Hai Anh Quảng Nôm Luận Về Buông Xả

Hỏi: Một trong những yếu tố quan trọng, đưa đến chuyện thành bại trong việc tu học, đó là: Người tu hành phải biết “buông xả”! ... Tau hỏi mi! Tại răng, tau cùng bao nhiêu người tu tập trong Phật đạo, đã thực hành việc buông xả, mà vẫn không hết phiền não, kiết sử, lậu hoặc! ... Nói chung, mọi người vẫn nói rằng mình đã buông xả, nhưng trong lòng họ, theo nhận xét chủ quan của tau, họ vẫn còn vướng mắc nhiều thứ?
Đáp: Phật đạo mô dạy người buông xả? ... Theo tau biết, Phật đạo chỉ dạy người “xả pháp” (phép xả), chứ không dạy người “buông xả”! Người tu hành, thành tựu “xả pháp”, sẽ thành tựu một trong bốn tâm vô lượng, là “từ tâm, bi tâm, hỉ tâm và xả tâm”!
Hỏi: Mi có thể cắt nghĩa cho tau hiểu, sự khác biệt giữa pháp xả của Phật đạo, và quan niệm buông xả của người đời?
Đáp: Bàn đến việc ni, là bàn đến một trong những nhận thức cốt lõi của Phật đạo! Tau vẫn thường nghe mọi người bàn luận chuyện buông xả, nhưng nhận thấy rất khó góp ý! ... Tại răng? Bởi vì hai chữ buông xả, giống như chữ tu, những chữ ni đã hằn sâu vào tâm thức người tu hành đến độ gần như trở thành định kiến, nên họ rất khó chấp nhận ý kiến trái chiều, cũng như khó sửa chữa! ... Nó giống như một đoàn người, lũ lượt kéo nhau đi về một hướng, tất nhiên số đông đã cho họ niềm tin về con đường mình đang đi!
Nếu có một ai đó bảo rằng! ... Hãy đi ngược lại, con đường mà quý vị đang đi không có kết quả tốt! ... Phản ứng tự nhiên của đoàn người là, ném gạch đá vào phát ngôn của người kia!
Chính thái độ thiếu bình tĩnh, chính thói quen nghe mà không suy nghĩ, chính tính cách tư duy theo lối mòn, chính sự dễ dãi khi tiếp nhận thông tin, v.v... đã làm cho phần lớn người tu hành chỉ biết nghe, nghe rồi thực hành mà không tự phản biện hay kiểm chứng thông tin, cũng như không nghiêm túc đánh giá thành tựu bản thân! ... Vì thế, hệ quả của nó là, công sức bỏ ra rất nhiều, nhưng thành tựu thì không đáng kể!
Nếu mi dám nghe điều tau nói, bình tĩnh nhận định sự việc, dám từ bỏ những hiểu biết mà mình đã tôn thờ, tau sẽ phân tích cho mi nghe!
Hỏi: Từ hồi gặp lại nhau đến chừ, qua thời gian dài tiếp xúc, đã cho phép tau tin mi! Nhờ tin mi, nhờ hiểu rõ cái gì mới là lợi ích thiết thực trong việc tu hành! Giờ đây, tau cảm thấy mình sáng ra nhiều điều, nhờ sáng ra nhiều điều, trong lòng tau đã nhẹ nhõm hơn! Mi cứ nói đi! Tau đang tập trung nghe đây!
Đáp: Tau nói đây! ... Chữ xả là phép tu đưa đến cứu cánh thành tựu “ba học pháp vô lậu” của đạo xuất thế! ... Còn chữ buông xả là phép thực hành thuộc về đạo thế gian! Hay nói cho dễ hiểu hơn, để đưa đến đạo quả xuất thế, người tu hành tu tập xả pháp, chứ không tu tập buông xả! ... Tại răng nó lại như rứa?
Mi phải biết rằng, mỗi từ ngữ trong Phật đạo đều hàm chứa trong nó thật nghĩa, gọi là đệ nhất nghĩa! Đệ nhất nghĩa chính là nghĩa tối ưu, khi phát ra tự nó như con dao bén, cắt đứt mọi nhân duyên ràng buộc của thế pháp! ... Nói khác hơn, mỗi một từ của Phật pháp đều chứa trong nó cảnh giới tự chứng, từ ngữ ni như thuốc chữa bịnh, uống vào sẽ giúp người giảm thiểu các thứ bệnh thuộc về tâm! ... Nếu phân tích từ ngữ, ta sẽ thấy rằng:
✽Buông xả: Là hành động vứt bỏ, bỏ xuống cái gì đó hoặc điều gì đó sau khi ta đã nắm giữ trên cơ thể hoặc trong tâm thức!
✽Xả: Là thuật ngữ chuyên môn của Phật đạo, nhằm cảnh báo để người tu hành biết rằng: Không nên nắm giữ bất kì một nhận thức nào, không nên cầm giữ một niệm tưởng cho dù đó là niệm tưởng tốt hay xấu trong tâm thức!
Hỏi: Mi có thể phân tích sâu hơn được không?
Đáp: Mi biết đó, chúng sinh niệm niệm sinh diệt không ngừng, niệm ni vừa sinh tức khắc nó tự diệt, để niệm khác sinh khởi, Phật đạo gọi đó là: “Niệm niệm sinh diệt, vô thường”! Có nghĩa rằng, cái (niệm) mi cho là hiện tại, khi cái biết nhận ra trong hiện tại, niệm đó đã trở thành quá khứ, gọi là hiện tại không dừng! ... Điều ni giống như trên một dòng nước chảy, mi lấy một cái cây, đâm chiếc lá đang trôi, khi cái cây đến vị trí chiếc lá mi đã xác định, chiếc lá thực chất đã không còn ở đó nữa, mà nó đã trôi khỏi vị trí mi đã nhắm!
✽Tâm thức con người ta cũng như rứa, giống như chiếc lá trôi theo dòng nước, không cố định, không ở yên một chỗ, vừa tưởng như hiện tại, niệm ni đã trở thành quá khứ! ... ✽Quá khứ của tâm thức không thể đem về hiện tại, cho dù chỉ quá khứ của một sát na trước đó! ... ✽Nếu cố nhớ lại, cố đem cái quá khứ về hiện tại, thì quá khứ đó cũng không còn, mà thực chất: “Cái được gọi là quá khứ, chỉ là một niệm mê của hiện tại, khi giật mình biết hiện tại mình đang mê thì, hiện tại ni lại trở thành quá khứ”! ... Mi có thể hiểu đạo lí ni không?
Cho nên, Phật dạy phép xả, tức là ngay nơi hiện tại ni, không thủ giữ, không để cho tâm thức cầm nắm bất kì một pháp nào hay một niệm nào! ... Vì rằng, một khi tâm thức đã cầm nắm một điều gì đó, khi ta quyết định buông nó, thì nó có còn ở hiện tại đâu mà buông? Hiện tại chỉ là niệm mê nhớ về quá khứ, chứ thực chất “quá khứ có còn đâu mà đòi buông với xả”!!
Điều ni, giống như sáng ra người ta nhớ về giấc mơ trong đêm! Giấc mơ trong đêm chỉ là “sự tưởng nhớ” về quá khứ của niệm mê hiện tại! Vì thế, tu tập phép xả là: “Trong hiện tại ni, không để tâm thức nắm giữ cái được gọi là hiện tại, cũng không để tâm thức gợi nhớ cái được cho là quá khứ, cũng không đem tâm thức vọng tưởng về cái chưa đến là vị lai”!
Thực hành điều ni, kinh gọi là “Tam tâm bất khả đắc”! ... Câu ni có nghĩa rằng, không đem tâm quá khứ về hiện tại, vì quá khứ đã qua rồi, gọi là quá khứ như mộng! ... Không đem tâm nhớ nghĩ đến vị lai, vì vị lai chưa đến, gọi là vị lai như huyễn! ... Không cầm nắm hiện tại, vì hiện tại chẳng dừng, gọi là hiện tại như ảnh (chỉ là bóng dáng của tâm thức, bóng dáng tiền trần)!
Nói tóm lại, tu tập trong Phật đạo là xả chứ không phải buông xả! Một khi tâm thức đã nắm giữ điều chi đó, hành động nắm giữ ni đã thuộc về quá khứ tâm, mà quá khứ tâm như giấc mơ đã qua rồi, nếu có còn trong hiện tại chăng, đó chỉ là niệm mê trong hiện tại, mà hiện tại thì chẳng thể buông cái mà mình đã nắm trong quá khứ! Cho nên, muốn hết mê, muốn tìm về với đạo xuất thế! Ở hiện tại ni, chỉ nên không nắm giữ bất kì pháp mô hay niệm mô gọi là xả, chớ không phải nắm nó để rồi buông! ... Mi có hiểu không?
Vì thế trong kinh Lăng Già, Đại Bồ Tát Đại Huệ có đoạn xưng tán Phật như sau:
“Quán mâu ni tịch tĩnh
Thế là xa lìa sanh
Ấy gọi là chẳng thủ (Và cũng không có thọ, tuỳ bản dịch)
Đời nầy đời sau tịnh!”
Nội dung bài kệ như sau:
Quán mâu ni tịch tĩnh: Nếu người tu hành quán sát để thấy được rằng, tâm thức ni xưa nay tự nó vắng lặng, tịch tĩnh, bất động [Không khác chi tâm thức của chư Phật]
Thế là xa lìa sanh: Thế là [vị ấy] đã ra khỏi mọi mê muội sanh diệt [của tâm và thức]
Ấy gọi là chẳng thủ [hay: Và cũng không có thọ]: Câu ni có nghĩa rằng “Hành động ấy, chính là không thọ nhận, hay thủ giữ bất kì một pháp, một niệm nào trong hiện tại” [Đây chính là phép xả của Phật đạo]
Đời này đời sau tịnh: Từ đây cho đến vĩnh viễn tận cùng đời vị lai sẽ không còn phiền não, tham sân, lậu hoặc!
Nếu để ý kĩ, mi nhận ra bài kệ không nói “cả ba thời đều tịnh”, mà chỉ nói “đời này đời sau tịnh”! ... Cái tuyệt vời, cái thâm u, cái đệ nhất nghĩa, cái tuyệt cú trong văn tự Phật pháp là ở chỗ ni! ... Từ bây giờ trở về sau tịnh, chứ quá khứ đã qua rồi, không luận đến tịnh hay bất tịnh! ... Lời ni cũng có nghĩa rằng, hiện tại tịnh thì, ba thời đều tịnh!
Chính vì nghĩa ni mà, kẻ giết cả ngàn người như Ương Quật Ma La, niệm trước là ác niệm của kẻ sát nhân, chỉ cần trong hiện tại (lúc đó, lúc ấy) [gặp Phật, gặp cái Mâu Ni của bản tâm] khi nghe đến câu: “Ta dừng, còn ngươi chưa dừng” hoát nhiên tâm thức rốt ráo xả, thành tựu xả pháp, chứng vô sanh!
Tau hỏi mi! ... Nếu cứ bắt Ương Quật Ma La mê muội buông xả cái tâm giết người đã nắm trong quá khứ, chừng mô Ương Quật Ma La mới buông hết đây, “khi hiện tại nhất quyết nắm giữ nó để mà buông?” Cái sâu thẳm, cái tuyệt vời, cái chính xác đến từng câu từng chữ của Phật đạo, người đời không dễ lãnh hội!
Tóm lại, buông xả là quan niệm thế gian! ... Xả, là pháp môn cốt lõi của đạo xuất thế! ... Mỗi ngữ nghĩa của Phật đạo đều là một pháp môn xuất thế, nằm trong vô lượng pháp môn! ... Hiểu không đúng, hiểu sai, giống như người dùng thuốc nhầm lẫn giữa “sanh địa và thục địa,”[1] nhẫm lẫn tai hại ni, sẽ không thể hết bịnh!
Hỏi: Cảm ơn mi! Nghe những điều mi trình bày, tau không lấy tri thức đã học suy lường về điều mi nói, mà tau đem tâm thực hiện theo từng câu, từng chữ điều mình vừa nghe! ... Không ngờ, kết quả tuyệt vời! ... Văn tự của mi, như nước chảy vào tâm, ý nghĩa của nó như thuốc trị bịnh tâm! ... Câu chuyện vừa xong, trong hiện tại ni, tau không cầm giữ bất kì pháp nào, kể cả lời mi nói!
Tau như người đặt gánh nặng xuống! ... Đúng! ... Xả pháp là như thế! ... Xuất thế là như thế! ... Không nắm giữ gọi là xả chớ không phải đem vào tâm rồi sau đó buông xả ra! ... Sai một li đi một dặm! ... Mỗi lời Phật là một cảnh giới! ... Bây chừ tau hiểu ra cái câu: “Ngữ ấy tức nghĩa ấy”! ... Mi không dạy tau phép Tam Ma Đề mà tau thành tựu phép ni! ... Mi không dạy tu Xa Ma Tha, mà tau thấu suốt Xa Ma Tha (xuất thế gian định) là gì! ... Mi chính là Thầy của tau! ... Nếu không phải là quán cà phê, tau phải lạy mi cả ngàn cái để đền đáp cái ơn khai trí!
LM! [2] ... Sư Huynh ơi! Nghe những điều Sư Huynh nói! Muội không đủ lời lẽ để diễn đạt tâm mình! Nhưng, quan niệm thế gian cũng như xuất thế, đã rơi rụng trong lòng muội! Bây giờ muội mới hiểu, thế nào là nghe pháp bằng tâm và hiểu pháp bằng tâm! Muội cũng xin thầm lạy tạ công ơn Sư Huynh trong lòng!
Đáp: Rứa đó! Rứa đó! ... Đạo pháp là rứa đó! ... Xả pháp là rứa đó! ... Bây chừ, hai đứa bay hiểu ra câu: “Đạo pháp siêu quá quan niệm tu cùng không tu của thế gian hay không”? ... Tu là rứa đó! ... Chứng là rứa đó! ... Không thấy tu mà tu! ... Không thấy chứng cái chi hết, mà chứng nhập cảnh giới xuất thế! ... Mần được như rứa mới đích thị tu học trong Phật đạo!
Thôi! ... Hai đứa về nghiền ngẫm những điều đã nghe bữa ni! ... Đừng chạy theo văn tự, đừng cắt nghĩa lung tung, cái tâm lại loạn động trở lại! ... Lờn thuốc! Rất khó chữa lần hai! ... Hai đứa có hiểu không?
Nguồn: LÝ TỨ; CHUYỆN TRÊN MÂY Tập 1 (trích Bài 69); NXB Hà Nội 2020
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






