Luận Về Cái Sự Ăn

Các bạn !!!
Mình vừa dạo một vòng Website LYTU.VN (Trang của Lý Tứ), đọc được bài viết LUẬN VỀ CÁI SỰ ĂN gởi HĐ LÝ GIA vào giao thừa Đinh Dậu (2017), trích từ ANH LẠC LUẬN II !!!
Xin đăng lại trên Fanpage của mình, để các bạn đọc...cho...vui !!!
Các bạn !!!
Buổi tối cuối cùng của năm con Khỉ (2016), mình xin có đôi dòng tản mạn, gọi là ‘Luận Về cái Sự Ăn’… Vì bởi, ăn là nhu cầu có thực trong đời sống… Và hai chữ “ăn Tết“, chính là minh hoạ cụ thể nhất về nhu cầu có thật từ những ngày đầu trong một năm của “cái sự ăn“ ấy !!!
“Dĩ thực vi tiên” tức lấy ăn làm đầu, theo mình đây là câu nói được coi là bất diệt khi nào sự sống hãy còn, thậm chí người chết cũng có khi…được…ăn…theo quan niệm dân gian !!!
Vì thế những từ như, “ăn Tết“, “ăn đám“, “ăn giỗ“, “ăn cưới“, “ăn thôi nôi“, “ăn đầy tháng“, “ăn tiệc” “ăn mừng“, “ăn dặm“, “ăn tạp“”, “ăn đòn“, “ăn có“, “ăn ké“, “ăn trộm“, “ăn cướp“, “ăn vạ“, “ăn quỵt“, “ăn hối lộ“, “ăn gian“, “ăn tham“, “ăn giựt“, “ăn thua“, “ăn chia“, “ăn hoa hồng“, “ăn hàng“, “ăn lương“, “ăn cờ (ăn con tốt, xe…)”, “ăn mòn“, “ăn hỗn”, “ăn học“, “ăn kiêng“.v.v…và…v.v… là những từ ngữ luôn có từ “ăn“ đi đầu…
Thế mới biết, ăn là cái sự đầu tiên trong các sự… Để mô tả ăn là hành động dẫn đạo trong các hành động, các câu nói sau cho thấy “cái sự ăn” quan trọng đến chừng nào, ví dụ như: “Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau“, “ăn coi nồi, ngồi coi hướng“, hoặc “thực túc binh cường“ (ăn no lính khoẻ), “có thực mới vực được đạo“ (câu nói này ngụ ý, đói thì tu còn không xong, nói gì đến chuyện chứng đắc) !!!!!!… Những từ đồng nghĩa để mô tả sự ăn cũng rất phong phú như: “Chén, đớp, hốc, măm, ngốn, tọng, xơi, xực…” !!!
Cái sự ăn cũng bao trùm toàn bộ đời sống, văn hoá, xã hội… Nhìn vào bữa ăn, cách thức ăn, nơi ăn, món ăn… v.v…ta cũng có thể đoán biết giai cấp, trình độ, nghề nghiệp, văn hoá, tính cách, xuất thân… của một con người !!!
Rất tiếc, cho đến thời điểm hiện tại, trên đời có rất nhiều sách nói về tướng số như: Coi chỉ tay, coi nốt ruồi, coi khuôn mặt, coi tướng đi, đoán mộng, coi sao, coi ngày, coi tháng, bốc cỏ thi, mu rùa… nhưng hình như chưa có (hoặc mình chưa thấy) một học giả nào công bố công trình nghiên cứu về “tướng ăn“, tức nhìn vào tướng của một người đang ăn, có thể đoán biết quá khứ, hiện tại, vị lai, công danh, sự nghiệp, tình duyên, gia đạo, tài lộc, phúc hoạ của người đó…
Thiết nghĩ, nếu nhân loại chưa ra đời một công trình như vậy, hoặc tương đương như vậy, có lẽ đây là một trong những thiếu sót nhất của “loài người văn minh“... Nói chung, cái sự ăn đã được con người tôn vinh và thăng hoa đến mức trở thành một loại văn hoá, người ta gọi là “văn hoá ẩm thực“, có nghĩa cái ăn được đặt ngang hàng với các loại văn hoá khác, lẽ nào các nhà Dịch học lại không lưu ý đến cái sự ăn !!!
Từ thực vật đến động vật, tất cả đều phải ăn mới tồn tại !!! Thực vật ăn bằng rễ, thân, lá… thức ăn của chúng là đất, nước, đá, cát, sạn, đạm, lân, kali… thậm chí xi măng, vôi, gạch, tường, vách… Động vật cấp thấp thì ăn bằng mồm, bằng lưỡi, bằng thân, bằng cọ xát, hạng này có gì ăn nấy, khô, tươi, ráo, ướt, đặc, lỏng… đều xực ráo trọi, không đòi hỏi !!!
Lại, trong ba cõi được chia ra bốn cách ăn, đó là đoạn thực (ăn qua nhai nuốt), xúc thực (ăn qua tiếp xúc), thức thực (ăn qua tưởng nhớ), tư niệm thực (ăn qua nghĩ suy) tuỳ loài, tuỳ nghiệp mà có cách ăn khác nhau…
Người tu hành cũng có bốn thứ để ăn, đó là pháp thực (nghe pháp mà no bụng), thiền duyệt thực (được thiền mà no bụng), hỷ thực (vui vẻ mà no bụng) và lạc định thực (an ổn không bấn loạn mà được no bụng)... Ha ha ha ha !!!
Nói chung, cái sự ăn nó rất phong phú, đa dạng… gồm đủ các hạng, từ vô vi đến hữu vi, từ đơn giản đến cầu kỳ, từ dân dã đến thượng lưu, từ bần dân đến quan lại, từ thất học đến trí thức, từ hạ tiện đến cao sang, từ thánh đến phàm, từ trên trời đến dưới đất, từ địa ngục đến Niết Bàn… tất cả đều ăn, ăn và phải ăn !!!
Xét cho cùng, ăn là hành động chủ yếu, hổ trợ cơ chế cân bằng năng lượng giữa thu nạp và tiêu hao… Vì thế, nếu năng lượng không cân bằng thông qua sự ăn, sẽ dẫn đến hệ quả là thừa hay thiếu năng lượng, tức mất đi tính cân đối giữa thu nạp và tiêu hao…
Do sự mất cân đối này, mà một số bệnh lý phát sinh như béo phì hay suy dinh dưỡng !!! Và, cái ăn giữa các nhóm đối tượng cũng có rất nhiều ý nghĩa sai khác…
Với thực vật và động vật cấp thấp, ăn là hoạt động tự nhiên để tồn tại, động vật cấp cao như con người lại chia cái sự ăn ra thành hai thứ, đó là thức ăn vật chất và thức ăn tinh thần…
Thức ăn vật chất dùng để nuôi thân, thức ăn tinh thần dùng để nuôi tâm và trí !!!
Thức ăn vật chất chủ yếu làm từ vật chất như gạo, thịt, cá, tàu hủ, rau, củ, quả, nước mắm, nước tương, muối, bọt ngọt, đường, sữa…
Thức ăn tinh thần để nuôi tâm và trí như văn nghệ, văn hoá, triết lý, tôn giáo, đạo đức, học thuật, khoa học, kỹ nghệ… Con người được coi là động vật cấp cao, có lẽ một phần được đánh giá qua cái sự ăn có tính chất triết lý này chăng !!!
Người tu hành trong Phật đạo, ngoài thức ăn vật chất để nuôi thân, về thức ăn tinh thần để nuôi tâm và trí cũng chia thành nhiều nhóm sai biệt…
Ví như Nhị thừa ăn ngũ ấm, Bồ Tát ăn giác quán, Nhất thừa ăn bát chánh, nói chung nhìn vào món ăn, ta có thể biết ngay người đó tu ở thừa nào…
Khi còn tu, ăn là như vậy, nhưng đến lúc chứng quả, ba thừa lại ăn những thứ khác như: Nhị thừa ăn Niết Bàn, Bồ Tát ăn Nhất Thiết Trí, Nhất thừa ăn công hạnh…
Nói chung ba thừa ăn đến khi nào sạch sẽ ‘khổ tập diệt đạo’, Phật thừa ăn đến chí hết ‘vô minh của chúng sanh’ mới thôi !!!
Tóm lại, tu hành là ăn, ăn và ăn… Người nào ăn không chừa một đế nào của bốn đế, mới tạm gọi là người biết thưởng thức “văn hoá ẩm thực tinh thần của Phật đạo” !!!
Các bạn !!!
Ăn là một nhu cầu !!! Tuy nhiên, ăn và ngủ trong đạo pháp có chuẩn mực và văn hoá riêng…
Người biết ăn trong đạo pháp mới được tạm coi là hạng người có trí, người có trí tức là người biết nên ăn như thế nào để cân bằng năng lượng nhằm trưởng dưỡng thân tâm và trí tuệ, tránh xảy ra xung đột giữa thái và thiếu…
Nếu, người được coi là tu hành, mà đến cái ăn còn không biết, phỏng người ấy có được gọi là kẻ có trí chăng ???
Để biết cái sự ăn và biết ăn nó quan trọng đến mức nào, cổ đức đã từng làm thơ quở trách bọn ăn ngủ vô độ bằng câu thơ bất hủ sau: “Cơ tắc xan hề khốn tắc miên“, có nghĩa (người mà chỉ biết) đói ăn, khát uống, buồn ngủ đi ngủ thì… thì… thì….. năm mới xin hoan nghênh tinh thần của câu thơ bất hủ nhằm chỉnh lý cái sự ăn này !!!
Giao thừa Đinh Dậu
(27/01/2017)
LÝ TỨ
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






