Tản Mạn Về Câu Nói Tam Giới Như Nhà Lửa

 0
Tản Mạn Về Câu Nói Tam Giới Như Nhà Lửa

Các bạn !!!

Hôm nay là mùng chín Tết Canh Tý... Ngày xưa, dân ta quan niệm “hết mùng” mới hết Tết !!! Có nghĩa rằng, từ mùng một đến mùng mười là những ngày vẫn còn âm hưởng của Tết, cho dù sau mùng năm mùng sáu mọi sinh hoạt đã trở lại bình thường, không khí Tết chỉ còn phảng phất đâu đó nhưng rất nhạt nhoà, nhạt nhoà từ tâm trí đến cảnh vật !!!

Tết năm nay, trong không khí của một ngày tết cổ truyền, cũng đèn hoa, bánh mức, tiệc tùng, thăm hỏi, chúc tụng...v..v...xen vào đó người ta lại có thêm một chút âu lo về “đại dịch do virus corona” hoành hành, khiến niềm vui của những ngày xuân hình như không trọn vẹn !!!

Dạo một vòng mạng xã hội, không giống những năm trước, năm nay bài viết về Tết không nhiều, mà thay vào đó là những thông tin về đại dịch !!! Trong mớ hỗn độn thông tin ấy, có thông tin thật, có thông tin giả...có những bình luận bình tĩnh, nhưng cũng không thiếu những bình luận hàm chứa tâm trạng hoang mang, lo lắng !!! Hầu như tâm tình của toàn xã hội phơi bày rõ rệt trên các trang mạng !!!

Sáng nay, sau khi đọc một vài bản tin buổi sáng, mình vào trang nhà...Và, nhận được câu hỏi của bạn Lý Quốc Hoàng, câu hỏi như sau: “Tam Giới như nhà lửa, vậy trên đời này có cái gì được gọi là hạnh phúc” ? 25/01/2020 8:58:37 - Lý Quốc Hoàng !!! Mình không biết bạn Lý Quốc Hoàng có dính dáng gì đến Lý Gia hay không ??? Hay chỉ là sự ngẫu nhiên cùng họ Lý !!!???

Đọc câu hỏi của Lý Quốc Hoàng, mình có cảm giác đây là câu hỏi không dễ trả lời !!! Không dễ trả lời, theo mình nó không phải là một câu hỏi khó...Nói không dễ là vì, câu hỏi không thuần tuý thuộc về chuyên môn giáo lí, mà trong câu hỏi hàm chứa đủ cả hai tính chất là đời và đạo...Nếu chỉ dựa vào đạo để trả lời, thì lại rơi vào tư tưởng võ đoán của đạo...Còn nếu bỏ phần đạo, trả lời theo cách thế của đời thì, lại rơi vào biên kiến của đời !!! Vì thế, để trả lời thấu tình đạt lí một câu hỏi tưởng chừng rất dễ lại đâm ra không dễ chút nào !!!

Bạn Lý Quốc Hoàng thân mến !!! Để trả lời câu hỏi của bạn, mình xin đưa ra quan điểm cá nhân như sau:

* Tam giới như nhà lửa: Tam giới (hay ba cõi) như nhà lửa, đây là câu nói mà những ai đã từng tìm hiểu Phật đạo đều được nghe qua, vì câu này được Phật dạy và ghi lại trong nhiều kinh điển !!! Câu nói trên có nghĩa rằng, tâm thức của một hữu tình chưa giác ngộ, luôn luôn mang trong nó những mầm mống của nhiệt não, âu lo, phiền muộn...v..v... !!! Giống như người ta bị giam hãm trong một căn nhà đang cháy !!!

Lời dạy trên, như một cảnh báo nguy hiểm đối với những ai đang tu tập trong Phật đạo, và khuyên mọi người hãy mau mau tìm cách thoát ra khỏi sự nhiệt não ấy bằng con đường giác ngộ !!!

Lời dạy trên, đối với những người đang tu tập trong Phật đạo đồng coi như một mệnh lệnh hành động !!! Còn những ai không tin, hoặc không tu tập trong Phật đạo thì câu nói ấy chẳng có tác dụng gì, thực tế này đang diễn ra trong đời sống xã hội !!! Cho nên, câu “Tam Giới như nhà lửa”...Theo mình, không phải là khẩu hiệu chung cho toàn nhân loại và buộc mọi người phải nghe theo !!!

* Bạn hỏi: “Vậy trên đời này có cái gì được gọi là hạnh phúc” ??? Trước khi đi sâu vào câu hỏi, mình xin đưa ra một định nghĩa tiêu biểu về hai chữ hạnh phúc từ trang Wikipedia: “Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. Hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao. Ở loài người, nó mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí” !!!

Theo như định nghĩa trên thì, pham trù hạnh phúc rất rộng...Nói nôm na, mỗi một người đều có và tìm thấy một thứ hạnh phúc riêng cho bản thân, không nhất định hạnh phúc của người này giống với hạnh phúc của người kia !!! Trong thế gian, đôi khi hạnh phúc của người này lại là đau khổ của người kia !!! Vì thế, ta có thể tạm kết luận, hạnh phúc của con người hầu như không có mẫu số chung !!! Theo mình đây cũng là lí do vì sao trên đời lại xuất hiện nhiều tôn giáo, nhiều triết lí, nhiều văn hoá, nhiều phong tục, nhiều thể chế...v..v...khác nhau !!!

* Cuối cùng, câu hỏi của bạn: “Tam Giới như nhà lửa, vậy trên đời này có cái gì được gọi là hạnh phúc”...Mình tạm chia thành hai đối tượng để giải thích !!!

- Đối với người tu tập trong Phật đạo: Hạnh phúc của họ chỉ có được khi nào họ chân thật giác ngộ, để tâm thức hoàn toàn thoát ra khỏi sự nhiệt não của nhà lửa ba cõi !!! Ta có thể kết luận, giác ngộ chính là nơi chốn hạnh phúc đích thực của những người tu tập trong Phật đạo !!!

- Đối với một người không theo Phật đạo: Hạnh phúc của họ chỉ có được khi nào “họ thỏa mãn một nhu cầu nào đó”, như định nghĩa của trang Wikipedia nêu ở trên !!!

Lý Quốc Hoàng thân mến !!! Từ câu hỏi của bạn, mình liên tưởng đến những gì đang xảy ra trên thế giới này !!! Giữa tâm bão đại dịch do virus corona, có những người lo lắng, có những người sợ hãi, có những người tìm cách giải quyết và cũng có những người “bình chân như vại” đang sống trong hạnh phúc của riêng mình !!! Cho nên, không nhất thiết tại thời điểm này, mọi tâm thức của con người đều coi đại dịch là thứ nhiệt não của nhà lửa đang đốt cháy tâm thức và nhất định phải giải quyết thì mới tìm thấy hạnh phúc !!!

Rất cảm ơn Lý Quốc Hoàng đã đặt câu hỏi thú vị, để chúng ta có những giây phút tản mạn nhìn lại tâm thức của chính mình và tìm xem đâu mới là hạnh phúc đích thực của bản thân...!!! Cũng như ta có thật sự nhận ra, tâm thức này là căn nhà lửa, đang nhen nhúm ngọn lửa nhiệt não, thiêu đốt chính ta trong từng sát na hay không !!!???

Năm mới, chúc bạn an vui !!!

02/02/2020

LÝ TỨ

 

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG