Bất Tư Nghì Huân Biến

 0
Bất Tư Nghì Huân Biến

Bạn đọc thân mến !!!

BQT đọc Bản Dự Thảo Anh Lạc Luận I đến bài này, thấy hay quá và muốn chia sẻ ngay đến bạn đọc !!! Mặc dù đây là cái nhìn chủ quan nhưng BQT rất mong bạn đọc hoan hỷ !!!

BQT Lý Gia.

BẤT TƯ NGHÌ HUÂN BIẾN

Các bạn!!!

Kinh dạy: "Hiện thức lấy sự biến hóa bất tư nghì huân làm nhân cho nhau”, có nghĩa rằng: Những gì một hữu tình thấy; nghe; hay; biết... đều do sự huân biến của tâm thức thành kinh nghiệm phán xét. Sự huân biến này theo dòng nghiệp thức, không tự làm chủ được nên gọi là: Bất tư nghì huân biến. Phật Giáo ra đời giúp chúng sanh thoát khỏi sự huân biến không tự làm chủ của thức (của mình), đây là loại tập nhiễm tự nhiên của nghiệp.

Muốn chấm dứt huân biến hư vọng này, người tu hành phải giác ngộ thật sự, có nghĩa chỉ căn cứ vào bản tâm thanh tịnh không nghiệp, không y cứ vào thấy nghe thường tình. Trung đạo (Sunya) chính là cơ sở để chấm dứt huân biến một chiều này, kinh thường gọi là hữu biên luận, tức là hiểu biết và y cứ một chiều. Hiểu biết và y cứ này không giải thoát vì không căn cứ vào giác ngộ mà huân. Người giác ngộ thay thế sự huân biến này bằng huân biến của tự giác, tức là chỉ huân biến trong thanh tịnh. Bát Nhã là công cụ làm sạch nhân bất tư nghì huân này.

Thức có ba thứ là: Hiện thức, nghiệp thức và chuyển thức.

− Hiện thức là thấy biết hiện tiền.

− Nghiệp thức là y theo thấy biết này mà hồ đồ phán xét sự việc.

− Chuyển thức là sau khi tiếp nhận sự việc và hồ đồ phán xét, thức sẽ y cứ vào đây để làm nhân cho nhận thức sau này (đây chính là Bất tư nghì huân biến). Thức này sẽ trở thành Tàng thức, chữ Phạn gọi là A Lại Da thức, một trong tám thức.

Mạt Na thức (ngã) là nhân của huân biến, A Lại Da thức là phần tích chứa và nuôi lớn ngã. Muốn chấm dứt ba thứ thức này phải giác ngộ vô ngã.

Xả bỏ mọi thứ kiến chấp, thì ba thứ thức trở thành ba thứ trí. Đó là: “Hiện thức” thành “Diệu Quan Sát Trí”, “Nghiệp thức” trở thành “Bình Đẳng Tánh Trí” (hết ngã), “Chuyển thức” trở thành “Đại Viên Cảnh Trí”, tự tâm thanh tịnh, không tích chứa và làm nhân cho đời sau. Gọi là Bất tư nghì huân biến của Trí.

Khi tâm bình đẳng, ngã và ngã sở đều không, trong ngoài đều tịch diệt, thì ý căn liền thanh tịnh. Khi ý căn thanh tịnh (không bị vọng thức làm mê mờ chạy theo vọng cảnh), chỉ huân những gì thanh tịnh thì ý thức biến thành Diệu quan sát trí. Từ đây, ý thanh tịnh chủ đạo mọi hoạt động huân biến của năm căn còn lại. Do đó, năm căn chỉ theo mệnh lệnh thanh tịnh của ý căn (Diệu quan sát trí) mà huân những gì thanh tịnh. Vì chỉ huân những gì thanh tịnh do ý thanh tịnh chủ đạo, nên năm thức đầu tiên (có tên là tiền ngũ thức) trở thành Thành sở tác trí, năm công cụ hành hoạt của Bát Nhã trí vậy.

Khi đáp kệ ngài Ngoại Luân, Tổ Huệ Năng nói, “...Đối cảnh tâm liền sanh...” là nói khi đối cảnh tâm ngài y nơi Bát Nhã trí, tiền ngũ thức sanh Thành sở tác trí, Ý thức sanh Diệu quan sát trí, Mạt Na thức sanh Bình đẳng tánh trí và A lại da thức sanh Đại viên cảnh trí. Viên thủy thanh châu giác ngộ đã biến tám thức thành Bát Nhã. Kinh Lăng Già Phật dạy, “...Giác cảnh thức là Phật...” Câu này có nghĩa rằng, khi giác ngộ triệt để thì thức chính là trí vậy.

(06-2010)

LÝ TỨ

 

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG