Kinh Pháp Ấn
Đức Phật nói: “Này Bật Sô ! Tính trống rỗng (Không Tính:Śūnyatā) không có chỗ có được (sở hữu), không có vọng tưởng, không có chỗ sinh ra (sở sinh), không có chỗ tan mất (sở diệt), lìa các sự thấy biết (tri kiến). Tại sao thế ?

Phật Thuyết Pháp Ấn Kinh
Hán dịch: Tống Thi Hộ
Bản Việt dịch (1) của Huyền Thanh, bản Việt dịch (2) của Thích Nhất Hạnh
Bản Việt dịch (3) của Thích Nguyên Chơn, bản Việt dịch (4) của Thích Thiện Trì
***
Kinh Pháp Ấn
Việt dịch: Huyền Thanh
Bấy giờ Đức Phật ngự tại nước Xá Vệ (Śrāvastya) cùng với chúng Bật Sô (chúng Tỳ Khưu) đều đến dự.
Khi ấy Đức Phật bảo chúng Bật Sô rằng: “Các ông nên biết, có Thánh Pháp Ấn, (Ārya-dharma-mudra) nay Ta vì các ông phân biệt diễn nói. Các ông nên khởi sự thấybiết trong sạch, lắng nghe kỹ lưỡng, chân thật thọ nhận, như khéo tác Ý, ghi nhớ suy nghĩ”
Thời các vị Bật Sô (Bhikṣu) liền bạch Phật rằng: “Lành thay Thế Tôn ! Nguyện xin tuyên nói, chúng con vui thích lắng nghe”
Đức Phật nói: “Này Bật Sô ! Tính trống rỗng (Không Tính:Śūnyatā) không có chỗ có được (sở hữu), không có vọng tưởng, không có chỗ sinh ra (sở sinh), không có chỗ tan mất (sở diệt), lìa các sự thấy biết (tri kiến). Tại sao thế ? Vì Tính trống rỗng (không tính) không có nơi chốn, không có sắc tướng, chẳng phải là có tưởng, vốn không có chỗ sinh ra, chẳng phải là chỗ tri kiến theo kịp, lìa sự dính mắc của các Hữu (vạn vật sai biệt của Mê Giới, chỗ tạo nghiệp của chúng sinh). Do lìa sự dính mắc, cho nên nhiếp tất cả Pháp, trụ cái thấy bình đẳng, là cái thấy chân thật.
Bật Sô nên biết, Tính trỗng rỗng (không tính) như vậy, các Pháp cũng như thế. Đây gọi là Pháp Ấn (Dharma-mudra)
Lại nữa, các Bật Sô ! Pháp Ấn này tức là ba Môn Giải Thoát (Trīṇi vimokṣa-mukhāni: Tam giải thoát môn), là Pháp căn bản của chư Phật, là con mắt của chư Phật. Đây tức là nơi quy thú của chư Phật. Thế nên, các ông hãy nghe cho kỹ, chân thật thọ nhận, ghi nhớ suy nghĩ, quán sát như thật.
Lại nữa Bật Sô ! Nếu có người tu hành thì nên đến rừng cây, hoặc ở dưới gốc cây, các nơi vắng lặng (tịch tĩnh xứ), quán sát như thật: hình thể vật chất (Rūpa¬skandha: Sắc uẩn) là khổ (Duḥkha), là trống rỗng (Śūnya:Không), là không có thường (Anitya:vô thường) sẽ sinh chán lìa, trụ cái thấy bình đẳng.
Như vậy quán sát: Cảm Giác (Vedanā-skandha: Thọ uẩn), Tri Giác (Saṃjñā-skandha:Tưởng uẩn), Lưu Chuyển Tạo Ứng (Saṃskāra-skandha:Hành uẩn), Nhận Thức (Vijñāna-skandha:Thức uẩn) là khổ (Duḥkha), là trống rỗng (Śūnya:Không), là không có thường (Anitya:vô thường) sẽ sinh chán lìa, trụ cái thấy bình đẳng.
Này các Bật Sô ! Các Uẩn (Skandha) vốn trống rỗng (không), do Tâm đã sinh ra. Tâm Pháp tan mất xong thì các Uẩn không có tạo làm. Như vậy biết thấu tỏ, tức Chính Giải Thoát. Chính Giải Thoát xong, lìa các sự thấy biết (tri kiến). Đây gọi là Không Giải Thoát Môn (Śūnya-vimokṣa-mukhāni)
Lại nữa, trụ Tam Ma Địa (Samādhi) quán các Sắc Cảnh (Cảnh giới đối đãi với con mắt như: dài, ngắn, vuông, tròn, cao, thấp, ngay ngắn, chẳng ngay ngắn…trắng, xanh, vàng, đỏ, mây, khói, bụi, sương mù, bóng ảnh, ánh sáng, tối, sáng….) thảy đều diệt hết, lìa các Hữu Tưởng (Saṃjñin: có đủ cảm giác, nhận thức, ý chí, tác dụng của ý thức của nhóm khảo xét). Như vậy âm thanh (Śabda:Thanh), mùi ngửi (Gandha: Hương), vị nếm (Rasa: Vị), cảm giác tiếp chạm (Spraṣṭavya: Xúc), Pháp cảnh (Dharma: Pháp) cũng đều diệt hết, lìa các Hữu Tưởng. Như vậy quán sát thì gọi là Vô Tưởng Giải Thoát Môn (Asaṃjñā-vimokṣa-mukhāni)
Vào Môn Giải Thoát (Vimokṣa-mukhāni) này xong, liền được Tri Kiến trong sạch. Do sự trong sạch này, cho nên tham muốn (Tham: Lobha, hay Rāga), giận dữ (Sân: Pratgha, hoặc Dveṣa), ngu si (Si: Moha, hay Mūḍha) thảy đều diệt hết, trụ cái thấy bình đẳng. Trụ cái thấy này, liền lìa Ngã Kiến (ātma-dṛṣṭi: cái thấy sằng bậy chấp dính có cái Ta chân thật) với Ngã Sở Kiến (Mama-kāra-dṛṣṭi: Vọng chấp Pháp của năm Uẩn là chỗ có được của cái Ta), tức thấu tỏ các cái thấy (Kiến:Dṛṣṭi), không có chỗ sinh khởi, không có chỗ nương cậy
Lại nữa, lìa Ngã Kiến xong, liền không có thấy, không có nghe, không có hiểu, không có biết. Tại sao thế ? Do Nhân Duyên (Hetu-pratyaya) mà sinh các sự nhận thức (Thức: Vijñāna), tức Nhân Duyên ấy với sự nhận thức (Thức) được sinh ra, thảy đều không có thường (vô thường). Do Vô Thường cho nên sự nhận thức (Thức) chẳng thể đắc, Thức Uẩn (Vijñāna-skandha) đã trống rỗng (Śūnya: Không) không có chỗ tạo làm. Đây gọi là Vô Tác Giải Thoát Môn (Akarmaka-vimokṣa-mukhāni)
Vào Môn Giải Thoát (Vimokṣa-mukhāni) này xong, biết cứu cánh của Pháp, đối với Pháp không có dính mắc, chứng sự Tịch Diệt của Pháp”
Đức Phật bảo các vị Bật Sô: “Như vậy gọi là Thánh Pháp Ấn, tức là ba môn Giải Thoát. Hàng Bật Sô, các ông nếu tu học, liền được Tri Kiến trong sạch”
Khi các vị Bật Sô nghe Pháp này xong, đều rất vui vẻ, đỉnh lễ, tin nhận
Kinh Pháp Ấn
Việt dịch: Thích Nhất Hạnh
I.
Hồi đó Phật đang ở nước Xá Vệ với đầy đủ quý vị trong cộng đồng khất sĩ. Một hôm ngài nói với đại chúng: “Có pháp ấn mầu nhiệm, quý vị có biết không? Hôm nay tôi muốn phân tích và diễn giải pháp ấn này cho quý vị nghe. Quý vị hãy đem nhận thức thanh tịnh ra để nghe cho kỹ, tiếp nhận cho thấu đáo, khéo léo xử dụng tâm ý đề ghi nhớ mà hành trì.”
Các vị khất sĩ bạch Phật: Hay quá, thưa đức Thế Tôn! Xin người chỉ dạy cho, chúng tôi muốn được nghe.”
II.
Phật dạy:
Tự tính của Không là không nằm trên bình diện có không, không nằm trong khuôn khổ các vọng tưởng, không có tướng sinh, không có tướng diệt, và vượt thoát mọi tri kiến . Tại sao thế? Vì tự tính của Không không có vị trí trong không gian, không có hình tướng, không thể khái niệm được, chưa bao giờ từng sinh khởi, tri kiến không nắm bắt được và thoát ly mọi sự nắm bắt. Vì thoát ly đượcmọi sự nắm bắt nên nó bao hàm được tất cả các pháp và an trú nơi cái thấy bình đẳng không phân biệt.
Cái thấy ấy là cái thầy chân chính và xác thực. Quý vị khất sĩ! Quý vị nên biết rằng không những tự tính của Không như thế mà tất cả các pháp cũng đều như thế. Ðó gọi là pháp ấn.
“Quý vị khất sĩ! Pháp ấn này chính là ba cánh cửa đi vào giải thoát, là giáo lý căn bản của chư Phật, là con mắt của chư Phật, là chỗ đi về của chư Phật. Vì vậy quý vị nên nghe cho kỹ, tiếp nhận cho thấu đáo, để ghi nhớ mà tư duy và quán chiếu ngay trong lòng thực tại.
III.
“Quý vị khất sĩ! Người tu hành nên tìm nơi tĩnh mịch như vào rừng, ngồi dưới gốc cây để thực tập quán chiếu về tự thân thực tại. Phải thấy mọi sắc là khổ, là không và là vô thường để thoát ly cho được sự bám víu vào hình sắc và trở về an trú trong cái thấy bình đẳng không phân biệt đối với hình sắc. Ðối với cảm giác, tri giác, tâm tư và nhận thức cũng thế: người ấy nên quán chiếu rằng chúng là khổ, là không và là vô thường đề có thể thoát ly cho được cái thấy có tính cách sai lạc về cảm giác, tri giác, tâm tư và nhận thức để đại tới cái thấy bình đẳng không phân biệt về chúng. Này quý vị khất sĩ, các uẩn vốn là không, vốn được sinh khởi từ tâm, khi tâm không còn hiện hành thì uẩn cũng không còn tác dụng. Thấy biết được như thể tức là đạt được giải thoát chân chính. Giải thoát chân chính rồi thì thoát được mọi tri kiến. Phép quán sát này được gọi là KHÔNG, cánh cửa giải thoát thứ nhất.
IV.
“Lại nữa, an trú trong định mà quán sát các đối tượng thì hành giả thấy các đối tượng hình sắc đều tan biến hết và người ấy thoát ly được tính cách hư ảo của tri giác về hình sắc. Các đối tượng khác là thanh, hương, vị, xúc và pháp cũng đều tan biến hết và hành giả thoát ly được tính cách hư ảo của mọi tri giác về thanh, hương, vị, xúc và pháp. Pháp quán sát này gọi là VÔ TƯỚNG, cửa giải thoát thứ hai. Vào được cánh cửa giải thoát này rồi thì tri kiến sẽ được thanh tịnh; và vì tri kiến đã thanh tịnh nên hành giả diệt trừ được hết các phiền não tham, sân, si. Tham, sân, và si đã tận diệt thì hành giả an trú được trong cái thấy bình đẳng. An trú được trong cái thấy này thì lìa được những cái thấy về TA và về CỦA TA, nghĩa là chấm dứt được mọi cái thấy sai lằm. Cái thấy này không còn cơ hội và căn cứ đề sinh khởi nữa.
V.
Lại nữa, các vị khất sĩ! Thoát ly được cái thấy về ta rồi thì không còn cho rằng những sự vật mà ta thấy, nghe, cảm và biết là những sự vật có thật ngoài nhận thức nữa. Vì sao thế? Vì nhận thức cũng chính là do nhân duyên mà phát sinh. Nhận thức và các nhân duyên làm phát khởi ra nhận thức đều biến chuyển vô thường, mà vì thức vô thường cho nên ta cũng không nắm bắt được. Thức uẩn đã không như bất cứ hiện tượng nào khác thì còn có gì cần được tạo tác nữa đâu? Pháp quán sát này được gọi là VƠ TÁC, cửa giải thoát thứ ba. Vào được cửa giải thoát này rồi thì thấy được chân tướng các pháp một cách triệt để, không còn bị kẹt vào một pháp nào nữa và thể nghiệm được tính cách tịch diệt của các pháp.”
VI.
Phật bảo quý vị khất sĩ: “Pháp ấn mầu nhiệm là như thế. Ðó là ba cánh cửa đi vào giải thoát. Quý vị khất sĩ, nếu quý vị tu học theo pháp ấn này thì chắc chắn là sẽ đạt được tri kiến thanh tịnh.”
Toàn thể các vị khất sĩ nghe pháp nãy đều tỏ ra sung sướng. Họ làm lễ Phật sau khi đã tiếp nhận giáo pháp này để hành trì.
Kinh Pháp Ấn
Việt dịch: Thích Nguyên Chơn
Trong thời gian Đức Phật cùng với các bí-sô an trú tại nước Xá-vệ, một hôm Ngài bảo:
– Này các thầy! Hôm nay ta sẽ giảng giải cho các thầy biết một loại Pháp ấn siêu việt. Các thầy nên phát khởi tri kiến thanh tịnh, lắng lòng nghe nhận, chú tâm ghi nhớ rồi suy nghĩ cho thật thấu đáo.
Các bí-sô bạch Đức Phật:
– Thật quí thay! Cúi xin Thế Tôn giảng dạy, chúng con rất muốn nghe!
Đức Phật liền dạy:
– Này các thầy! Tánh Không thì rỗng không, không vọng tưởng, không sanh, không diệt, lìa tất cả tri kiến. Vì sao? Vì tánh Không không có nơi chốn, không thuộc sắc tướng, chẳng có các tưởng, vốn vô sanh, tri kiến không thể nhận biết, xa lìa chấp trước. Do lìa chấp, nên gồm thâu tất cả pháp, trụ nơi tri kiến bình đẳng, tức tri kiến chân thật. Tánh Không như vậy, các pháp cũng như vậy. Đó gọi là Pháp ấn.
– Này các thầy! Pháp ấn này là ba môn giải thoát, là pháp căn bản của các Đức Phật, là Phật nhãn, tức là nơi qui hướng của chư Phật. Vì thế, các thầy nên lắng lòng nghe nhận, ghi nhớ tư duy, quán sát thật đúng đắn.
Người tu hành an trú những nơi vắng lặng như trong núi rừng, nơi cội cây, thì nên quán sát thật đúng sắc là khổ, là không, là vô thường mà sinh tâm nhàm chán, trụ nơi tri kiến bình đẳng. Cứ như thế, quán sát thọ, tưởng, hành, thức là khổ, là không, là vô thường mà sanh tâm nhàm chán, trụ nơi tri kiến bình đẳng. Các uẩn vốn không, chỉ do tâm sanh, tâm pháp đã diệt, các uẩn cũng không khởi dụng. Thấu suốt như vậy là chánh giải thoát. Được chánh giải thoát rồi thì xa lìa các tri kiến. Đó là Không giải thoát môn.
Này các thầy! Trụ nơi tam-ma-địa quán các sắc cảnh, thì thấy tất cả đều diệt tận, lìa các tưởng. Như thế, thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng đều diệt tận, lìa các tưởng. Quán sát như vậy gọi là Vô tướng giải thoát môn. Vào môn giải thoát này rồi, thì liền được tri kiến thanh tịnh. Do thanh tịnh, nên trừ sạch tham sân si. Đã sạch tham sân si, thì an trụ nơi tri kiến bình đẳng. Đã trụ tri kiến bình đẳng thì lìa ngã kiến và ngã sở kiến, thấu rõ các kiến không có nơi sanh khởi, không có nơi nương gá. Lại nữa, đã lìa ngã kiến, tức không còn kiến, văn, giác, tri. Vì sao? Vì do nhân duyên mà sanh các thức, nhưng nhân duyên và thức ấy đều vô thường. Vì vô thường, nên các thức không có thật tánh. Thức uẩn đã không, thì không tạo tác. Đó gọi là Vô tác giải thoát môn. Đã vào Vô tác giải thoát môn, thì thấu đạt chỗ rốt ráo của pháp, không chấp trước các pháp, thể nhập chỗ vắng lặng của các pháp.
Này các thầy! Đó là Pháp ấn siêu việt, cũng là ba môn giải thoát. Nếu các thầy tu học ba môn này, nhất định được tri kiến thanh tịnh.
Nghe Đức Phật giảng thuyết xong, các bí-sô vô cùng vui mừng, cúi đầu đảnh lễ, tin nhận tu trì.
Kinh Pháp Ấn
Việt dịch: Thích Thiện Trì
Như thật tôi nghe một thuở nọ Phật cùng các vị Tỳ-kheo vân tập tại nước Xá-Vệ. Bấy giờ Phật bảo các vị Tỳ-kheo rằng:
“Các ông nên biết, có Thánh-Pháp-Ấn ta sẽ phân biệt giảng nói cho các ông rõ. Các ông cần phải phát khởi sự hiểu biết thanh tịnh, lắng nghe và ghi nhận cho kỹ suy nghĩ đúng đắn”.
Các vị Tỳ-kheo liền bạch Phật rằng: Hay thay! Bạch Thế-Tôn, chúng con rất mong được nghe, xin Thế-Tôn tuyên thuyết.
Phật dạy: “ Này các Tỳ-kheo! Nói đến tánh không, là không có gì cả, không vọng tưởng không sanh, không diệt xa lìa mọi sự thấy biết. Tại sao thế? -Vì tánh Không không có nơi chốn, không có sắc tướng, không có tư tưởng, vốn không sanh, chẳng phải sự thấy biết có thể thấu được. Xa lìa mọi đắm chấp, nên thâu nhiếp được tất cả pháp, trú ở sự thấy biết bình đẳng, là sự thấy biết chơn thật. Các ông nên biết, tánh Không như vậy, các pháp cũng như vậy. Đó gọi là Pháp-Ấn.
Lại nữa, các Tỳ-kheo, Pháp-Ấn này là cửa ngõ của ba pháp giải thoát, là căn bản của chư Phật, là con mắt của chư Phật, là nơi chư Phật đạt đến. Vậy nên các ông nghe cho kỹ, ghi nhận cho đúng, như sự thật mà suy nghĩ quán sát.
Lại nữa, các Tỳ-kheo! Nếu có người nào tu hành, nên đi vào chốn núi rừng, hoặc ở dưới gốc cây và các nơi vắng vẻ yên tĩnh, đúng như sự thật quán sát: Sắc là khổ, là không, là vô thường, nên sanh tâm nhàm chán xa lìa như vậy quán sát về Thọ, Tưởng, Hành, Thức là khổ, là không, là vô thường nên sanh tâm nhàm chán xa lìa. Trú ở sự thấy biết bình đẳng.
Các Tỳ-kheo! Các uẩn vốn không, chỉ do tâm phát sanh. Khi tâm diệt thì các uẩn không còn có tác động gì nữa. Biết đúng như vậy, tức là chánh giải thoát. Khi được chánh giải thoát, xa lìa mọi sự thấy biết, thì gọi là cửa Giải-thoát-không.
Lại nữa, trú trong chánh định quán sát các sắc cảnh, tất cả đều tiêu diệt, xa lìa mọi ý tưởng. Như vậy, thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng đều tiêu diệt, xa lìa mọi ý tưởng. Quán sát như vậy gọi là cửa Giải-thoát-vô-tưởng. Vào được cửa Giải-thoát này tức được thấy sự thanh tịnh. Do sự thấy biết thanh tịnh đó, dứt trừ được tất cả tham sân si. Tham sân si đã dứt trừ, trú ở sự thấy biết bình đẳng, trú ở sự thấy biết bình đẳng này rồi, tức xa lìa được cái thấy ta và vật sở hữu của ta. Thấu rõ được mọi sự thấy biết không nơi sanh khởi, cũng không nơi nương tựa.
Lại nữa, khi xa lìa được cái thấy ta rồi, tức không còn thấy, không còn hay, không còn biết. Tại sao thế? -Vì do nhơn duyên cho nên mới sanh các thức, tức nhơn duyên kia cùng với thức được phát sanh đều là vô thường. Vì là vô thường nên thức không thể thật có được. Thức uẩn đã không, không có tạo tác, thì gọi là cửa Giải-thoát vô tác. Vào được cửa Giải-thoát này, tức biết được pháp cứu cánh, không còn đắm chấp các pháp và chứng được pháp tịch diệt.
Phật bảo: Các Tỳ-kheo, như vậy gọi là Thánh-pháp-ấn, là cửa ngõ ba pháp giải thoát. Nếu người nào tu học theo đó tức đặng sự thấy biết thanh tịnh. Các Tỳ-kheo nghe pháp này rồi đều vui vẻ lạy Phật và tin tưởng tuân hành.
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






