Kinh Danh Hiệu Bát Đại Linh Tháp
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các vị Tỳ Kheo rằng: Ta nay xưng dương danh hiệu của tám đại linh tháp, các ngươi hãy lắng nghe và vì các ngươi mà nói. Thế nào là tám ?

Kinh Danh Hiệu Bát Đại Linh Tháp
Phật Thuyết Bát Đại Linh Tháp Danh Hiệu Kinh
Tống Pháp Hiền dịch
Bản Việt dịch (1) của Thích Như Điển
Bản Việt dịch (2) của Huyền Thanh
***
Kinh Danh Hiệu Bát Đại Linh Tháp
Việt dịch: Thích Như Điển
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các vị Tỳ Kheo rằng: Ta nay xưng dương danh hiệu của tám đại linh tháp, các ngươi hãy lắng nghe và vì các ngươi mà nói. Thế nào là tám ?
Đó chính là:
Thứ nhất là nơi thành Ca Tỳ La, nơi Đản Sanh ở vườn Lâm Tỳ Ni (Long Di Nhĩ).
Thứ hai là nơi nước Ma Già Đà, bên cạnh sông Ni Liên, dưới gốc cây Bồ Đề là nơi thành Phật quả.
Thứ ba là nơi nước Ca Thi, thành Ba La Nại là nơi sơ chuyển Pháp luân.
Thứ tư là nơi nước Xá Vệ, vườn của Kỳ Đà, là nơi hiện đại thần thông.
Thứ năm là nơi thành Khúc Nữ, nơi từ cõi Trời Đao Lợi giáng xuống.
Thứ sáu là nơi thành Vương Xá, Phật phân biệt các Thanh Văn và vì đó hóa độ.
Thứ bảy là nơi thành Quảng Nghiêm là nơi Linh Tháp Tư Niệm Thọ Lượng.
Thứ Tám là nơi thành Câu Thi Na ở trong rừng Sa La giữa hai cây Sa La nhập Niết Bàn.
Như thế là tám Đại Linh Tháp. Lại nói kệ rằng:
Vua Tịnh Phạn ở thành Ca Tỳ
Long Di Nhĩ Viên Phật sanh ra
Ma Già Đà bên sông Ni Liên
Dưới gốc Bồ Đề thành chánh giác
Nước Ca Thi thành Ba La Nại
Chuyển đại Pháp luân mười hai việc
Thành Xá Vệ nơi vườn Kỳ Viên
Khắp cả ba cõi hiện thần thông
Nước Tang Ca Thi thành Khúc Nữ
Từ cung Trời Đao Lợi giáng xuống
Thành Vương Xá nơi Tăng phân biệt
Như Lai lành hóa hạnh từ bi
Nơi Linh Tháp tại thành Quảng Nghiêm
Nơi Như Lai Tư Niệm Thọ Lượng
Thành Câu Thi Na đất đại lực
Sa La Song Thọ nhập Niết Bàn
Đây chính là tám Đại Linh Tháp. Nếu có Bà La Môn hoặc người con trai lành, người con gái tốt nào phát đại tín tâm tu tạo tháp miếu và thừa sự cúng dường, thì người nầy được lợi ích lớn, được quả báo lớn, đều được xưng tán, tên nghe khắp nơi, rộng sâu to lớn. Cho nên các vị Tỳ Kheo lại cũng nên biết.
Lại nữa nầy các Tỳ Kheo! Nếu có tịnh tín thiện nam tử thiện nữ nhơn nào hay ở nơi tám đại tháp nầy hướng đến đó để chí thành cúng dường, thì người nầy khi mệnh chung liền sanh về cõi Trời.
Lúc ấy Đức Thế Tôn lại bảo các vị Tỳ Kheo rằng: Các ngươi hãy lắng nghe ta nói đây: Nơi thành nước Du Chỉ khi còn ở đời đã nói kệ rằng:
Hai mươi chín tuổi ở Vương Cung
Sáu năm núi tuyết tu khổ hạnh
Năm năm hóa độ thành Vương Xá
Bốn năm ở tại rừng Tỳ Sa
Hai năm an cư Nhạ Lý Nham
Hai mươi ba năm ở Xá Vệ
Thành Quảng Nghiêm và Vườn Lộc Uyển
Ma Câu Lợi cùng Đao Lợi Thiên
Thi Du Na và Kiều Đàm Di
Tháp quý núi cao cùng hoang dã
Nơi chốn Vĩ Nỗ vua Phệ Lan
Vua Tịnh Phạn đều thành Ca Tỳ
Đây là những Thánh cảnh mỗi năm
Thích Ca Như Lai đều đi, ở
Như thế tám mươi năm ở đời
Sau đó yên lặng vào Niết Bàn.
Kinh Danh Hiệu Của Tám Linh Tháp Lớn
Việt dịch: Huyền Thanh
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các vị Bật Sô (Bhikṣu: Tỳ Khưu): “Nay Ta xưng dương danh hiệu của tám cái Linh Tháp lớn. Các ông hãy nghe cho kỹ ! Ta sẽ vì các ông.
Nhóm nào là tám ? Ấy là:
1_ Vườn Long Di Nễ (Lumbinī) trong thành Ca Tỳ La (Kapila, hay Kapila¬vatsu) là nơi Đức Phật đản sinh
2_ Dưới cây Bồ Đề (Bodhi-druma, Bodhi-taru, Bodhi-vṛkṣa) bên cạnh sông Nê Liên (Nairañjanā) trong nước Ma Già Đà (Magadha) là nơi Đức Phật chứng Đạo Quả
3_ Thành Ba La Nại (Vārāṇasī) trong nước Ca Thi (Kāśi) là nơi (Đức Phật) chuyển bánh xe Pháp lớn (Đại Pháp Luân: Mahā-dharma-cakra)
4_ Vườn Kỳ Đà (Jeṭavaṇa) trong nước Xá Vệ (Śrāvastya) là nơi (Đức Phật) hiện Đại Thần Thông
5_ Cái thành Khúc Nữ (Kanyākubja) là nơi (Đức Phật) từ trên Trời Đạo Lợi (Trāyastriṃśa) đi xuống
6_ Thành Vương Xá (Rājagṛha) là nơi Đức Phật vì Thanh Văn (Śrāvaka) phân biệt mà hóa độ.
7_ Ngôi tháp linh trong thành Quảng Nghiêm (Vaiśali) là nơi (Đức Phật) nghĩ nhớ tuổi thọ (thọ lượng)
8_ Giữa hai cây lớn bên trong rừng Sa La (Śāla) tại thành Câu Thi Na (Kuśinagara) là nơi (Đức Phật) vào Niết Bàn (Nirvāṇa)
Tám cái Linh Tháp lớn như vậy, một lần nữa nói Tụng là:
_ Tịnh Phạn Vương Đô (Kinh đô của vua Tịnh Phạn), thành Ca Tỳ (Kapila)
Vườn Long Di Nễ (Lumbinī) nơi Phật sinh.
_ Ma Già Đà (Magadha) bên sông Nê Liên (Nairañjanā)
Dưới cây Bồ Đề (Bodhi-vṛkṣa) thành Chính Giác
_ Nước Ca Thi (Kāśi), thành Ba La Nại (Vārāṇasī)
Chuyển Đại Pháp Luân, mười hai Hành
_ Đại thành Xá Vệ (Śrāvastya) trong Kỳ Viên (Jeṭavaṇa)
Tràn khắp ba cõi, hiện Thần Thông
_ Nước Tang Thi Ca () thành Khúc Nữ (Kanyākubja)
Từ cung Trời Đao Lợi đi xuống
_ Đại thành Vương Xá (Rājagṛha) Tăng (Saṃgha) phân biệt
Như Lai khéo hóa, hành Từ Bi
_ Đại thành Quảng Nghiêm (Vaiśali) trong Linh Tháp
Nơi Như Lai nghĩ nhớ tuổi thọ (thọ lượng)
_ Thành Câu Thi Na (Kuśinagara) đất Đại Lực
Sa La song thọ, vào Niết Bàn
Tám Linh Tháp lớn như vậy. Nếu có Bà La Môn với kẻ trai lành, người nữ thiện phát Tâm tin tưởng lớn, tu sửa xây dựng Tháp Miếu, thừa sự cúng dường thì người này được lợi ích lớn, được quả bảo lớn, đầy đủ sự xưng tán rộng lớn, tiếng tăm vang khắp nơi, rộng lớn thâm sâu…cho đến các Bật Sô cũng cần phải học.
Lại nữa các Bật Sô ! Nếu kẻ trai lành, người nữ thiện có niềm tin trong sạch, hay đối với tám Linh Tháp lớn này, hướng về chỗ này, trong đời này chí thành cúng dường. Khi người đấy chết đi, mau sinh về cõi Trời”
Bấy giờ Đức Thế Tôn lại bảo các Bật Sô: “Các ông hãy nghe cho kỹ ! Nay Ta sẽ nói việc dạo chơi, nghĩ ngơi tại Quốc Thành với trụ ở đời”
Rồi nói Tụng rằng:
“Hai mươi chín năm ở cung vua
Sáu năm, núi Tuyết tu khổ hạnh
Năm năm hóa độ thành Vương Xá (Rājagṛha)
Bốn năm ở tại rừng Tỳ Sa
Hai năm an cư hang Nhạ Lý
Hai mươi ba năm ở Xá Vệ (Śrāvastya)
Thành Quảng Nghiêm (Vaiśali)với vườn Lộc Dã (Mṛgadāva)
Ma Câu Lê và Đao Lợi Thiên (Trāyastriṃśa)
Thi Du Na với Kiêu Thiểm Di (Kauśāmbi)
Tháp báu, đỉnh núi kèm Đại Dã (đồng ruộng rộng lớn)
Làng xóm Vĩ Nộ, Phệ Lan Đế
Tịnh Phạn Vương Đô, thành Ca Tỳ (Kapila)
Thánh cảnh nhóm này đều một năm
Thích Ca Như Lai (Śākya-muṇi-tathāgata) bèn đi, trụ
Như vậy tám mươi năm đã trụ
Sau đó Mâu Ni (Muṇi) vào Niết Bàn (Nirvāṇa)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






