Định Tuệ

- Trong Phật pháp thiền định và trí tuệ có mối liên hệ mật thiết, đây là hai chân của chiếc kiềng ba chân giới, định, huệ. Nếu có sự thiên lệch nào đó của một chân trong ba chân này thì chiếc kiềng Phật pháp sẽ không đứng vững.
- Hiện tượng thường thấy của những người tu hành là, chiếc kiềng ba chân giới, định, huệ không đồng nhau. Người coi trọng chân này, người đặt nặng chân kia. Sự coi trọng hay đặt nặng một chân sẽ dẫn đến hệ quả làm mất đi sự cân bằng cần thiết trong đời sống tu hành.
- Đỉnh cao Phật pháp là “định huệ quân bình”; cụm từ này thường được nêu lên như một tiền đề để người tu hành vươn tới. Thế nhưng tiền đề là như vậy, đòi hỏi của người tu hành là như vậy. Nhưng để tạo được sự “quân bình” này, người tu hành phải làm gì, và vì sao phải thực hiện hai học pháp vô lậu này hầu như còn bỏ ngỏ.
- Trong các buổi thảo luận Phật pháp, hoặc nhìn vào đời sống cũng như cách ứng xử của một Phật tử, chúng ta dễ dàng bắt gặp một hiện tượng đó là: Một số người thiên về thiền định, một số người thiên về trí tuệ. Và hai nhóm này bằng biểu hiện này hay biểu hiện khác thường không gặp nhau trên quan điểm, không đồng ý nhau trong đời sống, và các buổi thảo luận Phật pháp thì không thống nhất ý kiến với nhau.
- Biểu hiện của người thiên về trí tuệ mà thiếu thiền định là ưa lập luận, và họ giải quyết vấn đề tu hành hay đời sống bằng những suy luận mang tính thế tục, dựa vào suy luận thế tục để kết luận vấn đề. Những kết luận như vậy đối với thế pháp không sai, nhưng lại không phải là cách chọn lựa thỏa đáng để mình và người đặt chân vào ngưỡng cửa Thánh pháp.
Đây chính là rào cản rất lớn trên con đường chiếm lĩnh đỉnh cao trí tuệ vô lậu. Họ sẽ bị dừng lại, bị níu chân bởi những suy luận mang nặng thế tục này. Thậm chí nếu tự thân không vượt qua nhất định sẽ phát sinh tà kiến.
- Vì sao không vượt qua nhất định phát sinh tà kiến? Vì tất cả mọi suy luận, cho dù suy luận tốt nhất thế gian cũng đều nằm trong đối đãi và mang tính trói buộc bởi mặt này hay mặt kia của suy luận. Có nghĩa suy luận này chỉ là sự trưởng thành của ngã thông qua con đường giáo pháp. Một ngả rẽ không mong muốn của Phật đạo, thậm chí đi ngược lại giáo pháp một cách “vi tế” mà đôi khi tự thân hành giả không nhận ra.
Những Phật tử này cắt nghĩa vấn đề dựa trên “cơ hiềm” nhiều hơn là mong muốn cởi trói, họ dựa vào sự phải quấy thế pháp để phán định đúng sai. Về mặt thế pháp cắt nghĩa vấn đề như vậy là đúng, là thuyết phục. Nhưng trong giáo pháp, loại lý luận này vô tình đẩy người nói lẫn người nghe vào sự chấp nhất, và đây là nguyên nhân phát sinh phiền não.
- Mà, lời nói hoặc hành động nào như vậy hay gần như vậy, Phật Giáo gọi là “tà kiến”; tà bởi vì không cởi trói cho mình cho người, tà kiến vì khiến mình người thấy sai bản chất vấn đề, chấp nhất sự việc.
- Để vượt qua khó khăn này, cần phải tự rèn luyện mình bằng cách ‘gia cố thêm công phu thiền định’.
Thiền định của Phật Giáo giống như con cá sống ở nước ngọt, muốn tồn tại nơi biển khơi, đầu tiên con cá này phải bơi đến những vùng pha lẫn hai thứ nước mặn ngọt và tăng dần độ đậm của muối. Đây là sự thích nghi cần thiết với môi trường, làm quen với loại văn hóa mới. Nếu thiếu sự thích nghi và học tập văn hóa mới này, con cá sẽ không dễ dàng tồn tại trong hoàn cảnh mới.
Thiền định của Phật Giáo cũng như vậy, nó là sự thay đổi môi trường một cách cần thiết, để người tu hành hòa nhập vào biển Đại Giác.
- Trên con đường giác ngộ, thiền định giúp người tu hành lần lượt thay đổi tâm sinh lý để phù hợp với đời sống mới gọi là đời sống tu hành. Nếu không có một tâm sinh lý mới, đời sống không được thay đổi bởi thiền định, người này mong muốn thể nhập vào trí tuệ vô lậu là điều không thể.
- Một điều không khó nhận ra, đó là có người tri kiến tốt nhưng thiếu thiền định (tạm gọi công phu hàm dưỡng) thì biểu hiện của người này khi thuyết giáo thường hay chấp chặt định kiến của mình, trong đời sống thường nhật thích chuyện cơ hiềm thế gian, chán cảnh tịch lặng, ham ưa ồn náo và bị cuốn hút bởi các dục cũng như hay tham gia tranh biện.
- Do không tu tập thiền định, hạng này không có tác phong của người tu thiền (người xưa gọi là thiền phong), làm mất đi sự tôn trọng của người khác đối với mình và thiền môn.
- Vì thế, có tri kiến tốt là điều đáng hoan nghênh, nhưng thiếu “công phu hàm dưỡng” là điều đáng chê trách.
- Để thiền định và trí tuệ cân bằng, hãy siêng năng tu thiền và trong đời sống thường nhật phải ra công “hàm dưỡng”. Đây là cách tốt nhất để thích nghi với môi trường mới của giác ngộ.
- Hãy đi đến biển lớn Đại Giác bằng ngọn đuốc trí tuệ và đôi chân thiền định.
- Hãy nhổ cây cột ngã kiến bằng cách dùng thiền định để lung lay tận gốc cây cột kia, và nhổ nó lên bằng sức mạnh trí tuệ.
(11-2010)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






