Ba Mươi Bảy Phẩm – Tứ Niệm Xứ – Pháp Niệm Xứ

Trong bốn niệm xứ, pháp niệm xứ được nêu lên sau cùng. Trình tự bốn điều này được Phật tuyên nói thứ lớp trước sau như vậy tất nhiên là không phải không duyên cớ. Cách giải quyết vấn đề của đấng nhất thiết trí không có chuyện thiếu thừa hoặc lộn lạo vì đây là lời giáo dạy của bậc chơn ngữ. Mọi thứ từ kim khẩu đức Thích Ca Mâu Ni nói ra đều có duyên do và nhất định ẩn chứa ý nghĩa xảo diệu, không thể coi thường và mặc tình chấp nhận như một pháp số tự nhiên. Nếu chịu khó để ý kỹ từng điều, mỗi điều người tu hành sẽ tìm thấy vô vàn chỉ thú, mỗi chỉ thú đều hàm chứa cứu cánh tối hậu.
Vì vậy trong Phật pháp không hề có cái gọi là pháp căn bản, bởi tự thân mỗi pháp có đủ vô lượng nghĩa thì nghĩa nào mới là nghĩa căn bản. Sở dĩ nói căn bản là vì chúng sanh chấp nhất cạn sâu.
Tuy vậy, khi thiết lập phương tiện Phật lại là đấng thiện xảo trong lĩnh vực này, cho nên pháp trước sau lập bày cũng chỉ để làm thanh tịnh rốt ráo so đo lập bày cạn sâu của ba thừa.
Phải chú ý quan sát mới tìm thấy sự kế thừa kỳ ảo trong hoa tạng thế giới, nơi không cùng mà lập bày sự cùng tận để hiển thị cái không cùng. Pháp vô ngã là vậy, nói năng trước sau thứ lớp đều xuất phát từ chỗ chẳng có thứ lớp trước sau, giống như chim bay giữa hư không không có dấu tích lại có lối về.
Nơi pháp vô ngã đích thị là ngã, nếu cố tìm ngã nơi vô ngã thành kẻ tìm kiếm lông rùa. Thanh Văn đành bó tay trong hóa thành chờ ngày Phật chỉ ra bổn lai pháp tự vô ngã. Nơi tâm có ngã đứng ở bờ này, tự tâm vô ngã trụ ở bờ kia, đạo vốn không pháp cũng chẳng phải không pháp vì tánh pháp tự chơn. Pháp nhĩ như vậy nên chẳng bỏ bờ này chẳng chọn bờ kia, tột mé trí mới mong thấy hết ý nghĩa của pháp.
Phật dạy ‘pháp niệm xứ’ nhằm làm tinh sạch thứ nước trong mà Thanh Văn Duyên Giác và Bồ Tát quyền thừa đã uống. Đây là phương tiện sau cùng của đạo đưa ba thừa đồng hướng về cái thiệt quên đi cái chân, dạy mặt trăng thứ hai để chỉ mặt trăng thứ nhất, pháp niệm xứ là như vậy.
Chữ pháp trong Phật pháp có rất nhiều ý nghĩa, tùy theo ngữ cảnh trong câu người nghe sẽ nhận biết được chữ pháp ở đó nói gì.
Phật dạy: “Pháp vô ngã,” có nghĩa pháp này có xuất xứ từ hữu tình, vì nếu pháp niệm xứ hàm ý chỉ vô tình thì đối với vô tình không nói đến ngã cùng vô ngã. Có thể hiểu nghĩa pháp trong pháp niệm xứ hàm chứa ý nghĩa nào đó không tự có từ bản chất các trần mà thuần túy chỉ bóng dáng mê muội từ nội tâm chúng sanh phát ra.
Có nghĩa ‘pháp’ là đối tượng hướng đến của ý căn khi ý căn không còn là chính mình. Chức năng nghĩ suy độc lập của ý bị ông chủ nghiệp chi phối, giống như con mắt dùng để thấy, khi cái thấy bị lòa thì nên coi lại con mắt, tướng lòa đã làm mất đi tướng thật của vật bị thấy. Như vậy PHÁP trong hoàn cảnh này là: Sự nghĩ suy, so sánh, phân biệt, phán xét, cho ra, định đặt giá trị, sự hiểu biết về cái gì đó, và cuối cùng là những quan niệm. Nó là một loại kết luận chủ quan của nghiệp thức đối với ngoại trần.
Nên hiểu rõ vài vấn đề liên hệ đến khái niệm ‘PHÁP TRẦN’ và coi thuật ngữ này nói cái gì.
‘TRẦN’ để chỉ một ‘sự vật’ hay ‘sự việc’ bên ngoài thân, ví dụ như bình, bàn, nhà, núi, sông, biển là sự vật; múa hát, cãi nhau, bàn chuyện là sự việc; nhiều trần hợp lại thành cảnh. Tiền trần để chỉ một vật mang tính độc lập, tiền cảnh để chỉ sự việc xảy ra có nhiều sự vật tham gia, ví dụ mặt trời là trần, mặt trời sắp lặn sau rặng núi là cảnh.
Tự thân các trần cảnh này không có ý nghĩa, nhưng nếu có người nhìn ngắm đem tâm nghĩ suy, cảm nhận đẹp xấu sáng tối của cảnh này thì ngay sự cảm nhận đẹp xấu ấy gọi là ‘pháp’. Bây giờ trần cảnh này có tên mới Phật pháp gọi đó là ‘PHÁP TRẦN’, nghĩa là nơi trần có pháp.
Nói khác đi các trần tự nó giải thoát, khi trần có pháp, trần này trở nên trói buộc, nhiễm ô, giống như bị một lớp bụi dơ bao phủ, chỗ này Phật giáo gọi là TRẦN CẤU, có nghĩa trần đã bị pháp làm cho hoen ố.
Có thể tạm kết luận, một trần hay cảnh khi nào được phủ lên một hay nhiều yếu tố sau thì trần này thành pháp: Có tên gọi (pháp danh); có tướng mạo (pháp tướng); có tính chất (pháp tánh); có vị trí (pháp vị); có sanh ra (pháp sanh); có tồn tại (pháp trụ); có biến dạng (pháp dị); có mất đi (pháp diệt).
Trần tự nó không định đặt cho mình những yếu tố này, cũng chẳng tự nói rằng tôi tên như vậy, tướng như vậy, tánh như vậy, sanh ra như vậy, tồn tại như vậy, hơn thua tốt xấu như vậy.
Những điều như thế chỉ do tâm nghiệp hóa hiện khi xúc đối, vì lẽ này thuật ngữ “vạn pháp duy tâm tạo” ra đời. Có nghĩa tâm nghiệp mặc cho ‘trần’ chiếc áo ‘pháp’ rồi tâm nghiệp chỉ thấy áo mà không thấy trần, hay căn cứ vào chiếc áo để phán xét giá trị của trần. Tâm nghiệp như người thợ vẽ, vẽ vời những đường nét thừa thải làm chân con rắn, mong rằng con rắn có thể di chuyển trên các chân đó. Sự mê muội của nghiệp thức là như thế. “Tâm như họa sư,” sự vẽ vời thêm bớt của ý thức để trần mang diện mạo mới phù hợp với ưa ghét của nghiệp, Phật giáo gọi đó là tâm sinh pháp.
- ‘Tâm sinh pháp’ hay ‘pháp sinh tâm’? Người tu hành thường nói đến tâm sinh pháp nhưng lại ít khi đề cập đến chuyện pháp sinh tâm. Hoàn cảnh nào tâm sinh pháp, trường hợp nào pháp sinh tâm, tâm sinh pháp ảnh hưởng như thế nào đến đời sống tu hành, và pháp sinh tâm có hại gì?
Phật giáo nhìn nhận vấn đề ra sao? Cũng nên tìm hiểu để có được kết luận thỏa đáng hầu tìm biện pháp thích hợp làm cho tâm pháp vĩnh viễn không còn sinh nhau. Khi tâm pháp không sinh mới mong đạt đến an bình, nguồn tâm và pháp trở thành trí huệ vô lậu.
Tùy vào địa vị hay mức độ giác ngộ mà hai trường hợp này xảy ra. Với phàm phu vô văn, khi căn đối trần nghiệp thức căn cứ vào dục giải đã huân tập vô thủy phát sinh dục tưởng. Chân trí mê mờ nhận lầm các pháp như con nai khát nước tưởng lầm sóng nắng là nước. Dục tâm xuất hiện năm trần bây giờ trở thành năm dục trưởng dưỡng. Bên trong thức làm chủ ý căn thành ý thức; ý thức muốn thỏa mãn cảm thọ nên ngã xuất hiện để chiếm hữu các dục. Điều này thập nhị nhân duyên gọi là trung tế, tức là giai đoạn tâm hoàn toàn bị vô minh chế ngự nên xúc thọ ái thủ hiện diện.
Hiện diện này biến toàn tâm là kiết sử. Toàn tâm là kiết sử vì vậy có thể nói tâm này do pháp sanh, kinh gọi trụ sắc thanh hương vị xúc pháp sinh tâm, pháp sinh tâm, tâm này tùy thuộc pháp nên khó tiếp nhận thiện pháp.
Ngược lại có những hạng chúng sanh tâm ít kiết sử, nặng về lý trí thường thích phân tích chia chẻ vấn đề tầm cầu ý nghĩa nơi pháp. Đối trước trần cảnh ít khởi dục tâm chỉ mong thấu triệt thế luận nhằm thỏa mãn ngã tướng. Hạng này thiên về tâm sinh pháp, lấy thế trí làm lợi sử nên khó giác ngộ.
Nếu hai hạng này đồng giác rằng dục giải là kết quả của vô minh vô thủy hay sanh phiền não, chấp nhận từ bỏ dục giải tin vâng ‘thánh pháp’ phát sanh ‘thắng giải’.
Đối với thắng giải ‘nhất tâm tư duy’ hộ trì thấy nghe, tinh tấn hướng đến thiện giải thoát, đây là giai đoạn nương sức hộ trì của tứ như ý túc và tứ chánh cần.
Dùng ‘tinh cần hành’ câu hữu với ‘dục thiền định’ đẩy lùi ‘xúc thọ ái thủ’ bằng các ‘dục công đức’. Trong đó lấy dục như ý túc hộ trì để nhất tâm dừng hiện nghiệp, gọi là nhất tâm như ý túc.
Hiện nghiệp tạm dừng có nghĩa tâm vị này đối cảnh không còn mê mờ bởi dục, dục tâm không hiện thì thân tâm nhẹ nhàng.
Các dục không còn trói buộc, tâm thoát khỏi dục giới. Tiếp tục hướng tâm đến thiện pháp để giải quyết nguồn tâm còn lại đó là sắc giới và vô sắc giới.
Thân cảm và giác quán thuộc về cõi sắc, ý thức thuộc vô sắc; trong cõi sắc vào đệ tứ thiền bất khổ bất lạc dùng ‘bất cộng phàm phu pháp’ tự giải thoát diệt tận khổ đau, đây là con đường tốt nhất của người tu hành muốn hết phiền não mà chưa giác ngộ.
Con đường cả ba thừa đều dùng được, cảnh giới này gọi là ‘Diệt Tận định’. Kinh Lăng Già Phật mô tả phương tiện này như sau: “Như Lai thành thục chúng sanh, đặt yên người tu hành ở cõi trời sắc cứu cánh.”
Nếu không đủ sức giác ngộ pháp bất cộng phàm phu, người tu hành thẳng vào vô sắc giới chuyển hóa ý thức bằng biện pháp chia nhỏ thức thành bốn cõi là ‘hư không vô biên xứ’, ‘thức vô biên xứ’, ‘vô sở hữu xứ’, ‘phi tưởng phi phi tưởng xứ’ để bẻ gãy vọng tưởng từng phần, đây là hình thức chia nhỏ bó đũa để bẻ. Thọ dứt ở cõi sắc, tưởng dứt ở cõi vô sắc, còn chút tưởng dư tàn vị này vào Diệt Thọ Tưởng định chứng thánh quả chấm dứt đời sống chúng sanh.
Trường hợp thứ nhất giác ngộ vào diệt tận định gọi là hồi tâm Đại A La Hán, đây thường là Bồ Tát quyền thị hiện.
Trường hợp còn lại vào Diệt Thọ Tưởng định chứng quả A La Hán của Thanh Văn.
Hai quả chứng này đồng dứt phiền não trụ địa và nhuận chi vô minh nên chỉ mới hết mê. Dứt hai tướng nhân ngã, nhưng chưa thể dứt hai tướng còn lại là chúng sanh và thọ giả, vì không biết thiệt tướng các pháp là vô tướng, vì vô tướng nên vô ngã.
Tuy vậy, hai quả chứng này tạm được coi tâm pháp hết sanh. Ở đây chỉ nói đến hai quả vị này dứt nhuận chi vô minh mà không nói dứt căn bản vô minh là vì vô minh trụ địa chỉ dứt sạch khi nào thấu suốt trí tuệ vô tướng, trong kinh thường gọi “thấy thiệt tướng vạn pháp.”
Phần trên có đề cập đến pháp niệm xứ ra đời để làm sạch thứ nước trong mà Thanh Văn, Duyên Giác, và Bồ Tát quyền thừa đã uống để đồng vào tướng nhất thừa, ý nghĩa này như thế nào?
Sau khi khảo sát thân, thọ, tâm niệm xứ mới thấy mỗi thừa lấy một niệm xứ làm công cụ để lắng trong phàm tâm. Mỗi thừa lắng trong tâm mình bằng công nghệ riêng, công nghệ của thân không giống thọ lại càng không giống tâm; như người ta lắng nước đục, có nhiều cách để làm cho nước đục thành trong, những cách này không nhất thiết phải giống nhau.
Thì cũng vậy ba thừa căn cơ sai khác, trí tuệ sai khác nên phương tiện cũng sai khác. Nước đã trong rồi nhưng bảo rằng nước này sạch thì chưa, chính vì tâm đã trong nhưng chưa sạch nên cần một công nghệ tối hậu để dứt tiệt mầm bệnh còn lẫn khuất đâu đó trong các mẫu nước trong này.
Sự tinh hóa nguồn tâm là tối cần thiết để nguồn tâm ba thừa đồng hòa vào biển đại giác không còn tên gọi riêng lẻ mà đồng có danh xưng là ‘nhất thừa’. Điều này Phật nói rõ trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa:
“Xá Lợi Phất! Đức Như Lai chỉ dùng một Phật thừa mà vì chúng sanh nói pháp không có các thừa hoặc hai hoặc ba khác.
Xá Lợi Phất! Pháp của tất cả các đức Phật ở mười phương cũng như thế.
Xá Lợi Phất! Thuở quá khứ các đức Phật dùng vô lượng vô số phương tiện các món nhân duyên lời lẽ thí dụ mà vì chúng sanh diễn nói các pháp. Vì pháp đó đều là một Phật thừa, nên các chúng sanh đó theo chư Phật nghe pháp rốt ráo đều được chứng "nhứt thiết chủng trí."
Xá Lợi Phất! Thuở vị lai, các đức Phật sẽ ra đời cũng dùng vô lượng vô số phương tiện các món nhân duyên lời lẽ thí dụ mà vì chúng sanh diễn nói các pháp, vì pháp ấy đều là một Phật thừa nên các chúng sanh đó theo Phật nghe pháp rốt ráo đều được chứng "nhứt thiết chủng trí."
Xá Lợi Phất! Hiện tại nay, trong vô lượng trăm nghìn muôn ức cõi Phật ở mười phương, các đức Phật Thế Tôn nhiều điều lợi ích an vui cho chúng sanh. Các đức Phật đó cũng dùng vô lượng vô số phương tiện các món nhân-duyên lời lẽ thí dụ mà vì chúng sanh diễn nói các pháp, vì pháp đó đều là một Phật thừa, các chúng sanh ấy theo Phật nghe pháp rốt ráo đều được chứng "nhứt thiết chủng trí."
Xá Lợi Phất! Các đức Phật đó chỉ giáo hóa Bồ Tát, vì muốn đem tri kiến Phật mà chỉ cho chúng sanh, vì muốn đem tri kiến Phật cho chúng sanh tỏ ngộ, vì muốn làm cho chúng sanh chứng vào tri kiến Phật vậy.
Xá Lợi Phất! Nay ta cũng lại như thế, rõ biết các chúng sanh có những điều ưa muốn, thân tâm mê chấp, ta tùy theo bản tánh kia dùng các món nhân duyên lời lẽ thí dụ cùng sức phương tiện mà vì đó nói pháp.
Xá Lợi Phất! Như thế đều vì để chứng được một Phật thừa "nhứt thiết chủng trí.”[[1]].
Ba thừa hết mê vì nhuận chi (cành lá) vô minh đã bị chặt sạch, nhưng căn bổn (gốc rễ) vô minh hãy còn, bởi vô minh trụ địa không giống phiền não trụ địa. Phiền não trụ địa là pháp tương ưng, phiền não dứt thì tâm thanh tịnh, ngược lại tâm thanh tịnh thì phiền não dứt, hai thứ này tương ưng tùy thuận lẫn nhau.
Vô minh trụ địa thì không như vậy, tâm thanh tịnh không có nghĩa đã thấy thiệt tướng vạn pháp, không thấy thiệt tướng chưa gọi hết vô minh; muốn hết vô minh phải cầu nhất thiết trí; muốn được nhất thiết trí phải thấy pháp vô ngã; thấy pháp vô ngã tâm pháp đều không.
Để đồng nhất nguồn tâm ba thừa học thuyết “hai vô ngã” ra đời, hai vô ngã là nhân (tâm) vô ngã và pháp vô ngã, đây là sự chuẩn hóa cần thiết đồng đưa ba thừa đến một cấp học mới đó là học nhất thiết trí. Đọc kinh Hoa Nghiêm sẽ biết Thiện Tài Đồng Tử cầu nhất thiết trí bằng thứ tâm nào.
“Ngài Văn Thù Sư Lợi Ðồng Tử lại biết Thiện Tài Đồng Tử đã từng cúng dường quá khứ chư Phật, gieo sâu căn lành, tin hiểu rộng lớn, thường thích gần gũi các thiện tri thức. Thân ngữ ý đều không lỗi lầm, tu Bồ Tát đạo cầu nhứt thiết trí thành Phật pháp khí. Tâm Đồng Tử này thanh tịnh như hư không, hồi hướng Bồ Đề không chướng ngại.
Lúc đó ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, như tượng vương, xoay nhìn Thiện Tài Đồng Tử mà bảo rằng:
Lành thay! Lành thay! Này thiện nam tử! Ngươi đã phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, lại muốn thân cận các bực thiện tri thức để hỏi Bồ Tát hạnh, tu Bồ Tát đạo.
Này thiện nam tử! Thân cận cúng dường các bực thiện tri thức là nhơn duyên trước nhứt để được đầy đủ Nhứt thiết trí.
Vì thế nên công việc này ngươi chớ có mỏi nhàm….”[[2]].
Như đoạn kinh đã dẫn “TÂM ĐỒNG TỬ NÀY NHƯ HƯ KHÔNG,” có nghĩa trước khi gặp Văn Thù Sư Lợi tâm Thiện Tài Đồng Tử không phải chỉ thanh tịnh hết phiền não, cũng không phải tâm không mà tâm như hư không, tức tâm dung chứa vạn pháp không chướng ngại. Tâm này siêu quá hai vô ngã, tâm như vậy mà còn cầu thiện tri thức để học nhất thiết trí thì rõ ràng tâm này còn thiếu điều gì đó, có thiếu mới cầu; còn cầu học sao lại bảo đã dứt căn bổn vô minh, cho nên chưa được nhất thiết trí thì căn bổn vô minh vẫn tồn tại.
Do đó mới nói pháp niệm xứ ra đời để chuẩn hóa ba thừa đồng chứng pháp vô ngã, đây là công đoạn cuối cùng làm sạch nguồn tâm trước khi ba thừa đồng cầu nhất thiết trí để dứt sạch vô minh trụ địa.
Đến đây thì sự quan trọng và cần thiết của ‘pháp niệm xứ’ không cần phải bàn. Niệm xứ rốt sau nhưng lại lớn lao và thâm sâu không bờ mé, tuy lớn lao thâm sâu nhưng đối với nhất thừa Phật pháp thì đây chỉ là pháp căn bản bước khởi đầu trên con đường chinh phục đỉnh cao nhất thiết trí. Một trong những đỉnh cao mà Bồ Tát Ma Ha Tát đến đó để tìm kiếm kho báu lấy đây ban rải pháp lành.
[[1]] Trích kinh Diệu Pháp Liên Hoa – HT. Thích Trí Tịnh dịch
[[2]] Trích kinh Hoa Nghiêm – HT. Thích Trí Tịnh dịch
(còn nữa)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






