy này, Phật đạo gọi là "đế". Sự thăng hoa này, Phật đạo gọi là "diệu". Sự thấy như thật để làm nên những đổi thay vi diệu này, Phật đạo gọi là "diệu đế".

Tu tập trong Phật đạo, là trả sắc thọ tưởng hành thức trở về đúng bản nguyên của nó, là biến những nhận thức sai lầm  khổ đau từ sắc thọ tưởng hành thức thành bốn đức thường ngã lạc tịnh, là thấu suốt căn nguyên của khổ phiền não cũng như căn nguyên của lạc tịnh!!!    (07-09-2014)

−−−••• ⁕ ⁕  ۝⁕ ⁕ •••−−−

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 1
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG