Kiến Tánh Khởi Tu hay Kiến Tánh Thành Phật

 0
Kiến Tánh Khởi Tu hay Kiến Tánh Thành Phật

Các bạn !!!

Mình vừa nhận được thắc mắc của bạn đọc có tên là Tuấn ở Trà Vinh !!! Bạn ấy hỏi như sau:

Xin chào Thầy Lý Tứ! Xin cho phép tôi hỏi một câu: Khi kiến tánh rồi mới khởi tu (vậy khi mình chưa kiến tánh mà tu thì không có kết quả phải không Thầy)? Xin nhờ Thầy mình giải dùm, xin cảm ơn! 11/06/2023 - 19:24:43 - Tôi tên Tuấn ở Trà Vinh.

Bạn Tuấn thân mến !!!

Về câu hỏi của bạn, mình xin được trả lời như sau:

Trong Phật đạo, nhất là Thiền Môn, người tu hành thường đề cập đến ba khái niệm sau: Kiến tánh; Kiến tánh khởi tu và Kiến tánh thành Phật…!!! Ba khái niệm này cũng là đề tài thường xuyên xảy ra các cuộc tranh luận, cũng như tốn hao không ít giấy mực của nhiều Luận giả…!!! 

Tuy nhiên, cho đến hiện tại, mình vẫn chưa tìm thấy một luận giải hay phân tích nào đủ sức thuyết phục, cũng như chỉ ra sự khác biệt giữa ba khái niệm này hay làm rõ mức độ đúng sai của các khái niệm ấy là như thế nào !!! 

Để trả lời câu hỏi của bạn: “Khi kiến tánh rồi mới khởi tu (vậy khi mình chưa kiến tánh mà tu thì không có kết quả phải không Thầy?”. Theo mình, đầu tiên, chúng ta phải tìm xem ba khái niệm trên (hay khái niệm Kiến tánh khởi tu) nhằm chỉ cho điều gì trong Phật đạo!!!

1) Kiến tánh: Đây là khái niệm chung, nhằm chỉ cho một hay nhiều cấp độ thấy biết (kiến) nào đó khi người tu hành phát hiện một hay nhiều tính chất (tánh) đặc thù, siêu việt của Tự tánh hay Phật tánh (tính chất tự nhiên sẵn có của tự tâm hay tánh chất siêu việt của Phật tánh), đã ẩn sâu trong một hữu tình (nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh) mà hiện tại này người tu hành ấy mới đủ duyên phát lộ ra trong chính bản thân mình !!!

Trong quá trình tu tập, người tu hành sẽ lần lượt phát lộ một hay nhiều tính chất đặc thù, siêu việt của Tự tánh hoặc Phật tánh tuần tự hiện ra trong chính thân tâm này theo quy trình sau:

2) Kiến tánh giác (người xưa gọi là Kiến tánh khởi tu): Đây là cái thấy (kiến) đầu tiên của người đã làm sạch khổ, phiền não, kiết sử và mê mờ…thành tựu đạo quả Vô lậu !!! 

Khác hơn, đây là cái thấy ban sơ của người đã giải quyết xong Khổ đế và Tập đế !!! Giống như nguồn nước bị ô nhiễm, đã được thanh lọc tạp chất, trở nên trong suốt…Nguồn nước này do trong suốt, không vẩn đục, nên có thể chiếu soi một cách rõ ràng những gì bay ngang qua nó… Ta cũng có thể ví như một tấm gương không bị bụi bẩn có năng lực chiếu soi trung thực tất cả các cảnh duyên khi nó tiếp cận !!!

3) Kiến tự tánh (người xưa gọi là Minh tâm, Kiến tánh): Đây là cái thấy thứ hai sau khi đã Kiến tánh giác…!!! Kiến tự tánh thuộc về giai đoạn người tu hành sau khi Kiến tánh giác, vị ấy dùng sức thấy biết của Tánh giác trực nhận ra những tính chất tự nhiên, đặc thù của Tự tâm (hay Bổn tâm) như: Thanh tịnh; bất động; không sanh diệt, đầy đủ công đức, tịch tri…vv…!!! 

Kiến tự tánh chính là giai đoạn người tu hành đã viên mãn Diệt đế vào Bất động Giải thoát…như người đi tìm lõi cây, đã tìm được một lõi cây như ý…!!!

4) Kiến Phật tánh (Kiến tánh thành Phật): Đây là cái thấy sau cùng khi người tu hành từ bỏ Bất động Giải thoát (kinh gọi là Bồ tát từ Bất động bước ra)…lên đường cầu học Trí tuệ và thành tựu viên mãn Nhất thiết trí, thể nhập Nhiếp Thọ Chánh Pháp Vô Dị Biệt (xem kinh Thắng Man)…!!!

Ở giai đoạn này, vị tu hành trực nhận (kiến) các tính chất siêu việt, đặc dị của Phật tánh như: Vô lượng từ, bi, hỉ, xả, thường, ngã, lạc, tịnh…hiện rõ trong tâm tánh của mình…!!! Địa vị này tương đương Thiện Huệ Địa (Cửu địa Bồ tát)…Đến khi công hạnh đầy đủ, vị ấy thể nhập Pháp Vân Địa (Thập địa Bồ tát)…Hoàn thành Bồ tát đạo và Bồ tát hạnh…!!!

Theo những giải thích ở trên, câu hỏi của bạn: “Khi kiến tánh rồi mới khởi tu (vậy khi mình chưa kiến tánh mà tu thì không có kết quả phải không Thầy)? Sẽ được giải thích như sau:

- Người chưa Kiến tánh phát khởi tu hành, việc tu hành này sẽ giúp người ấy gọt rửa thân tâm, tịch diệt các món che chướng Tánh giác, như: Đau khổ, phiền não, kiết sử, mê mờ..vv…từ đó Tánh giác hay Kiến tánh khởi tu thuộc giai đoạn một sẽ thành tựu…!!! 

- Tu hành trong giai đoạn chưa Kiến tánh, giống như người mù bẩm sinh, phải chữa lành đôi mắt rồi sau đó mới có thể tiếp tục học màu sắc (Kiến tánh khởi tu) và hội hoạ (Kiến tánh thành Phật)…!!! Kinh gọi giai đoạn này là dứt Nhuận Chi Vô Minh !!! 

Tóm lại, người chưa Kiến tánh tu hành là việc vẫn phải làm, việc làm này cho ra những kết quả nhất định của nó (không phải không có kết quả như câu hỏi của bạn) !!!

Kiến tánh khởi tu và Kiến tánh thành Phật là hai khái niệm thuộc về xuất thế gian và xuất thế gian thượng thượng… Hai khái niệm này vượt khỏi thấy biết hay suy luận thường tình của người chưa Giác Ngộ…!!!

- Kiến tánh khởi tu: Giống như người đi tìm lõi cây, với đôi mắt sáng, trong rừng vị ấy tìm thấy một cái cây thẳng đứng có lõi, vị ấy đã chặt bỏ cành nhánh, vỏ ngoài, vỏ trong, giác cây…hiện tại đang tiếp cận lõi cây và là người sở hữu lõi cây đó…

- Kiến Tánh Thành Phật: Như nhà điêu khắc tài ba, với tay nghề siêu hạng, có thể nhìn thấy những bức tượng vô giá ẩn chứa trong các lõi cây…Đây là việc làm mà, một người không tay nghề hay tay nghề điêu khắc chưa siêu hạng vô lượng lần nhìn ngó cũng không thể thấy...!!!

- Đây là sự khác biệt rất xa giữa Diệt đế và Đạo đế, giữa xuất thế gian và xuất thế gian thượng thượng, giữa sức thiện xảo giáo hoá sai biệt của Bồ tát và Đại Bồ tát trong Phật đạo (xem kinh Đại Niết Bàn) !!!

Tóm lại, đối với Phật đạo, dù chưa Kiến tánh hay đã Kiến tánh, nếu chưa thành tựu đạo quả sau cùng là Vô Thượng Bồ Đề (Phật quả), người tu hành đều phải học tập và cần cầu tinh tấn !!! 

Sự khác biệt về tu hành giữa người chưa Kiến tánh và Kiến tánh chỉ ở chương trình học tập và cách thức ứng dụng mà thôi !!! 

Hy vọng, những giải thích ở trên, có thể giúp Tuấn và bạn đọc của chuyên mục có cái nhìn khái quát về những giai đoạn Kiến tánh trong Phật đạo, cũng như nhận ra sự khác biệt giữa các tầng bậc tu hành…Từ đó, nhất tâm, cần cầu, tinh tấn mới không sai lệch !!! 

Chúc các bạn an vui, tinh tấn !!!

Rất mong, nhận được các câu hỏi lí thú và bổ ích từ mọi người !!!
13/06/2023

LÝ TỨ

Các bạn có thể gửi câu hỏi theo đường link sau [http://bit.ly/2K0aWfn] hay tại website Lytu.vn

 

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG