Kinh Tám Điều Giác Ngộ Của Bậc Đại Nhân

Thế gian vô thường. Quốc gia nguy hiểm, mỏng manh. Tứ đại khổ, không. Năm uẩn không có ngã. Sanh diệt biến đổi, hư ngụy, vô chủ. Tâm là gốc của ác; thân là nơi chứa của tội. Hãy quán sát như thế thì dần dần sẽ xa rời sanh tử.

 0
Kinh Tám Điều Giác Ngộ Của Bậc Đại Nhân

KINH TÁM ĐIỀU GIÁC NGỘ CỦA BẬC ĐẠI NHÂN

Phật Thuyết Bát Đại Nhơn Giác Kinh

Hậu Hán An Thế Cao dịch

Bản Việt dịch (1) của Nguyên Thuận

Bản Việt dịch (2) của Thích Minh Quang

Bản Việt dịch (3) của Thích Huyền Tôn

Bản Việt dịch (4) của Thích Nhất Hạnh

***

Kinh Tám Điều Giác Ngộ Của Bậc Đại Nhân

Việt dịch: Nguyên Thuận

Là đệ tử của Phật thì ngày đêm phải luôn chí tâm tụng niệm tám điều giác ngộ của bậc đại nhân.

Điều Giác Ngộ Thứ Nhất:

Thế gian vô thường. Quốc gia nguy hiểm, mỏng manh. Tứ đại khổ, không. Năm uẩn không có ngã. Sanh diệt biến đổi, hư ngụy, vô chủ. Tâm là gốc của ác; thân là nơi chứa của tội. Hãy quán sát như thế thì dần dần sẽ xa rời sanh tử.

Điều Giác Ngộ Thứ Nhì:

Nhiều ham muốn sẽ khổ. Sanh tử nhọc nhằn là do khởi từ lòng ham muốn. Ít ham muốn và không tạo tác thì thân tâm tự tại.

Điều Giác Ngộ Thứ Ba:

Cái tâm này không bao giờ biết đủ và mãi luôn mong cầu. Cho nên nó làm cho tội ác tăng trưởng. Bồ-Tát thì không như thế. Các ngài luôn có chánh niệm và biết đủ. Họ sống an nhàn giản dị là để tu Đạo. Việc làm duy nhất của họ là tu tập trí tuệ.

Điều Giác Ngộ Thứ Tư:

Lười biếng dẫn đến trụy lạc. Phải luôn tu hành tinh tấn, phá phiền não ác, tồi phục bốn loại ma, và ra khỏi ngục tù của năm uẩn.

Điều Giác Ngộ Thứ Năm:

Ngu si dẫn đến sanh tử. Vì lẽ đó nên Bồ-Tát luôn ở trong chánh niệm cùng đa văn học rộng để trí tuệ tăng trưởng và thành tựu biện tài. Giáo hóa chúng sanh là niềm vui lớn nhất của các ngài.

Điều Giác Ngộ Thứ Sáu:

Bần cùng khốn khổ nảy sanh nhiều oán hận và kết ác duyên ngang trái. Bởi vậy nên Bồ-Tát luôn thực hành bố thí. Họ cư xử oan gia và thân thuộc bình đẳng như nhau. Các ngài không ôm lòng tà ác hay căm ghét người xấu.

Điều Giác Ngộ Thứ Bảy:

Ngũ dục dẫn đến lỗi lầm và hoạn nạn. Cho dù là người tại gia thì cũng đừng bị dục lạc của thế gian làm nhiễm ô. Phải luôn tưởng nhớ đến ba y, bát sành, và Pháp khí. Phải lập chí nguyện xuất gia, thanh tịnh tu Đạo, sống Phạm hạnh cao thượng và từ bi với tất cả.

Điều Giác Ngộ Thứ Tám:

Sanh tử ví như ngọn lửa cháy phừng và chúng mang theo vô lượng khổ não. Hãy phát tâm Đại Thừa để rộng độ tất cả. Hãy nguyện vì chúng sanh mà thọ vô lượng khổ của họ và chỉ dẫn hết thảy đến niềm an lạc cứu cánh.

Đây là tám điều mà chư Phật, Bồ-Tát và các bậc đại nhân đã giác ngộ. Các ngài tinh tấn hành Đạo, từ bi tu tuệ, và chèo thuyền Pháp thân đến bờ Niết¬bàn. Rồi sau đó lại trở về sanh tử để độ thoát chúng sanh. Các ngài dùng tám điều trên để khai đạo tất cả, khiến các chúng sanh tỉnh ngộ nỗi khổ của sanh tử, xa lìa ngũ dục, và tu tâm nơi thánh Đạo.

Nếu đệ tử nào của Phật trì tụng tám điều này thì ở trong niệm niệm, họ sẽ diệt vô lượng tội, tiến bước trên Đạo Bồ-đề, và mau thành Chánh Giác. Họ sẽ vĩnh viễn đoạn trừ sanh tử và luôn sống an vui.

Kinh Tám Điều Giác Ngộ

Việt dịch: Thích Minh Quang

Người con Phật phát tâm học đạo

Luôn ngày đêm y giáo phụng hành

Đại nhân giác ngộ đành rành

Tám điều ghi nhớ, chí thành niệm tu.

Điều thứ nhất tâm luông giác biết

Cõi thế gian quả thiệt vô thường

Đổi đời sinh tử tang thương

Cõi nước tuy lớn cũng dường mỏng manh!

Thân tứ đại sinh thành tử hoại

Già bệnh đeo khổ ải, giả không

Hòa hợp năm ấm lửa vòng

Chỉ là ảo ảnh, ngã không thể tìm.

Thế mới biết thế gian hư huyễn

Diệt lại sinh biến chuyển vô thường

Chúng sinh mê đắm chấp nương

Vô ngã chấp ngã vào đường khổ đau.

Tâm là cội nguồn bao nghiệp ác

Thân nghe theo tạo tác tội khiên

Xuống lên sinh tử triền miên

Tội kia đầy dẫy như miền rừng hoang.

Người con Phật phải toan quán sát

Đạo lý này bao quát đường tu

Đó là thiền quán công phu

Dứt mê, chuyển nghiệp, khỏi tù tử sinh.

Điều thứ hai phải nên giác ngộ

Ham muốn nhiều, luỵ khổ càng sâu

Nhọc nhằn sinh tử bấy lâu

Đều do tham dục dẫn đầu gây nên.

Tâm ít muốn, giữ bền đạo nghiệp

Hạnh vô vi, không tiếp nghiệp duyên

Tự nhiên sẽ hết não phiền

An vui tự tại giữa miền nhân gian.

Điều thứ ba biết tâm rong ruổi

Luôn tìm cầu, đeo đuổi chẳng nhàm

Không sao thỏa được lòng tham

Tội kia theo đó, càng làm càng sâu.

Bậc Bồ tát vô cầu, biết đủ

Vui phận nghèo, qui củ tu hành

Trau dồi tuệ nghiệp lợi sanh

Vung gươm trí tuệ, cắt mành vô minh.

Điều thứ tư phải luôn ghi nhớ

Lười biếng làm lỡ dở đạo tâm

Quen theo thói tục lạc lầm

Đắm mê sa đoạ trong hầm khổ đau.

Nên thường phải dồi trau tinh tấn

Dũng mãnh tu phá những não phiền

Bốn ma hàng phục bình yên

Khỏi ngục ấm giới về miền chân như.

Điều thứ năm nằm lòng giác biết

Vì ngu si muôn kiếp tử sanh

Bồ tát phát nguyện tu hành

Nghe nhiều học rộng Pháp lành Như Lai.

Để tăng trưởng gia tài trí tuệ

Và tựu thành xuất thế biện tài

Giảng kinh giáo hóa muôn loài

Cho niềm vui lớn, cùng ngồi tòa sen.

Điều thứ sáu phải nên giác ngộ

Nghèo khổ nhiều tật đố trách phiền

Thường gây lắm việc oan khiên

Ngang nhiên kết buộc ác duyên với người!

Bậc Bồ tát độ đời bố thí

Bình đẳng tâm không nghĩ oán thân

Càng thương những kẻ ác nhân

Khoan dung hỉ xả những phần lỗi xưa.

Điều thứ bảy nhớ ghi giác biết

Ngũ dục là muôn kiếp họa tai

Thân tuy ở tục qua ngày

Tâm không đắm nhiễm trần ai thói đời.

Thường nhớ nghĩ ba y, bình bát

Tiêu biểu cho Bồ tát xuất gia

Chí mong sớm được xa nhà

Sống đời giải thoát an hòa thanh cao.

Lập nguyện lớn cầu vô thượng đạo

Hạnh kiên trì hoài bão độ sanh

Dù bao chướng ngại tu hành

Vẫn không lay chuyển hạnh lành từ bi!

Điều thứ tám nhớ ghi giác biết

Lửa tử sinh muôn kiếp đốt thiêu

Chúng sinh khổ não đủ điều

Xưa nay không biết bao nhiêu đọa đày.

Phát tâm lớn chịu thay đau khổ

Hạnh đại thừa rộng độ quần sinh

Khiến cho tất cả hữu tình

Đồng lên bờ giác thanh bình an vui.

Phật Bồ tát tám điều giác ngộ

Từng y theo tự độ, độ tha

Bồ đề tâm phát sâu xa

Tinh tấn hành đạo chướng ma phục hàng.

Vung gươm tuệ cắt màn si ám

Rải mưa bi, dập đám lửa phiền

Pháp thân nương lấy con thuyền

Niết bàn, giải thoát bình yên lên bờ.

Thấy đau khổ, lòng từ không nỡ

Thừa nguyện xưa, thuyền trở bến mê

Lại dùng tám việc đề huề

Chỉ cho sinh chúng quay về bờ kia.

Biết giác ngộ, xa lìa ngũ dục

Thấy tử sinh là ngục khổ đau

Tu tâm quyét sạch trần lao

Theo đường thánh đạo, cùng nhau Niết bàn.

Đệ tử Phật tụng trì tám việc

Niệm niệm luôn tội diệt phước sanh.

Bồ đề chánh giác sớm thành

An vui thường trú, tử sanh không còn.

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kinh Tám Điều Giác Ngộ Của Bậc Đại Nhân

Việt dịch: Thích Huyền Tôn

Để dễ hiểu : (Phật Dạy Kinh Tám Điều Trọng Đại Mà Người Phật-Tử Phải Hiểu Biết, phải tu trì. )

Là Đệ Tử Phật, Ngày Đêm Thường Phải, Chí Tâm Tụng Niệm, Tám Điều Giác Ngộ :

*Thứ Nhứt Giác Ngộ : -Cõi Thế Vô Thường, -Cõi Nước Nguy Khốn, -Bốn Đại Khổ Không, (1) –Năm Ấm Vô Ngã (2), -Sanh Diệt Biến Đổi, -Giả Dối Không Thật, -Tâm Là Cội Ác, -Thân Là Rừng Tội, -Hiểu Biết Như Vậy, -Lần Xa Sanh Tử.

*Thứ Hai Hiểu Biết : -Ham Nhiều Là Khổ, -Sống Chết Nhọc Nhằn,

-Do Từ Tham Dục, -Ít Dục Nhẹ Nhàn, -Thân Tâm An Lạc.

*Thứ Ba Hiểu Biết, -Ham Muốn Không Thôi, -Mong Cầu Cho Nhiều,

-Càng Thêm Tội Ác, -Trái Lại Bồ Tát, -Thường Nghĩ Biết Đủ, -Vui Nghèo Giữ Đạo, -Tuệ Là Sự Nghiệp.

*Thứ Tư Hiểu Biết, -Chừa Bỏ Trụy Lạc, -Siêng Năng Tinh Tấn, -Phá Ác Phiền Não, -Hàng Phục Bốn Ma (3), -Vượt Khỏi Ấm Giới. (4).

*Thứ Năm Giác Ngộ : -Ngu Si Sanh Tử, -Bồ Tát Thường Nghĩ, -Học Rộng Nghe Nhiều, -Trí Tuệ Cao Vời, -Biện Tài Thông Suốt, -Giáo Hoá Tất Cả, -Được An Vui Lớn.

*Thứ Sáu Hiểu Biết, -Nghèo Khổ Hận Nhiều, -Ngang Trái Ác Duyên,

-Bồ Tát Ban Cho, -Không Nghĩ Oán Thân, -Không Nhớ Ác Xưa, -Thương Người Hung Ác.

*Thứ Bảy Giác Ngộ : Năm Dục Quá Khổ, -Tuy Làm Người Tục, -Đời Vui Không Nhiễm, -Thường Nghĩ Ba Y, -Bình Bát Pháp Khí, -Chí Nguyện Xuất Gia, -Giữ Đaọ Thanh Bạch, -Phạm Hạnh Cao Siêu,

-Thương Cứu Muôn Loài.

*Thứ Tám Hiểu Biết : -Sanh Tử Thiêu Đốt, -Đau Khổ Khôn Lường, -Phát Tâm Đaị Thừa, -Cứu Vớt Tất Cả, -Thay Cho Chúng Sanh, -Chịu Vô Lượng Khổ, -Khiến Cho Chúng Sanh, -Mãi Mãi An Lạc.

Tám Việc Như Vậy, -Là Chỗ Giác Ngộ, -Nhiều Đời Chư Phật, -Bồ Tát Đại Nhân, -Siêng Năng Hành Đạo, -Từ Bi Tu Tuệ, -Nương Thuyền Pháp Thân, -Đến Cõi Niết Bàn. –Rồi Về Sanh Tử, -Độ Thoát Chúng Sanh, -Dùng Tám Việc Nầy, Mở Đạo Khắp Cả, -Khiến Cho Chúng Sanh, -Biết Khổ Sống Chết, -Xa Lìa Năm Dục (5), -Chuyên Tu Phật Đạo. –Nếu Là Phật Tử, -Tu Tám Điều Nầy, -Trong Mỗi Mỗi Niệm, -Diệt Tội Vô Lượng, -Tiến Đến Bồ Đề, -Mau Thành Chánh Giác, Dứt Nẻo Tử Sanh ! –Niết Bàn An Lạc.

CHÚ THÍCH

(1) Địa, chất đặc. Thủy, chất lỏng. Hoả, Chất nóng ấm. Phong, Gió, hơi . Bốn Đại nầy không thuận nhau, tất phát sinh nguy cơ diệt vong ốm bịnh.

(2) Sắc-Thọ-Tuởng-Hành-Thức. Năm ấm nầy nó vốn không có ngã thể. Giả hợp, Giả có, Nó không tồn tại –Nên gọi là vô-ngã.

(3) Bốn ma : Phiền não ma/ Ngũ ấm ma (uẩn). / Tử ma./ Thiên ma.

(4) Ra khỏi Ngục của, 5-uẩn/ 12-Xứ / 18-Giới.

(5) Ham muốn : Tài..Sắc..Danh..Thực.. Thùỵ .

Kinh Tám Điều Giác Ngộ Của Các Bậc Đại Nhân

Việt dịch: Thích Nhất Hạnh

Là đệ tử Bụt thì nên hết lòng, ngày cũng như đêm, đọc tụng và quán niệm về tám điều mà các bậc đại nhân đã giác ngộ.

Điều thứ nhất là giác ngộ rằng cuộc đời là vô thường, chế độ chính trị nào cũng dễ sụp đổ, những cấu tạo của bốn đại đều trống rỗng và có tác dụng gây đau khổ, con người do tập hợp của năm ấm mà có, lại không có thực ngã, sinh diệt thay đổi không ngừng, hư ngụy và không có chủ quyền. Trong khi đó thì tâm ta lại là một nguồn suối phát sinh điều ác và thân ta thì là một nơi tích tụ của tội lỗi. Quán chiếu như trên thì dần dần thoát được cõi sinh tử.

Điều thứ hai là giác ngộ rằng càng lắm ham muốn thì lại càng nhiều khổ đau, rằng bao nhiêu cực nhọc trong cõi sinh tử đều do ham muốn mà có. Trong khi đó người ít ham muốn thì không bị hoàn cảnh sai sử, lại cảm thấy thân mình và tâm mình được thư thái.

Điều thứ ba là giác ngộ rằng vì tâm ta rong ruổi chạy theo danh lợi không bao giờ biết chán cho nên tội lỗi ta cũng theo đó mà càng ngày càng lớn. Các bậc Bồ Tát thì khác hẳn: họ luôn luôn nhớ nghĩ đến phép tri túc, an vui sống với đời đạm bạc để hành đạo và xem sự nghiệp duy nhất của mình là sự thực hiện trí tuệ giác ngộ.

Điều thứ tư là giác ngộ rằng thói quen lười biếng đưa đến chỗ đọa lạc; vì vậy con người phải chuyên cần hành đạo, phá giặc phiền não, hàng phục bốn loài ma và ra khỏi ngục tù của năm ấm và ba giới.

Điều thứ năm là giác ngộ rằng chính vì vô minh nên mới bị giam hãm trong cõi sinh tử. Các vị Bồ Tát thường xuyên nhớ rằng phải học rộng, biết nhiều, phát triển trí tuệ, đạt được biện tài để giáo hóa cho mọi người, để cho tất cả đạt tới niềm vui lớn.

Điều thứ sáu là giác ngộ rằng vì nghèo khổ cho nên người ta sinh ra có nhiều oán hận và căm thù, và vì thế lại tạo thêm những nhân xấu. Các vị Bồ Tát biết thế cho nên chuyên tu phép bố thí, coi kẻ ghét người thương như nhau, bỏ qua những điều ác mà người khác đã làm đối với mình và không đem tâm ghét bỏ những ai đã làm ác.

Điều thứ bảy là giác ngộ rằng năm thứ dục vọng gây nên tội lỗi và hoạn nạn. Người xuất gia tuy sống trong thế tục nhưng không nhiễm theo cái vui phàm tục, thường quán niệm rằng tài sản của mình chỉ là ba chiếc áo ca sa và một chiếc bình bát, tất cả đều là pháp khí, rằng chí nguyện xuất gia của mình là sống thanh bạch để hành đạo, giữ phạm hạnh cho thanh cao và đem lòng từ bi để tiếp xử với tất cả mọi người.

Điều thứ tám là giác ngộ rằng vì lửa sinh tử cháy bừng cho nên mọi loài đang chịu biết bao niềm thống khổ. Biết vậy cho nên ta phải phát tâm Đại Thừa, nguyện cứu tế cho tất cả mọi người, nguyện thay thế cho mọi người mà chịu khổ đau vô lượng, khiến cho tất cả chúng sinh đều đạt tới niềm vui cứu cánh.

Tám điều nói trên là những điều giác ngộ của các bậc đại nhân, Bụt và Bồ Tát; những vị này đã tinh tiến hành đạo, tu tập từ bi và trí tuệ, đã cưỡi thuyền pháp thân đến được bến Niết Bàn. Khi trở về lại cõi sinh tử độ thoát cho chúng sinh, các vị đều dùng tám điều giác ngộ ấy để khai mở và chỉ đường cho mọi người, khiến cho chúng sanh ai cũng giác ngộ được cái khổ của sinh tử, lìa bỏ được ngũ dục và hướng tâm vào con đường thánh.

Nếu đệ tử Bụt mà thường đọc tụng tám điều này thì mỗi khi quán niệm diệt được vô lượng tội, tiến tới giác ngộ, mau lên chính giác, vĩnh viễn đoạn tuyệt với sinh tử, thường trú trong sự an lạc.

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 1
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG