Kinh Thắng Man & Phần 3

−Bạch đức Thế Tôn! Trí chẳng thọ thân sau ấy có hai thứ:
- Một là,chư Phật Như Lai dùng sức điều ngự, xô dẹp bốn ma,[[1]] siêu việt các thế gian, được các loài hữu tình chiêm ngưỡng, chứng pháp thân thanh tịnh chẳng nghĩ bàn, nơi bực sở tri được pháp Tự tại Tối thắng Vô thượng, không còn phải làm, chẳng thấy còn có bực nào phải được chứng nữa, đầy đủ mười trí lực lên bực tối thắng vô úy, nơi tất cả pháp Quan Sát Vô Ngại, Chánh Sư Tử Hống, chẳng thọ thân sau.
- Hai là, A La Hán và Bích Chi Phật được khỏi vô lượng sanh tử bố úy, tho vui giải thoát, tự nghĩ rằng: Nay ta rời lìa sanh tử bố úy chẳng thọ sự khổ.
− Bạch đức Thế Tôn! Hàng Nhị thừa quan sát như vậy rồi chẳng thọ thân sau, họ chẳng chứng được Niết bàn Tịch diệt Đệ nhứt. Vì họ ở nơi các bực chưa chứng, chẳng gặp được pháp tối thượng để có thể hiểu biết rằng, nay ta đã chứng được bực Hữu Dư Y, quyết định (vị lai) sẽ chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh Giác.
Tại sao? Vì Hàng Nhị thừa đều phải nhập vào Đại thừa, mà Đại thừa là Phật thừa, thế nên Tam thừa tức là Nhứt thừa. Người chứng Nhứt thừa thì được Vô thượng Bồ đề. Vô thượng Bồ đề tức là Niết bàn.[[2]]
Nói Niết bàn đây tức là Pháp thân thanh tịnh của Như Lai. Người chứng Pháp thân tức là Nhứt thừa không có Như Lai khác, không có Pháp thân khác.[[3]]
Nói Như Lai tức là Pháp thân. Người chứng Pháp thân, cứu cánh là cứu cánh Nhứt thừa. Người cứu cánh Nhứt thừa tức là rời lìa tương tục. [[4]] Tại sao?
−Bạch đức Thế Tôn! Vì Như Lai thường trụ không có hạn lượng bằng với hậu tế! Như Lai hay dùng đại bi vô hạn, thệ nguyện vô hạn đem lợi ích lại cho các thế gian. Người nói như trên đây thì gọi là lời nói phải. Nếu lại nói rằng Như Lai là thường, là pháp vô tận, chỗ y tựa cứu cánh của tất cả thế gian, thì cũng gọi là lời nói phải. Vì thế nên Như Lai ở nơi thế gian, làm chỗ quy y vô tận, chỗ quy y thường trụ, chỗ quy y cứu cánh mãi đến hậu tế.[[5]]
Nói rằng pháp Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác ấy là đạo Nhứt thừa. Tăng đó là chúng Tam thừa,[[6]] hai chỗ quy y nầy chẳng phải là cứu cánh quy y mà tạm gọi là thiểu phần quy y. Tại sao? Vì nói đạo Nhứt thừa, chứng pháp thân cứu cánh rồi sau đó không còn nói đạo Nhứt thừa. Chúng Tam thừa vì có khủng bố nên quy y Như Lai cầu xuất gia tu học, vì có sở tác, vì hướng đến Vô thượng Bồ đề. Thế nên Pháp và Tăng chẳng phải chỗ quy y cứu cánh, là chỗ quy y hữu hạn.
Nếu các hữu tình được Như Lai điều phục quy y nơi Như Lai; Được pháp thấm nhuần do lòng tin ưa mà quy y nơi Pháp và Tỳ Kheo Tăng. Hai sự quy y nầy do pháp thấm nhuần mà tín nhập quy y. Như Lai ấy chẳng phải pháp thấm nhuần tín nhập quy y. Nói Như Lai ấy là chơn thiệt quy y. Hai sự quy y kia cứ nơi nghĩa chơn thiệt thì gọi là cứu cánh quy y Như Lai. Tại sao? Vì Như Lai chẳng khác với hai sự quy y ấy, thế nên Như Lai tức là tam quy y.[[7]] Tại sao? Vì nói đạo Nhứt thừa, Như Lai Tối thắng, đủ Tứ Sở Úy, Chánh Sư Tử Hống. Nếu chư Như Lai tùy theo sở dục của người mà dùng phương tiện nói pháp Nhị thừa tức là Đại thừa. Bởi đệ nhứt nghĩa không có Nhị thừa. Nhị thừa ấy đồng vào Nhứt thừa. Nhứt thừa ấy tức là Thắng nghĩa thừa.[[8]]
−Bạch đức Thế Tôn! Hàng Thanh Văn và Duyên Giác lúc mới đầu chứng Thánh đế, chẳng phải dùng Nhứt trí mà dứt các trụ địa phiền não, cũng chẳng phải dùng Nhứt trí chứng các công đức như Tứ biến tri v.v... cũng chẳng phải dùng pháp hay khéo biết rõ nghĩa bốn pháp này.[[9]]
−Bạch đức Thế Tôn! Nơi trí xuất thế không có bốn trí tuần tự đến, tuần tự duyên. Trí xuất thế không có pháp lần lượt đến, như Kim cang dụ. [[10]]
−Bạch đức Thế Tôn! Hàng Nhị thừa dùng các thứ trí Thánh đế để dứt các trụ địa, họ (chẳng) thấy có trí xuất thế đệ nhứt nghĩa.[[11]] Chỉ có đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác dùng trí bất tư nghị không tánh, phá được vỏ của các phiền não.[[12]] Trí phá vỏ phiền não cứu cánh ấy gọi là trí xuất thế đệ nhứt nghĩa, chẳng phải cảnh giới của hàng Thanh Văn và Duyên Giác Trí Thánh. Đây là Trí Đế Sơ Khởi, chẳng phải trí cứu cánh, mà chỉ là trí hướng đến Vô Thượng Bồ Đề.
−Bạch đức Thế Tôn! Chơn Thánh đế nghĩa ấy thì chẳng phải thuộc về Nhị thừa. Tại sao? Vì hàng Thanh Văn và Duyên Giác chỉ thành tựu được chút phần công đức mà gọi là Thánh. Nói rằng Thánh đế ấy, chẳng phải là đế của hàng Thanh Văn, Duyên Giác và công đức của họ. Mà Thánh đế nầy, chỉ có đức Như Lai biết rõ, rồi đem diễn nói, khai thị cho thế gian chúng sanh bị nhốt trong vỏ vô minh, do đây mà gọi là Thánh đế.[[13]]
−Bạch đức Thế Tôn! Thánh đế nầy rất sâu, rất vi diệu khó thấy khó rõ, chẳng thể phân biệt, chẳng phải cảnh giới suy lường, tất cả thế gian chẳng tin hiểu được, chỉ có đức Như Lai là biết rõ. Tại sao? Vì Thánh đế nầy nói về Như Lai tạng thậm thâm, mà Như Lai tạng là cảnh giới Phật, chẳng phải cảnh giới của hàng Thanh Văn, Duyên Giác. Cứ nơi Như Lai tạng mà nói Thánh đế nghĩa, Như Lai tạng nầy rất sâu vi diệu, Thánh đế được nói ra ấy cũng rất sâu vi diệu. Khó thấy, khó rõ, chẳng thể phân biệt, chẳng phải cảnh tư lường, tất cả thế gian khó tin hiểu, chỉ có đức Như Lai biết rõ. Nếu ở nơi Như Lai tạng bị phiền trược bởi vô lượng phiền não mà chẳng nghi hoặc, thì đối với Như Lai pháp thân tạng ra khỏi tất cả phiền não cũng không nghi hoặc.
−Bạch đức Thế Tôn! Nếu có ai ở trong tạng Như Lai nầy và ở nơi Phật pháp thân cảnh giới bí mật bất tư nghị của Phật mà tâm được cứu cánh, thì đối với hai nghĩa Thánh đế đã nói kia, hay tin hay rõ, hay sanh thắng giải.[[14]] Những gì là hai nghĩa Thánh đế? Đó là hữu tác Thánh đế và vô tác Thánh đế. Hữu tác Thánh đế là nghĩa tứ Thánh đế chẳng viên mãn. Tại sao? Vì y hộ nơi tha[[15]] mà chẳng biết được tất cả khổ, chẳng dứt tất cả tập, chẳng chứng tất cả diệt, chẳng tu tất cả đạo. Do đó nên chẳng biết Hữu vi và Niết bàn. Vô tác Thánh đế là nói nghĩa tứ Thánh đế viên mãn. Tại sao? Vì tự y hộ[[16]] nên biết tất cả khổ, dứt tất cả tập, chứng tất cả diệt, tu tất cả đạo. Tám nghĩa Thánh đế đã nói như vậy,[[17]] đức Như Lai chỉ đem tứ Thánh đế ra nói. Nói nghĩa vô tác, tu Thánh Đế nầy, chỉ có đức Như Lai là hoàn thành cứu cánh, chẳng phải sức lực của A La Hán và Bích Chi Phật đến được. Tại sao? Vì chẳng phải các pháp thắng liệt hạ, trung, thượng mà có thể chứng được Niết bàn. Thế nào là đức Như Lai đối với vô tác Thánh đế được hoàn thành cứu cánh? Chư Như Lai biết khắp tất cả khổ, dứt hẳn khổ tập bị nhiếp bởi tất cả phiền não và khởi phiền não, chứng được khổ diệt, sở hữu của tất cả khối ý sanh thân và tu tất cả đạo khổ diệt.
−Bạch đức Thế Tôn! Chẳng phải hoại mất pháp mà gọi là khổ diệt. Nói khổ diệt là: vô thỉ, vô tác, vô khởi, vô tận, thường trụ, bất động, bổn tánh thanh tịnh, ra khỏi vỏ phiền não.[[18]]
−Bạch đức Thế Tôn! Chư Phật Như Lai thành tựu quá số Hằng sa pháp bất tư nghị, đủ trí giải thoát gọi là Pháp thân. Pháp thân nầy chẳng rời lìa phiền não thì gọi là Như Lai tạng. Như Lai tạng đây là trí Như Lai không tánh, tất cả hàng Thanh Văn và Duyên Giác chưa hề thấy, chưa hề được; Chỉ có Phật thấy biết rõ và chứng được.[[19]]
−Bạch đức Thế Tôn! Trí không tánh Như Lai tạng nầy lại có hai thứ, đó là: Không và Bất không Như Lai tạng.
Không Như Lai tạng: Là Như Lai tạng rời lìa nơi trí, chẳng giải thoát tất cả phiền não.
Bất không Như Lai tạng: Là Như Lai tạng có đủ quá số Hằng sa pháp bất tư nghị trí Phật giải thoát.[[20]]
−Bạch đức Thế Tôn! Hai thứ không trí nầy, các Đại Thanh Văn do tin mà được vào.[[21]] Trí không tánh của tất cả hàng Thanh Văn và Duyên Giác, đối với cảnh ‘tứ điên đảo’ luôn phan duyên mà chuyển hiện.[[22]] Do đó nên đối với tất cả khổ diệt ấy, tất cả hàng Nhị thừa chưa hề thấy, chưa hề chứng, chỉ có Phật hiện chứng, đoạn hoại các phiền não, tu tất cả đạo khổ diệt.[[23]]
−Bạch đức Thế Tôn! Trong bốn Thánh đế, ba vô thường, một thường trụ. Vì ba đế vào trong tướng Hữu vi, tướng Hữu vi là vô thường. Nói rằng vô thường ấy là pháp phá hoại, pháp phá hoại thì chẳng phải đế, chẳng phải thường, chẳng phải chỗ quy y. Do đệ nhứt nghĩa nên ba đế ấy chẳng phải đế, chẳng phải thường, chẳng phải chỗ quy y.
−Bạch đức Thế Tôn! Một đế khổ diệt rời lìa tướng Hữu vi, lìa tướng Hữu vi thì tánh thường trụ, tánh thường trụ chẳng phải pháp phá hoại, chẳng phải pháp phá hoại thì là đế, là thường, là chỗ quy y. Do thắng nghĩa nên Khổ diệt đế là đế, là thường, là chỗ quy y.[[24]]
Khổ diệt đế [[25]] nầy là bất tư nghị, quá cảnh giới tâm thức
của hữu tình, cũng chẳng phải vị trí của hàng Thanh Văn và Duyên Giác kịp được.
Ví như người sanh manh, chẳng thấy được các màu sắc, trẻ sơ sanh bảy ngày chẳng thấy mặt trời. Cũng vậy; Khổ diệt đế chẳng phải cảnh duyên của tâm thức hàng phàm phu, mà cũng chẳng phải cảnh giới của hàng Thanh Văn và Duyên Giác.[[26]] Tâm thức hàng phàm phu là hai biên kiến. Trí của hàng Thanh Văn Duyên Giác thì gọi là tịnh trí. [[27]] Nói rằng biên kiến đó là đối với ngũ thủ uẩn chấp nắm làm ngã rồi sanh ra phân biệt sai khác, đó là hai thứ kiến chấp: Thường kiến và Đoạn kiến.
---
Phần chú giải
[[1]] Bốn Ma: Tử Ma; Ngũ Ấm Ma; Thiên Ma và Phiền Não Ma. Chư Như Lai rốt ráo xô dẹp bốn Ma: −Thành tựu Phật Pháp Thân: Dứt diệt Tử Ma… Đây là Thân thường trụ, rốt sau của chư Như Lai, rốt ráo không còn Sanh Tử! ... −Viên mãn Phật Tánh: Dứt Ngũ Ấm Ma… Vì Ngũ Ấm của chư Như Lai chính là Phật Tánh! ... −Thành tựu Phật Nhãn: Dứt diệt Thiên Ma… Vì thấy hết thảy cảnh giới đều là Phật Cảnh! ... −Thành tựu Phật Pháp: Dứt sạch Phiền Não Ma… Vì Phật Pháp từ Phiền Não mà có!
[[2]] Chỗ chứng rốt ráo của Tam thừa đồng Vô Sanh Pháp Nhẫn cùng Bất Động Địa Bồ Tát, ý vị Thanh Lương chẳng khác Đại Thừa… Giống như người liếm mép đĩa mật, vị ngọt chẳng khác vị ngọt của nguyên đĩa (Niết Bàn Đồng Nhất Vị). Chỉ sai khác ít, nhiều, sâu, cạn… Vì thế, Kinh nói “Nhị Thừa nhập vào Đại Thừa”… Nhị thừa giống như hai con sông chảy về cửa biển Nhất thừa, cửa biển Nhất Thừa hòa vào Đại Hải, cho nên Tam thừa gọi là Nhất thừa!
[[3]] Niết Bàn; Pháp Thân; Người Chứng đồng nhất thể… Nhất thể này là cảnh giới tự chứng, chẳng do từ nơi khác mà chứng!
[[4]] “cứu cánh Nhứt thừa” còn gọi là “tất cánh”, là quả của các quả… Vì thế không còn tương tục (Pháp Thân hay Như Lai Thân là thân rốt sau)!
[[5]] Như Lai Thường Trụ nên là chỗ Quy Y Thường Trụ!
[[6]] chúng Tam thừa: Chúng Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát Quyền thừa.
−Nhất thừa Quy Y Phật vì cầu chứng Cứu Cánh Tối Thượng nên gọi Tam Quy đầy đủ… Bởi lẽ, nơi Phật có đủ Pháp và Tăng! ... −Nhị thừa sợ Sanh Tử, cầu Niết Bàn nên chỉ Quy Y Pháp và Tăng… Vì thế, chẳng phải chỗ Quy Y cứu cánh!
[[8]] Thắng nghĩa thừa: Nơi Nhất thừa, Như Lai Hóa Hiện ra Pháp Nhị thừa, sự Hóa Hiện này là Thắng nghĩa!
[[9]] −Nhị thừa dùng tứ trí, tuần tự chứng các Đế của 4 Đế, vì thế, chẳng phải Nhứt Trí! −Nhất thừa, thấy thiệt tướng của 4 Đế bình đẳng, không tánh nên chỉ dùng Nhứt trí mà chứng 4 Đế này!
[[10]] Trí xuất thế: Như gương sáng đốn soi các sắc tượng, không tuần tự trải qua các duyên; Kim Cang dụ: Dụ như Kim Cưong (Trí) hay phá tan vật chất (Phiền Não)!
[[11]] Nhị thừa tiệm tu bốn Pháp Tứ Đế, thành tựu viên mãn dứt các phiền não Trụ Địa gọi là “Thánh Đế”… Giống như trái Xoài từ từ chín đến chín hẳn, gọi là trái “Xoài chín”!
[[12]] Vỏ của các phiền não: Gồm Vô Minh Trụ Địa và Phiền não Trụ Địa;
−Vô Minh Trụ Địa (thuộc Trí) chia làm ba phần: •Nhuận Chi Vô Minh: Năm căn mê mờ khi xúc đối năm trần cảnh… •Căn Bản Vô Minh: Ý Mê mờ khi sinh các Pháp… •Vô Minh Trụ Địa: Gồm Sở Tri Chướng và Ngu nơi Xuất Thế Pháp.
−Phiền Não Trụ Địa (thuộc Tâm) gồm 4 món: •Kiến Nhứt Thiết Xứ Phiền Não Trụ Địa: Điên đảo nơi thấy nghe mà sanh phiền não… •Dục Ái Phiền Não Trụ Địa: Tham ưa 5 Trần mà sinh phiên não… •Sắc Ái Phiền Não Trụ Địa: Tham ưa Thân và các Cảm Thọ mà sinh phiên não… •Vô Minh Ái Phiền Não Trụ Địa: Tham ưa các Pháp và Tưởng không dứt mà sinh phiên não…
- Nhị thừa tiệm tu, dùng Hữu Tác Tứ Đế Thánh Trí tiêu trừ Tứ Trụ Địa Phiền Não mà chẳng đoạn được Vô Minh Trụ Địa… Gọi là “Trí Đế Sơ Khởi”!
- Nhất thừa (Bát Địa, Cửu Địa, Thập Địa): Tuần tự dùng Nhất Thiết Trí, tùy theo chỗ cạn, sâu; Phá Vô Minh Trụ Địa cho đến cuối Tối Hậu Thân mới sạch (Nhuận Chi Vô Minh và Căn Bản Vô Minh được phá khi vừa Giác Ngộ), gọi là “Trí Nhất Thiết Xuất Thế”!
- Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, dùng Kim Cang Trí Đẳng Chánh Giác phá vỡ vỏ Vô Minh Trụ Địa ngay khi vừa chứng, gọi là “Trí Xuất Thế Đệ Nhất”!
[[13]] Cùng là Một Thánh Đế nhưng có 2 tầng cạn, sâu khác nhau:
−Thánh Đế của Nhị Thừa: Do Như Lai Quyền Phương Tiện Thiện Xảo Hóa Hiện để khiến Họ vào Hữu Dư Niết Bàn…
−Thánh Đế của Như Lai: Chỉ Cảnh Giới chơn thiệt, rốt ráo của Đại Niết Bàn!
[[14]] Khi Mê, Như Lai Tàng là Tàng Thức… Hết Mê, Như Lai Tàng là Như Lai Tàng Tâm… Giác Ngộ rốt ráo, Như Lai Tàng là “Như Lai Tạng Pháp Thân Vi Mật Bất Khả Tư Nghì”!
[[15]] Y hộ nơi tha: Y nơi người khác mà biết (Hữu Sư Trí)!
[[16]] Tự y hộ: Tự Giác Ngộ, chẳng do nơi người khác mà biết (Vô Sư Trí)!
[[17]] Tám nghĩa Thánh đế: Gồm 4 Thánh Đế Hữu Tác Trí và 4 Thánh Đế Vô Tác Trí.
[[18]] Vô tác Tứ Đế Trí, thấy được Tự tánh của Khổ là Không Tánh… Vì thế, chẳng có Tánh Khổ để diệt, gọi là “vô thỉ, vô tác, vô khởi, vô tận, thường, trụ, bất động, bổn tánh thanh tịnh, ra khỏi vỏ phiền não”!
[[19]] Như Lai Tạng không tánh nên phiền não cũng không tánh… Vì thế, Như Lai Tạng (Pháp Thân) chẳng rời phiền não mà phiền não chẳng thể đến được!
[[20]] Không; Bất Không Như Lai Tạng: Nơi Chơn Trí của Như Lai, phiền não không chung cùng nên gọi là Không; Chứ chẳng phải không có các pháp lành nên gọi là Bất Không!
[[21]] Trí Không Tánh Không, Bất Không Như Lai Tạng, các Đại Thanh Văn như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên… Cũng chỉ Tin mà được vào (Tùy Tín Hành) chứ chẳng phải Thấu Suốt mà được vào (Tùy Pháp Hành)!
[[22]] Nhị thừa chẳng biết thật nghĩa Trí Không Tánh Không, Bất Không Như Lai Tạng… Nên Y theo Tứ Điên Đảo mà chuyển hiện… Vì thế, Trí Không Tánh của Nhị thừa chẳng phải thật nghĩa Trí Không Tánh!
⁕Tứ Điên Đảo gồm: Vô Thường tưởng Thường; Vô Ngã tưởng Ngã; Khổ tưởng Lạc; Bất Tịnh tưởng Tịnh… chính các cặp Pháp đối đãi Điên Đảo này khiến Nhị thừa bỏ Khổ cầu Vui, bỏ Bất Tịnh cầu Tịnh… Mà tạm được Trí Không Tánh… Cho nên mới nói Trí Không Tánh của Nhị Thừa chẳng phải Chân Thật Nghĩa!
[[23]] Chỉ có Trí Không Tánh Như Lai Tạng của Như Lai, mới thấy rõ Thật Tướng của các Khổ, cho nên Phiền não Khổ chẳng chung cùng Như Lai Tàng Tâm, nơi chẳng chung cùng này gọi là rốt ráo “đoạn hoại các phiền não, tu tất cả đạo khổ diệt”… Nhị thừa chẳng thể thấy, chẳng thể hiểu được!
[[25]] Xét tột lý của Bốn Đế, tùy vào địa vị, tùy vào nhãn lực của người tu hành trong Phật Đạo… Ta thấy, có đến bốn thứ lớp sai biệt: ... −Phàm phu vô văn nơi 4 Tục Đế, với Nhục nhãn và Thiền nhãn: Thấy Khổ, Tập, Diệt, Đạo đều là tướng Hữu Vi, là Pháp phá hoại, là 4 món Vô Thường vì chẳng biết nghĩa Đế… Vì chẳng biết nghĩa Đế, nên Kinh nói “Phàm phu có Khổ, có Tập mà không có Đế”! ... −A La Hán, Bích Chi Phật, Bát Địa chứng Diệt Đế Vô Vi gọi là Tứ Thánh Đế, với Pháp nhãn: Thấy 4 Đế có 3 Đế Vô Thường và 1 Đế là Thường… Tức Khổ, Tập, Đạo thuộc tướng Hữu Vi, chỉ có Diệt Đế là Vô Vi… Vì bởi, các quả vị này y nơi Hữu tác Thánh Đế mà thành tựu, nên lầm tưởng Đạo Đế là Hữu Vi, cho rằng chỗ Diệt do tu Đạo mà thành, mà không biết rằng Đạo Đế cũng là Vô Vi, vì Đạo Đế ấy là Đạo Xuất Thế, thành tựu Đạo Đế chính là thành tựu Nhất Thiết Trí! ... −Cửu Địa đến Thập Địa, thành tựu rốt ráo Đạo Đế, trong Tứ Chân Đế, với Huệ nhãn: Thấy thiệt tướng của 4 Đế là Không Đế, Vô Vi, Vô Tác, chẳng thể phá hoại, nên cho rằng 4 Đế tự Không “Vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo”, vì rốt ráo Không nên 4 Đế là Thường! ... −Chư Như Lai với Phật Nhãn: Như Thật biết rằng 4 Đế chẳng phải Hữu Vi chẳng phải Vô Vi, chẳng phải Thường chẳng phải Vô Thường… Vì Phật Pháp Bốn Đế là do Hóa Phật tuyên thuyết, để giúp Hữu tình tiến về Vô Thượng quả, chứ chẳng phải là Thiệt nghĩa của Pháp Thân Như Lai Tàng Chơn Thiệt; ... Pháp Thân Như Lai Tàng Chơn Thiệt không do Pháp gì làm thành!
[[26]] hàng Thanh Văn, Duyên Giác ở đây là nói về Bảy Học Nhơn; Chẳng phải là A La Hán và Bích Chi Phật!
[[27]] Gọi là Tịnh Trí: Vì đã rời lìa 2 Kiến Chấp (Thường, Đoạn) của Phàm phu và Ngoại Đạo!
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






