Kinh Hiếu Tử

Khi con vui vẻ thì cha mẹ vui theo; khi con đau khổ thì lòng mẹ héo úa. Khi con vắng nhà thì thương nhớ, lúc con trở về thì ôm ấp vỗ về. Lòng mẹ cha luôn lo sợ cho con không thành người. Ân đức cha mẹ, rộng lớn như thế, làm sao báo được?

 0
Kinh Hiếu Tử

KINH HIẾU TỬ

Phật Thuyết Hiếu Tử Kinh

Thất dịch

Bản Việt dịch (1) của Thích Tâm Châu

Bản Việt dịch (2) của Thích Nữ Tịnh Hiền

Bản Việt dịch (3) của Huyền Thanh

***

Kinh Hiếu Tử

Việt dịch: Thích Tâm Châu

Đức Phật một hôm hỏi các Tỳ-khưu: “Này các Tỳ-khưu, cha mẹ sinh con, mười tháng mang thai, thân như trọng bệnh, tới ngày sinh sản, mẹ lo cha sợ, trong tình cảnh ấy, khó nói hết được. Sau khi sinh rồi, sê con chỗ ráo, mẹ nằm chỗ ướt. Tinh thành rất mực, huyết hóa thành sữa. Lau chùi tắm giặt, ăn mặc đầy đủ, dạy dỗ bảo ban, lễ biếu thày bạn, dâng cống quân trưởng. Mặt con tươi tỉnh, cha mẹ vui mừng, nếu con buồn rầu, lòng cha mẹ héo. Khi ra ngoài cửa, vẫn nhớ mến con, bước vào trong nhà, thấy con yên dạ. Tâm thường lo lắng, sợ việc chẳng lành. Ơn cha mẹ thế, lấy gì báo đáp?”

Các vị Tỳ-khưu bạch đức Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn, là người con hiếu, cần nên làm sao ăn ở hết lễ, từ tâm cúng dường, đền ơn cha mẹ.”

Đức Phật lại bảo các vị Tỳ-khưu: “Này các Tỳ-khưu, con nuôi cha mẹ, bằng những thứ này: cam lộ trăm mùi, để thỏa miệng Người, mọi tiếng thiên nhạc, để thích tai Người, áo đẹp tuyệt vời, rực rỡ thân Người, hai vai cõng Người, chu du bốn biển, trả ơn dưỡng dục đến hết đời con, gọi là hiếu chăng?”

Các vị Tỳ-khưu, bạch đức Phật rằng: “Lạy đức thế-Tôn, gọi là đại hiếu, còn gì hơn nữa?”

Đức Phật lại bảo các vị Tỳ-khưu: “Này các Tỳ-khưu, tuy được như thế, chưa phải là hiếu, cần phải thực hành: cha mẹ ngu tối, không kính Tam Bảo; hung ngược, tàn ác, lạm trộm phi lý, dâm dật ngoại sắc, nói dối phi đạo, say sưa hoang loạn, trái lẽ chân chính, hung nghiệt như thế, con hết lòng can, để khai ngộ Người. Nếu còn mê muội, chưa biết tỉnh ngộ, liền đem nhân nghĩa, khai hóa dần dần; hoặc dẫn Người xem lao ngục nhà vua, dẫn giải thí dụ về những hình lục của những tù nhân, thưa cha mẹ rằng: “Những tù nhân này không theo pháp luật, nên thân phải bị mọi sự khổ độc, tự mình vời lấy, mất thân mệnh mình. Mệnh mất, Thần đi, giam vào Thái sơn chịu tội nước, lửa, muôn thứ khổ độc, một mình kêu gào, không ai cứu vớt, vì theo làm ác, phải trọng tội ấy”. Ví dù chưa chuyển, khóc lóc kêu van, tuyệt không ăn uống. Hành động như thế, Người tuy chẳng minh, nhưng hẳn đau xót, vì tình thương mến, sợ con mình chết, sẽ gượng nhẫn nhục, nén lòng sùng đạo. Nếu Người đổi chí, phụng sự Phật pháp, giữ gìn năm giới: nhân từ không giết, thanh nhượng không trộm, trinh tiết không dâm, thủ tín không dối, hiếu thuận không say. Ở trong tông môn: thân từ, con hiếu, chồng chính, vợ trinh, chín họ (2) hòa mục, tôi tớ thuận tòng; thấm nhuần khắp cả đến chốn xa xôi, ai ai là chẳng hết lòng chịu ơn. Mười phương chư Phật, Thiên long, quỉ thần, nhà vua có đạo, bầy tôi trung thành, con dân muôn họ ai chẳng kính yêu, hưởng phúc an lành. Dù rằng có gặp chính trị điên đảo, phụ tá gian nịnh, con ác, vợ kiêu, nghìn tà vạn quái, không làm gì được, đối với cha mẹ, đời thường yên ổn, khi tuổi thọ hết, sinh lên cõi trời, và được đến nơi chư Phật đồng hội, được nghe nói pháp, được đạo độ đời, sa hẳn khổ não.”

Đức Phật lại bảo các vị Tỳ-khưu: “Này các Tỳ-khưu, đời chưa có gì đáng gọi là hiếu. Làm cho cha mẹ bỏ ác làm lành, vâng giữ năm giới và ba tự quy, được thế dù rằng buổi sớm vâng giữ, buổi chiều mất đi, ơn ấy trọng hơn vô lượng công ơn nuôi nấng, bú mớm của cha mẹ mình. Nếu không biết đem giáo pháp Tam Bảo, rất mực khai hóa cho cha mẹ mình, tuy là hiếu dưỡng vẫn như bất hiếu. Có vợ cay nghiệt, cần nên khuyên răn, vì vợ cay nghiệt làm xa người hiền, không cần cha mẹ, chỉ ham sắc dục, say mê không chán, sinh ra những việc ngang trái đạo hiếu, hãm hại cha mẹ, quốc chính hoang loạn, vạn dân lưu vong.”

“Bản chí thường làm những việc huệ thí, lễ, giới xét mình, dịu lòng chuộng nhân, luôn luôn tiến đức, tâm ưa vẳng lặng, chí học suốt thông, danh lừng chư Thiên, sánh bằng Hiền giả. Nếu lầm phạm vào trong vòng thê thiếp, đam mê nữ sắc, say đắm dục tình, dáng dấp yêu kiều, biến ra muôn mối. Những người trí ít, những kẻ thấy gần, bất giác dần dần, chí quay trở lại, dìm mất thân mình, nguy hại mẹ cha, nguy cả đến nước. Ham sắc tình đãng, giận ghét, lười, kiêu, tán tâm mờ mịt, hành động vô liêm… Từ trước đến nay chỉ vì sắc dục làm hại thân mạng, tan nát họ hàng. Vì vậy cho nên, này các Tỳ-khưu, các vị cần nên xa tránh duyên trần, chuyên tâm tỉnh thức. Trong sạch chí mình, đạo là việc chính.”

“Giữ trọn lời răn, nếu là làm vua, giữ yên bốn biển, bầy tôi trọn trung, đem nhân trị nước; phép cha phải minh, con phải hiếu từ, chồng tín, vợ trinh. Các Ưu bà tắc cùng Ưu bà di, làm theo như thế, đời đời gặp Phật, thấy pháp, đắc đạo.”

Đức Phật nói xong, hết thảy đệ tử, ai cũng vui mừng, làm lễ rồi lui.

Chú thích:

(1) Kinh Hiếu Tử là cuốn kinh số 687 trong Đại Chính Đại Tạng Kinh. Kinh này mất tên dịch giả từ chữ Phạm sang chữ Hán và nay phụ vào Tây-Tấn-Lục.

(2) Chín họ là cha, ông, cụ, kỵ, con, cháu, chắt, chút và mình.

Kinh Phật Thuyết Về Người Con Hiếu Thảo

Việt dịch: Thích Nữ Tịnh Hiền

Một hôm Đức Phật hỏi các vị sa-môn:

– Cha mẹ sinh được con, phải chịu mười tháng mang thai, thân như bệnh nặng, đến ngày sinh sản, mạng mẹ nguy nan, lòng cha sợ hãi, tình cảnh lúc ấy, thật khó tả hết. Sau khi sinh xong, chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn. Lòng mẹ chí thiết, máu biến thành sữa, tắm rửa ẳm bồng, lo cho cơm áo, dạy dỗ bảo ban, dâng cầu thầy bạn, phụng hiến lên vua.

Khi con vui vẻ thì cha mẹ vui theo; khi con đau khổ thì lòng mẹ héo úa. Khi con vắng nhà thì thương nhớ, lúc con trở về thì ôm ấp vỗ về. Lòng mẹ cha luôn lo sợ cho con không thành người. Ân đức cha mẹ, rộng lớn như thế, làm sao báo được?

Sa-môn bạch Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn! Cần phải dùng hết lễ nghi, dốc hết lòng từ phụng dưỡng để báo đáp ân đức sinh thành cha mẹ.

Thế Tôn lại hỏi:

– Con phụng dưỡng cha mẹ, dâng trăm vị ngon để cha mẹ dùng, trổi nhạc hay, làm cha mẹ vui, cung cấp y phục tốt nhất để cha mẹ mặc, vai cõng cha mẹ đi khắp nơi, dùng tuổi thọ mình để báo đáp ân đức cha mẹ sinh thành. Như vậy được gọi là hiếu chăng?

Sa-môn bạch Phật:

– Bạch đức Thế Tôn! Đó là đại hiếu, không còn gì hơn!

Thế Tôn lại bảo:

– Như vậy cũng chưa phải báo hiếu! Giả sử cha mẹ si ám, không kính thờ Tam bảo, bạo ngược hung tàn, lạm dụng chiếm đoạt của người một cách phi lí, dâm dật chạy theo nữ sắc, dùng ngôn từ hư dối trái đạo, rượu chè hoang loạn, làm trái chính đạo. Cha mẹ làm những việc hung ác như vậy, làm con phải can gián để khai sáng cho cha mẹ. Nếu vẫn còn mờ mịt, thì phải lập tức khai hóa, dẫn các thí dụ, nêu các sự việc tương đồng như chỉ lao ngục của vương gia, tù nhân bị hành hình, rồi nói: “Đây là những người không theo phép luật, nên thân phải chịu khổ hình, tự rước lấy cái chết. Sau khi chết, thần thức bị giam cầm trong địa ngục, chịu cảnh nước sôi lửa đốt, muôn thứ khổ hình, kêu gào mà chẳng ai cứu giúp. Cha mẹ tạo nghiệp xấu ác như vậy, mới gặp tai ương này. Nếu cha mẹ cũng chưa chịu thay đổi, thì phải khóc lóc, thở than, nhịn ăn nhịn uống. Bấy giờ tuy cha mẹ vẫn chưa hiểu, nhưng vì đau đớn bởi tình yêu thương thế gian, vẫn sợ con mình chết. Bấy giờ người con nên cố gắng nhẫn chịu, khuyên cha mẹ hạ lòng tôn kính chính đạo.

Nếu cha mẹ thay đổi, thì khuyên thụ nhận và giữ gìn năm giới của Phật chế: Một là khởi lòng thương xót không giết chúng sinh; hai là trong sạch, không trộm cắp; ba là trinh khiết không tà dâm; bốn là giữ chữ tín, không nói dối; năm là hiếu thuận, không rượu chè. Được như vậy thì trong tông môn sẽ có cha mẹ nhân từ, con cái con hiếu thảo; chồng ngay thẳng, vợ trinh tiết, cửu tộc hòa thuận, nô bộc thuận theo, đạo đức thấm ướt muôn phương, ân huệ mọi loài đều nhận. Do đó, chư Phật mười phương, trời rồng quỉ thần, vua có đạo đức, những vị quan trung thành, muôn dân trăm họ đều thương kính giúp đỡ mà an ổn. Tuy nhiều lần gặp chính sách sai lầm, gian thần phụ chính, trẻ con hung dữ, phụ nữ lẳng lơ, nghìn tà vạn quái, nhưng chúng cũng không làm gì được. Như thế thì cha mẹ khi sống yên ổn, lúc chết linh hồn sinh lên cõi trời, cùng gặp chư Phật, được nghe chính pháp, hộ đạo độ đời, vĩnh viễn lìa khổ.

Phật bảo các sa-môn:

– Cả thế gian không thấy có pháp nào gọi là hiếu, chỉ có pháp này là hiếu mà thôi! Bởi pháp này giúp cho cha mẹ bỏ việc ác làm điều thiện, thụ ba qui y, giữ gìn năm giới, sáng tối phụng thờ Tam bảo. Như vậy mới đúng là báo trọng ân. Công sinh dưỡng bú mớm, ân đức vô lượng, nếu không thể dùng Tam bảo cao tột giáo hóa cha mẹ, thì tuy có hiếu dưỡng cũng vẫn còn bất hiếu. Không vì vợ xấu ác mà xa lánh bậc hiền, vì lòng người nữ đa dục, ham muốn sắc dục không biết nhàm chán. Trong nước mà có nhiều kẻ bất hiếu, sát hại cha mẹ thì nền chính trị của nước ấy hổn hoạn, nhân dân li tán. Nếu dùng giới để kiểm thúc bản thân, tâm nhu hòa, tôn kính nhân nghĩa, khoan hậu tu đức, tâm ý vắng lặng, chí học thông đạt thì danh vang đến chư thiên, trí đồng với bậc hiền. Nếu tâm chìm nơi thê thiếp, thì chí mê nữ sắc, hoang dâm trong dục tình. Dáng vẻ yêu kiều, diễm lệ của người nữ thay đổi muôn hình, kẻ trí cạn, thiển kiến thấy vậy đã không biết là mầm họa bèn xoay chí chìm thân vào đó. Rồi do những lời yêu mị, tà xảo của người nữ này mà làm hại cha mẹ, giết quân vương. Tham tiếc nữ sắc, buông lung dục tình, ganh ghét khinh mạn, tân tâm mờ mịt, thì đồng như cầm thú. Từ xưa đến nay, con người đều do việc này mà hại bản thân, diệt tông môn. Vì thế sa-môn chỉ sống một mình, tâm ý trong sạch, lấy việc tu đạo làm nhiệm vụ. Như có thể kính giữ những giới điều sáng suốt này, nếu làm vua thì an định đất nước, làm tôi thì tận trung, dùng lòng nhân để dưỡng dân; làm cha thì mẫu mực, làm con thì từ hiếu, làm chồng thì tín, làm vợ thì trinh. Nếu ưu-bà-tắc, ưu-bà-di thực hành đúng như thế thì đời đời được gặp Phật, nghe pháp, cuối cùng sẽ đắc đạo.

Nghe Đức Phật dạy xong, các đệ tử đều vui mừng cung kính thực hành.

Kinh Người Con Hiếu Thảo

Việt dịch: Huyền Thanh

Đức Phật hỏi các vị Sa Môn (śramaṇa): “Cha mẹ sinh con thì người mẹ mang thai mười tháng, thân bị bệnh nặng. Đến ngày sinh thì người mẹ gặp nguy cấp, người cha sợ hãi, tình cảnh ấy thật khó nói. Sau khi sinh xong thì mẹ nằm chỗ ẩm ướt nhường lại chỗ khô ráo cho con, tinh thành cho đến máu huyết hoá làm sữa. Ngày ngày lau xoa tắm gội, chuẩn bị quần áo, dạy bảo con trẻ, tặng lễ vật cho thầy bạn, dâng cống quân vương với bậc trưởng thượng…Nếu con vui thích thì cha mẹ cũng mừng vui, nếu con lo lắng buồn thảm thì tâm của cha mẹ khô héo. Ra khỏi cửa thì yêu nhớ, vào trong nhà liền hỏi han,tâm luôn lo lắng sợ con gặp việc chẳng lành…Ân của cha mẹ như thế thì làm sao để báo đáp đây ?”

Các vị Sa Môn đáp rằng: “Chỉ cần hết lòng kính lễ, dùng Tâm Từ (Maitre-citta) cúng dường để báo đáp ân của cha mẹ”

Đức Thế Tôn lại nói: “Con nuôi cha mẹ, đem trăm vị Cam Lộ (Amṛta) dâng lên miệng cha mẹ, dùng mọi âm thanh của nhạc Trời làm vui tai cha mẹ, chọn quần áo trang phục tốt đẹp khoác lên thân cha mẹ, dùng hai vai cõng vác cha mẹ đi vòng khắp bốn biển, cuối cùng người con dùng tuổi tác sinh mạng của mình để nuôi dưỡng báo đáp ân cha mẹ …thì có thể nói là Hiếu ư ?”

Các vị Sa Môn nói: “Chỉ có Hiếu là to lớn, không còn thêm điều gì nữa”

Đức Thế Tôn bảo rằng: “Chưa phải là Hiếu vậy. Nếu cha mẹ ngu tối: chẳng tôn sùng ba Tôn, dữ tợn, tai ngược, tàn ác, ngang ngạnh, phóng túng trộm cắp chiếm đoạt, làm điều ngược với lý lẽ, dâm dục đam mê bóng sắc bên ngoài, nói năng dối trá trái với Đạo Lý, đam mê hoang loạn trái ngược với điều chân chính…Mầm mống hung dữ như thế thì người con nên dốc sức can ngăn trình bày cho hiểu biết. Nếu do mê mờ chưa tỉnh ngộ, tức làm việc nghĩa cảm hoá ngay: dùng thí dụ dẫn dắt, trình bày lao ngục của vua chúa, hình phạt nhục nhã của các người bị tù… Nói rằng: “Điều ấy chẳng phải là phép tắc, thân bị mọi chất độc, tự chiêu vời tai hoạ mà mất mạng. Khi mạng đã hết thì Thần Thức rời đi, bị cột trói ở núi Thái… riêng mình bị ngâm trong nước nóng, lửa thiêu đốt, vạn chất độc…không có ai cứu giúp. Do hành vi ác ấy cho nên gặp phải tai ương như vậy”

Giả sử lại chưa thay đổi thì than thở, khóc lóc, kêu gào, nhịn ăn bỏ uống…Cha mẹ tuy chẳng biết rõ, ắt đem sự đau đớn của ân ái, lo sợ con bị chết …cho nên gượng gạo nhẫn chịu, ép Tâm tôn trọng Đạo.

Nếu cha mẹ dốc chí tôn phụng năm Giới của Phật, có lòng Nhân thương xót chẳng giết hại, trong sạch nhường nhịn chẳng trộm cắp, trinh bạch thanh khiết chẳng dâm dục, giữ chữ tín chẳng dối lừa, hiếu thuận chẳng say sưa…Bên trong Tông Môn tức cha mẹ hiền lành, con cái hiếu thuận, chồng chân chính, vợ thuỷ chung, chín tộc hoà thuận, tôi tớ thuận theo, thấm nhuần lợi ích, từ xa được người ngậm máu chịu ân. Mười phương chư Phật, Trời, Rồng, Quỷ, Thần, vua chúa có Đạo Lý, bề tôi thường trung thành, dân chúng vạn họ không có ai chẳng kính yêu, Thần ngầm giúp cho an ổn.

Phỏng tính có chính sách cai trị điên đảo, quan lại nịnh bợ, con dữ tợn, vợ yêu quái, ngàn tà vạn quái…không bằng bãi bỏ sao? Đối với cha mẹ, ở đời thường yên, chết đi thì hồn linh vãng sinh lên Trời, chư Phật cùng hội họp, được nghe lời Pháp, được Đạo cứu đời, cách biệt khổ lâu dài”

Đức Phật bảo các vị Sa Môn: “Nhìn đời, không có Hiếu. Chỉ có điều ấy là Hiếu vậy, hay khiến cho cha mẹ bỏ ác làm thiện, phụng trì năm Giới, giữ ba Tự quy, triều phụngcho đến chết. Ân nặng nơi cha mẹ, bú mớm nuôi dưỡng… Vô lượng ân huệ ấy, nếu chẳng hay dùng Chí của ba Tôn, cảm hóa cha mẹ thì tuy làm Hiếu Dưỡng cũng giống như là Bất Hiếu.

Không dùng người vợ tệ bạc xa lìa Đức Hạnh. Chẳng gần gũi với người nữ có nhiều tình dục, ham mê sắc đẹp không có mệt mỏi…trái ngược với sự Hiếu Thuận, giết cha mẹ, quốc chính hoang loạn, vạn dân lưu vong. Căn bản dồn Tâm ban bố ân huệ, tự kiểm điểm khuôn phép, Tâm mềm mại ưa chuộng điều Nhân, luôn nung nấu tiến lên điều Đức,Ý tiềm ẩn vắng lặng, học hỏi đạt đến sự sâu xa, tên vang động đến chư Thiên, sáng suốt sánh ngang với bậc Hiền.

Tự mình vấy bẩn với thê thiếp, chí mê mờ, phóng túng đam mê nữ sắc, ham muốn dáng dấp xinh đẹp yêu kiều… Vạn đầu mối biến đổi ấy khiến cho Trí của người chồng bị mỏng nhạt, kẻ sĩ có cái nhìn nông cạn… Nhìn thấy việc ấy, chẳng hiểu biết điều màu nhiệm, dần dần thoái chí, mất thân mạng.

Theo sự khéo léo cong quẹo của Thần Đại Hạn, loài Si Mỵ gây rối loạn. Hoặc gây nguy hại cho cha mẹ, giết vua, buông thả theo sắc tình, ganh ghét, lười biếng, tán Tâm mê mờ, hành động ngang bằng với loài chim thú. Từ xưa đến nay không có điều gì chẳng do việc ấy mà giết cha mẹ, diệt tông môn. Thế nên bậc Sa Môn luôn đơn độc chẳng kết đôi, thanh khiết Chí ấy dùng Đạo làm công việc, phụng Giới trong sáng (Minh Giới) này.

Làm vua tức phải giữ yên bốn biển, làm bề tôi phải trung thành, dùng điều Nhân nuôi dân. Tức cha sáng suốt, con hiếu từ, chồng đáng tin, vợ trung trinh.

Ưu Bà Tắc (Cận Sự Nam) , Ưu Bà Di (Cận Sự Nữ) chấp hành như vậy thì đời đời gặp Phật, thấy Pháp, được Đạo”

Đức Phật nói như vậy thời Đệ Tử vui vẻ.

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG