Kinh Dụ Mặt Trăng
Hãy sống như mặt trăng; khi đi vào nhà người khác với tàm quý, khiêm hạ, kiểm thúc tâm, thúc liễm thân hình như người mới học. Như người mắt sáng khi lội vực sâu, lên đỉnh núi, kiểm thúc tâm, thúc liễm thân hình và chậm rãi tiến tới trước

Phật Thuyết Nguyệt Dụ Kinh
Tống Thi Hộ dịch
Bản Việt dịch (1) của Thích Đức Thắng
Bản Việt dịch (2) của Thích Nữ Tịnh Quang
***
Kinh Dụ Mặt Trăng
Việt dịch: Thích Đức Thắng
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy sống như mặt trăng; khi đi vào nhà người khác với tàm quý, khiêm hạ, kiểm thúc tâm, thúc liễm thân hình như người mới học. Như người mắt sáng khi lội vực sâu, lên đỉnh núi, kiểm thúc tâm, thúc liễm thân hình và chậm rãi tiến tới trước.
“Tỳ-kheo cũng vậy, sống như mặt trăng; khi đi vào nhà người khác với tàm quý, khiêm hạ, kiểm thúc tâm, thúc liễm thân hình như người mới học.
“Tỳ-kheo Ca-diếp sống như mặt trăng; khi đi vào nhà người khác với tàm quý, khiêm hạ không cao mạn, kiểm thúc tâm, thúc liễm thân hình như người mới học. Như người mắt sáng lội vực sâu, lên đỉnh núi chế ngự tâm, thúc liễm thân, xem xét kỹ rồi mới tiến.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Ý các ông thế nào? Tỳ-kheo phải như thế nào mới vào nhà người?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là chỗ nương tựa của pháp, xin Thế Tôn nói rộng, các Tỳ-kheo nghe xong sẽ nhận lãnh phụng hành.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông giảng nói.
“Nếu Tỳ-kheo nào ở nhà người mà tâm không bị dính, không bị trói, không tham đắm dục lạc; đối với cái lợi mà người khác có, công đức mà người khác làm, hoan hỷ như là của chính mình, không sanh ra tư tưởng ganh tị; cũng không tự đề cao mình, hạ thấp người. Tỳ-kheo như vậy mới nên vào nhà người.”
Bấy giờ, Thế Tôn đưa tay sờ vào hư không, rồi hỏi các Tỳ-kheo:
“Hiện tại tay này của Ta có bị dính, bị trói, bị nhiễm bởi hư không chăng?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, không,”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Pháp của Tỳ-kheo thường như vậy, với tâm không bị dính, không bị trói và không bị nhiễm khi vào nhà người. Chỉ có Tỳ-kheo Ca-diếp là với tâm không bị dính, không bị trói và không bị nhiễm khi vào nhà người. Đối với cái lợi mà người khác có, công đức mà người khác làm, hoan hỷ như là của chính mình, không sanh ra tư tưởng ganh tị; cũng không tự đề cao mình, hạ thấp người, chỉ có Tỳ-kheo Ca-diếp như vậy mới nên vào nhà người.”
Bấy giờ, Thế Tôn lại đưa tay sờ vào hư không, rồi hỏi các Tỳ-kheo:
“Ý các ông thế nào? Hiện tại tay này của Ta có bị dính, bị trói, bị nhiễm bởi hư không chăng?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, không,”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Chỉ Tỳ-kheo Ca-diếp thường như vậy, với tâm không bị dính, không bị trói và không bị nhiễm khi vào nhà người.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Tỳ-kheo như thế nào mới đáng là thuyết pháp thanh tịnh?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là nơi nương tựa của pháp, xin Ngài nói rộng, chúng con nghe xong sẽ nhận lãnh phụng hành.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà giảng nói.
“Nếu có Tỳ-kheo nào thuyết pháp cho người mà khởi tâm như vầy: ‘Những ai khởi tín tâm thanh tịnh đối với ta? Làm như thế rồi, cúng dường y phục, ngọa cụ, mền nệm và thu c men.’ Thuyết như vậy, gọi là thuyết pháp không thanh tịnh.
“Nếu lại có Tỳ-kheo nào thuyết pháp cho người, khởi nghĩ như vầy: ‘Chánh pháp luật được Thế Tôn hiển hiện, lìa các nhiệt não, không đợi thời tiết, ngay nơi hiện thân này, duyên nơi tự tâm mà giác tri, hướng thẳng Niết-bàn. Nhưng chúng sanh thì đắm chìm vào già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Những chúng sanh như vậy nếu nghe được Chánh pháp, nhờ nghĩa lợi thì mãi mãi sẽ được an lạc. Nhờ nhân duyên Chánh pháp này, bằng tâm từ, tâm bi, tâm thương xót và tâm muốn Chánh pháp được trụ thế lâu dài mà thuyết cho người’. Đó gọi là thuyết pháp thanh tịnh.
“Chỉ có Tỳ-kheo Ca-diếp mới có tâm thanh tịnh như vậy mà vì người thuyết pháp; bằng Chánh pháp luật của Như Lai,… cho đến vì tâm muốn làm Chánh pháp được trụ thế lâu dài mà vì người thuyết pháp.
“Cho nên, các Tỳ-kheo, phải học như vậy, thuyết pháp như vậy, đối với Chánh pháp luật của Như Lai,… cho đến tâm muốn khiến cho Chánh pháp được thường trụ lâu dài mà vì người thuyết pháp.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh Phật Nói Nguyệt Dụ
Việt dịch: Thích Nữ Tịnh Quang
Tôi nghe như vầy, một thời đức Thế Tôn ở thành Vương Xá, tinh xá Ca Lan Đà Trúc Lâm, cùng các Tỳ Kheo câu hội.
Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo rằng: như thế gian đã thấy, mặt trăng sáng tròn đầy, lướt trên hư không, thanh tịnh vô ngại, với các Tỳ kheo, không mất uy nghi, thường như kẻ sơ tâm, đầy đủ sự tàm quý đối với thân hoặc tâm, chưa từng tán loạn, phép tắc uy nghi như vậy, khi đi vào nhà thế tục thanh tịnh không nhiễm cũng như ánh trăng đó. Này các Tỳ Kheo, lại như người có minh nhãn, vào trong nước lớn vực sâu hoặc đi vào nơi sông ngòi hiểm trở, hoặc đến chỗ núi non cao thấp chồng chềnh, dùng minh nhãn đó thì có thể thấy được, rời xa các nỗi sợ hãi nghi ngờ như trên. Tỳ Kheo cũng như thế. Này các Tỳ kheo, như ta đã nói, ví như mặt trăng lướt trên hư không, thanh tịnh vô ngại, giống như người mắt sáng bước vào chốn hiểm nguy, không có các nỗi lo sợ nghi ngờ. Như hiền giả Ca Diếp chẳng mất uy nghi, thường như kẻ sơ tâm, đầy đủ sự tàm quý, hoặc thân hay tâm chưa từng tán loạn. Phép nghi như vậy vào nhà thế tục, thanh tịnh không nhiễm, lìa các sợ hãi lại cũng giống như thế.
Bấy giờ đức Thế Tôn lại hỏi các Tỳ Kheo, các Tỳ Kheo, nếu khi vào nhà thế tục nên khởi tâm gì? nên dùng tướng nào để vào nhà ấy?
Các Tỳ Kheo bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn Phật là nơi quy hướng, Phật là chư pháp bổn, Phật là mắt thanh tịnh, chúng con không biết nghĩa này như thế nào, xin đức Thế Tôn vì thương chúng con chỉ bày, khiến các Tỳ Kheo nghe rồi thấu rõ.
Phật bảo, các Tỳ Kheo các ông lắng nghe và khéo suy nghĩ, ta nay vì các ông mà nói. Nếu các Tỳ Kheo khi muốn vào nhà thế tục nên khởi tâm không dính mắc, không ràng buộc, không chấp thủ, y luật nghi tướng mà vào nhà đó. Chỉ nhận lợi dưỡng vì muốn người kia làm các phước sự, theo chỗ phần lượng có được của mình mà thọ nhận. Lại khéo khởi tâm nghĩ mình không cao, người khác không thấp. Khởi tâm như thế, dùng tướng như thế, có thể vào nhà thế tục.
Bấy giờ đức Thế Tôn đưa nắm tay không bảo chúng Tỳ Kheo rằng: ý các ông nghĩ sao? Hư không có vướng mắc, ràng buộc, chấp thủ không?
Các Tỳ Kheo trả lời: thưa Thế Tôn, không.
Phật bảo, nếu Tỳ Kheo tâm không vướng mắc, không ràng buộc, không chấp thủ mà vào nhà thế tục cũng lại thanh tịnh như hư không vậy.
Bấy giờ đức Thế Tôn lại đưa nắm tay không lên một lần nữa và bảo các chúng Tỳ Kheo rằng, các Tỳ Kheo, ý các ông như thế nào? Hư không có dính mắc, rang buộc hay chấp thủ không?
Các Tỳ kheo trả lời, thưa Thế Tôn không.
Phật bảo: Ca Diếp, Tỳ Kheo cũng lại như thế, dùng tâm không vướng mắc, không ràng buộc, không chấp thủ mà vào nhà thế tục, tùy nhận lợi dưỡng, vì muốn người kia làm các phước sự, theo chỗ có được phần lượng của mình mà nhận, lại khởi tâm tốt, nghĩ mình không cao, người khác không thấp. Các Tỳ kheo, y theo nghĩa này như hiền giả Ca Diếp, nên vào nhà thế tục để tiếp nhận sự lợi dưỡng.
Bấy giờ các Tỳ Kheo lại bạch Phật rằng: Thế Tôn, nếu các Tỳ Kheo lúc vì người thế tục mà nói pháp, hoặc có thanh tịnh, hoặc không thanh tịnh, việc kia như thế nào? Xin Phật Thế Tôn khéo vì chúng con tuyên thuyết.
Phật bảo, các Tỳ Kheo, các ông lắng nghe, hãy khéo nhận hiểu, nay ta vì các ông mà nói. Nếu các Tỳ Kheo vì lòng tham muốn mà khiến người khác phát khởi tín tâm và làm các việc tín tâm, cấp thí các thứ y phục, ăn uống, giường chiếu, thuốc men bệnh hoạn…dùng việc lợi này vì người khác mà nói pháp, điều này không phải thanh tịnh. Nếu các Tỳ Kheo, y theo lời Phật đã dạy, an trụ chánh kiến, rời các nhiễm ô, như luyện vàng ròng, khử trừ chất uế, thấy pháp như thế, chứng pháp như thế, như ta vừa nói là pháp có thể lìa sanh già bịnh chết, sầu bi khổ não, dùng pháp như thế vì người khác nói khiến người kia đạt được sự Nghe pháp như thế, theo đó tu hành, ở trong đêm dài được lợi lạc lớn. Vì nhân duyên này phát sinh lòng từ tâm bi bình đẳng, do nhân duyên này khiến chánh pháp Phật tồn tại lâu dài. Các Tỳ Kheo nếu khởi tâm như thế vì người khác nói pháp, đó là thanh tịnh.
Lại nữa các Tỳ Kheo, các ông phải biết, hiền giả Ca diếp hay khởi tâm thanh tịnh vì người khác nói pháp, dùng tâm thanh tịnh này khiến Phật Pháp trụ thế lâu dài, cho nên các ông, các chúng Tỳ Kheo cũng nên như vậy, như lý mà tu học. Lại nữa các Tỳ Kheo, nếu hay khởi tâm như thế vì người khác nói pháp thì ta gọi đó là tối thượng của sự thanh tịnh chân thật, có thể khiến cho chánh pháp Như Lai tồn tại lâu dài.
Phật thuyết kinh rồi các chúng Tỳ Kheo vui vẻ tin nhận.
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






