Ngũ Uẩn, Ngũ Ấm Là Gì?

 0
Ngũ Uẩn, Ngũ Ấm Là Gì?

Hỏi: Tôi hiểu chữ uẩn trong đoạn kinh này. Nếu nơi năm món: sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà ta không tích chứa các quan niệm trong các thứ ấy, thì năm món này chẳng phải là năm uẩn. Nó chỉ có tên gọi như sừng thỏ lông rùa.

Đáp: Uẩn” theo tiếng Hán-Việt nghĩa là tích chứa. Chữ này đồng nghĩa với chữ “pháp”. Có nghĩa rằng, nơi một trí tuệ lớn, không tích chứa các giá trị hư ảo, để cho rằng “sắc” khác “không”. Một khi không tích chứa như vậy, bây giờ mới biết rằng “ngũ uẩn giai không”. Chúc mừng ông đã hiểu ra điều khó hiểu.

Hỏi: Xin kính lễ lời khai thị, cảm ơn Thầy đã làm cho con vỡ lẽ một vấn đề.

Đáp: Không có chi. Tôi có thể đưa thêm một ví dụ để minh họa cho vấn đề chúng ta vừa trao đổi. Ngay nơi thành phố văn minh này, tất cả mọi người đồng quan niệm rằng: vàng có giá trị hơn đá và nhất định khác đá. Nếu có một người lên tận núi cao, nơi không có trao đổi mua bán, rời lìa các quan niệm, để một bên là vàng, một bên là đá, sáng chiều ra vô, nhìn ngắm hai vật kia. Đến khi  quyết định vĩnh viễn sẽ không xuống khỏi ngọn núi này, một lúc nào đó, trong lúc nhìn ngắm hai món tạp vật vô tri là vàng và đá kia, vị này mới chợt hiểu ra rằng, ở đây, ở nơi không có quan niệm trần gian thì vàng tức thị đá, đá tức thị vàng.  

Cũng tại bởi quan niệm nên sắc mới khác không, quan niệm (hữu vi pháp) tịch diệt thì mới biết rằng không bất dị sắc.

Hỏi: Một lần nữa, con xin kính lễ lời khai thị làm sáng tỏ cái thâm u này.

Đáp: Không có chi. Tôi xin đưa thêm một ví dụ nữa, để có thể làm sáng tỏ ý nghĩa của chữ “uẩn”: Nơi thành phố văn minh này, nếu người ta để một cục vàng và một củ khoai lang, nhất định, mọi người sẽ chọn cục vàng và chẳng đoái hoài đến củ khoai lang. Kẻ lượm được vàng thì cười, người chẳng may lượm được củ khoai thì khóc.

Người đó lại đem vàng và khoai lang lên tận nơi thâm sơn cùng cốc, nơi con người còn đời sống sơ khai, chỉ biết lượm hái và săn bắn, không có văn minh văn hóa gì cả  Người đó để hai thứ ấy bên đường, nhất định người ở nơi hoang sơ ấy  thấy được hai thứ kia, sẽ giành nhau những củ khoai, mà chẳng ngó ngàng gì đến cục vàng. Người được khoai thì cười, kẻ vấp phải vàng trẹo chân thì khóc.

Khóc và cười trái ngược trong hai trường hợp vừa nêu, chỉ tại quan niệm “hư dối” được tích chứa trong đời sống của mỗi cộng nghiệp, lý lẽ của nó không chắc thật.

Chữ “uẩn” hay chữ “pháp” trong Phật Đạo, ý nghĩa của nó là như vậy. Vì thế Bát Nhã Tâm Kinh mới dạy rằng: Ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.”. Chớ có hiểu lầm chữ “uẩn” thành chữ “ấm” mà cắt nghĩa lung tung, tội nghiệp cho bài kinh.

Hỏi:Ngũ uẩn” thì nay con hiểu rồi, còn chữ “ấm thì ý nghĩa như thế nào? Xin vì con mà giảng rộng!

Đáp: Từ nhỏ đến giờ, ông có từng mê một thứ gì mà đêm ngày thứ đó ám ảnh ông không?

Hỏi: Có! ... Thuở còn trẻ, con có mê một vài món đồ đẹp, khi mê nó rồi, thức ngủ gì món đồ đó cũng ở trong tâm trí, nó ám ảnh con đến mất ăn mất ngủ.

Đáp: “Ấm” là như thế đó. Cái gì bao phủ lấy tâm trí của mình, không cho mình thoát ra khỏi nó, Phật Đạo gọi đó là “ấm”.

Hỏi: Như vậy, “ngũ ấm” có phải là năm món: sắc, thọ, tưởng, hành, thức bao phủ, ngăn che, không cho ta thoát ra khỏi nó, bị nó trói buộc, để phục tùng và giữ gìn nó thì ngã và tham sân hiện khởi phải không?

Đáp: Phật dạy: “Kiều Trần Như![1]  Không lấy sắc làm ta, làm ngã của ta, làm tự ngã của ta. Xa rời (sự cột buộc của) sắc vô thường, sẽ được “sắc giải thoát, sắc thường trụ”. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.” Bây giờ ông đã hiểu đoạn kinh này chưa?

Hỏi: Mô Phật! Mô Phật! ... Sai một ly, đi một dặm. Đúng là hiểu sai, sẽ nói sai, nói sai sẽ làm sai, làm sai nhất định kết quả của nó là ngã và kiết sử không thể nào tịch diệt... Mô Phật! ... Mô Phật! ... Mô Phật! ... Cái câu: “Chính vì phần lớn người tu hành hiểu sai chữ “pháp” thành “đồ vật”, cho nên đưa đến giảng giải sai, giảng giải sai nên hành động sai, vì thế giận hờn không dứt được là chuyện thường tình trên cõi đời này... Những sự việc như thế cũng đâu có gì là lạ.” Câu này, bây giờ con mới hiểu.

Đáp: Những chuyện nào không biết thì thôi, còn đã biết rồi thì chớ nên lầm lẫn nữa. Chỉ nên “như thị ngã văn”, chứ đừng nên “như kia ngã mạn” thì nhất định không uổng duyên lành chúng ta gặp nhau.


[[1]] Kiều Trần Như là đệ tử xuất gia và chứng quả A La Hán đầu tiên của Đức Phật.

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 2
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG