Các Loại Ngữ Ngôn Trong Phật Đạo

Các bạn !!!
Khi đọc kinh, nếu để ý, ta sẽ thấy Phật đạo có nhiều cách diễn giải một pháp, trong mỗi cách diễn giải ta lại thấy cách đặt vấn đề, ngữ ngôn hoàn toàn không giống nhau !!!
Ví dụ: Đồng là bốn niệm xứ, nhưng có lúc bảo rằng: Thân bất tịnh; thọ thị khổ; tâm vô thường; pháp vô ngã !!! Có lúc lại nói: Bốn xứ do duyên, tụ tán vô thường !!! Cũng có lúc dạy: Thân đồng hư không; thọ chẳng ở trong chẳng ở ngoài chẳng ở chặng giữa; tâm chỉ là danh tự, tánh danh tự rời rạc; pháp thiện chẳng thể được, bất thiện chẳng thể được !!! Có lúc lại nói: Bốn xứ đầy đủ bốn đức thường, ngã, lạc, tịnh...!!!
Phật đạo là loại hình giáo dục tâm cơ... Vì thế, mỗi cách diễn giải, thông thường tương ứng với một số cảnh giới nhất định, giúp người nghe thành tựu hoặc thấy được nghĩa quyết định của cảnh giới người ấy sắp bước vào !!!
Tuy rằng, Phật đạo có rất nhiều cảnh giới, nhưng các cảnh giới ấy không ngoài các mục tiêu của Phật đạo đề ra, và trí tuệ chính là mục tiêu tối thượng !!! Để giúp người tu hành thành tựu những điều cần thành tựu, tuỳ địa vị tu tập, Phật đạo thiện xảo sử dụng các loại ngữ ngôn khác nhau, cụ thể đó là bốn loại ngữ ngôn mà ta dễ dàng bắt gặp qua ngũ thời thuyết pháp, gồm có: Quyền ngữ, phương tiện ngữ, chân ngữ, và thật ngữ (còn gọi là chân thật ngữ) !!!
- Quyền ngữ (lời quyền) và phương tiện ngữ: Là loại ngữ ngôn dùng để dẫn dụ nhân thừa, thiên thừa, nhị thừa thấy được lỗi hoạ cùng sự cột trói của pháp thế gian...Để giúp các thừa trên tránh lỗi hoạ và thoát ra khỏi cột buộc của thế pháp, Phật đạo lại bày ra các phương tiện tiến tu, nhằm giúp những thừa này đặt một chân vào đạo xuất thế !!! Đây là loại ngữ ngôn hàm chứa ý vị của hai chữ “tương lai” mà ta thường bắt gặp từ thế luận !!!
Giống như giảng giải cho người biết rằng, bờ bên này là hiểm nạn, bờ bên kia mới là nơi chốn bình yên, hãy dùng chiếc bè đã có và tinh tấn bơi chèo để sang bên ấy !!! Loại ngữ ngôn này ta thường thấy trong kinh tạng Nikaya !!! Hình ảnh khắc hoạ rõ nét quyền ngữ và phương tiện ngữ chính là câu chuyện ba xe, hay chuyện ông trưởng giả và gã cùng tử trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa !!!
- Chân ngữ: Đây là loại ngữ ngôn dùng để giáo Bồ tát quyền thừa !!! Loại ngữ ngôn này gồm một phần chân thật, một phần mang hình bóng phương tiện !!!
Về cách tuyên thuyết chân ngữ, giống như đánh thức một người ngủ mê, trong chiêm bao người ấy thấy mình bị các ác nghiệp !!! Chân ngữ vừa giải thích cho người biết rằng giấc mơ hoàn toàn không thật, vừa dùng phương cách để người ấy hoàn toàn tỉnh giấc và tự nhận ra sự thật những gì đã thấy trong lúc chiêm bao đều hư vọng, đồng thời biết rõ rằng “bản chân lìa thiện ác” !!!
Loại ngữ ngôn này, ta có thể bắt gặp trong các kinh giáo Bồ tát như Kim Cang, Thủ Lăng Nghiêm, Lăng Già...v..v...!!! Chân ngữ là loại ngữ ngôn giúp người tu hành thấu suốt ý nghĩa của hai chữ “vị lai” trong Phật đạo !!!
- Thiệt ngữ (chơn thiệt ngữ): Đây là loại ngữ ngôn của thật trí, chỉ thẳng bản chất của các pháp, thân tâm và thế giới !!!
Sự rốt ráo của thiệt ngữ nêu bật bản chất của các pháp, thân tâm và thế giới chính là Đại niết bàn, là giải thoát rốt ráo !!! Loại ngữ ngôn này giúp người học trí tuệ mất đi hai phần sở trí ngu để thành tựu Nhiếp thọ chánh pháp vô dị biệt !!!
Ví như nói rằng, trăng tròn mười sáu hôm nay, vốn dĩ nó đã tròn từ trước !!! Hoặc, trăng tròn mười sáu hôm nay, không phải là sự kế thừa của các ngày trăng khuyết trước đó !!! Đây là thật nghĩa của hai chữ “đương lai” !!!
Tuy nhiên, để có thể nhận ra lời nào quyền, lời nào thiệt trong kinh điển là điều không dễ đối với người tu hành !!! Vì rằng, muốn nhận ra lời nào là quyền, lời nào là thiệt, lời nào là chân, lời nào phương tiện...Người tu hành phải thành tựu đầy đủ hai phần rộng và sâu của giáo pháp !!!
Nếu chưa thành tựu rộng sâu, mà cụ thể là thuyết thông và tông thông !!! Và nếu, chỉ căn cứ vào suy luận chủ quan, khi nói hay viết, người tu hành thường bị lẫn lộn giữa lời này và lời kia, giữa văn tự của cảnh giới này và cảnh giới khác !!! Điều này dẫn đến ngôn thuyết, văn tự lẫn nhiều hạt sạn, hình thành nên các lỗi tứ cú và phi cú !!!
Về phần người đọc, trước một áng văn, bài thơ được lắp ghép bởi những từ ngữ hoặc câu chữ mang nhiều sắc thái thâm u từ các cảnh giới trong Phật đạo, sự lắp ghép lộn lạo này vô hình trung trở thành “ma trận ngữ ngôn”, lại càng khiến người đọc không thể nhận ra sự lắp ghép khiên cưỡng chứa trong bài văn hay bài thơ ấy... Từ đó, ý vị của hai phạm trù “tạp và diệu” bị đánh lận hay bị đánh đồng một cách oan uổng !!!
Để nhận ra các loại ngữ ngôn trong Phật đạo, cũng như biết cách thể hiện một bài viết, hoặc đánh giá một luận giải bất kì trên tinh thần “tam thân” hoặc “nhơn minh luận” !!! Ngoài việc bản thân phải thân chứng một số cảnh giới nhất định, người tu hành còn phải học hai môn học quan trọng là Thấu thị môn và Thẩm sát môn !!! Thẩm sát môn và Thấu thị môn chính là công cụ đủ mạnh để gạn đục khơi trong, là năng lực nhìn nhận tinh tế nhất giúp ta nhận ra sự vô lí từ những lắp ghép khiên cưỡng ấy !!!
Một thực tế không thể phủ nhận, không ít những bài văn, bài thơ được lắp ghép khiên cưỡng như những gì đã nêu !!! Câu đầu đề cập cảnh giới này bằng loại ngữ ngôn này, câu sau lại kết luận cảnh giới kia mà lại sử dụng loại ngữ ngôn nọ, khi đọc những bài viết như vậy, nếu tinh ý, ta sẽ thấy trong mớ hỗn độn chữ nghĩa chồng chéo, chống trái nhau được lắp ghép thô thiển, chẳng khác gì bát cơm lộn cát sạn !!!
Sự việc như thế, mới nhìn tưởng chừng vô hại, nhưng trong sâu thẳm, điều đó lại là cản ngại vô cùng lớn trên bước đường thâm nhập giáo pháp của những người đang còn trong địa vị học tập !!! Vì rằng, giống như những những tín hiệu nhiễu trên một màn hình ra đa, cho dù đó là nhiễu tạp nội bộ, nhiễu tích cực hay nhiễu tiêu cực đều khiến các trắc thủ vô cùng khó khăn khi xác định mục tiêu !!!
Hy vọng, bài viết sẽ giúp HĐ Lý Gia bình tĩnh, dùng bản lĩnh có được từ Thẩm sát môn, Thấu thị môn mà các bạn đã học, biết cách nói như pháp, viết như pháp, biết cách nhận xét, đánh giá khi đọc một bài văn bài thơ bất kì và biết cách phát hiện, loại bỏ những tín hiệu nhiễu làm sai lệch mục tiêu... Từ đó,“mê hồn trận” của ngữ ngôn, và “những hạt sạn” được bọc dưới lớp vỏ đầy màu sắc rực rỡ của văn tự cao siêu cho dù lắp ghép vụng về hay tinh xảo đều không làm mờ tối các bạn !!!
13/03/2021
LÝ TỨ
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






