Các Tầng Bậc Kiến Tánh

 0
Các Tầng Bậc Kiến Tánh

Các bạn !!!
Trong tuần, BQT đã nhận được câu hỏi của Nguyễn Ngọc Tới !!! Nội dung câu hỏi như sau:

“Ở trang Lý Tứ khác với các vị khác mà tôi được nghe giảng ‘không có điều gì là không thể’, vậy tôi đặt rất nhiều câu hỏi mong các vị không phiền.

Trong Phật Đạo có hai từ Kiến Tánh.
– Ví dụ lúc thấy tham sân khởi lên và diệt đi (trong chính niệm) thì được gọi là kiến tánh chưa ?
– Có phải chứng hai vô ngã đồng nghĩa với vụ nổ “Big Bang” và cũng được gọi là Kiến Tánh hay không ?
– Cái thấy và cái được thấy phản chiếu trung thực được gọi là Kiến Tánh ?

Những điều này vượt ngoài nhận thức của tôi nên mong nhận được câu trả lời”. 18/03/2020 – 11:34:46 Lê Ngọc Tới

Bạn Lê Ngọc Tới thân mến !!!
Khi nhận được câu hỏi của bạn, hoặc các độc giả khác gởi về…Chẳng những BQT trang không lấy đó làm phiền, mà ngược lại rất hoan hỉ !!!

Vì rằng, khi mở chuyên mục BẠN ĐỌC HỎI – LÝ TỨ TRẢ LỜI… BQT đã xác định mục tiêu của chuyên mục cũng như của trang !!! Trong các kinh, Phật thường hay khen ngợi “người khéo hỏi và người khéo trả lời”… Bởi lẽ, đối với Phật đạo, hỏi và trả lời câu hỏi là một nghệ thuật…!!!

Nghệ thuật ấy giúp người hỏi nâng cao năng lực tu tập, từ đó tạo thói quen hình thành phép đặt câu hỏi có trọng tâm, cũng như sáng tỏ những điều mình chưa sáng tỏ… Đồng thời đối trước câu hỏi, sẽ giúp người trả lời phát huy sức thiện xảo trong nghệ thuật vấn đáp, một trong những nghệ thuật không thể thiếu đối với bất kì lãnh vực học tập nào !!!

Về các thắc mắc của bạn, mình sẽ không trả lời trực tiếp từng ý… Mà chỉ phân tích “khái niệm kiến tánh”, cũng như “các điều kiện cần có của cảnh giới kiến tánh” !!! Từ đó, bạn sẽ tự trả lời cho bản thân những thắc mắc mà bạn đã nêu !!!

I- KIẾN TÁNH LÀ GÌ ???
Kiến tánh là khái niệm chung, nhằm chỉ cho ba giai đoạn, ba cảnh giới mà một người tu hành trong Phật đạo (cần) đạt đến, đó là: Thấy tánh giác, thấy tự tánh, thấy Phật tánh (kiến = thấy) !!!

Về khái niệm kiến tánh… Cho đến thời điểm hiện tại, mình chưa tìm thấy sự thống nhất trong giới tu hành là: Khái niệm này nhằm chỉ cho việc thấy tánh giác hay thấy tự tánh hoặc thấy Phật tánh !!!??? Mà phần lớn tuỳ theo tông phái, tuỳ theo quan điểm tu hành, mỗi một nơi dùng khái niệm kiến tánh để chỉ cho một cảnh giới trong ba cảnh giới nêu trên theo cách hiểu riêng (hay thói quen) của họ !!! Vì thế, chỉ khi nào, nghe họ mô tả, và phân tích ngữ cảnh trong câu nói, chừng ấy mới biết hai chữ kiến tánh mà người kia đã nói lên nhằm chỉ cho cảnh giới nào !!!

Điều này giống như cùng một cái cây, người thấy ngọn cây cũng bảo rằng “thấy cái cây” !!! Người thấy thân cây, cũng bảo rằng “thấy cái cây” !!! Người thấy gốc cây, cũng bảo rằng “thấy cái cây” !!! Ba người thấy ba phần khác nhau của cái cây đều bảo rằng “nay tôi đã thấy cái cây”… Như vậy, muốn biết những người ấy thấy phần nào của cái cây, phải nghe người ấy mô tả cái thấy của mình… Chừng ấy, “thấy cái cây” là thấy phần nào của cái cây mới được sáng tỏ !!!

Ví dụ: Người thấy ngọn cây, sẽ mô tả cái cây tôi thấy có nhiều cành nhánh !!! Người thấy thân cây, sẽ mô tả cái cây tôi thấy, có dáng hình trụ, cao to, vỏ bọc xù xì !!! Người thấy gốc cây, sẽ mô tả cái cây tôi thấy, to lớn có nhiều rễ cắm sâu xuống đất…v..v…!!!

Tất nhiên trong đời, không thiếu những người chưa một lần kiến tánh…Nhưng họ vẫn nhầm lẫn (do vô tình hay cố ý) bản thân đã kiến tánh…Để kiểm chứng việc người đó cho rằng bản thân đã kiến tánh là thật hay giả, chỉ cần nghe họ mô tả về điều họ đã thấy, từ đó mới có những đánh giá chính xác về cái thấy của người kia là đúng hay sai về cảnh giới kiến tánh !!! Ví dụ, có người bảo: “Nay tôi đã thấy cái cây ấy”… Nhưng khi mô tả, người đó lại mô tả hình dáng một…con…mèo…thì…thì…thì, biết chắc rằng, người ấy chỉ thấy con mèo chứ….chưa…thấy…cái…cây !!!

Tất nhiên, để có thể đánh giá một người đã kiến tánh hay chưa, người đánh giá phải là người “thấy đầy đủ ba phần của một cái cây” !!! Những người thấy một phần, thì không thể nhận định, đánh giá các phần cây mình chưa thấy !!! Đây cũng là lí do vì sao, khi bàn về cảnh giới kiến tánh, phần lớn người tu học trong Phật đạo thường không thống nhất ý kiến hoặc quan điểm của nhau !!!

II- KIẾN TÁNH GIÁC, KIẾN TỰ TÁNH, KIẾN PHẬT TÁNH LÀ THẤY ĐIỀU GÌ ???

A- Kiến tánh giác: Khái niệm “kiến tánh giác”, dùng để chỉ cho cảnh giới người tu hành sau khi thấy biết (của họ) đã hoàn toàn không còn bị nhiễm ô bởi tri thức thế gian… Do thấy biết không còn bị nhiễm ô bởi tri thức thế gian nên, cái thấy, cái nghe…v..v…trở về đúng chức năng thấy biết bản nhiên của tánh giác… Cho nên, người ấy không còn bị khổ, phiền não, kiết sử, lậu hoặc hiện khởi !!! (Tất nhiên sân si cũng đã tịch diệt, nên ý thứ nhất trong câu hỏi của bạn Lê Ngọc Tới có thể dùng phần này để đối chiếu)

Và, một điều cực kì quan trọng của người đã kiến tánh giác là, vị ấy biết chắc rằng: Sau khi tịch diệt “kiến văn giác tri” thế gian, sẽ không rơi vào đoạn diệt (như những người không kiến tánh suy lường rồi hiểu nhầm) !!! Giống như nguồn nước bị nhiễm ô, sau khi loại bỏ các thứ nhiễm ô, nguồn nước không vì thế mà cạn kiệt, trái lại nguồn nước sẽ trở nên trong sạch hơn !!! Để mô tả sự không đoạn diệt này, kinh gọi cảnh giới sau khi kiến tánh giác là “Tam Muội Giác Gia Trì” !!! Tánh giác (hay tánh thấy) chính là Tam Muội Giác, một thứ Tam Muội hình thành gần như đầu tiên của người tu hành !!!

B- Kiến tự tánh: Sau khi tâm thức vị tu hành không còn nhiễm ô, tánh giác phát huy tác dụng… Người tu hành sử dụng “tánh giác như một công cụ” nghe nhìn tối ưu… Người ấy quay trở vào tự tâm, nhìn ngắm tự tâm… Vị ấy trực nhận ra (không phải tưởng tượng hay suy lường) bổn tâm có những tính chất tự nhiên (tự tánh) của nó như: Thanh tịnh, bất động (không động lay), không sanh diệt (chẳng phải không sống chết), thường tự an vui, thường tự tịch tĩnh, thường tự chiếu soi, đầy đủ công đức của cảnh giới Niết Bàn…v..v…!!!

Do thấy được tự tánh, vị tu hành cũng biết chắc một điều: “Bản lai, chư Phật và chúng sanh đồng một tự tánh” !!! Đây là cơ sở quan trọng để người tu hành biết rõ đâu là thế gian đâu là xuất thế, cũng như thế gian hay xuất thế thực chất là ở đâu và đi về đâu !!!

Khi thấy được tự tánh, Lục Tổ Huệ Năng bất ngờ trước những tính chất mà trước đây cho dù bản thân đã kiến tánh giác trong lần sơ ngộ nhưng cũng không thể thấy… Vì thế bèn thốt lên: “Nào dè tự tánh vốn tự thanh tịnh, nào dè tự tánh vốn không động lay, nào dè tự tánh vốn không sanh diệt, nào dè tự tánh vốn tự đầy đủ (công đức), nào dè tự tánh có thể chiếu soi muôn pháp (nếu mê sẽ sanh muôn pháp, như nước bị nhiễm ô sẽ làm vẩn đục hình bóng các thứ chiếu vào nó)…” !!!

C- Kiến Phật tánh: Kiến Phật tánh là cái thấy gần như sau cùng của người tu hành trong Phật đạo !!! Người thấy Phật tánh, đích đến Vô Thượng Bồ Đề được coi là rất gần… Vì thế, người xưa hay nói “kiến tánh thành Phật” !!!

Để có thể kiến Phật tánh, người tu hành phải trải qua hai cảnh giới trước đó là, thấy tánh giác và thấy tự tánh !!! Thấy tánh giác, hết nhiễm ô !!! Thấy tự tánh biết được bản chất cùng tánh chất tự nhiên của tự tâm !!!

Sau khi thấy được hai món trên, vị tu hành phát khởi từ bi tâm, học tập tất cả các Tam Muội Môn và Giải Thoát Môn của chư Phật, có được trí tuệ, thực hành công hạnh giáo hoá dày sâu…!!! Trong quá trình giáo hoá, vị này trực nhận ra: Tâm trí (bây giờ) cũng đầy đủ những tính chất như một vị Phật, đó là: Thường, ngã, lạc, tịnh, từ, bi, hỉ, xả…mà trước đây các tính chất trên chưa hiện đầy đủ !!!

Nói khác hơn, thấy Phật tánh là khái niệm để chỉ cho những vị trực nhận ra, tâm và trí (bây giờ) cũng đầy đủ những tính chất ưu việt, siêu quá ba thừa như một vị Phật !!! Nhờ cái thấy cuối cùng này, vị ấy lần lượt thành tựu Thập Bát Bất Cộng của chư Phật !!!

Để mô tả việc thấy Phật tánh quan trọng như thế nào, Phật tuyên thuyết các giai đoạn phải trải qua bằng lời dạy như sau: “Trước khi thọ thực, thân Bồ Tát là nhục thân… Sau khi thọ thực, Bồ Tát nhập Kim Cang Tam Muội tiêu hoá thức ăn, biến nhục thân thành Kim Cang Thân… Thấy Phật tánh, thành Đẳng Chánh Giác…” !!! Thiết nghĩ, lời dạy trên đã khái quát những cảnh giới tiêu biểu (hay các tầng kiến tánh) mà một Bồ Tát phải kinh qua, trước khi thành Đẳng Chánh Giác !!!

III- Kết luận: Kiến tánh là khái niệm để chỉ cho ba cảnh giới mà một người tu tập trong Phật đạo muốn thành tựu Vô Thượng Bồ Đề phải thành tựu !!!

Ba lần thấy này, có sự kế thừa lẫn nhau theo một quy trình nhất định !!! Để dễ hiểu, ta có thể ví dụ như sau: “Giống như một người xa xứ lâu năm, nay trở về quê hương… Sau khi trải qua một đoạn đường dài, người ấy từ xa thấy bóng dáng của cây đa đầu làng (kiến tánh giác)… Nhờ bóng dáng đặc trưng của cây đa đầu làng làm dấu hiệu cho làng của mình, người ấy cứ nhắm thẳng hướng có cây đa mà đi tới (bất thối)… Về đến cổng nhà, người này thấy rõ thân cây đa cao to với lớp vỏ sần sùi (kiến tự tánh)… Sau khi vào nhà, người này tiếp tục quan sát gốc đa và nhận ra gốc rễ (cũng như toàn thân) của nó (kiến Phật tánh)…!!!

Điều đặc biệt, tuy kiến tánh giác chỉ là cái thấy đầu tiên trong quy trình kiến tánh gồm ba thứ nhãn lực của ba cảnh giới khác nhau… Nhưng, kiến tánh giác đóng một vai trò cực kì quan trọng, đó là cái thấy đầu tiên nhưng cũng là cái thấy giúp người tu hành bất thối, thành tựu Bất Cộng Phàm Phu Pháp… Giống như người xa quê, trên đường trở về, thoạt thấy bóng dáng đặc trưng của cây đa đầu làng, người ấy biết chắc mình đã về đúng quê hương… Từ đấy an lòng (chánh định), mạnh chân (tinh tấn), vững bước (không còn nghi ngờ đi lộn đường) !!!

* Riêng câu hỏi: Có phải chứng hai vô ngã đồng nghĩa với vụ nổ “Binh Bang” và cũng được gọi là Kiến Tánh hay không ? Về câu hỏi này, xin được trả lời như sau:

– Người tu hành chứng hai vô ngã, sau khi được khai thị một lần nữa (giống Ngũ Tổ thuyết Kim Cang cho Lục Tổ), vị ấy chỉ mới thấy được tự tánh (cũng gọi là kiến tánh)… Và cái thấy này, cũng chưa đủ công đức để tạo ra một vụ nổ Big Bang của tâm thức !!! Nổ Big Bang tâm thức là vụ nổ sau cùng để thấy Phật tánh !!! Sau khi nổ Big Bang, vị này tự thành tựu Vô Sư Trí (một thứ trí tuệ không có thầy, và dùng để dạy tất cả các địa vị ‘hữu sư trí’ trong Phật đạo… Chừng nào đủ duyên, vị ấy thành Đẳng Chánh Giác) !!!

Lê Ngọc Tới thân mến !!!
Hy vọng những giải thích ở trên, có thể giúp bạn nhận ra một vị đã kiến tánh là thấy điều gì… Và điều kiện để có được ba thứ thấy trong quá trình kiến tánh hoàn hảo là như thế nào… Từ đó, giúp bạn đối chiếu với những thắc mắc của mình và tự trả lời cho bản thân !!!

Cách đây khoảng nửa tháng, BQT có gởi cho bạn một món quà (gồm các cuốn sách của Lý Tứ) qua đường bưu điện… Không biết bạn đã nhận được hay chưa !!!??? Rất mong phản hồi từ bạn, để BQT biết chắc bưu phẩm mình đã gởi, có đến tay người nhận hay không !!!??? Chúc bạn an vui, tinh tấn !!!

BQT rất mong, nhận được những câu trả lời lí thú và bổ ích từ bạn đọc !!!
24/03/2020
LÝ TỨ

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG