Lý Tứ Đọc Truyện Lý Tứ

 0
Lý Tứ Đọc Truyện Lý Tứ

Các bạn !!!

Vừa thể dục xong, tính nghỉ một chút rồi làm công chuyện !!! Bất ngờ đọc được một đoạn Tâm Pháp do Lê Nhất Diệu Thảo (Lý Hiền Long) đăng lại trên Facebook của bạn ấy !!!

Lâu lắm rồi, chẳng có thì giờ đọc mấy cuốn sách mình đã viết !!! Không ngờ hôm nay đọc đoạn trích Tâm Pháp thấy hay hay, trong lòng thầm nghĩ: Không biết hồi xưa sao mình lại viết được những đoạn văn như thế ??? Có lẽ mạch văn bắt nguồn từ một đương cơ nào đó, đến nay không còn nhớ nổi !!!

Mình biết rất rõ thói quen của bản thân, không có đương cơ thì cái miệng "câm như hến", nặn một chữ làm thuốc cũng không ra !!! Bởi vì, ngôn thuyết Phật đạo mà không bắt nguồn từ đương cơ, nhất định sẽ như "bò nhai rơm khô" chẳng có chút ý vị !!!

Và, cuộc đời của mình đã cho ra cả ngàn trang sách, cả ngàn bài viết...Chưa trang sách hay bài viết nào chẳng bắt nguồn từ một đương cơ cụ thể !!!

Đọc xong đoạn trích, mới thấy rằng đương cơ của ngày ấy đến hôm nay vẫn còn nguyên ý vị !!! Tâm cơ của HĐ ngày đó và tâm cơ của HĐ hôm nay chẳng có gì sai khác !!! Đây cũng là lí do vì sao vô số món thuốc chữa tâm bệnh của chư Phật để lại từ ngàn xưa đến nay vẫn còn nguyên giá trị !!! Nếu có khác chăng, chỉ khác ở cách bào chế, nhãn mác...bao...bì...!!!

Tối nay, mình sẽ tiếp tục trao đổi với các bạn về chuyện cái ngã !!! Vâng, cái ngã, cái ngã...và...cái...ngã !!! Cái ngã (hư vọng) vẫn là đề tài muôn thuở...Nó chính là ngọn núi Tu Di sừng sững mọc lên trong trong tâm thức u mê che mờ ánh sáng chân lí... ngăn bước tiến của người tu hành !!!

Mời các bạn cùng Lão Lý nhâm nhi đoạn trích Tâm Pháp cũ mèm, coi như nhâm nhi li cà phê buổi sáng cho...đỡ...ghiền !!! Ha ha ha ha !!!

20/09/2022
LÝ TỨ

"....Bát đệ từ đầu đến giờ mới lên tiếng. Thiệt là hoan hỷ!... Thiệt là hoan hỷ!... Đệ tử đã gần lục tuần, cái thân lùn thước rưỡi này mới có cơ duyên tận mắt chứng kiến sự việc khó tin... Cái đầu hói của đệ tử tóc không còn mấy cọng, chắc là từ đây có thể mọc lại rồi... Nói đến đây lão cất giọng cười sang sảng... Lão rót trà ra ly, mời mọi người nâng chén...

Lão tiếp:

Thưa Lão Sư!... Đệ tử ngày xưa vốn là con hát, nghề ngỗng chẳng tinh thông gì mấy, nhưng cũng không đến nỗi vô duyên... Cuộc đời của đồ đệ toàn là diễn tuồng, không ngờ hôm nay vở tuồng thành thật... Lão mới nghiệm ra giả thật không hai... Ha ha ha ha!...

Thật giả tùy duyên, nơi hư không mà dựng lên cái sân khấu là đã có thể biến ra thành quách, thì nơi thành quách lẽ nào chẳng hóa thành không... Có hay không cũng chỉ là việc của mê lầm... Như người diễn tuồng giỏi, nhập vai rồi cười rồi khóc... Khi lột cái áo trả lại phường tuồng thì bản chất thật sự nào có khóc cười... Ha ha ha!... Thiên hạ đang diễn tuồng đời mà không tự biết, diễn riết tưởng thật, quên hẳn thân thế của mình... Đã đến lúc hạ màn!... Vai diễn trả về cho sân khấu… Ha ha ha ha!...

Nói tới đây lão lạy dài Lý Tứ... Lão tiếp:

Lão Sư đúng là kỳ nhân, chỉ vài lời nói khiến người mê thành ngộ, biến kẻ u tối này trở thành sáng suốt... Thân này như cái áo diễn tuồng, hết vai thì bỏ, nào có tiếc gì...

Bây giờ đồ đệ mới hiểu ra câu nói của Lục Tổ Huệ Năng: “Lá rụng về cội”... Kẻ chẳng thức ngộ, như lá trên cành bị gió cuốn đi... Rồi lão cất giọng phường tuồng:

“Gió thu hề, lá vàng rơi hề,
chẳng biết về phương mô hề”…

Cả bọn nghe lão hát xong đồng vỗ tay tán thưởng... Lão tiếp:

“Đời nghệ sĩ chỉ mong có tiền hề,
chẳng cần tiếng cười hề”.

Lý Tứ nghĩ thầm trong bụng, chín người này toàn hàng quái kiệt trên đời. Cái danh Trung Nguyên Cửu Tuyệt không phải vô cớ...

Bát Đệ trong cơn cao hứng lão lại ngâm tiếp:

“Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng huyễn bào ảnh,
Như lộ diệc như điện,
Ưng tác như thị quán”.

Lão lại hát:

“Ngày xưa hát để mua vui,
Bây giờ hát để cho người thế gian.
Biết đời như mộng kê vàng,
Hoàng Lương chưa chín đã tan mộng rồi!...
Giấc Nam Kha tỉnh dậy thôi!...
Mộng thì chẳng thật có rồi lại không.
Có không chẳng giữ trong lòng,
Chữ “Như” hiểu thấu có không chẳng màng”.

Lý Tứ lại nghĩ: Cái lão này ứng phó mau lẹ, nguồn tâm linh hoạt mà hơi hám tinh thông.

Nghĩ vậy Lý Tứ lên tiếng:

Thưa Bát Huynh!... Tôi vừa nghe lão hát: “Có rồi lại không”, tôi không hiểu Lão Huynh muốn nói cái gì có cái gì không, xin Lão Huynh vui lòng luận giải cho mọi người cùng nghe.

Lão Bát nói liền:

Thưa Lão Sư!... Nhân khi đọc mấy câu kệ trong kinh Kim Cang, tâm đồ đệ chợt vỡ lẽ. Bổn lai tâm này như chiếc gương sáng, chẳng thấy “có” cũng chẳng thấy “không”. Một phen mê lầm vạn pháp sinh khởi, vì mê cái sinh khởi nên nói rằng “có”... dứt cái mê kia tạm gọi là “không”... Thật ra nơi vắng lặng tự như, cái “không” còn không có thì làm gì có cái “chẳng không”. Xin Lão Sư ấn chứng cho đồ đệ...

Lý Tứ nghiêm giọng nói:

Lão Huynh thiệt chẳng phải phường tuồng, mà là bậc Long Tượng trong đời. Lời luận của Lão Huynh chính là chiếc chìa khóa mở toang cửa đạo. Xin chúc mừng Lão Huynh hôm nay con mắt sáng ra...

Lão Bát nói tiếp:

Ơn đức của Lão Sư muôn kiếp đồ đệ chẳng thể đáp đền... Từ hôm gặp nhau đến nay, lời nào của Lão Sư cũng như thể cầm chiếc chìa khóa trao tận tay anh em chúng con. Chỉ có cơ duyên chưa đến nên chẳng nhận ra. Mỗi lời luận của Lão Sư là một nhát gươm chặt đứt ràng buộc trong lòng. Tuy thế, cho tận mãi đến hôm nay, khi thấy Lão Sư ân cần cầm tay Ngũ Huynh hỏi han, đồ đệ mới nhận ra cái gì là “Ngã”.

Một phen thấy nó, mới biết xưa nay không ngã không tâm. Như người diễn tuồng mê vai diễn mà có khóc có cười, nhầm tưởng có ngã rồi đi tu cho vô ngã. Hỡi ôi!... Thiệt ra cái gì là ngã, cái gì là tâm... Khi mê nhận cái hư dối làm tâm, giữ gìn cái tâm hư dối thành ra có ngã. Một khi thức tỉnh, mới biết rằng “ngã” còn không có hà huống “vô ngã”... Bây giờ đồ đệ mới hiểu cái câu: “Bạch Thế Tôn! Từ lâu chúng con bị cái vô ngã làm ngại”. Lão Sư ơi!... Nhất cử nhất động của Lão Sư đều có ý vị, đều để dạy người... Lão Sư thiệt là từ bi. Trong mắt đồ đệ Lão Sư chẳng phải con người...

Lý Tứ tiếp lời:

Nếu chưa biết thì thôi, một phen thấy rồi chớ để nó mất... Tuy có giác ngộ nhưng tập khí thế gian vẫn còn. Phải biết cách giữ gìn, giống như con gà ấp trứng, khi chưa nở thành con thì chớ có rời khỏi ổ...

Xin các vị cố nhớ lời tôi, tất cả các quả vị của Phật môn đều dùng tứ gia hạnh để gia trì, như con gà ấp trứng...

Khi vừa thoáng thấy chút thanh tịnh trong lòng gọi là Noãn Vị. Đây chỉ là cái phôi thai, phải chăm sóc nó bằng cách xa lìa hai nghiệp đó là cộng nghiệp và biệt nghiệp. Xa lìa cộng nghiệp bằng cách tìm nơi A Lan Nhã vui cảnh độc cư để tránh cái duyên thấy nghe. Không được bàn chuyện quân trận, nắng mưa thế thường... là nghĩa này. Giống như thuần dưỡng con thú hoang phải không cho nó gần gũi nơi hoang dã quen thói bầy đàn... Xa lìa biệt nghiệp là phải siêng năng tu tập thiền định, kinh gọi là “Làm trái hiện nghiệp”...

Cái thân này ham thích phóng dật nên ưa ngủ nghỉ vì thế không có Chánh Tinh Tấn... Cái miệng này ham thích nói năng bàn chuyện thế gian nên chẳng sanh Chánh Ngữ... Cái ý này suy nghĩ mông lung làm hư thanh tịnh nên không thể có Chánh Định… Xa rời hai nghiệp, giữ gìn cho cái phôi kia thành trứng gọi là Noãn Vị...

Khi đã thành trứng rồi, đến thời, cái trứng thành con. Con lớn dần khảy mỏ thoát ra khỏi vỏ, đây là thời kỳ đưa thanh tịnh đến cao trào.

Đi đứng thức ngủ đều chẳng rời cái vị thanh lương này gọi là Đảnh Vị. Giống như người leo núi, lên đến đỉnh núi nhưng chút da bàn chân vẫn còn dính đất. Vì thế thân đã ở trong hư không nhưng chẳng thể rốt ráo vào hư không. Muốn rốt ráo vào trong hư không phải quyết tâm đoạn tuyệt cái tâm sinh pháp... kể cả khái niệm thanh lương thanh tịnh cũng chẳng chút bận lòng. Cái ngã phải sạch từ thô đến tế. Làm như thế mới mong vượt qua Đảnh Vị. Vượt qua Đảnh Vị lòng tựa hư không...

Như con gà đã ra khỏi vỏ, một cuộc sống mới bắt đầu. Môi trường thế gian như là mật ngọt, như là quả đắng, như là thuốc độc... dễ hại thánh quả nên phải dùng Nhẫn Vị để bảo toàn mạng sống.

Mạng sống này do Phật pháp hóa sanh nên không thể dùng cách thế của ba cõi mà giữ gìn, vì thế phải dùng cách riêng của Phật đạo đó là Nhẫn Vị...

Nhẫn Vị có nhiều cách, nhưng tôi lược nói có hai, đó là Nhu Thuận Nhẫn và Âm Hưởng Nhẫn. Dùng hai nhẫn này để bảo vệ thánh quả, như người lính bảo vệ chủ soái của mình, không được lơ là, không được sơ suất, tối sáng cận kề bên mình tay lăm lăm gươm bén...

Nhu Thuận Nhẫn là y như chỗ đã giác ngộ mà trụ, gọi là lấy vô trụ mà trụ, kinh gọi là “Lấy thanh tịnh tâm để trang nghiêm Phật quốc”... thuật ngữ Phật gia gọi là Xa Ma Tha...

Âm Hưởng Nhẫn là đối trước thấy nghe hay biết phải biết cách giữ gìn, cách giữ gìn này gọi là Tỳ Bà Xá Na hay là Huệ quán, tức nơi thấy nghe hay biết đều nương nơi trí tuệ để thấu suốt “các pháp do tâm sanh”, kinh gọi là “dùng huệ Bát Nhã hiển bày tánh tịnh...”, cũng gọi là “bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm”.

Hai thứ nhẫn này khi viên mãn sẽ có tên Vô Sanh Pháp Nhẫn…Vô Sanh Pháp Nhẫn nghĩa là tâm không sanh pháp, Vô Sanh Nhẫn nghĩa là nơi các pháp chẳng có sanh tâm...

Vô Sanh lấy không tâm làm nhẫn, Vô Sanh Pháp lấy không nhẫn làm tâm... Chỉ thú này chưa giác ngộ thì muôn đời chẳng hiểu, ngộ rồi thoáng qua lỗ tai phát sinh vô số tam muội...

Từ đây, người tu hành như con sư tử tự tại giữa núi cao gọi là Thế Đệ Nhất Vị. Chỉ dựa vào chính tâm này không dựa vào cái gì khác gọi là Thế Đệ Nhất. Từ đây thế gian ba cõi không chung cùng gọi là Thế Đệ Nhất. Từ đây biết chắc ba cõi duy tâm gọi là Thế Đệ Nhất. Từ đây mới biết cái gì là chánh nên gọi Thế Đệ Nhất.

Từ đây Bát Chánh Đạo là cái nôi, là môi trường tồn tại của bậc thánh gọi là Thế Đệ Nhất.

Từ đây mới biết thế nào là tam vô lậu học, thế nào là tâm vô lậu, trí vô lậu, văn hóa vô lậu (huệ) nên gọi là thế đệ nhất... Lấy Tam Giải Thoát môn để tự ấn chứng...

Tứ gia hạnh chính là công cụ đoạn dứt phàm tình trưởng dưỡng thánh pháp. Đoạn dứt phàm tình trưởng dưỡng thánh pháp nên có tên là gia hạnh... Gia hạnh có công dụng như thế chớ có coi thường.

Như người đầu bếp chẳng giỏi, nguyên liệu đầy đủ mà không biết nêm nếm cho vừa thì thức ăn không ngon, đổ đi thì tiếc, giữ lấy phiền lòng. Như ra chiến trận mà chẳng biết sử dụng vũ khí chiến thuật thì chẳng thể thắng quân thù. Như vua mà chẳng biết điều khiển bầy tôi thì quần thần trở thành loạn thần tặc tử. Như qua sông mà không biết lái đò thì làm mồi cho La Sát...

Ở đời cũng không thiếu, một vài người may mắn sơ ngộ mà chẳng biết trân trọng giữ gìn thì chính chỗ ngộ này là đầu mối của tà kiến, chẳng những cái ngã không tiêu thất mà còn hẫy hừng.

Hẫy hừng vì ỷ thị vào chỗ có được... giống như có diệu dược mà không biết chỗ dùng trở thành độc dược, giống như có cây gươm bén mà không học cách sử dụng gươm kia trở lại đâm mình. Những lời tâm huyết xin các vị nhớ cho..." !!!

- NHÂM NHI CÀ PHÊ ĐEN VỈA HÈ CŨNG CÓ CÁI THÚ CỦA NÓ !!! 

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG